Trang chủ Right arrow Khám phá sinh mệnh

Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc hoa thuỷ tiên

08-07-2025

Tác giả: Phúc Chính chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Vào dịp Tết, ở hầu hết các vùng phía Nam Trung Quốc còn lưu giữ phong tục thưởng lãm hoa thủy tiên. Vào khoảng thời gian trước và sau đêm giao thừa, những chậu thủy tiên được trưng bày trên bàn, trắng muốt như tuyết, hương thơm ngào ngạt khiến người ta say đắm. Đặc biệt là ở Quảng Châu, hoa thủy tiên không chỉ có mặt trong các khách sạn, cửa hàng, mà còn được trang trí khắp các con hẻm nhỏ, xứng danh là “quê hương của thủy tiên”. Trong khoảnh khắc đó, khách và chủ cùng trò chuyện vui vẻ, thưởng thức vẻ đẹp của hoa, tạo nên một thú vui tao nhã. Đồng thời, trong khi thưởng hoa, mọi người thường không khỏi nhắc đến những câu chuyện thú vị về hoa thủy tiên.

Tương truyền, ngày xưa có một phú ông sinh được hai người con trai. Ông quản lý ruộng đất, sống cuộc sống nhàn nhã, sung túc. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông qua đời, hai người con trai liền quyết định chia gia sản và ở riêng. Người anh cả ỷ thế làm anh, thấy em trai khờ khạo, dễ bắt nạt, bèn chiếm hết toàn bộ ruộng đất và tiền bạc làm của riêng, chỉ chia cho em trai một bãi đất hoang cằn cỗi. Người em trai không biết làm sao, đành chấp nhận, không hề oán thán. Thế nhưng, bãi đất hoang ấy chẳng có giá trị gì, không thể cày cấy, cũng không thể trồng trọt, làm sao có thể kiếm sống đây? Không còn cách nào khác, người em đành phải cầm cố đồ đạc để sống qua ngày, ăn cơm độn, rau dại… Cứ như vậy một thời gian dài, đồ đạc trong nhà cầm cố hết, chẳng còn gì để sống nữa. Người em trai đã nhịn đói mấy ngày liền, đói đến mức không thể chịu đựng được nữa, bèn chạy đến vay tiền anh trai. Người anh trai sở hữu rất nhiều của cải, sống trong trang viên rộng lớn, mặc lụa là gấm vóc, ăn sơn hào hải vị. Nhưng hắn ta lại chẳng có chút tình nghĩa anh em nào, không những không chịu giúp đỡ mà còn đuổi em trai ra khỏi cửa. Người em trai không còn cách nào khác, đành ngoan ngoãn bước ra ngoài, ngồi trên đường khóc nức nở, nước mắt tuôn rơi như suối, ướt đẫm cả vạt áo.

Thế nhưng, tiếng khóc ấy lại kinh động đến Ngọc Hoàng Thượng Đế trên thiên đình. Ngài vội hỏi các quan cận thần: “Ở phương nào dưới trần gian có tiếng một người đàn ông khóc than thảm thiết, rốt cuộc là khóc vì điều gì, các ngươi mau đi điều tra rồi bẩm báo!” “Vậy hãy mời Thổ Địa ở đó điều tra rõ ràng rồi bẩm báo!” một vị quan tâu. “Được, cứ làm như vậy đi”. Ngọc Hoàng đồng ý.

Thổ Địa nhận thánh chỉ của Ngọc Hoàng, liền cưỡi mây lên thiên đình diện kiến Ngọc Hoàng và kể lại cặn kẽ mọi chuyện. Ngọc Hoàng nghe xong, gật đầu mỉm cười nói: “Thật là một người thành thật, trung hậu!” “Vậy Đại Đế định cứu giúp người trung hậu mà đáng thương này như thế nào?” Thổ Địa hỏi. Ngọc Hoàng suy nghĩ một lát rồi nói: “Giao cho anh ta trồng hoa thủy tiên có được không?” “Nhưng nếu người khác bắt chước trồng thì chẳng phải hắn ta vẫn nghèo xơ nghèo xác sao?” Ngọc Hoàng nói: “Ta sẽ ban một lời chú, rồi giao cho ngươi mang xuống cho anh ta trồng. Chỉ có thủy tiên trồng ở vùng đất hoang của anh ta mới có hoa, còn đem đi nơi khác trồng thì chỉ có hoa vào năm đó. Qua một năm, dù ngươi có chăm sóc thế nào cũng không ra hoa nữa. Nếu muốn có hoa, phải mua giống từ anh ta”.

Thổ Địa lĩnh thánh chỉ của Ngọc Hoàng, mang theo hoa thủy tiên, cưỡi mây trở về trần gian. Ông hóa thành một ông lão rách rưới chống gậy đi qua chỗ người em, hỏi han sự tình. Người em kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thổ Địa nghe xong cũng cảm thấy xót thương, liền an ủi người em: “Trời cao không tuyệt đường người lương thiện, đây là củ hoa thủy tiên, cậu hãy mang về trồng ở vùng đất hoang kia đi, sau này số tiền thu được sẽ rất lớn!” “Nhưng làm sao củ hoa lại có thể kiếm được nhiều tiền như vậy? Người ta sẽ không đem giống đi trồng ở nơi khác sao? Qua một năm thì ai còn mua giống của tôi nữa?” “Đừng lo lắng, đây là giống hoa đã được Ngọc Hoàng Đại Đế niệm chú rồi, ai đem đi trồng cũng vô hiệu. Ai muốn trồng thì mỗi năm đều phải đến mua giống của cậu”. Người em trai vừa chớp mắt, ông lão đã biến mất. Anh vội vái lạy trời đất để tỏ lòng cảm tạ.

Từ đó, người em trai làm theo lời dặn, đem hoa thủy tiên trồng ở vùng đất hoang. Cây rất dễ sống và nhanh chóng lan ra khắp cả vùng đất cằn cỗi. Đến Tết Nguyên Đán, thủy tiên nở rộ những bông hoa thơm ngát, ai nhìn cũng thích thú, ai cũng đến mua giống của anh. Cuộc sống của người em nhờ đó mà trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Những người mua giống cứ tưởng mua một lần là năm sau không cần mua nữa, ai ngờ giống cũ không ra hoa, năm nào cũng phải đến mua giống của người em. Nhờ cơ hội này, người em có cuộc sống ấm no, dần dần trở nên giàu có. Người anh không hiểu vì sao bỗng nhiên trở nên nghèo túng không đủ sống. Người em tốt bụng, nghĩ đến tình anh em, bèn lấy một ít giống cho anh.

Nhưng giống hoa mà người anh trồng thì không lớn, dù có lớn thì đa phần cũng chỉ là hoa đơn, chẳng có một cây hoa kép nào. Cứ như vậy, năm nào cũng xin giống của người em, kết quả vẫn như cũ. Còn người em thì ngày càng giàu có. Bởi vậy, ở một số vùng phía Nam, người ta đều coi hoa thủy tiên là loài hoa tượng trưng cho sự giàu sang, tốt lành, họ thường trồng để thưởng lãm đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, với mong ước gặp nhiều may mắn.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/53253

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài