Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc của Dương Liễu Quán Âm



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Tương truyền rằng: Quan Âm Bồ Tát có 33 hóa thân, Dương Liễu Quán Âm là một trong số đó.

Vào một ngày, Quan Âm Bồ Tát nghe nói khu vực Trung Châu dân chúng đạo đức bại hoại, bách tính ngu muội vô tri, tham tài háo lợi. Bồ Tát từ bi quyết định đi hoá độ những kẻ ngu muội đó.

Quan Âm Bồ Tát cưỡi mây đến núi Thái Thất ở vùng Trung Châu. Vào đêm đó, bà báo mộng cho bách tính địa phương rằng ngày mai Quan Âm Bồ Tát sẽ đi qua đây, điểm hóa người hữu duyên, giải cứu bách tính khỏi khổ nạn.

Ngày hôm sau, người dân địa phương xôn xao về giấc mộng tối qua, phát hiện mọi người đều mơ cùng một giấc mơ. Cho nên mọi người đều rất hy vọng chờ đợi sự xuất hiện của Quan Âm Bồ Tát. Mỗi lần nhìn thấy một người lạ, họ đều đến hỏi thăm, xem có phải là Quan Âm Bồ Tát hóa thân không. Nhưng điều làm mọi người thất vọng là không có ai là Quan Âm Bồ Tát cả.

Hóa ra, Quan Âm Bồ Tát hóa thành một bà lão nghèo khổ đi ăn xin dọc đường, không một ai chú ý đến bà.

Khi đó vùng đất Trung Châu khô hạn, mùa màng khô héo, người dân rất thiếu thốn lương thực. Quan Âm Bồ Tát hóa thành bà lão ăn xin đến rất nhiều nhà mà đều không xin được chút gì ăn, bà không nén được than rằng: “Hạn hán quả thực là thiên tai nhưng đó cũng là kết quả do chính con người gây ra”. Vừa hay có một ông lão tên là Lưu Thế Hiển nghe thấy tiếng than của Bồ Tát, ông liền động tâm, thầm nghĩ: “Lẽ nào lão phu nhân này chính là Quan Âm Bồ Tát?” Cho nên ông đến trước hỏi: “Bà lão, bà nói rất có đạo lý, ý của bà là vì người ở đây không nhất tâm hướng thiện nên mới gây ra thiên tai như thế này phải không. Nếu từ giờ trở đi, mỗi người đều tích đức hành thiện, sửa chữa sai lầm, thì thiên tai hôm nay có thể cứu được nữa không?”

Bồ Tát cười nói: “Ông Trời là nhân từ nhất, phúc thiện còn hơn trừng phạt cái ác gấp ba lần. Chỉ cần mọi người thành tâm sửa đổi, ông Trời sẽ nhìn thấy”. Lưu Thế Hiển nghe Bồ Tát điểm hóa, liền quỳ xuống bái lạy nói rằng: “Đa tạ Quan Âm Bồ Tát điểm hóa. Giờ đệ tử đã hiểu ra, xin Bồ Tát phát đại từ bi, thi triển pháp lực giáng mưa xuống. Đệ tử nguyện xây miếu thờ phụng Bồ Tát và khuyên mọi người quy y cửa Phật”.

Quan Âm Bồ Tát nói: “Hiếm có người một lòng thành tâm thay chúng sinh cầu xin như ngươi. Canh ba giờ ngọ ngày mai, ta sẽ hiện hóa chân thân và làm phép cho mưa xuống. Nhờ ngươi đi nói với bách tính ở đây, đến lúc đó sẽ được chứng kiến”. Lưu Thế Hiển vái thêm ba lạy thì Bồ Tát đã lặng lẽ biến mất.

Lưu Thế Hiển kể chuyện đã gặp Bồ Tát với mọi người, Mọi người nghe nói bà lão ăn xin là Bồ Tát, đều bán tín bán nghi, chỉ mong đến canh ba giờ ngọ để xem kết quả.

Ngày hôm sau, gần đến giờ ngọ, trên đỉnh núi Thái Thất có một đám mây trắng, mây trắng tản đi, Quan Âm Bồ Tát hiện ra chân thân. Chỉ thấy Bồ Tát thân dát vàng cao sáu thước, đầu đội mũ gấm, mặc áo cà sa, đôi chân trần, trong tay cầm một chiếc bình dương chi bạch ngọc, trong bình có nước cam lộ và cành liễu. Mọi người nhìn thấy vội vàng cúi lạy, miệng niệm pháp hiệu: “Đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát”. Quan Âm Bồ Tát từ trong bình lấy ra cành dương liễu, nhúng vào nước cam lộ, nhẹ nhàng rắc xuống đồng ruộng, hình ảnh của bà cũng dần dần biến mất. Chẳng mấy chốc, mưa như trút nước kéo dài nửa giờ mới tạnh.

Từ đó trở đi, vùng đất Trung Châu không ai không tin Phật Pháp, Lưu Thế Hiển quyên tiền xây miếu trên núi Thái Thất, thờ cúng Bồ Tát Quan Âm tay cầm bình dương liễu.

Hiện thân của Quan Âm Bồ Tát lần này được gọi là Dương Liễu Quán Âm.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/52061



Ngày đăng: 27-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.