Truyền thuyết dân gian: Thầy phong thủy



Tác giả: Tiếu Cộng

[ChanhKien.org]

Vào thời Càn Long triều Thanh, mọi người dân đều bái kính trời đất, trai giới tắm rửa thắp hương bái Phật, thành tâm cầu nguyện Thần Phật bảo hộ, khắp nơi đều là khung cảnh yên bình, tràn đầy sức sống.

Nghe kể rằng, vào thời đó ở làng chúng tôi, khi mùa vụ nông nhàn người ta đều mời đoàn kịch hát đến để biểu diễn hí kịch. Một số người giàu có muốn làm công đức cho làng, sau khi bàn bạc, bèn tự nguyện quyên góp tiền xây dựng một hí lâu (nhà hát hí kịch) để dân làng đến xem thuận tiện hơn.

Thời đó, bất luận muốn xây dựng gì cũng phải mời thầy phong thủy. Vì vậy, có người đã mời một thầy phong thủy nổi tiếng trong vùng đến. Thầy phong thủy vừa đến đã đi một vòng quanh làng, và chọn được một khu đất phong thủy đẹp nằm ở phía Nam của khu làng, cách đường chính không xa. Sau đó, ông xem ngày giờ tốt nhất để động thổ làm móng, khởi công xây dựng, cất nóc… Cuối cùng, ông nhấn mạnh thời điểm tốt nhất để cất nóc, cần phải xảy ra ba sự việc mới được cất nóc. Đó là ba sự việc gì? Thứ nhất, vào buổi sáng hôm đó phải có một người vác lừa đi từ đường lớn qua đây. Thứ hai, vào buổi sáng hôm đó phải có một người đội mũ sắt từ đây đi ra. Thứ ba, buổi sáng hôm đó phải có người cõng người cầm ô từ đường lớn đi qua đây. Lúc đó mới là thời điểm tốt nhất để cất nóc.

Bên cạnh có người nảy ra câu hỏi trong đầu, nếu như không xuất hiện ba sự việc trên thì làm thế nào? Nhưng thấy mọi người đều im lặng nên anh ta cũng không tiện mở lời. Cứ như vậy, mọi việc đều thuận lợi. Đến ngày cất nóc, mọi thứ đã chuẩn bị xong, mọi người ở đúng vị trí, chỉ đợi ba sự việc xuất hiện. Đợi mãi đợi mãi, đột nhiên có người nói: “Nhìn kìa, người vác lừa đã đến”. Mọi người nhìn ra ngoài, thấy từ xa một tráng sĩ vác một con lừa nhỏ từ từ tiến đến. Viêc thứ nhất đã ứng nghiệm, tinh thần mọi người đã khởi lên. Mọi người tiếp tục đợi, đợi mãi đợi mãi, lại có người hô: “Nhìn kìa, người đội mũ sắt tới rồi”. Mọi người hướng về phía đó, quả nhiên có một người đội cái nồi sắt đi qua. Việc thứ hai cũng ứng nghiệm rồi, có người trong nhóm không khỏi vui mừng. Mọi người lại tiếp tục đợi việc thứ ba sắp đến để còn chuẩn bị cất nóc. Lần này phải chờ đợi khá lâu, đợi đến gần trưa mới có người ở trên cao hét lên: “Nhìn kìa, người cõng người cầm ô đến rồi”. Mọi người nghe thấy trông ra xa, dần dần nhìn thấy một người lớn cõng một đứa trẻ trên vai, vì trời nóng nên đứa trẻ tay cầm lá cây che nắng làm bóng mát. Khi người đó cõng đứa trẻ đi qua, có người hét lên: “Cất nóc đi thôi!” Mọi người vô cùng vui mừng, như thể mọi chuyện đều nằm trong dự liệu của thầy phong thủy rồi.

Ngày qua ngày, hí lâu của làng rất nhanh đã hoàn thành. Đến khi mời được đoàn kịch hát đến cắt băng khánh thành và trình diễn hát một bài, thì mọi người càng ngạc nhiên hơn. Diễn viên ở trong nhà hát biểu diễn một bài, thì người ở cách đó 10 dặm vẫn nghe được giọng hát rất rõ ràng. Khi đó, tuy không có các thiết bị hiện đại như micro, âm li hay loa công suất lớn nhưng âm thanh vẫn có thể truyền đi xa như vậy, ngay cả người hiện đại cũng cảm thấy thật khó tin. Từ đó trở đi, khi trong làng có buổi biểu diễn, thì dân làng từ bốn phương tám hướng đều nghe thấy âm thanh mà đến, lúc đó cả ngôi làng trở nên náo nhiệt giống như hội chùa vậy. Biển người đông đúc nhộn nhịp, nhốn nháo hối hả, thật là sầm uất!

Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, cho đến khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền thì hí lâu mới kết thúc sứ mệnh của mình, trong Cách mạng Văn hóa, nó được đại đội sản xuất chuyển thành nhà bật bông, sau đó lại đổi thành nhà ép dầu hạt bông, cho đến những năm 1980, nó mới thực sự kết thúc sứ mệnh của mình.

Ngày nay trong làng cũng có rạp hát, khi biểu diễn người ta sử dụng các thiết bị âm thanh hiện đại, nhưng giọng hát của ca sĩ ngay cả ở rìa làng cũng không truyền được tới. Các cụ già trong làng thường nói rạp hát hiện tại không thể sánh được với rạp ngày xưa, đúng là khác nhau một trời một vực!

Đúng vậy, chẳng phải chính là dùng sự thật để vả vào bộ mặt xấu xí của ĐCSTQ tà ác đang phá hoại văn hóa truyền thống và tuyên truyền chủ nghĩa vô thần đó sao?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/50052



Ngày đăng: 15-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.