Truyền thuyết dân gian: Đêm Thất Tịch nghe câu chuyện Chức Nữ
Tác giả: Vân Tiêu
[ChanhKien.org]
Tôi không biết nhiều về ngày Thất Tịch, chỉ nhớ hai tháng trước có người muốn lấy ngày này làm ngày lễ tình nhân của Trung Quốc, nhưng sau đó cũng không thấy nói đến nữa.
Tôi đã biết câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ từ rất lâu rồi, đặc biệt cảm thấy tiếc nuối cho kết cục của họ. Truyền thuyết kể rằng, Chức Nữ và Ngưu Lang vốn đã được se duyên làm vợ chồng, nhưng Thiên giới lại sai người bắt Chức Nữ trở về Thiên đình. Ngưu Lang đau khổ vô cùng, bèn khoác lên mình bộ da trâu đuổi theo. Kỳ lạ thay, anh cũng có thể cưỡi mây bay thẳng lên trời. Ngay khi sắp đuổi kịp, Vương Mẫu bỗng rút trâm cài đầu, hất một cái về phía sau, dải ngân hà bỗng xuất hiện trước mắt Ngưu Lang cản đường. Dù vậy, cuối cùng cũng xuất hiện một hy vọng, đó là hàng năm vào ngày mùng 07 tháng 07 âm lịch, họ vẫn có thể gặp nhau trên cầu Ô Thước (cây cầu do con chim ô và chim thước kết cánh tạo ra).
Cho nên dân gian tương truyền, việc Chức Nữ trở về cung Dao Trì (nơi ở của Tây Vương Mẫu) và Ngưu Lang quay lại trần gian ắt hẳn là một việc đau khổ thấu tâm cam. Có lẽ chính vì thấy Chức Nữ ngày ngày sầu bi, không vui vẻ nên Thiên Đế mới đặc biệt cho phép nàng được gặp Ngưu Lang mỗi năm một lần. Vì vậy, người ta cho rằng Thiên Đế tuy vô tình nhưng vẫn yêu thương con cái, tình yêu giữa người và Thần thật mỹ diệu nhưng lại chủ định phải chịu số phận sầu thảm.
Khi tôi còn nhỏ, bà tôi từng nói với tôi rằng, vào ngày Thất Tịch, nếu trốn dưới giàn nho nghe ngóng thì có thể nghe thấy tiếng đôi trẻ thì thầm; nếu nhìn lên trời xanh sẽ có thể thấy cầu Ô Thước rực rỡ như cầu vồng; chí ít, ở nông thôn thường thấy những con chim sẻ, chim sáo thì vào ngày này cũng không thấy đâu, có lẽ vì phải bay đi xây cầu. Tôi đã kiểm chứng từ các góc độ khác nhau, và cuối cùng kết luận rằng điều này là đúng.
Tôi tin rằng câu chuyện thần thoại này không phải là hư cấu. Hơn nữa, cách đây 10 năm vào ngày Thất Tịch, tôi đã mơ thấy được lên Thiên đình. Chức Nữ quả nhiên ở Dao Trì, và Ngưu Lang vốn cũng là một vị Tinh Quân (vị Thần trông coi các vì sao). Bản thân tôi vốn nghĩ rằng Chức Nữ sẽ thổn thức bày tỏ nỗi sầu vì phải xa cách Ngưu Lang. Nào ngờ, nàng không hề buồn rầu, mà ngược lại còn vô cùng biết ơn Thiên Đế đã cho họ cơ hội gặp lại nhau. Ngưu Lang cũng như Chức Nữ, sau trăm năm đã trở về vị trí ban đầu, đều vui mừng khôn xiết.
Tôi hỏi: “Có phải các bạn đã bị Thiên Đế tẩy não, quên mất sân khấu nhân gian rồi chăng?”
Nàng nói: “Khi đến nhân gian, chúng tôi đã bị tẩy não rồi, nên mới chấp trước vào tình cảm giống con người”.
Tôi hỏi: “Các bạn có biết, con người thế gian nói gì về các bạn không?”
Nàng đáp: “Chúng tôi vốn dĩ vì họ mà đến, họ lại hiểu lầm chúng tôi”.
Tôi như ở trong sương mù, chỉ đành nài nỉ nàng kể lại sự thật. Chức Nữ không còn cách nào khác, đành từ từ kể cho tôi nghe:
“Ta là Dao Nữ trên trời, còn chàng là một vị Tinh Quân. Vào một ngày, khi chúng tôi quan sát hồng trần từ những góc độ khác nhau, mới nhận ra rằng thế nhân cùng với sự phát triển của thế giới vật chất, đã dần dần mất đi luân thường đạo lý trong hôn nhân. Ngoài truy cầu lợi ích và dục vọng thể xác ra, con người cơ bản không trân trọng tình cảm quý báu của sinh mệnh trên thế gian này. Nhưng Thiên đình đã sớm đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho con người. Nếu con người ngày càng bại hoại thì họ sẽ không còn lý do để tiếp tục tồn tại nữa. Lúc đó các vị Thần đều vô cùng tức giận, đều nói nên giáng tai họa diệt vong. Hẳn ngươi đã nghe nói vào thời thượng cổ từng xảy ra một trận đại hồng thủy ập đến khắp nơi trên thế giới. Đó chính là báo ứng cho sự sa đoạ đạo đức của con người thời đó.
Ta và Ngưu Lang không đành lòng, muốn cho con người một cơ hội. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Ngưu Lang đã xuống hạ giới đầu thai trước. Các vị Thần đều cảm động trước lòng từ bi của chúng ta, nên muốn hết sức giúp đỡ. Trong đó, Thái Thượng Lão Quân đã nhường lại con trâu xanh mà ông cưỡi, bảo nó đi theo Ngưu Lang để làm hộ pháp, khi nào viên mãn sẽ tự về trời.
Nói về Ngưu Lang ở trần thế, chàng đã chọn đầu thai vào một gia đình vô cùng nghèo khó. Khi cha mẹ qua đời, anh chỉ được anh trai và chị dâu chia cho một con trâu già. Dù đã chịu đựng đủ khổ cực và bị ngược đãi, nhưng với bản tính hiền lành, thành thật và nhẫn nhịn, anh không oán, không hận, không ghi nhớ, không báo thù, chỉ sống nương tựa vào con trâu già. Thực ra, quãng thời gian này của chàng và toàn bộ câu chuyện sau này đều có ý nghĩa sâu xa.
Thứ nhất, Ngưu Lang là tấm gương để cho con người biết thế nào là ‘hiếu’, thế nào là ‘đễ’, và thế nào là những nguyên tắc quan trọng nhất, chính trực nhất để lập thân, xử thế.
Thứ hai, việc Chức Nữ trở thành vợ của Ngưu Lang là muốn cho con người hiểu rằng, thứ mà Thần coi trọng ở con người không phải là tiền tài, quyền lực hay nhà cao cửa rộng, mà là phẩm chất đạo đức. Phẩm chất đạo đức thuần khiết và chân thành có thể trực tiếp cảm động đến Thiên đình.
Thứ ba, cả hai muốn thể hiện cho con người biết thế nào là tình yêu sâu nặng, chung thủy sắt son. Khi một người con gái đã giao phó cả cuộc đời cho người đàn ông thì anh ấy cũng phải có trách nhiệm yêu thương và chung thủy với cô ấy trọn đời. Khi cuộc sống hôn nhân gặp phải những thử thách, họ cũng có thể vượt qua mọi chướng ngại bằng tình cảm chân thành.
Thứ tư, việc Vương Mẫu bắt Chức Nữ trở về trời là muốn cho mọi người biết rằng luật lệ của Thiên đình vô cùng nghiêm ngặt, tiêu chuẩn của Thần cao hơn nhiều so với con người. Người và Thần có sự khác biệt lớn, tình yêu của Thần không phải là điều mà con người có thể tùy tiện suy đoán.
Thứ năm, việc Thiên Đế cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau vào ngày Thất Tịch là để cho bi kịch này lưu lại dư âm mạnh mẽ cho con người, khiến con người không dễ lãng quên, cho tất cả con người trên thế gian một cơ hội nhìn nhận lại và càng thêm trân trọng tình yêu và hôn nhân của mình.
Tóm lại, việc các vị Thần xuống nhân gian diễn câu chuyện tình nghĩa vợ chồng cao thượng không phải xuất phát từ tình cảm con người, mà là vì lòng từ bi. Đương nhiên, họ phải mượn tình cảm con người làm cầu nối cho bi kịch, mới có thể tạo ra cho con người một không gian mê, đồng thời lưu lại một ấn tượng sâu sắc”.
Tôi hỏi: “Liệu truyền thuyết về Đổng Vĩnh và Thất Tiên Nữ cũng có điểm tương đồng với câu chuyện này không?”
Cô ấy nói: “Đúng vậy. Cũng chính vì tầm quan trọng của đạo vợ chồng mà Thần mới liên tục diễn những câu chuyện tương tự như vậy”.
Tôi hỏi tiếp: “Nhưng ngày nay, ai còn có thể hiểu được những nội hàm thực sự của những câu chuyện này?”
Cô ấy trả lời: “Đó cũng chính là lý do tại sao hiện nay ngày Thất Tịch không được coi trọng như trước. Thực ra, Ngưu Lang và bản thân ta hà tất phải than thở vì mối tình dang dở ấy. Từ trước đến nay điều chúng ta cảm thấy buồn chính là nhân tâm ngày càng trượt dốc”.
Tôi nói: “Tôi hiểu rồi, nếu như Vương Mẫu không bắt nàng về, có lẽ hai người cũng sẽ lạc lối tại nhân gian con người”.
Chức Nữ mỉm cười không nói, có lẽ đã ngầm thừa nhận lời nói của tôi.
Tỉnh giấc chiêm bao, đêm Thất Tịch đã qua. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, đều có niềm vui riêng, như thể chưa từng nghe đến câu chuyện về Chức Nữ. Vậy sao lại chỉ cho tôi thấy giấc mơ này? Một ý nghĩ lóe lên, tôi liền quyết định ghi lại giấc mơ này.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33424
Ngày đăng: 23-02-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.