Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc của Ngao bao



[ChanhKien.org]

Ở Mông Cổ có một phong tục là cúng lễ “Ngao bao”. Vậy “Ngao bao” là gì? “Ngao bao” là phiên âm của tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “gò đất”. Trong “Thanh hội điển” viết: “Đó là nơi ranh giới của người dân du mục Mông Cổ, không sông không hồ, xếp đá làm mốc, gọi là ngao bao”. Ngao bao thường được xếp bằng đá tảng và đá cuội, cũng có nơi đắp bằng đất, hay dựng bằng cành liễu.

Hầu hết các “Ngao bao” được xây dựng trên đỉnh núi hoặc trên đồi, những gò đất này thường có hình tròn, cao khoảng vài mét, bên trên cắm cành liễu hoặc cành du, ngoài ra trên đỉnh thường cắm ba “cột Mani”, treo cờ bộ tộc, trước mặt Ngao bao đặt một cái đỉnh ba chân sáng bóng và phía trước có một bàn thờ bằng đá.

Về nguồn gốc của “Ngao bao”, có rất nhiều truyền thuyết đẹp được lưu truyền ở Mông Cổ.

Ví dụ, trên thảo nguyên Hi Lạp Mục Nhân ở nội Mông Cổ có câu chuyện về “Ngao bao Hồng Cách Nhĩ”. Tương truyền, người mẹ của một mục dân Mông Cổ mắc trọng bệnh không thể chữa trị. Người mục dân này liền đi bộ đến núi Ngũ Đài Sơn để thắp hương cầu nguyện cho mẹ. Anh đi một bước lạy một bước, trải qua muôn vàn khó khăn cuối cùng cũng đến được Ngũ Đài Sơn. Thắp hương cầu nguyện xong, anh ngã quỵ xuống. Trên núi Ngũ Đài Sơn có một Ngao bao linh thiêng, các vị Thần Phật trong đó cảm động trước lòng thành kính của anh nên đã đặt thức ăn do tín đồ cúng dường đến trước mặt anh.

Khi người mục dân tỉnh dậy, anh tin rằng Phật tổ đã hiển linh, mẹ anh nhất định sẽ được cứu. Anh ngồi dậy, gói ghém đồ cúng, nhanh bước về nhà. Trong đêm tối đen như mực, anh bị lạc đường. Đúng lúc này, một ngọn đèn sáng rực xuất hiện trước mặt để chỉ đường cho anh. Ngọn đèn này là do Thần trong Ngao bao hóa thành. Dưới sự chỉ dẫn của ngọn đèn, người mục dân đã nhanh chóng trở về thảo nguyên Hi Lạp Mục Nhân. Trên đỉnh núi Hồng Cách Nhĩ, ngọn đèn sáng đó bỗng nhiên dừng lại và không di chuyển nữa. Khi người mục dân trở về nhà, anh thấy mẹ mình đã hoàn toàn bình phục.

Ngày hôm sau, người mục dân dìu mẹ lên đỉnh núi Hồng Cách Nhĩ, lấy đá xếp thành một Ngao bao, đặt tên là “Ngao bao Hồng Cách Nhĩ”. Anh hy vọng Thần linh từ Ngao bao trên núi Ngũ Đài Sơn sẽ mãi mãi cư ngụ trên thảo nguyên Hi Lạp Mục Nhân, đó là ngày 18 tháng 5 âm lịch. Từ đó về sau, vào ngày này hàng năm, mục dân và con cháu của anh đều đến cúng tế Ngao bao Hồng Cách Nhĩ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Ngao bao được chia thành bốn loại chính: một là dùng để đánh dấu ranh giới giữa các kỳ (huyện), tỉnh; hai là loại được dựng lên để trấn yểm tà ma, thờ cúng Thần linh và cầu mong bình an, hạnh phúc cho người dân trong kỳ; ba là loại được sử dụng để chôn cất các vị quan chức cấp xã, kỳ trưởng, anh hùng, danh nhân, tu sĩ Phật giáo và Lạt Ma; cuối cùng là loại được sử dụng làm mốc chỉ đường.

Tuy nhiên, trong tâm trí người dân thảo nguyên, Ngao bao luôn giữ vị trí thiêng liêng, tượng trưng cho sự hiện diện của Thần linh. Mỗi khi đi xa, nếu đi qua nơi có Ngao bao, người ta đều phải xuống ngựa, cúi lạy Ngao bao, cầu nguyện cho một chuyến đi bình an. Họ cũng sẽ đặt thêm một vài viên đá hoặc một ít đất lên Ngao bao, sau đó mới lên ngựa đi tiếp. Những người chăn cừu đi qua đây cũng sẽ luôn đặt thêm một viên đá lên Ngao bao để cầu mong cho người và gia súc đều được khỏe mạnh.

Phong tục cúng tế Ngao bao có lịch sử lâu đời. Theo ghi chép trong “Hán thư – Hung Nô truyện”: “Tháng giêng, các trưởng lão hội tụ cúng tế tại đình. Tháng năm, hội lớn tại Long Thành, cúng tế tổ tiên, trời đất, quỷ thần…”. Phong tục cúng lễ Ngao bao của người Mông Cổ bắt nguồn từ truyền thống cổ xưa này. Vào khoảng thời nhà Thanh, phong tục “cúng tế Ngao bao” mới được cố định vào giữa tháng 5 âm lịch hàng năm, thường kéo dài 3-4 ngày. Mục dân ở gần xa đều đến tham gia, và còn mời nhiều Lạt Ma tụng kinh, vô cùng náo nhiệt như lễ hội. Tương truyền ăn đồ cúng lễ sẽ được may mắn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48837



Ngày đăng: 13-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.