Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc của Quan Âm Thủy Nguyệt



Tác giả: Như Chi chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Một hôm, Quan Âm Bồ Tát đến thành Cô Tô (nay là Nam Kinh), chứng kiến hàng trăm nghìn người bị quân Kim sát hại trong chiến loạn.

Quan Âm Bồ Tát sinh lòng từ bi, muốn dùng pháp lực để giải cứu những oan hồn này. Vì thế, Bồ Tát hóa thành một phu nhân xinh đẹp, tay cầm bình cam lồ và cành dương liễu đi tới nơi tập trung oan hồn. Bà dùng đá xếp thành một bệ cao vài thước, rồi ngồi kiết già trên bệ đá và tụng kinh “Thần Chú Đại Bi”. Mỗi khi niệm được một ngàn lần, Bồ Tát liền nhúng cành liễu vào bình, vẩy nước cam lồ lên không trung, sau đó lại cắm cành dương liễu vào bình tiếp tục niệm kinh.

Người dân địa phương thấy một người phụ nữ xinh đẹp xây đài niệm kinh, vô cùng khó hiểu nên vây lại xem và còn bàn luận sôi nổi. Quan Âm Bồ Tát nói với mọi người rằng: “Hiện nay mọi người đang bị nhà Kim ức hiếp, hàng trăm vạn người chết oan, thật đáng thương vô cùng. Những vong hồn này tam giới không nhận, lục đạo không quản, tản mạn bên ngoài. Hôm nay ta có duyên đến nơi đây, quyết tâm siêu độ họ, nên phát nguyện dựng đài tụng kinh 49 ngày, dùng dương liễu vẩy cam lộ giúp họ sớm ngày thoát khỏi khổ hải. Ta không cần quyên góp, cũng không xin khất thực. Đợi sau 49 ngày ta sẽ giải thích rõ cho mọi người”. Dân chúng biết rằng bà đang làm việc công đức cho người dân Cô Tô nên không ai bàn luận nữa.

Sau 49 ngày, hết thời gian Bồ Tát niệm kinh, người dân lại tập trung đến xem. Quan Âm Bồ Tát thuyết giảng tường tận cho dân chúng hiểu rõ kinh Phật. Trong đó có một người ngộ được rằng phu nhân xinh đẹp này là Quan Âm Bồ Tát hóa thân, nên anh ta tiến đến trước mặt bà bái lạy nói: “Con nghe nói Quan Âm Bồ Tát khi vân du nhân gian thường hiện thân bảo tướng, không biết hôm nay chúng con có diễm phúc được thấy thân chân của Ngài không?” Bồ Tát đáp: “Được”. Sau đó chỉ về phía hồ nước nói: “Giữa hồ nước kia chẳng phải có Bồ Tát sao?”

Mọi người nhìn theo hướng Bồ Tát chỉ tay, nhìn thấy dưới nước hiện ra hình ảnh bảo tướng của Quan Âm Bồ Tát. Mọi người vội vàng quỳ xuống bái lạy, khi đó dưới nước vừa hay xuất hiện một bóng trăng tròn sáng rực, bảo tướng của Bồ Tát dần dần ẩn đi biến mất dưới bóng trăng. Khi mọi người đứng dậy thì phát hiện phu nhân xinh đẹp trên đài đá cũng biến mất. Mọi người lúc này mới hiểu ra phu nhân xinh đẹp kia chính là Quan Âm Bồ Tát hóa thân. Vì vậy, người dân đã dựng một ngôi miếu ở nơi Bồ Tát niệm kinh, trong miếu có một pho tượng Quan Âm Bồ Tát tụng kinh và vẩy nước, dân gian gọi là “Quan Âm vẩy nước” hay “Quan Âm nhỏ nước”.

Trong số những người nhìn thấy bảo tướng của Bồ Tát bên bờ sông có một người giỏi hội họa tên là Khâu Tử Tĩnh. Để người thế gian thấy được hình tượng của Bồ Tát, anh liền dụng công vẽ lại hình tượng của Bồ Tát dưới hồ nước, bức tranh mang vẻ xuất thần, sống động như thật, khiến mọi người không ngớt ca ngợi. Bức tranh Quan Âm Bồ Tát hiện lên dưới nước và trăng này được thế nhân gọi là “Quan Âm Thủy Nguyệt”. Về sau, người dân tấp nập tới xin Khâu Tử Tĩnh vẽ tranh về thờ cúng ở nhà.

Đến nay, người dân ở vùng Tô Châu hầu hết vẫn thờ cúng Quan Âm Thủy Nguyệt.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/52257



Ngày đăng: 17-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.