Truyền thuyết dân gian: Động Tiên
Tác giả: Như Chi
[ChanhKien.org]
Trong truyền thuyết dân gian có rất nhiều địa tiên sống trong các hang động ở các danh sơn đại xuyên, có không ít người phàm đã tận mắt nhìn thấy hoặc đích thân trải nghiệm.
Trong “Thuật dị ký” viết, ở phía tây nam của huyện Ngô Đô, tỉnh Giang Tây, dọc theo dòng sông về phía tây, cách trung tâm huyện ba dặm có một nơi gọi là Mộng Khẩu. Nơi đó có một hang động trông giống như một căn phòng bằng đá, tương truyền thường có một con gà thần xuất hiện ở đó. Gà thần có màu như vàng ròng, khi bay ra khỏi hang, nó thích vỗ cánh bay lượn, và cất tiếng gáy dài vang vọng khắp thung lũng. Nếu phát hiện có người quan sát mình, nó sẽ bay về hang. Do vậy, người ta gọi hang động này là “Kim kê thạch”.
Một ngày, một người nông dân đang làm ruộng trên núi, nhìn thấy chú gà thần đang bay ra dạo chơi. Có một người thân hình cao lớn cầm súng cao su chuẩn bị bắn gà thần. Con gà thần phát hiện ra bèn bay vào hang. Viên đạn có đường kính khoảng sáu thước vừa khít miệng hang, vừa vặn che kín miệng hang. Dù vẫn có khe hở, nhưng người ta hoàn toàn không thể chui vào được.
Còn có một lần, một người đi thuyền từ hạ lưu về phố huyện. Trên đường, gặp một người mặc áo vàng, tay đang cầm hai giỏ nấm vàng, xin được đi cùng. Chủ thuyền đồng ý. Sau khi lên thuyền, người mặc áo vàng xin ăn, chủ thuyền bèn cho anh ta ăn. Một lúc sau, thuyền đến gần vách đá nơi có hang động, người mặc áo vàng xin xuống thuyền. Chủ thuyền xin nấm vàng, nhưng người mặc áo vàng không cho, chỉ nhổ một miếng lên cái đĩa đã ăn rồi đi lên vách núi, chui vào hang động. Ban đầu, chủ thuyền rất tức giận, nhưng khi thấy người mặc áo vàng bước vào hang động, anh ấy mới biết mình đã gặp được tiên nhân. Chủ thuyền cầm cái đĩa người mặc áo vàng để lại, thấy trên đĩa nhổ ra toàn là vàng.
“Thần tiên thập di” cũng ghi chép câu chuyện về một người tên là Tung Sơn Tẩu cũng từng gặp được tiên nhân.
Tung Sơn Tẩu là người thời Tấn. Tương truyền, ở sườn núi phía bắc núi Tung Sơn có một hang động lớn rất sâu không đo thấy đáy, hàng năm người dân đều đến đây vui chơi. Có một năm, Tung Sơn Tẩu không cẩn thận bị rơi xuống hang. Bạn bè anh đứng trên miệng hang hy vọng anh ta sẽ không chết khi bị rơi xuống, nên họ đã ném một ít thức ăn xuống. Không ngờ rằng Tung Sơn Tẩu vẫn còn sống khi rơi xuống hang, anh ta ăn một ít thức ăn mà bạn bè ném xuống, sau đó men theo hang tiến lên phía trước. Đi được hơn mười ngày, đột nhiên anh thấy một vùng sáng phía trước, có một căn nhà cỏ. Bước vào nhà, anh thấy có hai tiên nhân đang ngồi chơi cờ, gần bàn cờ có vài cốc nước trắng. Tung Sơn Tẩu kể với tiên nhân rằng anh vừa đói vừa khát, tiên nhân liền đưa nước cho anh uống. Sau khi uống xong, anh cảm thấy cơ thể mình mạnh thêm gấp trăm lần. Tiên nhân hỏi anh có muốn ở lại không, nhưng anh nói không muốn. Tiên nhân bèn bảo anh: “Anh cứ đi vài chục bước về phía tây sẽ gặp một cái giếng lớn, trong giếng có nhiều sinh vật kỳ lạ, nhưng đừng sợ, chỉ cần nhảy xuống giếng thì sẽ ra được ngoài. Nếu anh đói thì có thể ăn những thứ trong giếng”. Anh nhảy xuống giếng theo lời tiên nhân, trong giếng có rất nhiều giao long, nhưng khi nhìn thấy anh, chúng đều nhường đường cho anh đi qua. Anh tiếp tục đi về phía trước. Những thứ trong giếng giống như bùn nhưng có mùi thơm ngon, sau khi ăn vào anh không cảm thấy đói nữa. Anh đi hơn nửa năm mới ra khỏi giếng, nhìn xung quanh, anh ngạc nhiên thấy mình đã đến núi Thanh Thành ở Tứ Xuyên. Rồi, anh nghĩ cách trở lại Lạc Dương. Sau này anh đi tìm lại hang đó nhưng không thể tìm thấy nữa.
Trong “Huyền trung ký” viết, ở núi Thanh Thành, Tứ Xuyên có một hang động, bên trong có ba con đường, con đường theo hướng tây bắc thông đến núi Côn Luân, sơn động ở núi Thanh Thành là động trời thứ năm, hiệu là “Bảo Tiên Cửu Thất Thiên”, là một trong mười động trời của Đạo gia, có lẽ Tung Sơn Tẩu đã đi qua động tiên này.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53253
Ngày đăng: 09-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.