Truyền thuyết dân gian: Truyền thuyết về Hoàng Hạc Lâu
Tác giả: Phúc Chính
[ChanhKien.org]
Gần bờ sông Trường Giang thuộc thành phố Vũ Hán có một ngọn núi tên là Xà Sơn. Trên đỉnh núi sừng sững ấy tọa lạc một tòa lầu nguy nga tráng lệ với mái cao cong vút, lộng lẫy ánh vàng, mang tên lầu Hoàng Hạc. Muốn biết về nguồn gốc của lầu Hoàng Hạc, thì phải bắt nguồn từ chuyện Lã Động Tân cưỡi hạc về trời.
Tương truyền, sau khi du ngoạn núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, Lã Động Tân bỗng nảy ra ý định muốn đến Đông Hải tìm kiếm Tiên nhân và thăm bạn hiền. Ông lưng đeo bảo kiếm, xuôi dòng Trường Giang mà đi. Một ngày nọ, ông đến thành Vũ Hán, khung cảnh hùng vĩ nơi đây đã làm ông say mê. Ông háo hức leo lên núi Xà Sơn, đứng trên đỉnh núi phóng tầm nhìn ra xa. Đối diện là một ngọn núi trông giống như một con rùa khổng lồ nằm phục, thò đầu ra để uống nước sông; còn ngọn núi dưới chân ông lại tựa như một con rắn dài ngẩng cao đầu quan sát động tĩnh của con rùa. Lã Động Tân nghĩ: “Nếu trên đỉnh núi Xà Sơn này mà xây dựng một tòa lầu cao, đứng trên đó ngắm nhìn cảnh đẹp xung quanh chẳng phải tuyệt vời hơn sao? Nhưng ngọn núi này lại cao, dốc đứng, ai có thể xây lầu trên đây chứ?” Sau đó, Lã Động Tân mời một vài vị Tiên nhân đến để cùng bàn bạc.
Lã Động Tân vung kiếm vẽ một vòng tròn trên bầu trời, lập tức Hà Tiên Cô cưỡi một đám mây ngũ sắc xuất hiện. Ông liền chia sẻ ý tưởng của mình với Tiên Cô. Hà Tiên Cô nghe xong liền bật cười: “Ngươi muốn ta dùng kim thêu rồng vẽ phượng thì ta còn có thể làm được, nhưng nói đến việc xây lầu, ngươi phải nhờ người khác!” Lã Động Tân tiếp tục mời Thiết Quải Lý đến. Vừa nghe xong, Thiết Quải Lý liền bật cười ha hả: “Nếu ngươi đầu óc không tỉnh táo thì ta có linh đơn diệu dược, nhưng nếu muốn xây lầu, ngươi phải tìm người tài giỏi hơn!” Lã Động Tân lại đến nhờ Trương Quả Lão. Trương Quả Lão lắc đầu nói: “Ta chỉ biết cưỡi lừa ngược đọc sách. Nhưng ngươi đừng lo lắng, ta không giúp được ngươi, nhưng sẽ có người giúp ngươi”. Nói rồi cũng bỏ đi. Lã Động Tân suy nghĩ, ai sẽ giúp mình đây?
Đúng lúc này, bỗng nhiên từ trên không trung truyền đến một tiếng chim hót vang khiến Lã Động Tân vội vàng ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy Lỗ Ban tiên sinh đang cưỡi một con chim ưng bằng gỗ hướng về phía ông cười ha hả. Lã Động Tân vội vàng tiến lên đón chào, thuật lại ý tưởng của mình cho Lỗ Ban nghe. Lỗ Ban tiên sinh bước xuống từ chim ưng gỗ, quan sát độ cao của ngọn núi, rồi đánh giá địa thế xung quanh. Ông tiện tay nhặt vài cành cây trên sườn núi, dựng lên rồi lại tháo xuống, suy nghĩ một lúc rồi nói: “Sáng mai chúng ta cùng bàn bạc lại nhé”.
Sáng sớm hôm sau, khi gà mới cất tiếng gáy đầu tiên, Lã Động Tân đã vội vã leo lên núi Xà Sơn. Trước mắt ông, một tòa lầu cao tầng với mái cong vút, chạm trổ tinh xảo sừng sững uy nghi trên đỉnh núi. Vừa reo to tên Lỗ Ban, ông vừa leo lên tầng cao nhất, nhưng tìm mãi không thấy Lỗ Ban đâu, chỉ tìm thấy một con hạc gỗ do Lỗ Ban để lại. Con chim hạc bằng gỗ này có bộ lông màu vàng, đang nhìn ông bằng đôi mắt to đen láy. Lã Động Tân vô cùng vui mừng, lúc thì sờ lan can trên lầu, lúc thì ngắm nhìn dòng sông dưới chân, lại lấy ra một cây sáo trúc thổi khúc nhạc du dương bên dòng nước cuộn chảy. Vừa thổi sáo, Lã Động Tân vừa ngắm nhìn chim hạc gỗ. Thật kỳ diệu, chim hạc bất ngờ nhảy múa theo điệu nhạc! Ông liền cưỡi lên mình hạc, nó lập tức bay lên cao, bay ra khỏi tòa lầu, bay vòng quanh tòa lầu ba vòng, kêu lên một tiếng rồi bay vào trong mây.
Sau này, người ta đặt tên cho tòa lầu này là Hoàng Hạc Lâu.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/33141
Ngày đăng: 01-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.