“Mộng Khê Bút Đàm”: Cây hoa anh túc nhảy múa theo điệu nhạc



Tác giả: Đàm Mộng Khê

[Chanhkien.org] Người ta thường bảo rằng hoa có linh tính. Thế còn cây cỏ thì sao? Cleve Backster, một khoa học gia người Mỹ, khám phá ra rằng loài cây ngưu thiệt lan hoa cũng có cảm xúc như con người. Hơn ngàn năm trước, Thẩm Quát, một hiền triết Trung Hoa, đã viết một cuốn sách mang tựa đề “Mộng Khê Bút Đàm”, kể về một câu chuyện tương tự về một cây hoa anh túc có thể nhảy múa theo âm nhạc.

Chuyện kể rằng, có một người đàn ông tên là Tang Cảnh Thu sống ở Cao Bưu (ở vùng phụ cận thành Dương Châu của Trung Quốc thời ấy). Anh được trời phú cho tài năng nhận biết và phân biệt được mọi chủng loại thanh âm, và cũng cực kỳ tinh thông nhạc lý. Anh thậm chí có thể đoán được họa phúc của mọi sự thông qua âm thanh phát ra từ vạn vật.

Tang Cảnh Thu nghe nói có loài cây hoa anh túc, loài cỏ mà cứ mỗi khi có người diễn tấu nhạc khúc “Ngu Mỹ Nhân Khúc” (“Khúc nhạc cây anh túc”) thì cành lá có thể nhảy múa theo điệu nhạc. Nó chỉ phản ứng đối với khúc nhạc này mà chẳng hề phản ứng khi ai đó chơi bất kỳ khúc nhạc nào khác. Tang Cảnh Thu quyết định tự mình thử một lần xem sao. Cây hoa anh túc thực sự nhảy múa chỉ khi nghe khúc nhạc ấy, còn đối với các khúc nhạc khác thì không hề phản ứng, đúng như truyền thuyết.

Sau khi tập trung nghiên cứu, Tang Cảnh Thu phát hiện được rằng giai điệu của “Ngu Mỹ Nhân Khúc” (“Khúc nhạc cây anh túc”) là sử dụng âm luật của thời nhà Ngô; vì thế, Tang Cảnh Thu đã biên soạn một khúc nhạc khác dùng âm luật nhà Ngô. Khi anh chơi bản nhạc ấy cho cây hoa anh túc nghe, nó lại nhảy múa rất đẹp mắt. Tang Cảnh Thu bèn đặt tên cho nhạc khúc ấy là “Ngu Mỹ Nhân Thao” (“Vũ điệu Hoa anh túc”). Giai điệu của hai khúc nhạc thì hoàn toàn khác nhau. Dù chẳng có đoạn nào trong hai khúc nhạc là giống nhau, cây hoa vẫn nhảy múa theo cả hai bản nhạc ấy. Tang Cảnh Thu bởi vậy kết luận rằng, đó là vì chúng có âm luật giống nhau.

Thẩm Quát (tác giả của “Mộng Khê Bút Đàm”) đã ca ngợi tài năng của Tang Cảnh Thu. Ông viết, “Khó mà tin được lại có người am hiểu âm nhạc đến thế!”. Sau này Tang Cảnh Thu thi đỗ tiến sỹ. Ông làm quan đến chức tri phủ. Khúc nhạc của ông, “Vũ điệu Hoa anh túc” đã khá thịnh hành ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang vào thời ấy, mặc dù người ta không biết rằng bản nhạc này được sáng tác theo nhạc lý nhà Ngô.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/1/17/20085.html
http://www.pureinsight.org/node/1437



Ngày đăng: 28-10-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.