Truyền thuyết dân gian: Gió thổi cối xay, thả rồng cầu mưa



Tác giả: Hạ Thiên

[ChanhKien.org]

Ở quê tôi vẫn luôn lưu truyền một câu chuyện như sau:

Đó là vào trước năm 1949, quê chúng tôi có một ngọn núi rất cao, vì núi đó nằm ở phía Nam của làng, nên gọi là núi Nam. Trên núi có nhiều loại thực vật hoang dã, và thường xuyên có rắn độc, sói, v.v. nên rất ít người dám lên núi. Trên núi Nam có một đạo quán là nơi trú ngụ của một Đạo sỹ. Ông thường trồng trọt trong một khoảng đất nhỏ trên núi. Cứ một thời gian nhất định, ông lại mang lương thực xuống núi, đến cối xay của làng để xay gạo (cối xay gạo làm bằng đá và rất nặng, cần khoảng mười người đàn ông khỏe mạnh mới nhấc được). Sau đó, ông lại mang gạo trở lên núi.

Theo một số người thường xuyên lên núi (đa số là người hái thuốc) nói, ông có nhiều phép thần thông, nhưng khi nhìn thấy ông vác gạo đi lại và xay gạo bằng cối đá, thì họ lại nghĩ rằng không đúng như vậy. Sau một thời gian dài, mọi người cho rằng lời nói của những người lên núi là không có cơ sở.

Một lần, vị Đạo sỹ lại xuống núi xát gạo. Có người trêu chọc nói: “Chẳng phải ông rất có bản sự sao? Sao phải tới đây xát gạo, mang cối xay về chỗ ông như vậy chẳng tiện hơn sao?”. Sau khi người đó nói mấy lần, Đạo sỹ hỏi: “Các người có dám bỏ cái cối xay này không?”, người đó đáp: “Tất nhiên, chỉ sợ ông không có bản sự để lấy”. Đạo sỹ lại hỏi: “Có thật sẵn lòng không?”, người đó lại đáp: “Sẵn lòng, sẵn lòng, ông mang đi đi!”. Đạo sỹ mỉm cười và bắt đầu xát gạo. Những người bên cạnh đều cười lớn. Đạo sỹ cũng mỉm cười, tiếp tục xát gạo, xát xong, vác túi sau lưng rồi rời đi. Phía sau vang lên một tràng cười.

Đêm hôm đó thời tiết đang rất đẹp, nhưng đến nửa đêm bỗng nhiên nổi gió, gió thổi rất mạnh. Có người nửa đêm tỉnh dậy, nhìn thấy gió đang thổi thứ gì đó về phía núi Nam, không lâu sau, gió ngừng thổi và bầu trời bình yên trở lại.

Sáng hôm sau, có người phát hiện cối xay trong làng đã biến mất, sau này người dân lên núi cho biết họ nhìn thấy nó ở bên ngoài đạo quán. Từ đó, vị Đạo sỹ không còn đến làng xay gạo nữa.

Sắp đến năm 1949, Đạo sỹ triệu tập một số người thường xuyên lên núi và nói: “Ta phải đi rồi, thế giới này sắp không còn bình yên nữa. Những năm qua, nhiều người dân trong làng đã giúp đỡ ta không ít, để báo đáp, ta sẽ tiết lộ cho các vị một bí mật. Nước suối ở ngoài đền của ta bốn mùa không bao giờ cạn, nước suối ngọt mát, bởi vì trong đó có hai con cá, chúng không phải là cá thường mà là hai con rồng. Sau này, khi gặp hạn hán, hãy tìm một số thanh niên trai tráng chân trần leo lên núi, sau khi thành kính cầu nguyện và thắp hương, hãy cho hai con cá vào chậu, sau đó mang chậu ra ngoài hứng nước suối, chưa đầy nửa tiếng sau trời sẽ mưa, sau khi mưa xong hãy thả cá trở về chỗ cũ”.

Đạo sỹ nói xong liền rời đi. Phương pháp cầu mưa này vẫn được giữ lại và được đặt tên là “đào long than nhân”, đến những năm 1985 vẫn còn có người làm theo và rất linh nghiệm. Dù núi cao và đường lên núi khó đi, nhưng chân của những chàng trai cầu mưa chưa bao giờ bị thương. Sau này, khi cải cách mở cửa và thay đổi tư duy, con người càng ngày càng không tin vào Thần nữa, quan niệm đạo đức suy giảm nên rất khó tìm thấy những chàng trai trẻ tin vào Thần, và sẵn sàng đối mặt với khó khăn khi leo núi. Do vậy, từ đó trở đi thì không có ai thực hiện phương pháp này nữa.

Người trong thôn chúng tôi chỉ vì tin vào những điều mắt thấy mà đã mất đi cối xay, rồi lại vì thành tâm tin tưởng mà rất nhiều năm sau đó mưa thuận gió hòa. Điều này khiến tôi nghĩ rằng, nếu mọi người có thể coi đây là một bài học, tạm gác lại quan điểm của mình và lắng nghe những học viên Pháp Luân Công nói lên sự thật, trong tương lai không xa, khi tất cả sự thật triển hiện thì bạn mới không cảm thấy hối tiếc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53253



Ngày đăng: 23-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.