Truyền thuyết dân gian: Bay lên không trung



[ChanhKien.org]

Việc con người có thể bay lên không trung hoàn toàn không phải là phát minh của con người hiện đại, Trung Quốc từ thời xưa có không ít những câu chuyện truyền thuyết tuyệt đẹp về chủ đề này. Trong dân gian, câu chuyện “Hằng Nga bay lên cung trăng” vẫn được lưu truyền rộng khắp, mà dựa trên niên đại thì câu chuyện này có lẽ đã xảy ra vào thời thượng cổ, sau khi Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời. Hằng Nga có thể được xem là người bay lên trời sớm nhất.

Tương truyền rằng tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, Hiên Viên Hoàng Đế, vừa trị quốc, vừa luyện đan cầu đỉnh, tĩnh tâm tu luyện. Tư Mã Thiên trong “Sử Ký” có nói Hoàng Đế được ban bảo đỉnh và sách Thần, trị thế “Thuận thiên đích chi kỉ, u minh chi chiêm, tử sinh chi thuyết, tồn vong chi nan” (Dịch nghĩa: miêu tả Hoàng đế trị quốc thuận theo ý trời, hiểu đạo lý quy luật âm dương, sinh tử, hành đạo khắp thiên hạ, là một người tu Đạo). Sau khi tu thành, ông ở dưới núi Kiều Sơn nung luyện một đỉnh lớn. Khi vừa nung xong, trời bỗng nứt mở ra, một con rồng vàng giáng hạ đến đón ông. Hoàng Đế cùng tùy tùng thân cận hơn 70 người cưỡi lên rồng vàng, bạch nhật phi thăng, lên trời thành Thần Tiên.

Sau này Đại Vũ chinh phục hồng thủy xong, ông cũng từng cưỡi rồng vân du thiên quốc.

Cuốn sách địa lý nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại “Sơn Hải Kinh” có ghi chép, thời cổ đại tại phía tây Trung Quốc có một quốc gia tên là Cơ Quăng (đồng âm với “Cơ cung”). Người ở quốc gia đó không những biết bay, mà còn có thể chế tạo ra xe bay, người ngồi trên chiếc xe bay này có thể theo gió bay lên đến nơi rất xa. Khoảng thế kỷ 17 trước công nguyên, cũng chính là thời Thương Thang triều Thương thống trị, có một trận gió tây thổi đến, người ở Cơ Quăng quốc và xe bay theo gió đã đến thành của nhà Thương. Mười năm sau, một trận gió đông nổi lên, lại đưa người nước Cơ Quăng và xe bay quay trở về.

Thời nhà Chu, tương truyền Chu Mục Vương khi đến thăm Tây Vương Mẫu đã từng ngồi trên chiếc “xe hoàng kim ngọc bích” lướt gió cưỡi mây với tốc độ nghìn dặm mỗi ngày, tiến về núi tiên – núi Côn Lôn.

Trong truyền thuyết, người có thể bay lượn còn có Vương Tử Kiều đã tu thành Tiên, cưỡi hạc trắng; Lộng Ngọc, con gái của Tần Mục Công, đã cùng chồng là Tiêu Sử lần lượt cưỡi rồng và phượng, hóa thành Tiên.

Ngoài những truyền thuyết nói trên, trong một số tác phẩm văn học của Trung Quốc cũng có miêu tả về người bay lượn. Trong tác phẩm “Ly Tao” của nhà văn nổi tiếng Khuất Nguyên, đã miêu tả cảnh tượng mỹ diệu khi ngồi trên chiếc xe do rồng kéo ngao du thiên quốc. Mà trong tác phẩm nổi tiếng lẫy lừng “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không với một cú nhào lộn có thể đi mười vạn tám nghìn dặm lại là điều ai ai cũng biết.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49146



Ngày đăng: 11-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.