Truyền thuyết dân gian: Tại sao quả đào lại xuất hiện trong lễ mừng thọ
Tác giả: Như Chi
[ChanhKien.org]
Trung Quốc từ xưa đã là một đất nước kính trọng người lớn tuổi, ngày nay ở Trung Quốc rất nhiều nơi vẫn còn tục lệ sau: dịp sinh nhật 60, 70, 80 tuổi của người cao tuổi nhất định phải được tổ chức long trọng, hoặc tổ chức tại nhà hoặc ra nhà hàng, người cao tuổi vào ngày sinh nhật được gọi là “Thọ Tinh” (tên một vị Thần Tiên, ngôi sao chủ quản về tuổi thọ của con người). Còn thời xưa, người ta thường tự tổ chức lễ mừng thọ ở nhà: dựng thọ đường, treo bức trướng lớn màu đỏ mừng thọ, trên bàn bày mì trường thọ, quả trường thọ, và dùng bột mì hoặc bột gạo làm thành “quả đào trường thọ”. Phần chóp của “quả đào” được nhuộm màu đỏ giống như đào tiên. Ngoài ra, một số người còn treo trên tường những bức tranh như Thọ Tinh lão nhân, Ma Cô hiến thọ, Đông Phương Sóc trộm đào, Bát Tiên thượng thọ, Bàn Đào hiến thọ,… để tăng thêm không khí vui mừng của lễ mừng thọ. Trong đó “đào trường thọ” trở thành điểm nhấn chủ đạo của các bức tranh. Khi người thân, bạn bè đến mừng thọ, họ cũng sẽ tặng “đào trường thọ”, thậm chí trong lời hát mừng thọ cũng nhắc đến “đào trường thọ”.
Vậy tại sao quả đào lại đóng vai trò quan trọng như vậy trong lễ mừng thọ? Điều này có lẽ liên quan đến tín ngưỡng của người xưa đối với cây đào và truyền thuyết về Tây Vương Mẫu.
“Thần Dịch Kinh” có ghi lại: “Ở phương Đông có một cái cây cao 50 thước, gọi là cây đào, đường kính 3 thước 3 thốn, quả đào rất thơm ngon lại giúp con người sống thọ”. Có thể thấy, cây đào là loài cây thần, quả của nó có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
“Thập Di ký” cũng ghi chép rằng: “Từ núi Bàng Đường Sơn đến Phù Tang 50.000 dặm, mặt trời không chiếu được tới. Khí hậu lạnh giá nhưng cây đào lại mọc rất nhiều, hoa màu xanh đen, vạn năm mới kết trái”. “Cây đào trên núi Bàng Đường Sơn này vạn năm mới ra quả, vậy thì người ăn vào nhất định có thể kéo dài tuổi thọ”.
Tập 28 cuốn “Sơ học ký” do Từ Kiên đời Đường trích dẫn “Điển thuật” có viết: “Đào là tinh hoa của ngũ mộc. Vì vậy, nó có thể trấn áp tà ma và trị bách quỷ. Cho nên xưa nay người ta treo bùa đào ngoài cửa để trấn tà, cũng gọi là cây tiên”. Cuốn sách này đã chính thức công nhận cây đào là cây tiên. Đã là “tiên” thì đương nhiên mang hàm nghĩa trường thọ.
Còn về phong tục tặng “đào trường thọ” có thể bắt nguồn từ truyền thuyết Tây Vương Mẫu tặng đào cho Hán Vũ Đế. Truyền thuyết kể rằng Hán Vũ Đế tôn sùng tiên đạo, nên Tây Vương Mẫu đã phái sứ giả đến báo cho ông biết ngày nào giờ nào bà sẽ đến. Vào lúc 7:00 giờ tối ngày 7 tháng 7, Tây Vương Mẫu cưỡi mây đến phía tây cung điện của Hán Vũ Đế. Có ba con chim xanh đứng bên trái và bên phải của Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu tặng cho Hán Vũ Đế năm quả đào lớn và nói với ông rằng: “Đây là loại quả tiên ba ngàn năm mới kết trái một lần”. Tặng đào ở đây có ý nghĩa ban tặng sự trường thọ. Đây cũng chính là lý do tại sao ngày nay trong lễ mừng thọ người cao tuổi người ta thường bày đào trường thọ, tặng đào trường thọ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/49324
Ngày đăng: 22-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.