Truyền thuyết dân gian: Na Tra



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Na Tra là một vị Thần trong tín ngưỡng dân gian được lưu truyền khắp Trung Quốc. Trong ấn tượng của rất nhiều người, hình tượng Na Tra đa phần xuất hiện trong tiểu thuyết “Tây Du Ký”. Chúng ta có thể thấy hình ảnh một đứa trẻ tinh nghịch chân đạp bánh xe lửa, có thể diễn hóa ba đầu sáu tay, trong tay có sáu loại vũ khí, có thể hàng yêu trừ ma, còn có phép thuật. Hình tượng vị thần Na Tra ở đây đã hoàn toàn được Trung Quốc hóa.

Trên thực tế, truyền thuyết ban đầu về Na Tra có nguồn gốc từ Phật giáo ở Ấn Độ. Trong truyện cổ Phật giáo, Na Tra là con trai của vua Bishamon, một vị Thần hộ Pháp. Vua Bishamon thường cầm tháp đứng bên cạnh hầu hạ Phật tổ. Dưới thời trị vì của Hoàng đế Huyền Tông nhà Đường, nhờ được Huyền Tông trọng dụng, vua Bishamon và con trai Na Tra đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc và dần quen thuộc với mọi người, những câu chuyện truyền thuyết dân gian liên quan đến Na Tra cũng dần dần phát triển.

Trong cuốn “Cao tăng truyền” đời nhà Tống có ghi chép về cao tăng Đạo Tuyên, ban đêm ông đang đi dạo thì đột nhiên bị ngã, có một thiếu niên đến đỡ ông dậy. Đạo Tuyên hỏi cậu thiếu niên là ai, người này trả lời mình là Na Tra con trai của vua Bishamon. Cậu là Thần hộ Pháp đã bảo hộ Đạo Tuyên từ rất lâu rồi. Na Tra còn tặng cho Đạo Tuyên một chiếc răng của Phật, tương truyền đó là chiếc răng của Phật ở chùa Sùng Thánh ngày nay. Trong các truyền thuyết từ thời nhà Tống, Na Tra đã có hình tượng ba đầu sáu tay.

Sau thời nhà Tống, trong văn hóa dân gian Trung Quốc hình tượng vua Bishamon dần dần được Trung Quốc hóa, đến thời nhà Minh, vua Bishamon đột nhiên biến thành Thác tháp Thiên Vương Lý Tịnh, còn Na Tra trở thành tam thái tử của Lý Tịnh, dưới sự thống lĩnh của Ngọc Hoàng. Quá trình diễn biến trong thời kỳ này không rõ ràng lắm. Trong “Tam giáo nguyên lưu sưu Thần đại toàn” viết: “Na Tra vốn là một vị Đại La Tiên của Ngọc Hoàng, thân cao sáu trượng, đầu đội kim luân, ba đầu chín mắt sáu tay, miệng phun mây, chân đạp bàn thạch… Vì dưới nhân gian có nhiều yêu ma nên Ngọc Hoàng hạ lệnh cho Na Tra giáng trần, đầu thai vào nhà của vua Lý Tịnh. Năm ngày sau khi sinh ra, Na Tra đã rong chơi ở Đông Hải trêu chọc Long Vương, khiến Long Vương vô cùng tức giận liền tuyên chiến với Na Tra. Na Tra giết chết thái tử của Long Vương, Long Vương bất đắc dĩ quyết định bẩm báo lên Ngọc Hoàng. Biết việc, Na Tra chặn đánh trước cửa Thiên Môn và vô tình bắn chết con trai của Thạch Ký nương nương. Thạch Ký khởi binh, Na Tra lại một lần nữa nghênh chiến. Cha của Na Tra là Lý Tịnh rất tức giận đã trách mắng cậu vì gây họa khắp nơi. Để không liên lụy đến cha mẹ, Na Tra mổ bụng, moi ruột, lóc thịt trả lại cho cha mẹ, sau khi chết linh hồn của Na Tra bay về với Phật tổ. Vì muốn Na Tra giúp hàng ma, Phật Tổ đã dùng thần thông để hồi sinh Na Tra với sự trợ giúp của Liên Hoa, sau đó truyền thụ cho Na Tra một số kỹ năng. Từ đó trở đi, tất cả yêu quái trên mặt đất đều bị Na Tra khuất phục, sau này Ngọc Hoàng phong Na Tra làm thủ lĩnh của Thiên soái, vĩnh viễn trấn giữ Thiên Môn”. Những mô tả trong “Tây Du Ký” cơ bản cũng dựa trên những ghi chép này.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48980



Ngày đăng: 03-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.