Truyền thuyết dân gian: Triệu Tiểu Nhị tiễn đèn Thần
Tác giả: Thu Phong Đao
[ChanhKien.org]
Vào thời nhà Tống, có một thợ thủ công ở huyện Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên. Vì mọi người đều quen gọi những thợ thủ công thời đó là “Lỗ Ban”, nên chúng ta sẽ gọi ông là Tống Lỗ Ban.
Tống Lỗ Ban có một người đệ tử tên là Triệu Tiểu Nhị. Triệu Tiểu Nhị dựa vào một chút khôn vặt của mình, thường hay lười biếng và mưu lợi.
Vào thời đó, các thợ thủ công đều tôn kính thần linh, vì vậy họ cũng chú trọng tu dưỡng tâm tính và cũng lưu truyền một bộ thuật pháp, trong đó thịnh hành và thần bí nhất là cuốn “Thượng hạ sách”. Nghe nói, “Thượng sách” dạy người ta làm người tốt, còn “Hạ sách” chuyên để trị người. Những người đã đọc “Thượng hạ sách” thường có bản sự, người bình thường không thể đắc tội.
Khi thợ mộc dựng nhà cho người ta, ngoài việc phải chú ý đến yếu tố phong thủy, họ còn rất cẩn trọng trong việc chọn ngày giờ đặt xà và cách thức đục xà. Nếu chủ nhà nào dám coi thường thợ mộc, họ có thể sử dụng một số tiểu thuật để trị chủ nhà, ví dụ như đục một lỗ trên xà nhà và nhét vào đó một lá bùa hoặc vật gì đó tương tự. Khi đó mọi việc gia chủ làm sẽ không suôn sẻ, có lúc lợn trong nhà chết, có lúc bị động vật phá hoại, có lúc người già ốm đau, con cái cảm lạnh, nói chung đều không tốt, v.v..
Lỗ Ban là một người tốt bụng, nhưng đồ đệ của ông là Triệu Tiểu Nhị lại là một kẻ khôn lỏi. Triệu Tiểu Nhị đã theo học nhiều năm và cũng đã nắm được kỹ thuật. Một ngày nọ, Triệu Tiểu Nhị kiêu ngạo nói với thầy của mình rằng muốn so tài tay nghề với thầy.
Triệu Tiểu Nhị nói: “Thầy ơi, con học nghề đã nhiều năm, cũng đã có thành tựu, thầy trò chúng ta thử so tay nghề một chút, để con biết được trình độ nghề của mình như thế nào nhé?”
Lỗ Ban không hiểu dụng ý của Triệu Tiểu Nhị bèn hỏi thi như thế nào. Triệu Tiểu Nhị nói: “Mỗi người chúng ta sẽ xây một tòa tháp ở hai bên bờ Đông và Tây của sông, thầy thấy sao?”
Lỗ Ban trầm tư một lúc rồi nói: “Được”.
Tiểu Nhị nói: “Con xây một tòa tháp ở bờ Đông sông Cầu, thầy xây một tòa tháp ở bờ Tây, chúng ta phải hoàn thành vào ngày mai trước khi trời sáng, ai hoàn thành sau thì người đó sẽ thua, có được không?”
Lỗ Ban trong lòng không vui, thầm nghĩ: “Thằng nhóc này còn non nớt mà đã kiêu ngạo như vậy, để ta dạy cho nó một bài học”.
Đêm hôm đó, hai thầy trò mỗi người xây một tòa tháp. Lỗ Ban đến Long Thọ Trại (nay là thị trấn Tảo Sơn, quận Quảng An), dùng phép thuật tách núi thành những khối đá vuông, rồi dồn đá như dồn gia súc, dồn đến bờ Tây sông Cầu, đường đi dài hàng chục dặm, chưa kể việc tháp xây trên động đá ven sông.
Còn nói về đồ đệ Triệu Tiểu Nhị, lúc này, hắn dùng phép thuật di chuyển một tảng đá khổng lồ dài hai, ba trượng đến bờ Đông sông Cầu, bắt đầu đục đẽo. Đây là lúc Triệu Tiểu Nhị dùng mánh khóe, hắn không định xây tháp mà là muốn đẽo tảng đá thành hình tháp. Việc này có rất nhiều điểm khác biệt so với xây tháp. Không mất nhiều thời gian, Triệu Tiểu Nhị đã đẽo tảng đá thành hình tháp. Hắn tự cho rằng mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bèn đến bờ Tây sông để xem thầy mình xây tháp.
Lỗ Ban đang tập trung xây tháp. Tháp đá uy nghi hùng vĩ, từng tầng hiện rõ cửa sổ, mái hiên, khí thế phi thường.
Triệu Tiểu Nhị giật mình, tháp nhỏ được đẽo gọt của mình làm sao có thể sánh được với tháp đá tráng lệ của thầy? Mình đã thua, sau này làm sao có thể gặp gỡ mọi người?
Vì vậy, Triệu Tiểu Nhị nghĩ ra một kế. Hắn nhìn trời còn sớm, bèn quyết định ngăn cản thầy mình hoàn thành tháp đá trước khi trời sáng. Triệu Tiểu Nhị bèn trốn ở một nơi không xa thầy mình, bắt đầu giả tiếng gà gáy.
Lỗ Ban nghe tiếng gà gáy, trong lòng giật mình. Lúc này tháp đá đã hoàn thành được 80, 90%, chỉ còn thiếu phần đỉnh tháp. Lỗ Ban giật mình, vội nhét một nắm cỏ vào đỉnh tháp, làm thành một đỉnh tháp bằng cỏ.
Ngày nay, tại thành phố Quảng An hai tòa tháp này vẫn còn tồn tại. Tháp nhỏ được Triệu Tiểu Nhị đẽo gọt dựng bên gác Khuyết ở bờ Đông sông Cầu được gọi là Văn Bút Tinh. Tháp đá của Lỗ Ban dựng ở bờ Tây sông Cầu chính là Bạch Tháp ngày nay, cách thành phố năm dặm, nơi đây được gọi là tháp gãy. Quả thật Bạch Tháp không có đỉnh.
Triệu Tiểu Nhị vì khôn lỏi nên rốt cuộc đã tự chuốc lấy họa. Một ngày nọ, Lỗ Ban gọi đồ đệ đến và nói: “Ta có một chiếc đèn Thần, là vật gia truyền của tổ tiên, là bảo vật trấn gia của nhà ta, có thể gặp nước mà mở đường, con hãy cầm nó qua sông làm chút việc”.
Triệu Tiểu Nhị có được món bảo bối, trong lòng vô cùng vui mừng. Hắn ta đến bờ sông, niệm chú ngữ mà thầy truyền thụ, một lúc sau giữa sông Cầu hiện ra một con đường đi thẳng đến bờ bên kia. Triệu Tiểu Nhị cười lớn: “Ha! Ha! Ta có được chiếc đèn Thần này, ai có thể sánh bằng”. Khi đi đến giữa sông, Triệu Tiểu Nhị nghĩ: “Món bảo bối này tuyệt đối không thể trả lại cho thầy, có nó ta muốn làm quan thì làm quan, muốn tiêu tiền thì có tiền, nửa đời sau không cần lo lắng gì nữa, ha ha!”
Ngay lúc hắn nảy sinh ác niệm, nước ở hai bên bờ sông bỗng cuộn trào, nhấn chìm Triệu Tiểu Nhị xuống nước, không bao giờ ngoi lên được nữa.
Đây là câu chuyện dân gian lưu truyền ở Quảng An. Câu chuyện nhắn nhủ với hậu nhân rằng thiện lương là bản tính của con người, đánh mất lương tri ắt sẽ tự chuốc họa vào thân. Người già ở Quảng An đều thích kể câu chuyện này để giáo dục thế hệ sau rằng làm người nhất định phải trung thực, tốt bụng, không được lười biếng và gian lận, không có lương tri là điều rất đáng sợ.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42223
Ngày đăng: 06-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.