Truyền thuyết dân gian: Mỹ ngọc cứu chủ
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp thuật lại, đồng tu chỉnh lý
[ChanhKien.org]
Cổ nhân có thói quen đeo ngọc, nam thì đeo ngọc ở thắt lưng, nữ thì làm thành vòng tay đeo ở cổ tay. Vì sao người xưa lại có sự yêu thích đặc biệt đối với ngọc như vậy, có một số loại ngọc thậm chí còn được xem là vô giá? Cũng có rất ít người biết giá trị đích thực của ngọc.
Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, có một người đàn ông quen sống xa hoa, trên lưng ông có đeo một viên mỹ ngọc do tổ tiên truyền lại. Đó là một khối ngọc thuần khiết không tì vết, sáng lấp lánh. Mặt trước của viên ngọc có khắc hình hai con cá nhìn hết sức sống động và trông chúng cũng rất tự do tự tại.
Người đàn ông họ Lý, chúng ta hãy gọi ông ấy là Lý tiên sinh. Một hôm khi Lý tiên sinh đang đi loanh quanh trên phố thì gặp một người Nhật. Người Nhật này nhìn thấy viên ngọc của Lý tiên sinh thì vô cùng yêu thích, ông ta sẵn lòng trả 5000 lạng bạc để mua lại mỹ ngọc. Lý tiên sinh vốn không thiếu tiền và cũng không đồng ý bán; nhưng lại bắt đầu cảm thấy hứng thú với viên mỹ ngọc này.
Lại có một hôm Lý tiên sinh đang uống rượu ở tửu lâu thì có người đánh nhau dẫn đến trận xô xát, đám đông bắt đầu chen lấn, xô đẩy nhau. Lý tiên sinh bị chèn hất ra khỏi cửa sổ tầng ba, bên dưới là vỉa hè bằng đá cứng. Lý tiên sinh bị hất xuống nhưng không bị thương, ông cảm thấy mình như rơi lên một cái gì đó rất mềm mại nên thân thể không bị thương tổn. Lý tiên sinh đứng dậy xong, phủi phủi bụi trên người, nhìn lại viên ngọc thì thấy nó vẫn còn nguyên không bị vỡ. Điều kỳ lạ là một trong hai con cá được khắc trên ngọc đã thay đổi hình dạng và nó trông như một con cá chết, trong khi con cá còn lại nhìn vẫn sống động phi thường.
Sau này vị người Nhật nọ gặp lại Lý tiên sinh, Lý tiên sinh đã kể cho ông ấy nghe về trải nghiệm của mình. Vị người Nhật bảo rằng viên mỹ ngọc đã cứu mạng chủ nhân. Ngọc cũng có sinh mệnh, sau khi cứu Lý tiên sinh xong nó chỉ còn một nửa mạng sống (tức là còn lại một con cá). Viên ngọc này hiện giờ chỉ có giá trị 2500 lạng. Sau khi Lý tiên sinh biết được điều ấy đã một lần nữa từ chối yêu cầu mua ngọc của vị người Nhật.
Rất nhiều đệ tử Đại Pháp đắc Pháp trước năm 1999 đều biết rằng đóa sen ở bìa sau cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” lúc mới mua sách vẫn chưa nở, cành sen cũng không thẳng lắm. Hôm nay nhìn lại, hoa sen trên sách đã nở rộ, cành hoa cũng vươn lên thẳng tắp.
Tất cả vật chất đều có mặt sinh mệnh của nó, chỉ là con người không biết mà thôi.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/264199
Ngày đăng: 23-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.