Truyền thuyết dân gian: Không tin thiên lý, không có lương tâm

Tác giả
Ngày đăng 19-05-2025

Tác giả: Phúc Chính chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Xưa kia có một chàng thanh niên tên là Lương Tâm. Một hôm, anh ta đi đánh cá dưới hồ, trời mưa và cũng sắp tối mà anh ta vẫn chưa bắt được con cá nào, còn người cũng ướt sũng rồi. Anh ta chán nản kéo lưới lên định về nhà, bỗng nhiên nghe thấy tiếng nước bắn tung tóe trong hồ. "Có cá!" Lương Tâm tung lưới xuống nước, kéo lên thì thấy trong lưới có một con cá to nặng hàng chục cân. Lương Tâm vui mừng khôn xiết, cõng con cá lớn về nhà.

Vừa đến cửa, anh ta đã hô lên: "Mẹ ơi, nhanh thổi lửa, nấu cá ăn!"

Mẹ của Lương Tâm đã đói cả ngày rồi, bà vội vàng cầm chiếc giỏ cá lên xem, vừa nhìn liền kinh hãi thốt lên: "Trời ơi, đây đâu phải là cá để ăn, đây là cá chép thần! Ăn vào sẽ bị sét đánh chết đó!"

Lương Tâm nghe mẹ nói là cá chép thần cũng thấy sợ. Anh ta vội vàng mang cá chép thần lên thị trấn, muốn dùng cá đổi chút gạo và mì. Khi Lương Tâm đến khu chợ rau ở thị trấn, vừa đặt cá xuống đã có rất nhiều người đến hỏi mua. Người này muốn mua, người kia cũng muốn mua. Đang chuẩn bị bán cho một người thì có một ông lão đánh cá đi ngang qua, thấy vậy liền nói: "Đây là cá chép thần, ăn vào sẽ bị tội đó!" Nghe ông lão nói vậy, "ào" một cái, tất cả mọi người đều bỏ đi, không ai dám mua nữa. Lương Tâm đành mang bụng đói, vác cá chép thần trở về nhà.

Mẹ Lương Tâm thấy con không bán được cá, liền bỏ cá vào một cái chum lớn. Một lúc sau, Lương Tâm đói đến mức không chịu nổi, không hỏi nữa, cầm dao thái rau mài trên miệng chum.

Cá chép thần thấy Lương Tâm mài dao trên chum, liền lên tiếng: "Anh Lương Tâm ơi, đừng giết em, anh muốn gì em cho cái đó".

Lương Tâm vừa nghe cá chép thần nói muốn gì có đó, liền nói: "Được rồi, vậy mỗi ngày ngươi phải đưa cho ta một xâu tiền, cho mẹ con ta đủ ăn đủ mặc, ta sẽ tha mạng cho ngươi". Lương Tâm vừa dứt lời, nhìn thấy con cá thần quẫy mạnh, một xâu tiền liền xuất hiện trong bể. Từ đó, Lương Tâm không còn đi đánh cá nữa mà sống nhờ số tiền mà cá thần mang đến mỗi ngày.

Một năm trôi qua, Lương Tâm lại nghĩ, tiền của cá thần chỉ đủ duy trì cuộc sống, vẫn chưa có tiền tích luỹ. Hôm đó, Lương Tâm lại cầm dao lên, mài "sột soạt" trên miệng chum. Cá thần liền nói: "Anh Lương Tâm ơi, anh đừng giết em, anh cần gì em cũng đáp ứng".

Lương Tâm nói: "Chỉ cần ngươi mỗi ngày đưa cho ta hai lượng vàng, ta sẽ tha mạng cho ngươi". Vừa dứt lời, con cá thần quẫy mạnh, hai lượng vàng sáng loáng liền xuất hiện trong bể nước. Từ đó, ngày nào cá chép thần cũng đều tặng cho Lương Tâm hai lượng vàng.

Xuân qua, thu đến, vừa đúng ba năm, những lầu phòng do Lương Tâm xây dựng sáng rực một vùng, gia đình anh trở thành gia đình giàu có nhất trong vòng vài trăm dặm.

Một ngày, Lương Tâm cưỡi ngựa đến một thị trấn nhỏ. Anh ta thấy một đám đông người tụ tập bên đường để xem chiếu chỉ từ kinh thành. Bên trên viết: "Con gái của Hoàng thượng bị đau bụng không khỏi, chỉ có thể chữa khỏi bằng cá chép thần. Ai dâng được cá chép thần sẽ được phong làm phò mã".

Lương Tâm đọc xong chiếu chỉ, vui mừng ghì cương ngựa trở về nhà. Anh ta sai người chuẩn bị xe lớn, thêm nước vào chum và chở cả cá lẫn chum vào kinh đô để dâng nộp cá chép thần.

Đến trước điện Kim Loan, quan ngự sử bẩm báo Hoàng thượng: "Có người tiến cống cá chép thần đến rồi ạ". Hoàng thượng vô cùng vui mừng, lập tức cử đại thần đi nhận cống phẩm. Các đại thần khiêng chum cá đến trước mặt để Hoàng thượng xem qua. Ai ngờ khi mở nắp chum lên, chum nước trống rỗng, không có cá cũng chẳng có nước.

Hóa ra, khi các đại thần nhận chum cá, cá chép thần thấy Lương Tâm đã hoàn toàn mất đi thiện niệm, rơi vào tình trạng không thể cứu vãn được nữa, nên đã mang theo nước bơi về Đông Hải.

Hoàng thượng nhìn thấy chum cá trống rỗng, vô cùng tức giận: "Ngươi là đồ súc sinh, dám cả gan lừa dối trẫm, mau mau kéo ra ngoài chém đầu!" Lương Tâm lập tức bị áp giải đi chém đầu.

Cá chép thần đi rồi, Lương Tâm cũng bị giết. Cá chép là một vị thần, từng bước thử thách xem lòng dạ của Lương Tâm đến đâu, nhưng Lương Tâm lại không hề hay biết, từng bước đánh mất lương tâm trước những khảo nghiệm, cuối cùng đến mức vong ân phụ nghĩa.

Từ đó trên đời lưu truyền câu nói: "Không tin thiên lý, không có lương tâm".

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33139

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Các bài khác

Loạt bài

Khám phá sinh mệnh