Trang chủ Right arrow Khám phá sinh mệnh

Truyền thuyết dân gian: Tiên Tằm nương nương Lôi Tổ

14-07-2025

Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Lôi Tổ là chính phi của Hoàng Đế Hiên Viên, thủ lĩnh bộ lạc phương Bắc thời thượng cổ. Bà sinh được hai người con trai là Huyền Khí và Xương Ý.

Sau này, Xương Ý cưới con gái của Thục Sơn Thị làm vợ, sinh ra Cao Dương, kế thừa thiên hạ, trở thành một trong Ngũ Đế nổi tiếng trong lịch sử là “Chuyên Húc Đế”. Tuy nhiên, Lôi Tổ vẫn là người đầu tiên ở Trung Quốc phát minh ra phương pháp nuôi tằm, nên được tôn kính gọi là “Tiên Tằm nương nương”. Bia đá “Thánh địa Lôi Tổ” thời Đường do Triệu Nhuệ, nhà mưu lược nổi tiếng thời Đường và là tác giả của Trường Đoản Kinh, đề rằng:

“Lôi Tổ là người đầu tiên sáng tạo ra phương pháp trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật rút tơ dệt lụa; bà đã khuyên răn Hoàng Đế, mở ra nông nghiệp nuôi tằm, quy định các loại y phục, đặt ra phong tục cưới hỏi, đề cao lễ nghi, xây dựng cung thất, đặt nền móng quốc gia, thống nhất Trung Nguyên, có công lớn trong việc giúp vua trị quốc, công lao ấy đời đời không thể quên. Vì thế, bà được tôn là Tiên Tằm”.

Trong dân gian lưu truyền câu chuyện về việc Lôi Tổ phát minh ra cách nuôi tằm như sau:

Sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu đã thành lập liên minh bộ lạc, Hoàng Đế được bầu làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Ông dẫn dắt mọi người bắt đầu trồng ngũ cốc, thuần dưỡng động vật, chế tạo công cụ sản xuất, còn việc làm y phục thì giao cho chính phi Lôi Tổ.

Trong quá trình làm y phục, Lôi Tổ và ba người khác dưới quyền Hoàng Đế đã phân công cụ thể: Hồ Sào phụ trách làm mũ; Bá Dư phụ trách làm áo; Vu Tắc phụ trách làm giày; còn Lôi Tổ phụ trách cung cấp nguyên liệu. Bà thường dẫn phụ nữ lên núi tước vỏ cây, dệt lưới gai, thuộc da các loài thú rừng mà đàn ông săn bắt được. Rất nhanh, các thủ lĩnh lớn nhỏ của các bộ lạc đều có y phục và giày dép để mặc, mũ để đội. Nhưng Lôi Tổ vì làm việc quá sức mà ngã bệnh, hơn nữa còn không muốn ăn uống gì. Mọi người xung quanh đều rất lo lắng.

Một ngày nọ, mấy người phụ nữ bên cạnh Lôi Tổ âm thầm bàn nhau, họ quyết định lên núi hái chút quả dại về cho Lôi Tổ ăn. Họ nếm thử rất nhiều quả, đều không ngon. Đến gần tối, cuối cùng họ phát hiện ra một loại quả nhỏ màu trắng, chưa kịp nếm thử, họ vội vàng hái mang về. Về đến nhà, họ phát hiện ra dù cắn thế nào cũng không nát, họ quyết định dùng nước nấu. Nhưng nấu mãi vẫn không nát, một người phụ nữ tiện tay cầm một chiếc que cắm vào nồi khuấy. Khuấy một lúc, trên đầu que quấn rất nhiều sợi trắng tơ như sợi tóc. Người phụ nữ tiếp tục khuấy, phát hiện ra tất cả những quả nhỏ màu trắng luộc trong nồi đều biến thành những sợi tơ trắng như tuyết, trông óng ánh, mềm mại vô cùng. Họ vội vàng báo cho Lôi Tổ. Lôi Tổ thông minh xem xét kỹ lưỡng những sợi tơ, hỏi những quả nhỏ màu trắng được hái từ ngọn núi nào, trên cây gì. Sau đó, tâm trạng bà tốt hơn nhiều, bệnh cũng nhanh chóng khỏi.

Sau khi khỏi bệnh, Lôi Tổ đích thân đến rừng dâu trên núi quan sát, cuối cùng đã hiểu ra những quả nhỏ màu trắng là do một loại sâu nhả tơ quấn lại mà thành, chứ không phải là quả trên cây. Lôi Tổ kể chuyện này cho Hoàng Đế, đồng thời thỉnh cầu Hoàng Đế hạ lệnh bảo vệ tất cả rừng dâu trên núi.

Từ đó, dưới sự khởi xướng của Lôi Tổ, Trung Quốc bắt đầu thời kỳ lịch sử trồng dâu nuôi tằm.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/53253

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài