Truyền thuyết về Hoàng Đế nhất thống thiên hạ



Hoàng Đế thống nhất thiên hạ (Nguồn hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế)

[Chanhkien.org] Hoàng Đế là vị vua theo truyền thuyết Trung Hoa và là người anh hùng văn hóa, người được truyền thuyết Trung Hoa coi là tổ tiên của người Hán.

Người ta tin rằng Hoàng Đế rất kỳ lạ từ khi còn trẻ. Ông rất thông minh và đạt được những thành tựu cực kỳ quan trọng trong đời. Trong hàng nghìn năm, người Trung Hoa xem Hoàng Đế là mẫu hình trong tất cả các hoàng đế vĩ đại.

Hoàng Đế là hậu duệ của người bộ tộc Thiểu Điển. Ông có họ là Công Tôn, tên hiệu là Hiên Viên. Ông sinh ra với những tính khí đặc biệt. Không lâu sau khi sinh, ông đã biết nói. Khi còn là một đứa trẻ, ông rất thông minh. Cậu bé Hiên Viên khá lương thiện và siêng năng khi lớn lên. Khi trưởng thành, cậu rất hiểu biết và có khả năng tuyệt vời khi phân biệt đúng sai.

Thời kỳ hậu Viêm đế, các đời sau của Thần Nông trở nên suy yếu, các chư hầu chinh phạt lẫn nhau khiến nhiều người chết. Những người con của Thần Nông không thể bình định chiến sự, vì thế Hiên Viên dự định huấn luyện binh sỹ để chinh phạt các chư hầu không nộp triều cống. Các chư hầu đều quy phục, ngoại trừ Xi Vưu, chư hầu hung bạo nhất không ai dám đối đầu. Viêm đế muốn chinh phục những chư hầu nhỏ này nhưng tất cả họ đều nghe theo Hiên Viên. Một lần, Viên Hiên học được các kế sách của Viêm đế. Anh bắt đầu tu nhân tích đức, nghiên cứu cách biến hóa của thời tiết bốn mùa, dạy người ta cách trồng ngũ cốc, làm yên lòng dân, đi chu du các lãnh địa, và chuẩn bị quân đội. Anh cũng thuần hóa các loài thú dữ như cọp và gấu.

Khi Hiên Viên chiến đấu với Viêm đế trên chiến trường ở Phản Tuyền và chinh phục được Viêm đế, Xi Vưu phát động bạo loạn và không tuân mệnh Hiên Viên. Vì thế Hiên Viên điều động quân đội từ các chư hầu và tác chiến với Xi Vưu tại Trác Lộc. Xi Vưu bị bắt sống và bị giết chết. Các chư hầu tôn Hiên Viên làm thiên tử và để ông lên ngôi hoàng đế thay cho Thần Nông.

Hiên Viên được thần thánh ban cho điềm tốt là đất đai trở nên phì nhiêu khi ông lên ngôi hoàng đế. Vì màu của đất là vàng nên ông được đặt tên hiệu là “Hoàng Đế”. Nơi nào có bạo loạn, ông bèn mang quân đến chinh phạt. Khi đã bình định trở lại, ông lại mang quân về.

Hoàng Đế không có một nơi ở cố định và cũng không sống trong tiện nghi. Suốt thời kỳ của ông, khi ông ra ngoài chiến trận, ông đã xây nhiều đường xá ở các vùng núi. Ông đã đến tận Đông Hải, lên tận ngọn núi Hoàng Sơn và Thái Sơn; đến miền tây, qua vùng Đạt Không Đồng, băng qua Kê Đầu Sơn; đến miền nam, vượt sông Trường Giang, lên ngọn Liễu Hùng Sơn, Tương Sơn; đến miền bắc, xua quân bạo loạn Hung Chúc, và ký kết với các chư hầu nhỏ ở Phù Khế, thiết lập đô ấp tại chân núi Trác Lộc Sơn.

Khi Hoàng Đế cùng quân đội đi viễn chinh, ông ở trong trại lính và các lính gác bảo vệ ông. Ông đặt tên các quan chức là “vân lai”, quân đội là “vân sư”. Ông cũng thiết lập hệ thống kiểm tra để giám sát các chư hầu. Vì thế hòa bình và thịnh vượng lan truyền khắp nơi. Có nhiều tài liệu nói về việc ông đã đến những thắng cảnh nổi tiếng để thờ phụng Thần thánh trong suốt triều đại của ông nhiều hơn bất kỳ một hoàng đế nào khác.

Các chư Thần trao cho Hoàng Đế bảo đỉnh và cỏ thi để chiêm đoán trước vận mệnh, có thể tạo ra lịch pháp, dự báo mùa màng và thay đổi khí hậu. Ông đã bổ nhiệm Phong Hậu, Lực Mục, Thường Tiên và Đại Hồng là những cố vấn gần gũi để giúp ông điều hành những việc quan trọng. Ông tuân theo quy luật của Trời Đất, hiểu biết nguyên lý Âm Dương, từ đó thiết lập các giáo huấn về dưỡng sinh, ma chay người chết và giải thích các đạo lý tồn vong của quốc gia. Ông trồng nhiều loại cây khác nhau vào những mùa khác nhau, thuần hóa các thú vật hoang, và sử dụng tơ tằm để dệt vải. Ông quan sát chuyển động của nhật nguyệt tinh tú và tính chất của nước, đất, đá và kim loại để những vật liệu này có thể được sử dụng hợp lý. Ông áp dụng những ý tưởng mới một cách chuyên cần và hợp lý, đồng thời quan sát và lắng nghe cẩn thận mọi việc.

Câu chuyện kể trên mô tả về đức hạnh của Hoàng Đế, từ việc giết chết người lãnh đạo chư hầu phản bội Xi Vưu, đánh bại Viêm đế, thống nhất thiên hạ cho tới việc thiết lập nền văn minh Trung Hoa. Ông tuân theo quy luật tự nhiên và các nguyên tắc của Trời Đất. Ông thiết lập lịch Trung Hoa và tạo ra những công cụ mà con người có thể làm cuộc sống trở nên thịnh vượng, bằng cách thuần hóa những thú vật hoang, trị thủy, khai hoang đất trồng trọt, và trồng ngũ cốc. Ông sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, giải thích bản chất của sinh tử, và sự khó khăn để sống sót. Trong tất cả các kế hoạch của mình, ông luôn cân nhắc đến lợi ích của người dân.

Cùng lúc ấy, ông cũng tôn trọng thần linh, núi, sông và dạy người dân kính trọng Thần thánh cùng Trời đất.

Mặc dù đây chỉ là một truyền thuyết cổ xưa, nhưng các di vật được phát hiện và những văn vật lịch sử đã chứng tỏ điều này có thể là sự thật. Những văn vật này có thể cho chúng ta những manh mối và giúp chúng ta có được những hiểu biết về nguồn cội của xã hội Trung Hoa cổ xưa.

Văn hóa 5.000 năm của dân tộc Trung Hoa đã được truyền xuống bởi các chư Thần, tất cả đều bắt nguồn từ truyền thuyết này. Sự thống nhất của hai chư hầu Viêm Đế và Hoàng Đế đã hình thành nên dân tộc Hoa Hạ. Vì cả hai hoàng đế đều được xem như là tổ tiên của dân tộc Hoa Hạ, người Trung Hoa xưa cũng tự xưng là “Viêm Hoàng tử tôn” (Con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế). Sau này những con cháu của họ định cư dọc theo sông Hoàng Hà, và đã sáng tạo nên một nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/8/7/45145.html
http://www.pureinsight.org/node/5549

*  *  *

Chú thích của người dịch (theo từ điển Thiều Chửu):

[1] Chữ ‘hoàng’ (黃) có nghĩa là sắc vàng, sắc ngũ cốc chín. Ngày xưa lấy năm sắc chia sánh với năm phương. Màu vàng cho là sắc ở giữa, cho nên coi màu vàng là màu quý nhất. Về đời quân chủ các tờ chiếu mệnh đều dùng màu vàng, cho đến các đồ trang sức chỉ vua là được dùng màu vàng thôi. Khác với chữ ‘hoàng’ (皇) có nghĩa vua chúa, thuộc về vua chúa.

[2] Cỏ thi, lá nhỏ dài lại có từng kẽ, hoa trắng hay đỏ phớt, hơi giống như hoa cúc, mỗi gốc đâm ra nhiều rò. Ngày xưa dùng rò nó để xem bói gọi là bói thi.



Ngày đăng: 29-01-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.