Khám phá sinh mệnh Right arrow Nguyên thần bất diệt

Luân hồi ký sự: Thiên thượng nhân gian

Tác giả
Ngày đăng 20-05-2025

Tác giả: Đồng Phi Thiên Vũ

[ChanhKien.org]

Trong Tam Giới ở trong thiên thể vũ trụ có một nơi Thiên Giới, cũng được gọi là Thiên Đình, do Ngọc Hoàng Đại Đế và Vương Mẫu Nương Nương cai quản, chủ trì mọi việc ở nơi đây. Các cung điện ở đây hùng vĩ, thần thánh, lộng lẫy rực rỡ ánh vàng kim và ngọc bích. Các lộ thần tiên đều đang thực hiện sứ mệnh của mình, sinh mệnh ở nơi này vô cùng phồn vinh, tồn tại theo cách đặc thù riêng của họ.

Lại nói Ngọc Hoàng Đại Đế và Vương Mẫu Nương Nương có chín người con gái. Một ngày nọ, chín vị tiên nữ đứng trên Dao Trì nhìn xuống trần gian, thấy một vịnh biển nơi nhân gian có phong cảnh tuyệt đẹp, liền cùng nhau hạ phàm, đến nơi vịnh biển ấy chơi đùa. Sau khi đùa giỡn vui vẻ lại vội vàng quay về Thiên Đình, từ đó lưu lại truyền thuyết mỹ lệ ở nhân gian (Ngày nay, khu vực này ở phía Nam của Liêu Ninh đã được phát triển thành một điểm du lịch nổi tiếng).

Ngày xưa ở nhân gian từng có một thư sinh, gia cảnh nghèo khó, người cha lại lâm bệnh nặng. Mỗi ngày, thư sinh đều tận tâm chăm sóc người cha bệnh nặng, nhưng cuối cùng người cha vẫn rời khỏi cõi trần. Khi ấy, thư sinh đã không còn một xu dính túi, bất đắc dĩ phải bán thân để mai táng cho cha. Lòng hiếu thảo của thư sinh đã làm cảm động trời đất, Ngọc Hoàng Đại Đế bèn phái Thất Tiên Nữ hạ phàm kết thành vợ chồng với thư sinh, để nhắc nhở con người ghi nhớ “lấy hiếu làm đầu”. Đây chính là câu chuyện nổi tiếng nhà nhà đều biết, được lưu truyền đến ngày nay qua vở hý kịch Hoàng Mai “Thiên Tiên phối”. Do lưu truyền từ lâu, người đời sau lầm tưởng cho rằng Thất Tiên Nữ tự ý hạ phàm để kết làm vợ chồng với Đổng Vĩnh. Thực ra, con người làm sao hiểu được dụng ý và an bài của Thần. Đổng Vĩnh vốn là một vị tinh quân trên Thiên Giới, Thất Tiên Nữ vốn là con gái của Ngọc Hoàng Đại Đế. Họ nhìn thấy con người ở chốn nhân gian thuận theo sự phát triển của thế giới vật chất, đạo đức ngày càng bại hoại, đã không còn lý do để tiếp tục tồn tại. Thiên Đình từ lâu đã đặt ra tiêu chuẩn nghiêm khắc cho con người, vậy nên các Thần động lòng từ bi, quyết định lần lượt hạ phàm, cùng nhau diễn dịch câu chuyện này, nhằm khai sáng cho thế nhân hiểu thế nào là hiếu (con có hiếu với cha mẹ), thế nào là đễ (anh em thuận hòa), và rằng điều Thần coi trọng ở nhân gian không phải là tiền tài hay quyền thế, mà là nhân phẩm. Khi hoàn thành xong sứ mệnh, họ liền quay trở về thiên đình.

Sau này, do trên Thiên Đình thiên tượng biến hóa để phù hợp với nhu cầu dưới nhân gian, Vương Mẫu Nương Nương và em gái của Ngọc Hoàng Đại Đế đã hạ xuống trần gian, lần lượt chuyển sinh thành Tiêu Thái Hậu của nước Đại Liêu và Xà Thái Quân của triều Tống. Mà tam công chúa của Vương Mẫu Nương Nương cũng sau đó theo Vương Mẫu hạ phàm, chuyển sinh thành con gái của Tiêu Thái Hậu. Sau khi Tiêu Thái Hậu bạo bệnh qua đời, hoàng tử của bà là Gia Luật Long Tự (tức Thánh Tông Hoàng Đế) lên ngôi kế vị. Mười năm sau khi Tiêu Thái Hậu qua đời, tức là vào năm thứ chín niên hiệu Khai Thái của nhà Liêu (năm 1020), ông đã xây dựng chùa Hàm Hy để tưởng nhớ mẫu hậu, sau này đổi tên thành chùa Phụng Quốc (còn gọi là chùa Đại Phật). Ngôi chùa hoàng gia này có chính điện Đại Hùng Bảo Điện khí thế hùng vĩ, trang nghiêm, các tượng Phật bên trong rất đặc biệt. Trên bục thờ Phật cao lớn, từ Tây sang Đông lần lượt sắp xếp bảy tượng Phật nguyên thủy: Thích Ca Mâu Ni, Câu Na Hàm Mâu Ni, Tỳ Xá Phù, Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Câu Lưu Tôn, Ca Diếp. Trong đó, tượng Tỳ Bà Thi ở chính giữa cao nhất, tính cả bệ cao tới 8,6 mét, hai bên lần lượt thấp dần. Các tượng chư Phật có dung mạo đoan trang, cao lớn từ bi, trang nghiêm thù thắng, tốt đẹp vô cùng. Trước mỗi tượng Phật đều có hai tượng Bồ Tát đứng hai bên, tạo hình sinh động ưu mỹ, mang theo thần thái khác nhau. Ở hai đầu phía đông và tây của bục thờ, mỗi bên có một tượng Thiên Vương uy vũ mạnh mẽ. Trên các xà, kèo của Đại Hùng Bảo Điện là những bức tranh trang trí thủ công sặc sỡ của kiến trúc thời Liêu, màu sắc diễm lệ, hình dáng đa dạng, sống động như thật: có Phi Thiên, hoa sen, hoa hải đường, cỏ phượng,... Trong đó, sinh động nhất chính là những bức Phi Thiên dưới trụ xà, với gương mặt phúc hậu xinh đẹp, y phục rực rỡ, dáng vẻ ưu mỹ. Khi chùa Đại Phật hoàn thành, lễ khai quang khánh thành diễn ra vô cùng hoành tráng. Là con gái của Tiêu Thái Hậu, những cảnh tượng năm xưa ấy dường như vẫn như mới xảy ra hôm qua… Kỳ thực, Tiêu Thái Hậu và con gái của bà sau khi hoàn thành sứ mệnh, cũng đã quay trở về Thiên Đình.

Chùa Đại Phật đã trải qua ngàn năm, trải qua nhiều triều đại, thật không thể tin nổi ngôi chùa đã năm lần thoát khỏi những kiếp nạn lịch sử, mà vẫn bình an vô sự, dáng vẻ hùng vĩ vẫn nguyên vẹn. Kỳ thực, tất cả những điều này đều do Thần an bài, là nhu cầu của Chính Pháp. Hai tấm biển treo hai bên ngoài chính điện chùa Đại Phật, đề chữ “Pháp Luân thiên địa, từ nhuận sơn hà” (Pháp Luân bao trùm trời đất, lòng từ bi thấm nhuần núi sông), dù đã trải qua nghìn năm bể dâu vẫn còn nhìn được rõ ràng. Điều đó càng khiến tôi thể ngộ sâu sắc hơn về lòng từ bi bao la của Phật Chủ. Năm 1992, Sư tôn từ bi vĩ đại giảng Pháp ở trong nước, đã mấy lần ghé đến chùa Đại Phật. Khi Sư tôn đả đại thủ ấn, tượng Phật Câu Lưu Tôn trong chùa bỗng rơi hai hàng nước mắt, đến nay vẫn còn thấy rõ ràng.

Đời này, tôi đã trải qua đủ mọi khổ nạn, cuối cùng đã trở thành một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp của Sư tôn. Thuận theo quá trình tu luyện, Sư tôn đã khai mở một phần ký ức của tôi ở những thời điểm khác nhau. Trong một cơ duyên tình cờ, tôi đã có duyên tới được nơi này. Khi đứng trước các tượng chư Phật như Thích Ca Mâu Ni, ký ức về những chuyện xa xưa chợt ùa về, hơn 2500 năm trước, tôi từng là một trong những đệ tử được Phật Thích Ca thọ ký, đã lưu lại nhiều câu chuyện tu luyện, đặt định cơ sở văn hóa cho việc tu luyện và kính ngưỡng Thần Phật của người đời sau. Chỉ là, trong số các đệ tử của Phật Thích Ca năm ấy, vẫn còn có những người mê lạc nơi nhân gian, họ đã quên mất đường về nhà.

Thật may mắn khi được Sư tôn cứu độ, chứng kiến sự siêu thường và huyền diệu của Đại Pháp, từ xưa đến nay, trải qua bao lần luân hồi, thiên thượng nhân gian, tất cả đều đến từ sự an bài từ xa xưa của Sư tôn, cũng như bao lần kết duyên với Sư tôn ở các thời kỳ khác nhau.

Nhớ lại chuyện cũ
Thiên thượng nhân gian
Bao lần luân hồi
Hoàn thành sứ mệnh
Đặt định văn hóa Thần truyền
Nhìn về hiện tại
Đệ tử Đại Pháp
Trợ Sư chính Pháp
Cứu chúng sinh
Tái hiện cổ kim huy hoàng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/59909

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài