Luân hồi ký sự: Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng xưa và nay
Tác giả: Tiểu Liên
[ChanhKien.org]
Đề tựa: Một lần nữa viết về chủ đề luân hồi ký sự, tôi cần có những đột phá hơn so với trước đây. Lần này tôi chú trọng đến cách nhìn đúng đắn về những ẩn đố trong lịch sử. Để làm nổi bật chủ đề tất cả đều “đến vì Pháp”, cần kết hợp với những hiện tượng luân hồi làm dẫn chứng, để mọi người có cảm nhận rằng mình chính là một phần trong đó.
Binh đoàn đất nung của Tần Thuỷ Hoàng được phát hiện vào những năm 70 của thế kỷ trước có thể coi là chấn động thế giới. Người ta không chỉ vô cùng kinh ngạc trước tiềm lực quân sự lớn mạnh của đế quốc Đại Tần mà còn trực tiếp hiểu biết về trang bị của quân đội quốc gia vào thời kỳ đó. Đội quân đất nung này không chỉ rất hùng hậu, mà mỗi một bức tượng lại mang dáng vẻ khác nhau, đây là điều vô cùng hy hữu và hiếm gặp. Trên internet đã có rất nhiều thông tin giới thiệu về binh đoàn đặc biệt này, ở đây vì bài viết có hạn nên xin không đi vào chi tiết, độc giả có thể tự mình tìm hiểu thêm.
(Hình ảnh lấy từ internet, những hình ảnh phía dưới cũng vậy)
(Chiến binh trong tư thế đứng)
(Chiến binh trong tư thế quỳ gối)
Binh đoàn đất nung là một bộ phận thuộc quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã bị chôn vùi hơn 2000 năm dưới lòng đất, thế cho nên không có gì kỳ lạ là trong sử sách không có bất kỳ ghi chép nào về binh đoàn này. Ban đầu khi mới được phát hiện, người ta còn cho rằng đội quân này được tạo ra không phải để bảo vệ cho lăng mộ của Tần Thủy Hoàng mà để bảo vệ cho một vị thái hậu trước đó. Tuy nhiên những phát hiện sau này cho thấy trên rất nhiều binh khí được tìm thấy đều có khắc dòng chữ “Tương bang Lã Bất Vi tạo”, điều này đã chấm dứt hết thảy những tranh luận.
Theo tư liệu trên Wikipedia: lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng trong khoảng từ năm 246 (TCN) cho đến năm 208 (TCN), trải dài trong 39 năm. Căn cứ theo các chứng cứ khảo cổ học thì binh đoàn đất nung cũng được tạo ra trong cùng khoảng thời gian đó.
Hôm nay, chúng ta hãy nói sơ lược về nguồn gốc và quá trình xây dựng đội quân này. Sau khi xóa bỏ xong chế độ tuẫn táng [hủ tục chôn người sống theo người đã chết] tàn nhẫn, Tần vương (Tần Thủy Hoàng) tự hỏi rằng bản thân mình sau một trăm năm nữa làm sao vẫn có được sự oai nghi như lúc còn sống. Điều này đã thực sự khiến nhà vua phải lao tâm khổ tứ không ít.
Do Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên được thiên thượng an bài để thống nhất vùng đất trung tâm Hoa Hạ, vậy nên bất kể điều gì ông làm đều sẽ khai sáng cho hậu thế sau này. Ví như việc thống nhất tiền tệ và đơn vị đo lường, xóa bỏ chế độ phân chia ban tước cho các quý tộc chuyển thành thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định; mặc dù lãnh thổ nhà Tần không rộng lớn như các triều đại về sau, tuy nhiên các vương triều thống nhất sau này thực tế đều phát triển dựa trên cơ sở lãnh thổ mà nhà Tần đã kiến lập.
Tần Thủy Hoàng chu du khắp nơi, tầm tiên học đạo, ông dùng “pháp gia” để trị quốc, vậy nên đối với những kẻ “giả nho sỹ” thì không hề nương tay. Đây chính là nguyên nhân khiến người đời sau lầm tưởng mà truyền nhau rằng Tần vương là bậc bạo vương “đốt sách chôn Nho”. Ở đây chúng ta không bàn thêm về vấn đề này.
Kỳ thực, chủ ý tạo ra binh đoàn đất nung là của một vị cao nhân đắc đạo đã ở ẩn nhiều năm. Tần vương trong một lần dạo chơi ở vườn hoa sau hậu cung Hàm Dương, đột nhiên trong tâm có chút phiền muộn, ông liền lệnh cho các thị vệ đi cùng rời đi, một mình ở tại đó tiếp tục suy nghĩ về việc bản thân cần làm gì để đem sự huy hoàng của Tần triều lưu danh thiên cổ. Ông hiểu rõ rằng, bởi vì năm xưa sáu nước chư hầu đã từng bị ông tiêu diệt, thì rất có thể sau khi ông qua đời Đại Tần cũng sẽ bị nước khác thôn tính (người đời sau thường cười nhạo về những lời mà Tần Vương từng nói về “nhị thế, tam thế… lưu truyền muôn đời”, vì trên thực tế nhà Tần chỉ truyền ngôi đến đời thứ hai đã bị diệt vong. Kỳ thực lưu truyền muôn đời mà Tần vương nói không phải ám chỉ riêng cho nhà Tần của ông mà muốn nói đến “thể chế đế vương và chế độ quốc gia” được ông kiến lập nên). Như vậy cơ nghiệp huy hoàng mà ông gây dựng sẽ dễ dàng bị sụp đổ. Vì thế hoàng đế suy nghĩ dùng phương kế nào để lưu lại sự huy hoàng này cho tương lai. Ông cũng hiểu rằng, việc lưu lại cho tương lai thực ra không phải để thể hiện sự huy hoàng của đế quốc Đại Tần và bản thân ông mà là để triển hiện sự sáng tạo vĩ đại của Thần.
Thời kỳ Xuân Thu là thời kỳ mà “Lễ giáo suy đồi – âm nhạc bại hoại”. Bởi thế mà Khổng Tử đã tận lực cả đời mình để khôi phục lễ giáo nhà Chu. Xã hội nếu cứ theo đó mà phát triển tiếp nữa, thì sẽ khiến đạo đức con người ngày càng bại hoại. Vì vậy việc làm thế nào để con người lúc đó khôi phục lại những giá trị truyền thống cổ xưa đã trở thành một vấn đề chính yếu.
Trong lúc Tần Thủy Hoàng đang đăm chiêu suy nghĩ, thì đột nhiên một vị cao nhân mà ông đã gặp trước đây hiện ra trước mặt ông, nói với ông rằng: “Bởi vì thành tựu mà ngài sáng lập đã tước đi lợi ích của rất nhiều người, vì thế khi ngài còn sống và sau khi mất, rất nhiều người sẽ tìm cách lật đổ và phỉ báng ngài”. Tần vương khi đó bình thản đáp rằng: “Như vậy cũng chẳng đáng sợ gì, quan trọng là nhiều năm về sau, sau khi người ta lật đổ cơ nghiệp này, một chút dấu tích cũng chẳng còn nữa, nếu khi đó có người muốn nhớ lại giai đoạn lịch sử này thì cũng chẳng còn cách nào khôi phục được nữa”. Vị cao nhân lúc này khẽ cười nói: “Tâm tư của hoàng đế, tôi đây rất minh bạch. Ngài muốn nói rằng đợi cho những năm tháng đằng đẵng và các triều đại lần lượt qua đi, khi những hận thù và những lời lăng mạ của thế nhân dần phai nhạt, chính lúc mà con người bắt đầu nhìn nhận lại một cách chân thực tất cả những thành tựu mà ngài đã tạo dựng, thì sẽ rất khó tìm lại những biểu hiện chân thực của giai đoạn lịch sử này”. Tần vương nghe xong thở dài nói: “Quả đúng như vậy, con người lúc đó sẽ phải làm sao đây?”. Cao nhân khi đó liền nói rằng: “Vậy để tôi đi tìm các đạo hữu bàn xem phải làm thế nào” . Vua Tần nghe vậy chắp tay đáp lễ: “Hy vọng cao nhân có thể hoàn thành tâm nguyện này của ta”. Cao nhân hẹn với vua Tần rằng sau một năm nữa sẽ báo lại kết quả. Tần vương đồng ý nhưng kỳ thực khi đó trong lòng ông nghĩ rằng: “Vốn dĩ là một cao nhân đã đắc đạo, nghĩ một phương cách mà phải cần đến một năm hay sao!” Lòng hoàng đế nghĩ vậy nhưng không nói ra.
Lại nói về vị cao nhân kia, sau khi trở về ông gọi rất nhiều đạo hữu đến để cùng bàn bạc xem sự việc này nên làm thế nào. Lúc này một vị đạo hữu nghe xong căn nguyên sự tình mới nói rằng: “Tôi biết rằng năm xưa khi Hiên Viên Hoàng Đế vào núi sâu, dùng thuật luyên đồng để luyện thành tiên, cuối cùng cưỡi rồng bay về trời, lưu lại một minh chứng sống động cho thiên thu vạn cổ. Hiên Viên Hoàng Đế là người đã sáng lập ra nền văn hóa thần truyền 5000 năm của dân tộc Trung Hoa, còn chế độ chính trị do vị đế vương này (chỉ Tần Thủy Hoàng) sáng lập cũng sẽ mở ra thời đại đế vương trong 2000 năm lịch sử về sau. Đây đều là để trải đường cho sự kiện Sáng Thế Chủ trong tương lai sẽ hồng truyền Đại Pháp tại thế gian.
Vị cao nhân nghe vậy liền nghĩ ngay đến cuộc đối thoại giữa mình và Tần Vương khi nãy, ông thấy rằng lời của hoàng đế quả đúng là còn có thâm ý bên trong. Vậy nên ông nói với mọi người: “Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau tìm phương cách viên thành tâm ý của hoàng đế!”. Mọi người khi đó cùng nhau nghĩ cách, căn cứ vào tình hình nước Tần khi đó, cao nhân triệu hồi các vị Thần cai quản các kỹ nghệ trên mặt đất đến (rất nhiều vị Thần quản về điêu khắc gỗ, xây dựng, luyện sắt, chế tác gốm,…) mà nói rằng: “Các vị hãy tìm phương cách làm sao để đem một phần diện mạo của triều đại nhà Tần lưu lại cho tương lai”. Qua quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, các vị Thần cuối cùng quyết định giao cho thần chuyên quản việc chế tác đồ gốm phụ trách sự việc này. Bởi vì nếu không bị đập vỡ thì đồ gốm có thể bảo tồn trong thời gian hàng ngàn năm không bị hư hại.
Bởi vì lý của thế gian con người là “Binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc”, nên việc sử dụng phương thức “binh chấn” (chiến binh gốm sứ, ngựa gốm, chiến xa và nhiều loại vũ khí khác nhau) ở ngoại vi lăng mộ là cách tốt nhất để thể hiện sự oai nghiêm và huy hoàng của đế quốc Đại Tần.
Sau đó vị cao nhân lại tìm đến một số vị Thần thổ địa ở gần đó, nhờ họ chăm sóc, bảo vệ cho lăng mộ. Bởi vì binh đoàn đất nung sau này có vai trò rất lớn, một vị thần thổ địa không thể bảo vệ nổi, cần phải có các vị Thần ở các tầng thứ cao hơn cùng bảo vệ mới được.
Vì rằng rất nhiều sự tình đều cần có cơ duyên, mà một trong số những nhân tố khiến cơ duyên được tác thành chính là thời gian. Thế nên các vị Thần đã tận dụng mọi cơ duyên để an bài hết thảy mọi chi tiết từ việc chế tác, hạ thổ tượng gốm cho đến việc bảo vệ lăng mộ và khai quật sau này.
Sau khi an bài xong, một năm sau vị cao nhân kia lại hiện ra trước mặt vua Tần nói rằng hoàng đế có thể dùng chất liệu gốm sứ để chế tác binh đoàn dưới lòng đất. Đồng thời ông cũng cho Tần vương biết cần cho mời về những thợ gốm sứ như thế nào để có thể chế tác thành công binh đoàn, lúc hạ thổ các bức tượng gốm thì cần tìm ai đến phụ trách,… cùng rất nhiều việc cụ thể khác.
Tần Thủy Hoàng nghe vậy vô cùng mừng rỡ, liền lệnh cho thuộc hạ đi làm. Trong quá trình chế tác tượng gốm có sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân gốm trong hoàng cung và khắp nơi trên cả nước.
Thông qua những tư liệu khảo cổ được phát hiện cho thấy, những bức tượng đất nung này về cơ bản đều được chế tác theo nguyên mẫu người thật. Bên trên còn được phủ lên rất nhiều loại vật liệu màu rực rỡ.
(Hình chiến binh đất nung được phục dựng bằng kỹ thuật 3D hiện đại)
Từ bức hình trên có thể thấy rằng, vào thời điểm được chế tác, trên tượng các chiến binh đất nung đã được sơn lên một lớp màu sắc vô cùng đẹp mắt. Sự phối hợp các màu sắc tươi sáng này cũng được tạo ra dưới sự điểm hóa trực tiếp của Thần. Đương nhiên, trong toàn bộ quá trình chế tác tượng gốm, đâu đâu cũng đều có thể thể hiện ra những điểm hóa và sáng tạo có chủ ý của các vị Thần.
Ngày nay, ngay khi các bức tượng chiến binh và ngựa gốm được khai quật, những màu sắc này chỉ trong vài phút đã bị bong ra và tiêu biến mất. Người ta nói rằng nguyên nhân là do tượng gốm bị oxy hóa khi tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài.
Vào thời điểm đó trong quá trình chế tác binh đoàn ngựa gốm, vì để phân rõ trách nhiệm và nhằm mục đích nâng cao chất lượng chế tác, tên của những người thợ gốm đã được khắc lên ở những nơi rất khó thấy như nếp gấp quần áo và đôi khi còn có cả địa danh nơi sản xuất.
Kỳ thực từ góc độ văn hóa thần truyền mà xét thì “họ” của dân tộc Trung Hoa là rất nhiều. Mỗi dòng tộc đều có nguồn gốc rất xa xưa và hơn nữa phần nhiều trong số đó là có một lịch sử khá đỗi huy hoàng. Đa phần các dòng tộc đều có lưu lại lời giáo huấn của tổ tiên, điều này có tác dụng mãnh mẽ trong việc quy phạm hành vi của các thế hệ con cháu sau này. Đây cũng là nét độc đáo trong văn hóa dòng tộc của người Trung Quốc. Nói một cách khái quát thì công đức của những nghệ nhân chế tác tượng gốm được lưu danh lại là vô cùng lớn. Rất nhiều trong số họ ngày hôm nay được trực tiếp nghe Sáng Thế Chủ truyền Pháp. Bởi vì việc họ có thể chế tác ra những bức tượng đất nung vốn dĩ cũng là Thần hữu ý an bài, để họ thông qua việc chế tác tượng gốm mà kết duyên cùng Sáng Thế Chủ.
Chúng ta hãy nói về thời điểm sau khi những chiến binh đất nung được chôn xuống dưới lòng đất. Khi đó có một nữ Thần đến từ tầng thứ rất cao đi ngang qua. Nhìn thấy việc này, nữ Thần liền dùng thần thông triệu tập các Thần khác đến, một số vị Thần đã nhập vào trong những bức tượng, trở thành Thần bảo hộ cho những bức tượng.
Bởi vì nơi này rất quan trọng đối với việc con người tương lai có thể thông qua những hiện vật này để tìm về truyền thống, cho nên Sáng Thế Chủ cũng an bài rất nhiều sự việc ở đây.
Vị nữ Thần ôm lấy một vị Thần có hình hài một đứa trẻ (từ đây sẽ tạm gọi là “tiểu thần”) mà nhập vào một bức tượng chiến binh vốn do một nghệ nhân trong triều chế tác (khi đứa trẻ được sinh ra trong kiếp này, trên hai mông có lưu lại một hình tròn tròn và một vài bớp màu xanh, chính là dấu được lưu lại từ khi đó). Lúc này Nguyệt Quang Bồ Tát (kỳ thực tầng thứ của vị Thần này còn cao hơn Bồ Tát nhiều lần, chỉ là trong quá khứ vị ấy đã từng là Nguyệt Quang Bồ Tát nên tại đây liền xưng hô như vậy) nói với nữ Thần rằng: “Tôi sẽ ở đây bảo hộ cho cậu ấy” (chỉ tiểu thần). Khi này nữ Thần nhẹ nhàng gật đầu mỉm cười.
Trong lúc đưa vị tiểu Thần nhập vào bên trong bức tượng, nữ Thần liền nói với tiểu Thần rằng: “Kỳ thực rất nhiều thành tựu của nhà Tần nếu không có sự kế thừa từ văn hóa của nhà Chu thì cũng sẽ không thể phát triển được như vậy, ngươi cũng cần nhập vào bức tượng này, lấy đây làm cơ duyên, trong tương lai chúng ta sẽ có duyên gặp lại”.
Kỳ thực, trong binh đoàn đất nung đã được đặt định nhân tố của rất nhiều vị Thần khác nhau, mục đích là trực tiếp bảo hộ binh đoàn này không bị xâm hại hoặc gặp bất kỳ tổn thất nào quá to lớn cho tới thời khắc được con người phát hiện trong tương lai. Điều này sẽ đảm bảo cho người đời sau có thể hiểu rõ được sự thật đằng sau đó. Vai trò của vị tiểu Thần cũng giống như vậy.
Tuy nhiên, lý của thế gian con người là “tương sinh tương khắc”, có rất nhiều vị Thần bất hảo không muốn binh đoàn đất nung được lưu lại cho tương lai, nên họ đã tìm đủ mọi biện pháp để phá hoại, thậm chí còn có một số ác thần trực tiếp xuất hiện và can nhiễu, bọn họ lợi dụng đặc tính dễ vỡ của đồ gốm, mưu đồ muốn phá hỏng đội quân đất nung này.
Việc này đương nhiên không thể lọt được qua mắt của các chính Thần. Lúc này tiểu Thần cùng các chính Thần khác tất nhiên không nghe theo, nên đã chiến đấu với đám ác thần. Kết quả là tiểu Thần bị ác thần đánh trúng vào chỗ giao giữa tai và má bên trái (vị trí gần huyệt thái dương). May thay, Nguyệt Quang Bồ Tát đã xuất hiện đúng lúc, đánh bại đám ác thần và cứu được tiểu Thần. (Vị tiểu Thần được sinh ra trong kiếp này, ở vị trí bên trái chỗ huyệt thái dương, chỗ giao nhau giữa tai và má vẫn còn lưu lại dấu tích của trận chiến năm xưa, dấu tích đó có hình dạng một cái bớp màu xanh, to gần bằng móng tay người trưởng thành).
Những sự việc sau đó mọi người đều đã biết rõ. Mặc dù nơi này chiến loạn liên miên, nhưng các vị Thần đã nỗ lực hết mức để bảo tồn những di vật của đế quốc nhà Tần.
Để không cho người đời sau biết được sự tồn tại của binh đoàn đặc biệt này, sau khi quá trình hạ thổ hoàn tất, Thần đã dùng thần lực của mình xóa đi hết thảy ký ức về sự việc này trong trí nhớ của quốc dân triều Tần khi đó. Bởi vậy, cả một binh đoàn tráng sĩ cùng ngựa gốm quy mô như vậy đều đã bị chìm sâu vào quên lãng, trong sử sách cũng không lưu lại bất cứ điều gì.
Mãi cho đến năm 1974, một nông dân làng Hạ Hà (Lâm Đồng, Tây An, tỉnh Thiểm Tây) do hạn hán nên đã đào giếng lấy nước, những chiến binh đất nung cùng ngựa gốm một lần nữa tái xuất trong con mắt của thế nhân. Vị tiểu Thần kia cũng nhờ đó mà xuất ra từ trong thân thể của tượng gốm, chuyển sinh đầu thai.
Đã có rất nhiều phát hiện khảo cổ lớn được công bố trong thời gian đó, đây cũng là thời điểm mà khí công bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc.
Việc phát hiện ra binh đoàn đất nung đã khiến cho những người Trung Quốc vốn chỉ biết mải mê chạy theo đồng tiền một lần nữa lãnh hội được phong thái, trí tuệ và trình độ kỹ thuật cao của cổ nhân từ hơn 2000 năm trước. (Ví dụ một thanh kiếm được phát hiện trong lăng mộ bị bức tượng tráng sĩ đè cong, ngay khi bức tượng được di rời sang một bên, thanh kiếm lập tức khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Đây là tính chất của một loại hợp kim có tên Nitinol, là sản phẩm của khoa học hiện đại, con người 2000 năm trươc làm sao có thể nắm được phương pháp chế tạo ra loại hợp kim đặc biệt này?)
Cũng có nghĩa là những người thực sự có ngộ tính sẽ có nhận thức hoàn toàn mới về triều đại của Tần Thủy Hoàng. Hơn nữa, những tượng dũng sĩ nhờ được Thần nhập vào nên có thể triển hiện được nội hàm và hào quang của Thần, chỉ xem mỗi sinh mệnh trên thế gian sẽ nhìn nhận thế nào thôi. Cũng cần nói thêm rằng, kỹ thuật chế tác các bức tượng đất nung này vô cùng tinh xảo và truyền thần.
Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Pháp Luân Công được truyền ra từ vùng phía Bắc Trung Quốc, trải qua 28 năm cho tới ngày hôm nay, Đại Pháp đã được hồng truyền trên toàn thế giới.
Vị cao nhân năm xưa đời này cũng đã chuyển sinh và trở thành một đệ tử Đại Pháp. Năm ngoái, khi đi ngang qua Tây An, lúc gửi cho tôi những bức ảnh về binh đoàn đất nung, cô ấy đã thực sự bị chấn động và cảm khái sâu sắc.
Vị nữ Thần năm xưa cũng đã chuyển sinh thành một đệ tử Đại Pháp. Khi cô ấy đứng trước binh đoàn đất nung, tôi chắc chắn rằng trong tâm trí cô ấy cũng sẽ có trăm ngàn những luồng suy nghĩ khác nhau chạy qua. Mặc dù cô ấy ở vào trạng thái tu luyện bị phong kín, nhưng những ký ức năm xưa vẫn chưa hoàn toàn bị xóa hết, khi tận mắt nhìn thấy những điều này chắc hẳn trong lòng cô ấy cũng sẽ nảy sinh một cảm giác thân thuộc và trách nhiệm sâu sắc.
Vị tiểu Thần trong đời này hiện nay vẫn còn là một đứa trẻ, ở khoé mắt vẫn lưu lại một ấn ký có hình bộ áo giáp.
Nguyệt Quang Bồ Tát trong đời nay đã chuyển sinh thành một người thợ làm tóc nổi tiếng. Khi đứa trẻ được sinh ra vì những nguyên nhân khác nhau đã không đến thăm anh ấy. Bởi vì trong đời này Nguyệt Quang Bồ Tát và cha của đứa trẻ không hề có quen biết.
Hy vọng rằng các đồng tu đều có thể làm tốt những việc cần làm, không hổ thẹn với sứ mệnh của mình. Cũng hy vọng rằng những độc giả phổ thông có thể nhận thức đúng đắn hơn về văn hóa thần truyền của Trung Quốc cổ đại, phá vỡ sự trói buộc của thuyết vô thần, hiểu được chân tướng chân thực của lịch sử.
Đây chính là:
“Tần dũng pháp duyên thiên niên khản
Vi lưu kiến chứng nguyện trường miên
Kim triều xuất thổ kiến thiên nhật
Đoái hiện sứ mệnh tái phan duyên”
Dịch nghĩa:
“Binh đoàn đất nung của Tần vương đem theo pháp duyên trong ngàn năm;
Vì để lưu lại kiến chứng lịch sử mà nguyện nhắm mắt trong thời gian rất dài
Đến hôm nay ra khỏi đất nhìn thấy bầu trời
Hoàn thành sứ mệnh lại kết thêm thánh duyên”
Chú thích của tác giả: Ngụ ý của câu cuối là trách nhiệm đặt định văn hóa và bảo vệ lăng mộ Tần vương của những nhân vật trong câu chuyện đã hoàn tất, lúc này cần một lần nữa cần tiếp tục trân quý duyên phận đắc Pháp, làm tốt những việc mà một đệ tử thời kỳ chính Pháp cần phải làm.
Giải thích thêm: Mục đích của bài viết không phải để nói đến ai trong lịch sử đã từng là người xuất chúng như thế nào, huy hoàng như thế nào; kỳ thực những người trông rất bình thường thì trong lịch sử cũng có thể đã từng có một quá khứ huy hoàng hơn gấp trăm ngàn lần so với những nhân vật được nhắc đến trong bài viết này. Tôi chỉ là lấy những trải nghiệm của nhân vật chính trong câu chuyện làm ví dụ để nói về một sự việc chân thực đã từng phát sinh trong lịch sử. Mục đích là để giải khai một số ẩn đố ngàn năm qua của lịch sử, để con người từ đó mà kiến lập chính tín, chính niệm, tự sắp đặt vị trí cho của mình trong thời khắc đang giao tranh giữa chính và tà.
Phụ lục: Giới thiệu sơ lược về quy mô lăng mộ của Tần Thủy Hoàng:
Những hiện vật khai quật được, được xem như những vật phẩm được chôn theo cùng với thi hài của Tần Thủy Hoàng. Hố chôn số một nằm ở phía nam, từ đông sang tây dài 216 m, rộng 62 m, có diện tích 13.260 m2. Hố chôn thứ hai từ đông sang tây dài 124 m, rộng 98 m, diện tích là 6.000 m2. Hố chôn thứ ba có diện tích 520 m2. Tổng cộng đã khai quật được 800 bức tượng binh lính, 18 chiến xa bằng gỗ, 100 ngựa gốm. Dựa trên tính toán hiện tại của lăng mộ, ba hố chôn này rất có thể có đến 7.000 bức tượng chiến binh, 100 chiến xa, 100 chiến mã. Chiều cao của mỗi bức tượng chiến binh trung bình khoảng 1,8 m.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/261340
Ngày đăng: 05-09-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.