Luân hồi ký sự: Xem Thần Vận hiểu rõ chuyện “Hàn Diêu”, thấy được ân nghĩa và kết duyên trong luân hồi (1)



Tác giả: Tử Nhiên

[ChanhKien.org]

Ngày mùng một Tết năm 2018, tôi xem chương trình biểu diễn Thần Vận, trong khi xem tôi không ngừng cảm động và chấn động bởi diễn xuất tinh mỹ tuyệt vời của Thần Vận, đặc biệt là tiết mục “Hàn Diêu” (Ngôi nhà bần hàn). Vào ngày mùng hai Tết, trước mắt của tôi bắt đầu hiện một bức họa lớn, tái hiện tường tận an bài của Thiên thượng đối với Tiết Nhân Quý và Vương Bảo Xuyến, trong đó gồm cả tình tiết trên trời dưới đất, khiến tôi cảm giác chấn động, trong lòng cũng rất nhiều cảm khái. Năm nay, tôi chọn lọc viết ra, chia sẻ cùng mọi người.

1. An bài của Thiên giới

Có câu nói rằng: “Nhân gian một vở kịch, Thiên giới có an bài” . Vở kịch “Hàn Diêu” này cũng là an bài của Thiên giới.

Trong thiên khung thắng cảnh, cung điện ngọc ngà, đình điện rực rỡ, các vị Thần Tiên cùng nhau bàn bạc muốn tạo ra ở nhân gian một màn kịch về sự chung thủy, sắt son, không hai lòng trước nay chưa từng có trong hôn nhân, sau khi họ đã an bài xong tường tận, tỉ mỉ tất cả chi tiết của màn kịch này thì họ đã lựa chọn được mấy vị Thần Tiên đến sắm vai trong câu chuyện.

Người tu luyện biết rằng, những câu chuyện được lưu lại trong lịch sử thật ra đều có kịch bản. Hơn nữa nguồn gốc của kịch bản này cũng là không hề thấp, chính là an bài của Thiên giới. Hơn nữa, cứ cách một khoảng thời gian lâu dài, đều có Thần Tiên đối chiếu sửa lại kịch bản gốc. Bởi vì trong thời gian lâu dài, ở nơi của các vị Thần cũng phát sinh dị biến, thực chất mà nói, chính là tiêu chuẩn, cơ chế, trí tuệ của Thần giới cũng đang trượt dốc. Như vậy, những vị Thần Tiên trong quá trình sửa chữa kịch bản sẽ khiến cho sự việc phức tạp hơn, sẽ dần dần đảo lộn tình tiết kịch bản gốc, thậm chí rời xa ý đồ nguyên gốc của kịch bản.

Lấy thí dụ về chuyện tình “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” được lưu truyền xưa nay, trong câu chuyện “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” được diễn trên sân khấu Thần Vận, ở phần cuối vở kịch, Lương Sơn Bá nhìn “nghĩa đệ” Chúc Anh Đài, kết quả phát hiện “nghĩa đệ” lại là một cô gái yểu điệu. Còn cha của Chúc Anh Đài sau khi nhìn thấy Lương Sơn Bá, quan sát đánh giá một lượt, càng nhìn càng thấy vừa lòng: Thanh niên này là một nhân tài! Lại vừa vặn nhìn thấy biểu hiện của con gái, thì hiểu hết mọi chuyện, lập tức làm chủ, gả con gái cho Lương Sơn Bá, đó là kết cục viên mãn. Ấy là kịch bản nguyên gốc ban đầu, chủ đề nêu bật lên là “Người hữu tình cuối cùng sẽ thành thân quyến”. Kịch bản này về sau bị Thần sửa đổi thành hoàn toàn khác hẳn, cho thêm nhân vật Mã Văn Tài, biến nó thành câu chuyện tình bi thương “Người hữu tình không thành thân quyến”, còn tạo ra một kết cục hóa thành bướm, nói thẳng ra chính là an bài Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài trong luân hồi mà đi vào cõi côn trùng, còn dùng mỹ từ là: Hóa bướm. Sửa lại kiểu như vậy đã hoàn toàn rời bỏ ý đồ của kịch bản nguyên gốc ban đầu, sau khi sửa đổi đã trở thành kịch bản hỏng.

Rất nhiều câu chuyện nổi tiếng lưu lại trong lịch sử đều đã bị Thần Tiên không ngừng sửa chữa. Những vị Thần này đã đem văn hóa mà Sáng Thế Chủ cấp cho nhân loại sửa chữa thành hoàn toàn khác hẳn, hoàn toàn không phải câu chuyện ban đầu. Câu chuyện được cải biên khiến người ta miễn cưỡng chấp nhận, nhưng đã mất đi những thứ hương vị gốc, phá hủy nội hàm thâm sâu trong văn hóa mà Sáng Thế Chủ đặt định cho con người.

Cũng như vậy, câu chuyện nổi tiếng“Hàn Diêu” mà nhà nhà đều biết được lưu truyền thiên cổ cũng bị Thần sửa chữa thành biến dị. Năm 2018, Đoàn nghệ thuật Thần Vận đưa vở kịch “Hàn Diêu” này lên sân khấu, kịch bản này là khác hẳn với kịch bản đang lưu truyền hiện tại, theo lĩnh ngộ của cá nhân tôi, kịch bản được diễn sân khấu Thần Vận là kịch bản nguyên gốc ban đầu, là kịch bản tốt đẹp nhất, là văn hóa Thần truyền chân chính.

Thần ban đầu lưu lại kịch bản “Hàn Diêu” này, vốn là muốn cho con người hiểu đạo trung trinh trong hôn nhân, đương nhiên trong đó cũng bao hàm cả ân nghĩa, tha thứ, nhẫn nhịn, chịu khổ, giữ gìn thệ ước v.v… Những điều này đều thể hiện rõ ra phẩm chất tốt đẹp của nhân tính. Trong câu chuyện này ẩn chứa cốt lõi của văn hóa truyền thống, nó là một phần cấu thành tinh thần dân tộc Trung Hoa. Theo năm tháng, bộ cơ chế này đã in sâu vào trong huyết mạch, trong trí nhớ và trong gen của con người, thâm căn cố đế, đó là thứ mà bất cứ nhân tố ngoại lai nào cũng không xóa bỏ được.

2. Tú cầu kết duyên

Người ta nói nhân duyên vợ chồng là thiên định, quả đúng là vậy.

Vào năm 794, nhà họ Tiết bần hàn sinh ra một bé trai, tên là Tiết Nhân Quý. Hai năm sau, ở nhà họ Vương phú quý sinh được một bé gái, tên là Vương Bảo Xuyến, Bảo Xuyến lớn lên dung mạo xinh đẹp, tấm lòng lương thiện, được phụ mẫu nâng niu như châu ngọc. Hai người Tiết Nhân Quý và Vương Bảo Xuyến dần dần lớn lên, các vị Thần Tiên trên trời đang theo dõi nhân gian, theo dõi hai người này, đợi đến lúc sẽ ghép họ thành một đôi, tạo nên một câu chuyện đẹp.

Ở thiên giới mà nhìn, cái gọi là tơ hồng sao động, bà Nguyệt buộc dây, thật ra là khởi động xoay chiếc đĩa nhân duyên mà Thiên giới đã an bài ổn thỏa cho họ, thế gian không việc gì là ngẫu nhiên.

Lúc Bảo Xuyến 16 tuổi, cha mẹ bắt đầu suy nghĩ về hôn sự của con gái. Mấy năm trước, có thầy bói xem bát tự cho Bảo Xuyến, nói Bảo Xuyến mệnh cách cao quý, sau này địa vị vượt trên cả mẫu thân. Cha Bảo Xuyến nghe xong, trong lòng thầm nghĩ: Mệnh cách vượt trên cả tướng phủ phu nhân, chính là Hoàng hậu hoặc giả Vương phi rồi, vì thế, cha Bảo Xuyến trong lòng vô cùng cao hứng.

Bảo Xuyến lớn lên hoa nhường nguyệt thẹn, quốc sắc thiên hương, người tới cầu hôn nườm nượp không dứt, có lúc nha hoàn Vũ Mân của Bảo Xuyến dẫn tiểu thư trốn ở sau bình phong quan sát những người tới cầu hôn này, nha hoàn phát hiện tiểu thư không có cảm giác gì với những người cầu hôn tuấn tú này, thậm chí còn thấy những người này rất bình thường.

Một hôm, Bảo Xuyến nằm mơ thấy mình đứng ở trên đài cao, tay cầm tú cầu, ném về hướng một người. Thấy người này bắt được tú cầu, ngẩng đầu hướng mắt nhìn mình, Bảo Xuyến không khỏi tim đập thình thịch. Thấy người này khí vũ hiên ngang, thần thái hào sảng bất phàm, khí khái anh hùng hiện trên mặt, Bảo Xuyến cảm thấy người này tướng mạo rất quen, nhưng nhất thời không nghĩ ra là ai, trong lúc nỗ lực suy tư thì tỉnh mộng. Thế nhưng khuôn mặt tuấn tú, ánh mắt sáng ngời của người đó vẫn còn hiện trước mắt, Bảo Xuyến nhất thời tâm tình rối ren, vội vàng đem khăn lụa che mặt, thế nhưng qua màn khăn lụa, vẫn còn thấy khuôn mặt người kia; Bảo Xuyến cuống quít lấy mền trùm mặt, thế nhưng vẫn không che được khuôn mặt kia, ánh mắt thản đãng ấy dường như trực tiếp nhìn thấu tâm của Bảo Xuyến. Lúc này, bên tai Bảo Xuyến vang lên tiếng cười của nha hoàn: “Tiểu thư, cô ngạt thở đó!”

Bảo Xuyến vén chăn xuống, thế nhưng bất kể thế nào, khuôn mặt kia vẫn xuất hiện trước mắt cô như cũ. Bảo Xuyến bất đắc dĩ kể với Vũ Mân việc này, Vũ Mân cười hì hì nói: “Chứ không phải là chú rể xuất hiện sao?” Bảo Xuyến làm bộ muốn đánh nha hoàn, nha hoàn lóe lên một ý, nói: “Tiểu thư, không bằng đi vào chùa xin quẻ, hỏi nhân duyên hôn nhân.” Bảo Xuyến gật đầu. Đến đây, tôi muốn nói, có một số nha hoàn bên cạnh các tiểu thư rất thích quan tâm đến chuyện người khác.

Bảo Xuyến thưa với mẫu thân, nói trong mộng nhìn thấy Thần linh nên muốn đi lên chùa dâng hương, mẫu thân liền đồng ý. Đến chùa, Bảo Xuyến hành lễ bái Thần Phật, nói ra thỉnh cầu của mình, đứng lên rút một quẻ. Thấy trên lá thăm viết: “Tơ hồng sao động, đợi ở hàn diêu; tẩy sạch son phấn, chờ đợi 18 năm; chinh chiến khốn cùng, chồng quý vợ vinh”. Bảo Xuyến cầm lá thăm, đang lúc suy tư thì thấy Phương trượng Không Giác Đại Sư đi vào. Không Giác Đại Sư nhìn Bảo Xuyến, mỉm cười, hợp thập rồi nói: “Thí chủ đã khởi nhân duyên, chớ để chần chừ”. Bảo Xuyến hành lễ vạn phúc, đoạn nói: “Thỉnh sư phụ chỉ điểm”. Phương trượng nói: “Tú cầu hiện trong mộng, nhân duyên thế tục đến, tẩy sạch son phấn không phải là mộng, ở ngôi nhà lạnh lẽo mà đợi công khanh đến. Thí chủ và người trong mộng là có duyên, đừng do dự. Ngày này mười năm sau thí chủ lại tới đây, bần tăng sẽ nói rõ cho thí chủ, vạn mong thí chủ thường ngày chuyên cần niệm kinh Phật, tăng thêm nhiều phúc đức, để phòng ngày sau cần dùng”. Nói xong, Phương trượng xoay người rời đi.

Ngày hôm sau khi thỉnh an phụ thân, Bảo Xuyến nói với phụ thân: “Nữ nhi nằm mộng, mộng ở trên lầu giăng đèn kết hoa ném tú cầu, tìm người có duyên có mệnh, hy vọng phụ thân ân chuẩn cho nữ nhi ném tú cầu chọn chồng”. Vương thừa tướng đáp ứng thỉnh cầu của con gái, cho dựng lầu giăng đèn kết hoa, đến ngày ném tú cầu chọn chồng, Vương thừa tướng dặn người làm coi chừng các đầu đường, ai y phục gọn gàng, dung mạo tuấn tú thì có thể cho vào, người nghèo hèn thì đuổi đi.

3. Gặp gỡ và ly biệt

Đúng ngày hôm đó, Tiết Nhân Quý vào trong thành có việc, đang cắm cúi đi đường, chỉ kịp cảm thấy có vật ập đến mình, theo bản năng chàng đưa tay chụp, nắm vật đó trong tay. Tiết Nhân Quý ngẩng đầu nhìn lên thì thấy ở đài cao trước mặt có một thiếu nữ xinh đẹp cao quý đang đứng ở đó mỉm cười nhìn mình, Tiết Nhân Quý không rõ là chuyện gì xảy ra, chỉ cảm thấy kỳ quái: Vừa mới đây trên đường không có mấy người, sao bỗng dưng xuất hiện nhiều người như vậy. Thấy đám đông người xô xô đẩy đẩy, Tiết Nhân Quý hiểu ra, mình đã bắt phải tú cầu của thiên kim tiểu thư nhà tướng phủ ném tới, lập tức bối rối, nghĩ: Đây quả là hiểu nhầm lớn rồi, một mình mình sống đã lắm gian nan, làm sao có thể nuôi sống thiên kim tiểu thư nhà tướng phủ, chàng liên tục xua tay, thế nhưng chàng chẳng thể tự quyết định được, chàng bị dẫn tới trước mặt của thừa tướng. Vương thừa tướng vô cùng bực bội về việc này, trong lòng quở trách đám người làm tại sao không trông coi các ngõ ngách, khiến cho tiểu tử nghèo hàn này bắt được tú cầu, lại muốn xoay chuyển sự tình, đưa tiền rồi đuổi tiểu tử nghèo này đi.

Bảo Xuyến nhìn người bắt được tú cầu quả đúng là người đã gặp trong mộng, người mặc áo vải bình dân, mặt mang hào khí, trong lòng mười phần vừa ý. Bảo Xuyến thấy phụ thân ngăn trở, vội vàng nói: “Phụ thân, nữ nhi ném cầu kén chồng, cả thành đều biết, hôm nay dưới đó có bao nhiêu người, tú cầu ném trúng Tiết lang, sợ rằng là thiên ý. Nếu như hôm nay phụ thân đổi ý, chuyện truyền ra chỉ sợ làng phố (dân cư) chê cười nữ nhi ghét nghèo ham giàu, bất lợi cho thể diện của tướng phủ. Nữ nhi không sợ bần cùng, nguyện gả cho Tiết lang, xin phụ thân tác thành”.

Vương thừa tướng buồn bực khi cô con gái luôn ngoan ngoãn lại kiên trì với lựa chọn của mình. Mà Tiết Nhân Quý này đối với tiền tài trước mặt, lại cứ xua tay, không lấy của cải đến bất ngờ, không tiếp nhận việc đến bất ngờ. Vương thừa tướng cho rằng tiểu tử nghèo không chịu nhận tiền, nhưng lại ưng con gái mình, căm tức Tiết Nhân Quý là cóc mà đòi sánh với thiên nga. Vương thừa tướng giận tím mặt, yêu cầu con gái chọn giữa cha mẹ và hôn nhân, Bảo Xuyến rưng rưng lệ chọn Tiết Nhân Quý, phụ thân nàng nổi giận tuyên bố ngay tại chỗ rằng bản thân không có đứa con gái như vậy, đoạn tuyệt quan hệ với nàng. Sự tình biến chuyển đột ngột, Vương phu nhân khuyên chồng không được, răn con gái chẳng xong, nhất thời nước mắt tuôn rơi.

Tiết Nhân Quý chỉ cảm thấy sự việc kinh động vừa rồi không thật chút nào, mơ mơ hồ hồ giống như nằm mộng. Mãi đến lúc Bảo Xuyến cùng mình từ cửa sau ra khỏi tướng phủ, bởi vì Vương thừa tướng đang tức giận nên bắt hai người họ đi lối cửa sau cho khuất mắt, không muốn làm mình mất mặt, còn sai quản gia thu giữ lại trâm vàng và vòng ngọc tổ truyền trên người Bảo Xuyến.

Tiết Nhân Quý nhìn cô gái xinh đẹp đi theo bên cạnh mình, thỉnh thoảng cầm khăn lụa lau nước mắt, đột nhiên ý thức định thần lại, tỉnh táo hẳn. Chàng nói với Bảo Xuyến: “Nàng nếu như bây giờ trở về tướng phủ thì mọi thứ còn kịp, phụ thân nàng cũng sẽ tha thứ cho nàng. Ta là một kẻ nghèo khó, một thân một mình, đi theo ta, nàng sẽ chịu không nổi khổ đâu”. Bảo Xuyến bất ngờ nói: “Ý thiếp đã quyết, sẽ không thay đổi, Tiết lang nói lời như vậy, chẳng lẽ là ghét bỏ thiếp, không cần thiếp?” Tiết Nhân Quý vội vàng xua tay, thể hiện mình không có ý đó.

Sự tình phát triển nằm ngoài dự liệu của Bảo Xuyến, Bảo Xuyến mặc dù cảm thấy kỳ quái, nhưng tâm lại kiên định tiếp tục. Bảo Xuyến đi ngang qua tiệm cầm đồ Lưu Ký, đem hoa tai đổi thành ngân lượng. Khi Bảo Xuyến theo Tiết Nhân Quý bước vào ngôi nhà bần hàn, bỗng nhiên nhớ lại lời ghi trên quẻ rút ở chùa, nói rằng “ở trong ngôi nhà bần hàn chờ đợi”, “tẩy sạch son phấn”, trong lòng hiểu ra, đây là con đường nhân sinh mà bản thân phải đi.

Đêm đó Tiết Nhân Quý coi ở bên ngoài. Ngày hôm sau, mấy người bạn thân thiết và những người hàng xóm hiếu kỳ giúp họ cử hành hôn lễ đơn sơ, hai người kết làm vợ chồng. Đến tận lúc đó, Tiết Nhân Quý vẫn có cảm giác mơ hồ, trong lòng lại có nhận định: Thê tử thực lòng đã chọn mình, cam tâm tình nguyện muốn cùng mình sống qua ngày. Trong lúc nhất thời, Tiết Nhân Quý nửa mừng nửa lo, mừng là, thê tử không do dự đem cả đời giao phó cho mình; lo là, để thê tử sống những ngày khổ như thế này, lòng mình thật ái ngại. Trong lòng dâng lên tín nghĩa và trách nhiệm của người đàn ông.

Dần dần, Tiết Nhân Quý có ý ra ngoài tìm công danh, ý tưởng này ngày một mãnh liệt. Ba tháng sau khi kết hôn, Tiết Nhân Quý nói với thê tử ý tưởng của mình, muốn đi ra ngoài xông xáo một phen, thành tựu sự nghiệp một phen, Bảo Xuyến tuy rằng không muốn, nhưng lại ủng hộ lựa chọn của chồng.

Mấy ngày sau vào buổi sớm, Tiết Nhân Quý rời nhà, hai người lưu luyến không rời, trên đường từ biệt bồi hồi nấn ná, Tiết Nhân Quý mắt cố ngăn lệ bỏng, Vương Bảo Xuyến khóc thấm ướt áo. Nào ngờ lần từ biệt này là đúng 18 năm, hai người chỉ có thể nhớ nhung để ở trong lòng.

4. Tiên cấp lương thực, bà lão ăn mày và Thần hộ pháp

Người phụ nữ không có chồng ở bên quả là rất khổ, một là nỗi khổ tương tư, hai là khổ thiếu thốn, mọi việc lo liệu, ăn uống, đun sưởi, đồ dùng, đều phải tự thân bươn chải. Cũng may Bảo Xuyến nữ công khá tốt, có thể kiếm được một phần khẩu phần lương thực cho mình, phần nhiều là dựa vào rau dại cầm lòng đỡ đói.

Trên phông hình sân khấu Thần Vận chiếu cảnh Bảo Xuyến đang hái rau dại, đây là sinh kế bền bỉ suốt 18 năm cuộc đời kham khổ của Bảo Xuyến. Có câu nói rau dại là “ba phần lương thực bảy phần rau”, là có duyên do từ đây?

Bảo Xuyến là Tiên trên trời chuyển sinh, bên người có rất nhiều hộ pháp đang bảo vệ nàng. Thân thể người mà ăn rau dại trong thời gian dài thì sẽ thiếu hụt dinh dưỡng, cho nên định kỳ vị Tiên cung cấp lương thực cần phải cấp lương thực cho Bảo Xuyến, dùng phương thức cấp lương thực là rắc lương thực ở không gian khác vào trong rau dại. Trong rau dại theo mùa mà Bảo Xuyến đào được đều hàm chứa lương thực.

Vị Tiên cung cấp lương thực có vị là Tiên nam có vị là Tiên nữ, bên hông họ đeo túi đựng lương thực màu vàng được buộc lại bằng dây lụa đỏ. Điều này nhắc đến một thiên cơ: Vị Tiên cung cấp lương thực là chủ tể của kho lương trong thiên hạ, từ kho lớn của triều đình đến kho nhỏ của nhà dân, trong kho có bao nhiêu gạo là Thần Tiên căn cứ phúc phận của con người mà phân cho. Cho nên nói, con người thu hoạch hoa mầu ra sao, là do trên trời định đoạt.

Bảo Xuyến ở ngôi nhà bần hàn đến năm thứ tám, thì gặp một bà lão ăn mày quần áo tả tơi, gầy trơ cả xương ở ngoài cửa xin nước uống, Bảo Xuyến thấy bà đáng thương, cử động khó khăn, liền đưa bà vào ngôi nhà bần hàn. Kết quả bà lão ăn mày vào trong, uống hết bát nước nóng xong, thì không đứng dậy nổi, thở dốc khó khăn. Bảo Xuyến dìu bà đến giường nằm, sau đó chăm sóc bà cẩn thận, hai ngày sau, bà lão ăn mày khỏe lên, bà cảm ơn chăm sóc của Bảo Xuyến, khăng khăng nhận Bảo Xuyến làm con gái, Bảo Xuyến đồng ý. Bảy, tám ngày sau, đồ ăn trong nhà đã hết, bà lão ăn mày muốn đi ra ngoài xin cơm, nhưng bị Bảo Xuyến ngăn cản, Bảo Xuyến vay mượn một ít gạo, vất vả gánh nước, đào rau, nỗ lực chăm sóc bà lão ăn mày. Bà lão ăn mày khí sắc tốt dần, nhưng Bảo Xuyến lại gầy gò đi.

Một tháng sau, bà lão ăn mày nói với Bảo Xuyến: “Con gái à, ta phải đi rồi, không thể cứ làm phiền con, ta có một cái túi trăm mảnh (chú thích: do nhiều mảnh vải chắp nối lại mà thành, có công dụng là nạp của cải thì sinh ra thêm của cải) bên trong có một đồng tiền, con hãy cầm lấy. Ta có một cái bát vá xin ăn, có thể đựng cơm gạo, cái bát này là bát báu, con gái à, đừng quên lời của ta”. Bà lão ăn mày nói xong, còn dặn Bảo Xuyến: “Ta đi rồi, con đừng khóc, khóc rất hao tổn thân thể, còn khiến người thân bất an”. Bà lão ăn mày đi rồi, Bảo Xuyến trong lòng mong nhớ, nước mắt lưng tròng. Bảo Xuyến đem một ít gạo thừa để vào trong bát, gạo chỉ xăm xắp đáy bát. Ngày hôm sau, nàng phát hiện gạo trong bát đã nhiều thêm lên đến nửa bát, Bảo Xuyến cảm thấy kinh ngạc, nàng nhớ tới bà lão ăn mày nói: “Cái bát này là bát báu”. Bảo Xuyến nhất thời nổi tâm hiếu kỳ, nhìn vào trong bát, kết quả gạo không có thay đổi gì, nhưng mỗi khi nàng đi gánh nước trở về, hoặc đi đào rau trở về, thì phát hiện gạo tăng lên.

Chẳng bao lâu sau, địa phương đó có thiên tai, đàn châu chấu lớn ăn hết hoa mầu, người xin ăn nhiều lên. Bảo Xuyến phát hiện, gạo ở trong bát báu đến ngày hôm sau lại đầy bát. Mỗi ngày nàng để lại một chút gạo ở trong bát, lấy gạo và rau dại nấu chung, còn cho thêm chút muối. Có người đến xin ăn, nàng múc cho chút cháo, sau khi người ăn xin đó nhận được bát cháo cảm ơn và rời đi, thì Bảo Xuyến quay vào lại phát hiện cháo không hề vơi đi. Cứ như thế Bảo Xuyến đã cứu tế được cho một số người, những người ăn xin được Bảo Xuyến cứu tế đều rất cảm kích, họ đều kể lại cho Bảo Xuyến biết rằng có một bà lão ăn mày nói cho bọn họ biết: Chỗ Tiết nương tử có cháo rau dại.

Bảo Xuyến còn phát hiện, mỗi khi nàng đưa cho người ăn mày một đồng tiền xong, thì không đến một khắc đồng hồ sau, trong túi kia liền xuất hiện đồng tiền khác. Bảo Xuyến biết rằng, đó là một túi báu. Có một lần Bảo Xuyến vào thành mua muối, lần đó nàng lấy từ túi trăm mảnh ra liên tục được tám đồng tiền. Vì vậy, nàng hiểu rằng, số tiền bản thân phải bỏ ra kỳ thực đã được định trước.

Bảo Xuyến nhận ra rằng, bà lão ăn mày không phải người thường, mà là Tiên nhân. Bảo Xuyến cảm tạ bà lão ăn mày, nàng quỳ lạy Hoàng thiên, Hậu thổ (Thần linh thời cổ), cảm tạ Thần linh phù hộ cho mình.

Một ngày nọ, cha mẹ của Bảo Xuyến tới, muốn nhận Bảo Xuyến về lại nhà, cha nàng thấy một đồng tiền trong túi trăm mảnh, thì cười giễu một phen, mẹ nàng thấy Bảo Xuyến quần áo tầm thường, thấy nồi cháo, thì lại rơi nước mắt. Mẹ nàng nói: “Con ta sao lại ăn uống khổ sở như vậy, hãy theo mẫu thân đi về nhà, không cần phải sống khổ sở ở cái ngôi nhà bần hàn này nữa”. Phụ thân nói: “Vâng lời cha, chớ nhớ nhung gì Tiết Nhân Quý nữa, cũng đừng giao du với lũ ăn xin ăn mày nữa, giữa lúc thiên tai, lại đi ăn cơm của ăn mày, mất hết thể diện của tướng phủ. Theo ta về nhà, phụ thân sẽ chọn cho con nhà khác, sống khá giả hơn chỗ tiểu tử nghèo này nghìn lần vạn lần, được nở mày nở mặt”. Bảo Xuyến cự tuyệt ý tốt của cha mẹ, nói: “Con không thể tái giá, con đã thuận theo Tiết lang, trung trinh không hai lòng, chờ Tiết lang trở về”. Cha nàng giận tím mặt, chỉ về phía nàng quát lớn: “Ta nghe nói tiểu tử kia tòng quân, hiện tại sống chết chẳng hay, ngươi dù có chờ đợi thêm nữa thì cũng vô dụng, có kẻ ăn mày nói cho ta biết, khiến ta phải cất công đến nhặt xác của ngươi, ngươi hôm nay phải về nhà”. Bảo Xuyến thấy phụ thân đang cơn giận, một lần nữa lắc đầu, Vương thừa tướng giận không kiềm được, kéo phu nhân, tức giận bỏ đi.

Cha mẹ đi rồi, Bảo Xuyến khóc òa lên, khóc vì mình chọc giận phụ thân, làm mẫu thân đau lòng, lại lo lắng cho an nguy của chồng, nhất thời khóc đến trời đất quay cuồng. Hồi lâu nhớ tới lời bà lão ăn mày nói, liền ngừng nước mắt. Không lâu sau, một người hành khất đến nói với Bảo Xuyến: “Tiết nương tử, tôi xin được một ít gạo, xin tặng cho cô, cô không cần khóc nữa, cô là người tốt”. Lúc chạng vạng, lại có mấy người hành khất tới, đầu tóc ướt đầm đìa, nhưng lại tỏ ra thập phần hưng phấn, nói: “Chúng tôi giúp việc cho một nhà kia, không lấy tiền, chỉ cần một khối vải, tặng cho Tiết nương tử”. Bảo Xuyến nhìn bọn họ, nhất thời cảm động không nói nên lời, chỉ có thể dùng cháo thết đãi bọn họ. Một người hành khất trong đám nói: “Tôi nghe một đại ca ca nói, Tiết nương tử năm đó ở tiểu miếu cùng trượng phu nói lời chia tay, nói rằng phải đợi trượng phu trở về, đại ca ca kia lúc đó đang nằm dưới rèm che, cảm động thiếu chút nữa khóc lên, đại ca ca nói, Tiết nương tử là người tốt”. Trong năm tháng bần hàn, lời nói của những người hành khất đã mang đến cho Bảo Xuyến niềm an ủi lớn lao.

Trong 18 năm Bảo Xuyến chờ đợi trong ngôi nhà bần hàn, hộ pháp của Bảo Xuyến đã giúp đỡ nàng xử lý rất nhiều phiền phức. Có một lần, một tay chơi bời trác táng trong thành thúc ngựa chạy lại, nói với Vương Bảo Xuyến đang đi trên đường: “Theo ta một đêm, cho cô ăn uống thoải mái, nếu muốn làm thiếp cho ta cũng được”. Bảo Xuyến không đoái hoài gì tới hắn ta, vẫn đi về phía trước, gã tay chơi nọ tức giận, cưỡi ngựa xông lên trước muốn túm lấy Bảo Xuyến. Một vị hộ pháp bảo vệ cho Bảo Xuyến đi nhanh về phía trước, một hộ pháp khác khiến một đứa bé ăn xin dùng ná bắn ngựa, ngựa bị đau lồng lên khiến gã tay chơi ngã khỏi lưng ngựa, chân còn vướng ở yên ngựa, bị ngựa chạy lôi đi, lúc sau ngựa được quân canh gác thành chặn lại, nhưng gã hư hỏng nằm liệt giường nửa tháng không dậy nổi. Có kẻ xấu, ý đồ bất chính, nửa đêm định vũ nhục Bảo Xuyến, kết quả gặp cái gọi là “ma xui quỷ khiến”, chạy vòng vòng ở một chỗ mà không thoát ra được. Những thứ phiền phức trong tối, ngoài sáng như vậy thảy đều bị hộ pháp xử lý. Có kẻ ác cợt nhả đuổi không đi, đột nhiên cảm giác thân thể đau đớn, vội vàng chạy mất, chuyện như vậy thật sự là có. Trời giúp người lành, muốn thành tựu câu chuyện này, nên những sự tình bất hảo kia cũng sẽ không để nó xảy ra.

Những vị Tiên trên trời quen biết Bảo Xuyến muốn giúp đỡ nàng. Một ngày, Bảo Xuyến nhìn thấy chỗ mình đào rau dại có một túi tiền, Bảo Xuyến vẫn tiếp tục đào rau dại, không để túi tiền vào mắt, đào một vòng xong liền trở về, thấy một con chuột nhỏ đang cắn mở túi ra để lộ ra ngân lượng bên trong, Bảo Xuyến nhìn thấy vậy xoay người đi. Một vị Tiên khác trên trời cười rồi nói với vị Tiên ban túi tiền: “Ngài là khảo nghiệm Bảo Xuyến đó nha!” Vị Tiên ban túi tiền cười lắc đầu, nói: “Sau này Bảo Xuyến về lại tiên giới, tôi cần phải nói chuyện này với cô ấy”.

5. Nhường phúc: Mức độ cao nhất của tu hành trong nhân sinh

Trong 18 năm đó, có lần Vương Bảo Xuyến nằm mơ gặp được Tiết Nhân Quý, người mặc áo bào trắng, áo giáp ánh bạc, tay cầm cây thương ánh bạc, giống như thiên tướng. Có lúc mơ thấy Tiết Nhân Quý đang trong vòng nguy hiểm, sau khi tỉnh lại, Vương Bảo Xuyến vội vàng niệm kinh Phật, khẩn cầu Thần Phật phù hộ Tiết Nhân Quý vượt qua nguy nan. Trong thời gian ấy, Vương Bảo Xuyến còn hai lần nhường phúc.

Lần đầu là năm thứ sáu sau khi ly biệt, Bảo Xuyến mơ thấy Tiết lang ốm không dậy nổi, sau khi tỉnh lại thì đâm lo, rửa mặt mũi sạch sẽ, quỳ lạy ông trời, khẩn cầu cho Tiết lang bình an, nguyện dùng thân thể của chính mình chia sẻ bệnh nghiệp của Tiết lang. Kết quả Bảo Xuyến rất nhanh đã mắc bệnh, nửa tháng sau, mới gắng gượng dậy nổi. Vào thời điểm đó, có một cô bé ăn mày tên Tiểu Bình chăm sóc. Sau khi khỏi bệnh, Bảo Xuyến giữ Tiểu Bình lại, may quần áo cho cô bé, dạy cô bé nữ công, nửa năm sau, bảo Tiểu Bình đem thư đến tìm quản lý Vũ Mân của hàng vải Kim Đô trong thành, kiếm kế sinh nhai.

Một lần khác, là mười năm sau khi ly biệt, Bảo Xuyến mơ thấy Tiết lang ở giữa muôn trùng quân lính mà xung phong liều chết, áo bào trắng trên thân đã bị nhuộm đỏ màu máu. Sau khi tỉnh lại, Bảo Xuyến kinh sợ, nàng bỗng nhiên nhớ tới năm ngoái ở trong chùa, Phương trượng nói cho nàng biết, Tiết lang sang năm sẽ có kiếp nạn lớn, bảo nàng chuyên cần niệm kinh Phật, cầu phúc cho chồng. Bảo Xuyến thấy rằng mình cần chăm chỉ niệm kinh, nhưng nghĩ lại, nếu như chồng lúc đó mà gặp đại kiếp, thiện đức mà mình tích lũy được thông qua niệm kinh lại không thể giúp chồng vượt qua kiếp nạn này, thế thì phải làm sao? Vừa nghĩ như thế, Bảo Xuyến có chút hoảng sợ, vội vàng thành kính quỳ lạy Thần linh mười phương, nguyện ý cho đi phúc phận của bản thân, giúp Tiết lang bình an, thắng lợi.

Hai lần nhường đức của Bảo Xuyến khiến cho Thần linh trên trời tán thưởng không thôi. Có Thần Tiên cho rằng, không uổng công trên trời tạo ra kịch bản này, Bảo Xuyến diễn vô cùng tốt. Có Thần Tiên cảm thán, nhân sinh thật là nơi tu hành! Bảo Xuyến chủ động tu hành bản thân, từ lần đầu mơ gặp Tiết Nhân Quý, Bảo Xuyến chủ động lễ Phật, rút quẻ, lên lầu cao, gieo tú cầu, gả cho Tiết Nhân Quý; ở ngôi nhà bần hàn chịu nghèo khổ, nhưng lại cầu cho phu quân bình an, thực sự là không ai phù hợp với kịch bản này hơn nàng.

Sau lần nhường đức thứ hai, Bảo Xuyến không dùng tiền trong túi trăm mảnh và gạo trong bát báu cho bản thân nữa. Một lần nghỉ trưa, nàng mơ màng nghe một giọng nhỏ nhẹ nói: “Tiết nương tử không dùng tiền tài ở nơi tôi đây, biết làm thế nào cho phải?” Lại có giọng khác ồm ồm nói: “Ai da, Tiết nương tử không ăn gạo ở nơi tôi đây, mà gạo ở ngoài lại đắt, vậy phải làm sao bây giờ?” Hai giọng nói than thở một lúc, giọng nhỏ nhẹ nói: “Xem ra chỉ còn cách báo với chủ nhân, để chủ nhân tới khuyên nàng”.

Ban đêm Bảo Xuyến nằm mơ gặp bà lão ăn mày, bà lão ăn mày nói: “Con của ta, ta đưa cho con túi trăm mảnh và bát xin cơm, là giúp con vượt qua những ngày gian khổ, con không nên chối từ. Ta là Tiên ăn mày trên trời, quản lý ăn mày một phương, những người được con bố thí cho, là có duyên với con lúc mạt thế. Con có thể dùng tiền tài và gạo cho bản thân, không nên làm khổ mình”. Trong mộng, Bảo Xuyến cám ơn bà. Sau khi tỉnh mộng, Bảo Xuyến thấy thật kinh ngạc. Sáng sớm hôm sau, Bảo Xuyến nhìn túi trăm mảnh, lại nhìn bát xin cơm, nói: “Nghĩ lại, thì ra buổi trưa ngày hôm qua ta nghe được tiếng nói chuyện là các ngươi phát ra, hai ngươi đem chuyện của ta nói cho bà cụ ăn mày, thực sự là làm phiền các ngươi rồi”. Đang khi nói chuyện, Bảo Xuyến thấy miệng túi trăm mảnh co lại một chút, bát xin cơm truyền ra âm thành ồm ồm: “Tiết nương tử quá khách khí rồi”.

Một ngày, Bảo Xuyến nói với túi trăm mảnh và bát xin cơm: “Người ta đều nói vạn vật có linh, hai ngươi hình dáng thật là gì vậy? Tôi muốn xem qua chút được chăng?” Bảo Xuyến nói xong, một giọng nhỏ nhẹ nói: “Tiết nương tử chớ nên kinh ngạc nhé!” Vừa nói xong, trước mắt Bảo Xuyến xuất hiện hai hình tượng, một người nữ mảnh khảnh, mặc trang phục ghép bằng trăm miếng vải vá; một người nam cao lớn, có miệng rất to. Người nữ nói với Bảo Xuyến: “Tôi nạp vàng sinh vàng, nạp bạc sinh bạc, nạp báu vật sinh báu vật, duy chỉ có đến nơi nương tử đây, chỉ nạp tiền đồng, có thể nói là thiên ý”. Nam tử không nói lời nào, chúm môi lại, sau đó từ từ mở miệng, miệng mở đến lớn như cái bát, Bảo Xuyến cảm thấy như mình nhìn thấy cái bát; mở lớn bằng cái chậu, Bảo Xuyến cảm thấy như mình nhìn thấy cái chậu; mở lớn bằng cái ang, thì Bảo Xuyến cảm thấy hết sức kinh ngạc, thấy mình nhìn thấy cái ang, khi cái miệng từ từ khép lại thì Bảo Xuyến thở phào nhẹ nhõm.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://zhengjian.org/node/259654



Ngày đăng: 03-06-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.