Xem tiết mục của Thần Vận: “Lý Bạch Túy Tửu”



Tác giả: Tĩnh Tuệ

[Chanhkien.org] Tôi nghĩ rằng tôi biết về Lý Bạch khá là tường tận. Khi còn nhỏ tôi có thể đọc thuộc một vài bài thơ của ông. Tôi đánh giá cao phong thái hào sảng, tiêu sái và đại khí tiết của ông. Tuy nhiên, chỉ sau khi xem tiết mục “Lý Bạch Túy Tửu” của Thần Vận, tôi mới có thể hiểu hết được Lý Bạch. Sau đây là câu chuyện về cuộc đời của Lý Bạch.

Lý Bạch là một tài năng xuất chúng nhưng Hoàng Đế không công nhận tài năng của ông. Thất vọng sau khi bị giáng chức, ông rời kinh thành, muốn tìm một nơi thanh tĩnh để thoát ly thế tục. Nhân ngày “Cửu Cửu Trùng Dương” (*), hoa vàng nở rộ ở khắp nơi, Lý Bạch đã uống rất nhiều rượu và sáng tác ra bài thơ sau:

“Địch đãng thiên cổ sầu
Lưu liên bách hồ ẩm
Lương tiêu nghi thanh đàm
Hạo nguyệt vị năng tẩm
Túy lai ngọa không san
Thiên địa tức khâm chẩm”

Diễn nghĩa của người dịch:

“Rửa sạch đi nỗi sầu thiên cổ
Uống liền cả trăm bình rượu
Đêm vui ngồi đàm luận thanh tĩnh
Ánh trăng sáng không sao ngủ được
Say rượu nằm trên núi trống vắng
Mặt đất là gối bầu trời là chăn”

Lý Bạch say rượu, lấy rượu làm bạn, một mình hiên ngang giữa trời và đất. Mặc dù ông người cao tám thước, nhưng thân pháp nhanh nhẹn, như đang cầm bình rượu múa trong trời đất. Ông cứ uống cứ uống, rồi nằm ngủ và mơ thấy có một bầy tiên nữ bay xuống viếng thăm.

Bầy tiên nữ hình dáng vô cùng mỹ lệ đoan trang, thay phiên nhau nhảy múa, vảy nước cam lộ rồi cười chào tạm biệt Lý Bạch. Người ta vẫn thường nói về trên thiên thượng và dưới nhân gian. Kỳ thực, dưới nhân gian làm sao so sánh với trên thiên thượng được?

Sau khi tỉnh dậy, Lý Bạch đã lấy cảm hứng từ những điệu nhảy của bầy tiên nữ và viết nên những vần thơ bất hủ sau đây:

“Cửu nhật san ẩm
Hoàng hoa tiếu trục thần
Túy khán phong lạc mạo
Vũ ái nguyệt lưu nhân”

Diễn nghĩa của người dịch:

“[Ngày] Cửu Nhật ngồi uống rượu trên núi
Hoa vàng cười đuổi theo người ra đi
Say rượu ngồi nhìn mũ bị gió thổi bay
Nhảy múa vì trăng sáng muốn ta ở lại”

Chúng ta có thể hiểu được tại sao Lý Bạch lại ưu sầu khi ông bị giáng chức và muốn uống thật nhiều rượu sau khi rời khỏi kinh thành. Tuy say nhưng điều đó không ảnh hưởng tới khả năng sáng tác tuyệt vời của Lý Bạch, bởi vì cảm hứng của ông đến từ trên thiên thượng. Cảnh giới tâm thức của Lý Bạch đã tới được thiên thượng và do đó ông từ trên đó nhìn xuống thế giới trần tục mà viết. Đây là lý do mà người ta gọi ông là “thi tiên”. Những tác phẩm của ông đều biểu hiện ra một cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”. Nếu như sinh mệnh có nguồn gốc từ trên thiên thượng, vậy thì văn hóa, văn minh, nghệ thuật, kĩ thuật,… của nhân loại chẳng phải cũng đến từ trên thiên thượng?

Vậy thì con người sống ở trên thế gian này để làm gì? Chẳng phải để họ trở về ngôi nhà của họ ở trên thiên thượng ư?

Sở dĩ Lý Bạch có thể phóng hạ được hết thảy những phiền não nơi trần thế là vì ông là người hiểu Đạo. Ông biết rằng ở trên trời cao có trăng sáng, có bầy tiên nữ bay lượn, những đám mây phước lành, và dải Ngân Hà rộng lớn. Việc ông bị giáng chức bất quá chỉ như cơn gió to thổi bay mũ, hà tất phải ưu sầu.

(*) “Cửu Cửu Trùng Dương: Ngày Mùng 9 tháng Chín Âm Lịch.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2009/2/6/57677.html
http://www.pureinsight.org/node/5700



Ngày đăng: 22-05-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.