Cảm ngộ khi xem diễn xuất Thần Vận 2024



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp hải ngoại

[ChanhKien.org]

Sau khi xem xong hai buổi biểu diễn Thần Vận (Shen Yun) năm 2024, tôi có một số cảm ngộ trong tu luyện muốn giao lưu, chia sẻ với mọi người.

Điều đầu tiên tôi cảm ngộ được là sự “chuyên cần”. Từ cảnh Trư Bát Giới nằm hẳn xuống đất không chịu đi cho đến sự lười biếng và tiêu cực của nhân viên trong vở diễn “Nhà hàng”, rồi đến người thư sinh trong vở “Thiện báo” không chịu đọc sách – tất cả dường như đều đang khuyến khích các đệ tử Đại Pháp tinh tấn, nỗ lực hơn trong giai đoạn cuối cùng này.

Trong vở diễn “Kim Hầu đấu Hồng Hài”, khi đối mặt với ma con, ma cháu do Hồng Hài Nhi (tượng trưng cho hồng ma Trung Cộng) diễn hóa ra – tức là những nhân tố dụ hoặc trong thế giới ngày nay – một số đệ tử lại giống như Đường Tăng, thường dùng cái tình của con người và mắt thịt xác phàm để đánh giá, chứ không dùng Phật Pháp thần thông. Theo tôi nhìn nhận thì Tôn Ngộ Không đại diện cho những quốc gia làm tốt, còn Trư Bát Giới đại diện cho những đất nước lạc hậu, cần được “véo tai” nhắc nhở không ngừng.

Những người phục vụ trong “Nhà hàng” khiến tôi liên tưởng đến chính mình, sau một thời gian dài làm việc trong các hạng mục, bản thân cũng trở nên tê liệt, bất lực và hay oán trách. Còn ông chủ bất lực bó tay trong vở diễn thì dường như giống với những người phụ trách hiện nay, đang không biết làm sao để thay đổi trạng thái hiện tại. Chẳng lẽ nhất định phải đợi đến khi xuất hiện một lời cảnh báo nghiêm khắc thì mới có thể thay đổi hoàn toàn tinh thần và thái độ sao? Nội hàm đằng sau đó thực sự đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nhưng cũng giống như những người phục vụ trong nhà hàng, chỉ cần một chút thay đổi là có thể mang lại sự cải thiện toàn diện; như vị thư sinh, nhờ khởi lên chút thiện niệm mà đã nhận thiện báo là tư duy khai mở, văn chương tuôn trào như suối chảy. Chỉ cần chúng ta thay đổi dù chỉ một chút thôi, chỉ cần khởi chính niệm lên, Sư phụ sẽ giúp đệ tử đạt được thành quả tốt nhất, ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất.

Khi được phỏng vấn, rất nhiều khán giả phương Tây cho biết họ thích nhất tiết mục “Hoa cúc”. Sự liên kết của những chiếc quạt màu vàng càng làm nổi bật sự phối hợp nhịp nhàng và tâm thái viên dung giữa các diễn viên. Cũng giống như các điệu múa cổ điển nữ hay những vở múa tập thể, khiến tôi cảm nhận được sự phối hợp hài hòa trong khi giảng chân tướng. Làm thế nào để có thể đạt được trạng thái “ngàn vạn người như một” của các diễn viên Thần Vận, biến “dị tâm” thành “nhất tâm”? Thiết nghĩ, chỉ có buông bỏ tư tâm nhiều hơn, buông bỏ cái tôi nhiều hơn thì mới có thể làm được.

Ngoài ra, tôi còn để ý thấy chương trình Thần Vận năm nay có nhiều tiết mục với nội dung liên quan tới hôn nhân hơn, chẳng hạn như các câu chuyện về Tây Thi, Tế Công và Hàn Diêu, v.v.. Cá nhân tôi thể ngộ đây là đang nhắc nhở các đệ tử cảnh giác trước quan sắc và tu tốt trong hoàn cảnh gia đình. Câu nói của người xưa: “Đạo của người quân tử bắt đầu từ đạo vợ chồng” chính lời nhắc nhở chúng ta về tình trạng tiêu chuẩn đạo đức thấp kém trong xã hội ngày nay.

Trong vở vũ kịch “Tế Công”, Tế Công thi triển thần thông, dùng chiếc quạt để trừng phạt cái ác, hoằng dương cái thiện (quạt là “phiến” đồng âm với “thiện”). Vừa thưởng thức tiết mục, tôi vừa không khỏi trầm tư: người tu luyện vốn không can thiệp vào chuyện thế gian, vì lo rằng bản thân không nhìn thấu quan hệ nhân duyên đằng sau nên có thể sẽ làm sai, vậy tại sao ở đây Tế Công lại ra tay hành hiệp? Có phải như trong Pháp mà Sư phụ đã giảng đại ý rằng, khi tâm từ bi xuất ra thì sẽ có được sức mạnh to lớn? Khi đứng trước sự lựa chọn lớn giữa thiện và ác, người tu luyện có thể dùng thần thông để làm các việc của Thần chăng? Cổ ngữ có câu: “Thà phá hủy mười ngôi miếu còn hơn phá huỷ một cuộc hôn nhân”. Có thể thấy, hôn nhân là do thiên định, là đại sự quan trọng không kém gì chuyện sát sinh hay phóng hỏa, nên người có công năng một khi đã phát xuất tâm từ bi thì có thể can dự vào. Ngoài ra, vở vũ kịch này cũng nhắc nhở người tu luyện rằng, tài hoa và công năng cần phải được giữ gìn, sử dụng cho khéo, không thể vì tư tâm mà tùy tiện lạm dụng.

Phần múa dân tộc Di ở nửa sau buổi diễn khiến tôi nhớ đến lời Sư phụ giảng:

“Tôi có thể bảo chư vị, vì sao dân tộc thiểu số Tây Nam Trung Quốc nhiều thế, hơn nữa dường như cách biệt hẳn với văn hoá năm nghìn năm Trung Quốc cận đại, kỳ thực những người đó là nhân chủng được lưu lại từ trước thời văn hoá năm nghìn năm. Một lần khi tôi lái xe tới Vân Nam, suốt dọc đường những vị Thần đó nói với tôi rằng dân tộc thiểu số kia đều là hóa thạch sống, rất cổ xưa”. (Trích trong Kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền”).

Sư phụ cũng từng giảng rằng:

“Thực ra phương thức tồn tại và đặc điểm văn hoá của rất nhiều dân tộc, [chúng] thảy đều [do] chư Thần của các thiên thể xa xôi ấy đã đưa một bàn chân vào [nơi đây], đều là để triển hiện con đường của họ cho Đại Pháp; ý nghĩa là, Lý Hồng Chí cần lựa chọn điều gì, thì đều [đã] ở nơi đây, mọi người đều công bình”. (Trích trong Kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005”).

Giờ đây tôi càng hiểu rõ hơn: trong Chính Pháp, những gì Sư phụ lựa chọn dùng, những gì Thần Vận lựa chọn dùng, đều là vì để thiên thể ấy, thế giới ấy được đắc cứu, đó cũng là vinh diệu của họ. Ngược lại, một sinh mệnh nếu trở thành giống như con xà tinh ở Quý Châu được nhắc đến trong sách Chuyển Pháp Luân, hễ can nhiễu đến Chính Pháp, thì đó chính là phạm tội.

Còn phần giới thiệu vở “Tiên tử hái đào” bắt đầu bằng bài thơ:

Đào hoa thế giới đào hoa tiên,
Hấp phong ẩm lộ tam thiên niên.
Nhất khỏa bàn đào nghênh giai khách,
Phúc như Đông Hải thọ tề thiên.

Diễn nghĩa:

Thế giới hoa đào, tiên hoa đào,
Đón gió ngậm sương ba ngàn năm.
Một quả bàn đào mời khách quý,
Phúc như Đông Hải, thọ ngang trời.

Tôi bỗng nghĩ đến đoạn Pháp mà Sư phụ từng giảng:

“Sư phụ đã chuẩn bị xong cho chư vị hết thảy những gì tốt nhất; nhưng chính chư vị phải đi đến đó!” (Trích trong Kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Manhattan năm 2005”).

Về phần diễn tấu, khúc nhạc đàn nhị hồ du dương trầm bổng, giọng ca sỹ vang cao xuyên thấu không gian, khi thì như lời khuyên nhủ dịu dàng, khi lại như tiếng sấm rền, tất cả đều nhằm để thức tỉnh những kẻ lạc lối trong mê. Câu hát “Cứu nhân bất nan nhân tâm tự kỷ lan” (tạm dịch: Cứu người không khó, mà do nhân tâm ngăn trở chính mình) trong bài “Nhân tâm lan” không chỉ là hát cho người thường nghe, mà còn là lời cảnh tỉnh dành cho các đệ tử: cứu người và làm các hạng mục không khó, mà chính những nhân tâm như lười biếng, an dật, ỷ lại, tiêu cực, tranh đấu, tật đố, không chịu được khổ, không dám bắt tay vào việc, v.v. đã cản trở chúng ta. Phản ứng của người thường, cũng như phản ứng của các quốc gia trên thế gian, kỳ thực chính là sự phản ánh trạng thái tu luyện của các đệ tử toàn cầu.

Nghệ sỹ Cảnh Hạo Lam cất cao giọng hát, thanh âm vừa hùng tráng, đẹp đẽ mà cũng vừa vang dội, chấn động, khiến bầu không khí trong toàn hội trường như được đẩy đến đỉnh điểm, lại như một gậy cảnh tỉnh, một tiếng sấm đánh thức thân tâm người nghe.

Trong tiết mục cuối cùng, các đệ tử Đại Pháp đã cảm hóa được viên cảnh sát Trung Cộng từng tham gia bức hại. Cá nhân tôi thể ngộ rằng, đây là lời nhắc nhở các đệ tử nên cứu thêm nhiều hơn những người trong hệ thống tà đảng Trung Cộng. Cái tên “Đại Viên Mãn” của tiết mục cũng ngụ ý rằng thời gian thực sự không còn nhiều, chúng ta cần tranh thủ làm tốt những gì cần làm và cứu thêm nhiều người hơn.

Trên đây là một chút thể ngộ cá nhân, nếu có điều gì không đúng xin được từ bi chỉ chính.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/289205



Ngày đăng: 31-03-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.