Tâm đắc thể hội khi xem biểu diễn Shen Yun (Thần Vận)
Tác giả: Kha Kha Tiếu Đạo
[ChanhKien.org]
Năm nay tôi may mắn được xem trực tiếp buổi biểu diễn Shen Yun (Thần Vận), lần đầu tiên tôi cảm thấy có thể hiểu được nội hàm của toàn bộ buổi biểu diễn một cách có hệ thống và cụ thể. Bây giờ tôi sẽ chia sẻ một số những trải nghiệm của mình, như một lời cảm ơn đến với Sư phụ và đoàn biểu diễn, đồng thời truyền cảm hứng đến những người khác.
Shen Yun đến là để cứu người, các đệ tử Đại Pháp đều biết điều này. Tiết mục đầu tiên mô tả Sáng Thế Chủ vì cứu độ chúng sinh vũ trụ mà hạ thế, tiết mục cuối cùng khắc họa thời khắc cuối cùng của cuộc đại chiến chính tà, Sáng Thế Chủ đảo ngược tình thế, chuyển đại Pháp Luân, Pháp chính càn khôn và nhân gian. Trong số tất cả các tiết mục, thì những tiết mục trực tiếp thể hiện đệ tử Đại Pháp chịu bức hại và chính tín của đệ tử Đại Pháp là dễ hiểu hơn cả. Có đồng tu nói rằng họ không hiểu về vũ đạo, họ chủ yếu đề cập đến những vũ đạo dường như không có quan hệ trực tiếp với chân tướng Pháp Luân Công, đặc biệt là các tiết mục không có tình tiết cốt truyện.
Theo hiểu biết của tôi thì toàn bộ buổi biểu diễn của Shen Yun là một mô hình thu nhỏ của lịch sử nhân loại cho đến thời không cao tầng, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi người viết sử đều có cảnh giới và góc nhìn riêng. Các tác phẩm lịch sử thông thường đều là ghi chép và đánh giá về cổ nhân đứng trên cơ điểm của con người, một số tác giả còn thêm vào những quan điểm thích hay không thích theo đánh giá chủ quan của cá nhân. Một số tác phẩm hướng đến Thần Tiên là ghi chép lại các nhân vật lịch sử cụ thể từ một cảnh giới cao hơn một chút và từ góc độ xuất thế gian, nhưng chúng không có cách nào để mô tả ý nghĩa của hoàn cảnh xã hội rộng lớn và những thay đổi lịch sử. Những tác phẩm như “Tây Du Ký” đã nói về một phần lịch sử sơ khai của vũ trụ và nhân loại từ góc độ mà người tu luyện nhìn thấy được, nhưng mức độ của nó vẫn còn rất hẹp, không cụ thể và hữu hạn. Shen Yun là lần đầu tiên cũng là duy nhất triển hiện cho con người thấy được nguồn gốc và ý nghĩa của toàn bộ lịch sử nhân loại từ góc nhìn của Thần.
Shen Yun là đến để cứu người, toàn bộ lịch sử của tam giới và nhân loại, đặc biệt là lịch sử của nền văn minh truyền thống 5000 năm cũng là đến để cứu người. Tôi nói rằng toàn bộ vở kịch của Shen Yun là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử nhân loại, là bởi vì tôi ngộ được rằng từng phương diện của Shen Yun đều có thể đối ứng với nhiều nhân tố cứu độ con người trong lịch sử.
Hết thảy những nhân tố chính trong lịch sử nhân loại đều đang được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm khải ngộ bản tính của con người chính là Thần tính, nó nhắc nhở con người suy ngẫm và ghi nhớ những giá trị và ý nghĩa tối thượng của sinh mệnh con người, đồng thời trải đường cho con người cuối cùng có thể đắc Pháp, cùng lúc giúp con người tạo nên sự cân bằng, không đi sang cực đoan và đạt được cảnh giới cao thượng trong tu luyện. Sư phụ giảng:
“Người đến thế gian vì để được cứu, vì để đợi Sáng Thế Chủ cứu về thế giới Thiên quốc nên mới đến làm người; khi chờ đợi đời này đời khác đều đang tích lũy công đức, đó cũng là mục đích của người luân hồi chuyển sinh; loạn thế là vì để thành tựu chúng sinh” (Vì sao có nhân loại)
Tôi ngộ rằng, các bài hát được diễn xướng trong Shen Yun cũng giống như những bậc Thánh hiền đại đức trong lịch sử, họ đã dùng phương thức tuyên truyền giác ngộ một cách thẳng thắn để trực tiếp nói với con người chân tướng và những đạo lý vượt xa thế tục, dạy con người tín Thần và trọng đức. Bởi vì lý mà họ giảng vượt xa khỏi những nguyên lý thế tục của tầng thứ nhân loại, cho nên tất nhiên nó cũng phải được tuyên giảng bởi những đại sĩ cao đức có uy đức thông thiên, hơn nữa nó cũng không dễ để biến thành những đạo lý trong thế tục. Tương ứng, các ca khúc của Shen Yun được thể hiện bằng giọng Bel canto đích thực, nó yêu cầu cơ thể của người diễn xướng phải có sự quán thông với cảnh giới cao tầng, nói cách khác là có yêu cầu cao đối với việc tu hành của người diễn xướng. Dù rằng đạo lý của ca từ có thể được mọi người tiếp nhận và truyền bá rộng rãi, nhưng phương pháp biểu diễn này không thể được công chúng nắm vững, điều này cũng bảo chứng rằng những ca khúc này sẽ không trở thành những ca khúc thông tục. Giống như người ta đàm luận về những pháp lý cao tầng ở nhân gian thì trong nội tâm cần phải tràn đầy sự thành kính và tôn trọng. Sư phụ đã giảng trong bài giảng “Đại Pháp vĩnh viễn thuần khiết như kim cương” rằng:
“‘Tôn giáo toàn dân’ cũng là không được, một là, dễ sửa đổi giáo nghĩa của tôn giáo, hình thành lý luận của xã hội người thường” (Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi ngộ được rằng, người dẫn chương trình của Shen Yun cũng giống như một nhà tiên tri trong lịch sử, những nhà tiên tri đó kết hợp nghệ thuật sáng và tối, dùng phương thức ẩn dụ và khái quát để nói với thế nhân những đại sự và những chủ đề lịch sử sắp xảy ra tiếp theo, bao gồm cả những đặc điểm của một số nhân vật lịch sử chủ yếu. Người dẫn chương trình Shen Yun sẽ chỉ ra chủ đề của buổi biểu diễn sau tiết mục đầu tiên và trước tiết mục cuối cùng, khi giới thiệu về đoàn biểu diễn, người dẫn chương trình sẽ nói khái quát về sự độc đáo và kỹ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ. Khi người dẫn chương trình giới thiệu về nội dung của mỗi tiết mục, sẽ biểu đạt một cách rất nghệ thuật, điều này đã làm cho khán giả hết sức háo hức trông chờ tiết mục tiếp theo mà lại không phá vỡ tính hấp dẫn của tiết mục. Chỉ khi kết thúc mỗi tiết mục, nếu khán giả hồi tưởng lại lời dẫn của người dẫn chương trình trước đó, thì sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa thực sự của nó.
Đối với từng tiết mục cụ thể, tôi cố gắng phân tích ngắn gọn theo nội dung và trình tự của các tiết mục trong buổi biểu diễn của năm 2023.
Tiết mục thứ hai của Shen Yun là múa cổ điển nam. Tôi ngộ ra rằng, sự khởi đầu của lịch sử nhân loại là sự khai sáng của khai thiên tịch địa, tất nhiên là rất rộng lớn và hùng vĩ, thể hiện quá trình lịch sử này bằng sự mạnh mẽ và nam tính của một nam tử là phù hợp nhất.
Tiết mục thứ ba là điệu múa tay áo nước của nữ. Sau khi khai thiên tịch địa, tất nhiên sẽ là bước làm phong phú và tô điểm các chi tiết. Cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà, sau khi kết cấu của nó được dựng lên, có rất nhiều công việc cần phải được tiến hành một cách công phu tỉ mỉ từ trong ra đến ngoài, vũ điệu như mây trôi nước chảy của nữ tử vừa đúng là thể hiện đặc điểm của quá trình này. Các quan hệ chuẩn tắc, quy phạm lễ nghĩa, quy củ của các phương diện xã hội của xã hội nhân loại, về cơ bản được thiết lập ở giai đoạn này. Quá trình này không được vội vàng, hấp tấp mà cần phải tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Tay áo nước của diễn viên, tương tự như nghìn tay của Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn tay, khiến lòng từ bi và giáo hóa của Quán Thế Âm có thể chạm tới được những nơi xa nhất.
Tiết mục thứ tư là câu chuyện trong “Tây Du Ký”. Chủ nguyên thần của con người quá mê. Từ tầng cao của vũ trụ mà nhìn, thời kỳ lịch sử này của nhân loại mới bắt đầu chưa được bao lâu, nhưng đối với con người mà nói, họ đã quên mất bản thân mình từ đâu đến và mục đích khi đến thế gian là gì. Đồng thời, trong quá trình luân hồi con người bắt đầu tạo nghiệp và tích lũy nghiệp lực, theo đó các loại thiên tai nhân họa cũng xuất hiện. Vì giáo hóa chúng sinh, người tu hành mà đại diện là thầy trò Đường Tăng rất tự nhiên đã xuất hiện trên vũ đài lịch sử. Họ đã làm gương mở đường cho con người phản bổn quy chân trở về bản tính tiên thiên, đồng thời hàng yêu trừ ma, giải cứu chúng sinh một phương và tích lũy công đức tu hành. Phân đoạn cuối cùng của tiết mục là Bát Giới có ý đồ nhận lễ vật của quốc vương nhưng bị Ngộ Không ngăn cản. Điều này một lần nữa khải ngộ cho con người suy nghĩ: Người tu hành không cầu danh lợi thế gian, làm việc thiện cũng không cầu hồi báo, họ rốt cuộc là vì điều gì? Tu hành là gì? Ý nghĩa đời người là gì? v.v…
Tiết mục thứ năm là điệu múa dân tộc Mãn Châu. Tiết mục này có một điểm chung với tiết mục thứ ba “Đỉnh thủy cô nương” và điệu múa cổ điển của các cô gái trong tiết mục thứ sáu – trong nửa sau của chương trình diễn xuất, điều đó có nghĩa là nó nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự cân bằng”. Tôi thấy sự cân bằng đều được thể hiện trong mỗi tiết mục, chỉ là nó được làm nổi bật hơn trong mấy tiết mục này. Con người đi từng bước từ viễn cổ cho đến khi Đại Pháp khai truyền thật không hề dễ dàng. Đời này đến đời khác có biết bao nhiêu lần va chạm kịch liệt của tâm linh, có biết bao nhiêu lần yêu hận tình thù khắc cốt ghi tâm, một khi con người có cảm giác thăng trầm, biểu hiện quá khích và cực đoan, thì có thể sẽ hại người hủy mình, và rất khó có thể lại kiên trì đi cho đến cuối cùng. Ngay cả khi đến lúc Đại Pháp hồng truyền, bởi vì quá cố chấp, ngoan cố và hẹp hòi, cũng có thể “đánh mất cơ duyên” (“Tồn tại vì ai”, Tinh Tấn Yếu Chỉ). Vì vậy, cân bằng không chỉ là sự cân bằng của động tác chân tay và thân thể, mà còn là sự cân bằng của các phương diện như cảm xúc, tâm thái và tư duy.
Trong nửa đầu tiết mục thứ sáu là vở diễn “Đơn kỵ cứu chúa” (Trích đoạn Triệu Tử Long một mình cứu chúa trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”). Có quá nhiều tình cảm đạo đức cao thượng thể hiện trong đó, vì cứu người mà không sợ nguy hiểm, thậm chí cam tâm tình nguyện xả bỏ sinh mệnh bản thân. Đồng thời cũng gợi mở cho con người về lẽ vô thường của cuộc đời, lại chỉ ra cho con người làm thế nào lựa chọn vị tha vào những thời khắc quan trọng, để một cuộc đời hữu hạn có được đầy đủ sự vĩ đại vượt thời gian và không gian. Diễn viên diễn vai phu nhân của Lưu Bị, vô luận là yêu thương hài tử sơ sinh như thế nào, không nỡ rời xa như thế nào, thống khổ như thế nào, thì sau khi nhảy xuống giếng (ly khai khỏi vũ đài), cũng phải lập tức buông bỏ hết thảy, nhanh chóng thay trang phục để chuẩn bị cho vai diễn của vở kịch tiếp theo.
Trong nửa đầu tiết mục thứ bảy là màn diễn “Học trò bày tỏ cảm xúc”. Học thức, học thức, từ xưa nhân sĩ có học được coi là nhân sĩ có tri thức. Tuy nhiên, vì con người ở trong mê, trong dòng sông dài lịch sử, trong những người đọc sách cũng có người bị tiêm nhiễm rất nhiều những thứ không tốt. Ví dụ như: “Cái gì cũng kém, chỉ có đọc sách là cao” (nghĩa là: mọi nghề nghiệp đều là thấp kém, chỉ có học mới làm quan); văn nhân xem thường lẫn nhau; “Học văn võ, bán hàng cho hoàng gia” (nghĩa là: cống hiến cho sự nghiệp quan trường, và cuối cùng là phục vụ cho hệ thống quyền lực của triều đình) v.v… Đặc biệt là đến thời cận đại, nhiều người nắm trong tay một chút kiến thức, có một chút tên tuổi, liền tưởng rằng mình nắm trong tay chân lý, mà coi thường hết thảy, phỉ báng Thần Phật, muốn làm cứu thế chủ của nhân loại, trong đó, các phong trào vận động của tà linh cộng sản là mạnh nhất. Điệu múa “Học trò bày tỏ cảm xúc” tượng trưng cho những người quân tử khiêm tốn nhưng thực sự có học thức, và hiểu được sứ mệnh của bản thân. Họ khiêm nhường, biết rằng tài hoa của bản thân là do trời phú, nó đến từ Thần linh, Thánh hiền, và mục đích của nó là “vì cứu khổ cho dân”, mà không phải là vì tư lợi, vì vinh hoa gia tộc, hoặc là hư danh. Vũ đạo các tiết mục của Shen Yun cũng thể hiện rằng những văn nhân chân chính nên khởi được tác dụng dẫn dắt tích cực giới văn hóa và thị hiếu của toàn bộ xã hội.
Tiết mục thứ tám trong nửa đầu buổi diễn là “Tội ác chưa từng có”. Câu chuyện trực tiếp thể hiện sự tà ác của cuộc bức hại, sự kiên tín của đệ tử Đại Pháp cho đến quá trình cuối cùng nhìn thấy được chân tướng của Thiên quốc.
Tiết mục thứ chín trong nửa đầu buổi biểu diễn là bài hát Đại Pháp.
Tiết mục thứ 10 trong nửa đầu buổi biểu diễn là “Tuyết sơn hoan ca”. Những ngọn núi cao chót vót phủ đầy tuyết, và bầu trời xanh thẳm khiến con người sản sinh ra một loại cảm giác kính sợ và thần thánh. “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hàng hàng chỉ” (dịch nghĩa: Núi cao để người ta ngưỡng trông, đường lớn để người ta bước đi). Con người cần phải khiêm tốn trước tự nhiên. Trong bầu không khí này, con người tự nhiên buông bỏ những ham muốn vật chất cùng những tạp niệm, và không thể không suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, điểm này cũng được thể hiện qua những động tác vũ đạo của các diễn viên. Khi họ ngẩng đầu nhìn lên mặt trời đang chiếu sáng trên những ngọn núi tuyết, trên khuôn mặt họ xuất hiện nụ cười hạnh phúc và hân hoan, với ý là họ đã phát hiện ra sự vĩ đại của đấng tạo hóa, hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, do đó những điệu nhảy vui mừng tiếp theo đương nhiên sẽ là một điệu nhảy biết ơn Thần.
Trong nửa cuối của tiết mục thứ nhất là “Tiên nga phi vũ”. Lại một lần nữa triển hiện sự mỹ hảo của tiên cảnh, nhắc nhở người xem rằng nguồn gốc và nơi trở về của sinh mệnh không phải là nơi trần thế này, mà là Thiên quốc. Phần mở đầu chính là hy vọng khán giả ghi nhớ điểm này. Đó là điều tốt nhất có thể ghi nhớ điểm mấu chốt trong lúc tình tiết cốt truyện phức tạp tiếp theo diễn ra. Khi tiết mục kết thúc, các Tiên nữ xếp thành hình chữ “Nhân”, dường như mong muốn bay được một quãng đường dài. Tôi lý giải rằng, mặc dù rất nhiều chính Thần do các Tiên nữ đại biểu không trực tiếp đến nhân gian, nhưng họ cũng tầng tầng đi xuống, đến thời không rất gần với con người, tìm kiếm và âm thầm bảo hộ người tu luyện và người thiện lương. Trong tiết mục cuối cùng, các Tiên nữ lại lần nữa xuất hiện. Tôi ngộ ra rằng, đây không chỉ là sự phối hợp chặt chẽ từ đầu đến cuối, mà còn thể hiện rằng họ thực sự vẫn luôn luôn ở đó.
Trong nửa sau buổi biểu diễn của tiết mục thứ hai là “Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi”. Tôi dùng tám từ để khái quát là “Tửu sắc ngộ quốc, nhân sinh như mộng” (nghĩa là: tửu sắc làm loạn việc quốc gia, đời người như mộng). Mặc dù người dẫn chương trình ngay từ đầu cũng giới thiệu rằng đó là một câu chuyện tình, và nó dường như lãng mạn một cách dị thường đến mức Đường Huyền Tông chỉ uống rượu và nhảy múa mỗi ngày. Khi khán giả nghe đến đây, có thể rất nhiều người còn cảm thấy ngưỡng mộ. Nhưng mà người dẫn chương trình ngay lập tức nói rằng, hoàng đế hoàn toàn phớt lờ triều chính. Ước tính đến lúc này có rất nhiều khán giả tỉnh ngộ và hiểu được vấn đề trong đó. Sau khi Dương Quý Phi treo cổ tự vẫn, Đường Huyền Tông vẫn ngày đêm nghĩ ngợi, trong mộng vẫn tiếp tục múa với Dương Quý Phi, nhưng sau khi tỉnh dậy phát hiện rằng tất cả đều là mơ, chỉ còn lại u sầu và cô đơn. Trong những năm cuối đời Đường Huyền Tông đã sáng tác một bài thơ “Con rối khúc” với những lời thơ chứa đầy đạo lý: “Khắc mộc khiên ti tác lão ông, kê bì hạc phát dư chân đồng. Tu du lộng võng tịch vô sự, hoàn tự nhân sinh nhật mộng trung” (Diễn nghĩa: khắc gỗ kéo lụa làm lão ông, ông có làn da và mái tóc trắng như người thật, sau một thời gian cũng im bặt, giống như cuộc đời trong giấc mộng).
Đạo lý của tiết mục này thích hợp để áp dụng với mọi người. Đối với hoàng đế, thì tửu sắc sẽ làm hỏng việc của quốc gia. Đối với những người khác, tửu sắc sẽ làm loạn gia đình, làm hỏng công việc, cuộc sống và tu hành… Hoàng đế là người cai trị tối cao tại thế gian, cũng chỉ là nhân sinh như mộng, thì người khác còn có điều gì mà không thể buông bỏ được đây?! Câu chuyện này cũng đồng thời thể hiện lời giảng Pháp của Sư phụ:
“Giai tầng cao có hình thức mâu thuẫn của giai tầng cao, đều có thể đối xử thích hợp với các mâu thuẫn; tại giai tầng nào cũng làm người tốt, đều có thể coi nhẹ các chủng dục vọng, [và] tâm chấp trước” (Chuyển Pháp Luân)
Tiết mục thứ ba trong nửa sau buổi biểu diễn là “Đỉnh thủy cô nương”. Ngoài sự cân bằng đã nói ở trên, bình thủy còn tượng trưng cho lòng đại từ bi của các Bồ Tát rải nước cam lộ khắp nhân gian.
Tiết mục thứ tư trong nửa sau buổi biểu diễn là “Lỗ Trí Thâm”. Đã có những người tu hành chuyên nghiệp xuất hiện trong lịch sử. Tu hành chuyên nghiệp có ý nghĩa và tính tất yếu trong lịch sử của nó, nhưng nó tuyệt không phải là tất yếu và phương thức duy nhất của tất cả các môn tu hành. Lỗ Trí Thâm không phải là một hòa thượng tốt, nhưng là một người tốt đầy chính nghĩa. Lỗ Trí Thâm ban đầu là vì hành hiệp trượng nghĩa, chống lại sự bất công, ra tay đánh chết ác bá Trấn Quan Tây Trịnh Đồ, về sau vì để trốn tránh sự truy bắt của quan phủ mới xuất gia. Và trong mệnh của anh ta hay con đường tu hành của anh ta không phải là làm hòa thượng, vì vậy đoạn thời gian làm hòa thượng cũng chỉ có thể là một đoạn phim ngắn của anh ta. Lỗ Trí Thâm bản tính thẳng thắn, hào hiệp, và can đảm, đó chính là thể hiện của tâm đạo. Vì vậy, anh ta không chỉ giành được sự kính trọng và yêu mến của thế nhân ở trên bề mặt nhân gian, mà chắc hẳn cũng được sinh mệnh cao tầng quý trọng và gia trì. Trong khi chúng ta yêu mến Lỗ Trí Thâm, có thể cũng cần phải chú ý mấy điểm: Một là, tuyệt đối không được phá “Giới”. Lỗ Trí Thâm nghiện rượu, điều này cho thấy rằng anh ta tu luyện phó nguyên thần. Hai là, tuyệt không được cho mình là anh hùng, trong bức hại không được phối hợp với tà ác, chủ động không để bị tà ác bắt đi. Ba là, hàng phục địch bên ngoài thì dễ, hàng phục địch bên trong khó. Làm thế nào để không ngừng yêu cầu bản thân với những tiêu chuẩn cao hơn, hướng nội tìm chấp trước, bao gồm cả những điều xấu trong cảnh giới nội tâm của bản thân tương tự như những quan chức tham nhũng, lưu manh và vô lại, tất cả cần thanh trừ, đây là lúc bạn cần phải nỗ lực hết mình.
Tiết mục thứ năm trong nửa sau buổi biểu diễn là độc tấu đàn nhị “Cổ phong thu nguyệt”. Cá nhân tôi có đánh giá như sau, mùa thu trong lành, sảng khoái và trăng tròn chiếu sáng khắp muôn nơi, ánh trăng sáng trong và mỹ lệ này khiến người ta mơ màng đến vô tận. Mặt Trăng à, không biết bạn đã đồng hành cùng nhân loại được bao lâu, bạn theo cùng nhân loại qua thời hồng hoang, đi qua chiến loạn và hòa bình hết lần này đến lần khác. Hôm nay bạn vẫn đang treo cao ở đó như xưa, mà nhân loại đã nhiều thay đổi, tiếp nối hết thời đại này đến thời đại khác, bạn có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của cổ nhân được không? Bạn có thể nói cho tôi biết ý nghĩa của luân hồi không?… Suy nghĩ và lĩnh hội được ý nghĩa của cuộc sống sẽ khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, ca hát và nhảy múa dưới ánh trăng thật là hưng phấn và thoải mái, cho đến khi cuối cùng quên đi hết thảy những phiền não và lo âu của thế gian, giống như cùng với ánh trăng hòa thành một thể.
Tiết mục thứ sáu trong nửa sau buổi biểu diễn là múa cổ điển nữ, ngoài việc đề cập đến sự cân bằng đã thể hiện ở trên, vũ đạo còn khắc họa pháp lý đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Pháp là biến hóa vô cùng, vũ trụ là phong phú và đầy màu sắc. Biểu hiện của các sinh mệnh là khác nhau, nhưng đều là thể hiện của Pháp, các sinh mệnh khác nhau tôn trọng lẫn nhau, phối hợp vô điều kiện với nhau. Vũ đạo còn làm nổi bật tầm quan trọng của việc “khống chế tự ngã/tính kỷ luật”, như vậy mới có thể thể hiện được Thần Vận. Ngược lại, những biểu diễn nghệ thuật, hội họa v.v…phóng túng trong xã hội người thường lại chứa đầy những tín tức ma quỷ. Điều nghiêm trọng hơn nữa, mà Sư phụ đã giảng trong “Luận Ngữ” rằng:
“Những tìm tòi của nhân loại là vì để cạnh tranh kỹ thuật, mượn cớ là để cải biến điều kiện sinh tồn, nhưng đa số là lấy việc bài xích Thần, phóng túng đạo đức nhân loại [vốn để] ước chế tự thân làm cơ sở, do đó văn minh xuất hiện của nhân loại quá khứ mới bị huỷ diệt nhiều lần” (Chuyển Pháp Luân – Luận ngữ)
Tiết mục thứ bảy trong nửa sau buổi biểu diễn là “Múa đũa” của người Mông Cổ. Rượu không say người, người tự say, sắc không mê người, người tự mê. Trong lịch sử luân hồi dài đằng đẵng, con người dần dần, say, mê mà quên đi mất con đường của mình và ý nghĩa cũng như mục đích của đời người. May mà có huynh đệ giúp đỡ và nhắc nhở, thức tỉnh “anh ấy” hết lần này đến lần khác. Tự ngã sau khi tỉnh dậy không khỏi vui sướng, phấn chấn mà nhảy cẫng lên. Anh ấy biết rằng đời người là để chờ đợi Sáng Thế Chủ, và Sáng Thế Chủ đã đến, cuối cùng chân tướng đại hiển và sự cứu rỗi sẽ “nhanh” đến, ngay “lập tức” sẽ đến. Anh ấy cần “tăng tốc và tăng tốc” hơn nữa, để đem niềm vui và tín tức tốt lành này đến nhiều người hơn nữa. Dùng đũa tự đánh vào người mình để tạo ra âm thanh, cũng có thể mang ý nghĩa quất roi thúc giục bản thân.
Tiết mục thứ tám ở nửa sau buổi biểu diễn là ca khúc Đại Pháp.
Tiết mục thứ chín trong nửa sau buổi biểu diễn là “Pháp Chính Nhân Gian”. Lịch sử nhân loại vén bức màn cuối cùng. Vũ đạo ngay từ đầu của tiết mục chính là Đại Pháp khai truyền. Ba nữ diễn viên ở giữa đang cầm cuốn sách quý, bên ngoài là bốn diễn viên nam đang tung tăng nhảy múa, nó tượng trưng cho việc các đệ tử Đại Pháp đang truyền bá Đại Pháp đến khắp bốn phương tám hướng. Trái ngược với lối suy nghĩ và hành vi hiện đại khiến con người tự giam cầm chính mình, trở nên thờ ơ, tự tư, chìm đắm trong thế giới ảo tưởng, tự chuốc lấy mọi thống khổ và tai họa cho bản thân. Các đệ tử Đại Pháp (có thể nói là phiên bản nâng cấp của Tây Du Ký và thầy trò Đường Tăng) giúp đỡ thế nhân một cách thuần chính và thiện lương, quy chính lại thói đời mà không cầu hồi báo cá nhân. Ngay cả khi nhìn thấy “đảng viên ưu tú” đã từng làm tổn thương bản thân trong thống khổ, đệ tử Đại Pháp vẫn kiên trì không bỏ cuộc, vẫn an ủi và cứu giúp cô ấy, đồng thời mang lại cho cô ấy niềm hy vọng và cơ hội xoay chuyển vận mệnh. Từ bi và chính niệm của đệ tử Đại Pháp đã lay động trời đất. Khi tà ác đang điên cuồng mưu tính bức hại hơn nữa các đệ tử Đại Pháp, Thiên địa đều vô cùng phẫn nộ, và một con sóng thần khổng lồ đã ập đến làm rung chuyển cả Trái Đất. Sáng Thế Chủ đã xuất hiện kịp thời, đẩy lùi sóng thần, cứu vãn tất cả chúng sinh và thương vũ, rồi tất cả cùng nhau ăn mừng.
Cuối cùng, tôi sẽ chia sẻ về những cảm ngộ của mình khi nghe âm nhạc của Shen Yun. Trước tiên tôi xin nói rõ rằng bản thân chưa được đào tạo về âm nhạc chuyên nghiệp, cũng như không có kiến thức về nhạc lý, tôi chỉ là một khán giả bình thường. Cảm ngộ của tôi là có được từ Pháp.
Mở tờ giới thiệu về danh sách các tiết mục ra, tôi phát hiện hầu hết các tiết mục đều là do Sư phụ sáng tác. Vậy nội hàm phía sau các giai điệu này là gì?
Sư phụ giảng:
“Chất lượng kỹ thuật đã đề cao là hai phương diện, một là bản thân diễn viên, bản thân diễn viên trên sân khấu có kỹ thuật đã đề cao, hai là, vì diễn viên trên vũ đài là theo diễn tấu âm nhạc, âm nhạc mà không hay thì sẽ khiến hiệu quả toàn thể hỏng mất, ngoài ra âm thanh ấy, Thần là dùng nó để thanh lý khỏi thân thể người những thứ không tốt, hơn nữa có thể đánh vào tầng sâu, có thể khởi tác dụng chính diện rất to lớn, hết thảy những gì của Thần Vận đều có tác dụng hữu ích trong việc cứu người, những nhà nghệ thuật có kỹ thuật cao, họ dùng âm nhạc cũng có thể khởi tác dụng khai mở nhân tâm, và hoằng dương văn hoá Thần truyền, tác dụng khôi phục văn hoá truyền thống” (Giảng Pháp ở các nơi XIII – Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)
Trên trang web ShenYunzuopin, nhạc sĩ kiêm chỉ huy dàn nhạc Trần Anh đã đưa ra nội dung tổng quát sau đây về mối quan hệ giữa âm nhạc và vũ đạo trong tập thứ năm của loạt bài “Văn hóa và âm nhạc truyền thống”: “Âm nhạc có tiết tấu tươi sáng có thể làm tăng cường nhịp điệu của vũ đạo, làm nổi bật hiệu quả, thể hiện phong cách và vẻ đẹp của vũ đạo, cùng biểu đạt cảm xúc của nhân vật”, đồng thời tiết tấu của âm nhạc lại “là giá trị thời gian của động tác vũ đạo, quyết định tốc độ nhanh chậm, độ dài, lực độ, biên độ, v.v… của động tác”.
Khi người dẫn chương trình của Shen Yun giới thiệu đội nhạc hoặc độc tấu, thường sẽ nói “Nhạc tiên dược hậu” và “Đại nhạc đồng hòa cùng thiên địa. Thường nghe đức âm nhã nhạc, có thể khiến thân tâm con người an bình, hạnh phúc đến nỗi quên đi cả ưu phiền”.
Nếu nói sân khấu của Shen Yun là hình ảnh thu nhỏ của vở kịch vĩ đại của nhân loại, vậy đối ứng với vũ đài âm nhạc trong lịch sử nhân loại là gì? Tôi nghĩ đó là các loại hình thức nghệ thuật.
Sư phụ giảng:
“Bản thân đạo đức của nhân loại là ảnh hưởng tới nghệ thuật của nhân loại, mà nghệ thuật, quay trở lại, là ảnh hưởng tới nhân loại” (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003])
Xã hội loài người có nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, bao gồm ca vũ, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thơ ca, tiểu thuyết, và các tác phẩm văn học khác, opera, kể chuyện, điện ảnh và truyền hình, v.v… Người xưa nói rằng, văn học truyền đạo, chẳng phải điều đó đúng với mọi loại hình nghệ thuật sao? Từ tầng thấp mà nói, những loại hình nghệ thuật này đem lại hiệu quả giải trí và tiêu khiển cho con người, nhưng nội hàm và tác dụng của nó không chỉ dừng lại ở điều này. Người đọc/người xem/người nghe trong vô thức, mà hun đúc nên tình cảm sâu đậm, bị cảm động và ảnh hưởng bởi phẩm hạnh của các nhân vật trong tác phẩm, từ đó mà hình thành nên giá trị quan của mình. Mở rộng ra quần chúng là những phong tục đạo đức của xã hội thời đó. Điều này đã được nêu trong “Cửu bình cộng sản đảng”: “Văn hóa truyền thống xuyên suốt là Trời, Đạo, Thần, Phật, mệnh, duyên, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, liêm sỉ, trung, hiếu, tiết v.v…Nhiều người có thể cả đời không biết chữ, nhưng đã quen thuộc với hý kịch và kể chuyện truyền thống, những hình thức văn hóa này đều là con đường quan trọng để những người dân bình thường tiếp thu được những giá trị quan truyền thống”.
Từ đây tôi liên tưởng đến thơ tiên Lý Bạch, nhà thư pháp Vương Hy Chi và những nghệ thuật gia khác trong lịch sử hàng trăm nghìn năm nay, không biết có bao nhiêu vạn người đã có được sự thăng hoa về mặt tư tưởng và có được động lực khích lệ từ việc thưởng thức các tác phẩm của họ, đồng thời xác định được những truy cầu và mơ ước tích cực của cuộc đời mình. Mà điều này chứa đựng biết bao nhiêu tâm huyết của Sáng Thế Chủ trong đó, nghĩ đến điều này, tôi không cầm được nước mắt.
Các thành viên trong đội nhạc khi diễn tấu cần tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của người chỉ huy và mỗi đoàn đội trong buổi biểu diễn lại cần chiểu theo hiệu lệnh của đạo diễn sân khấu, chỉ có như vậy mới có thể khiến toàn bộ buổi biểu diễn phối hợp nhịp nhàng, hài hòa, đồng điệu, có trật tự và đạt được hiệu quả xem tốt nhất. Toàn bộ xã hội tưởng chừng như rối ren phức tạp, kỳ thực cũng đều đã có an bài. Là một diễn viên trong đó, tôi ngộ được rằng điều tôi phải làm là dĩ Pháp vi Sư, tinh tấn tu hành, không ngừng đề cao cảnh giới tâm tính của bản thân mình (tương ứng với kỹ năng của một diễn viên). Đồng thời khiêm tốn đối đãi với các đồng tu khác, trong phối hợp mà buông bỏ tự ngã, cùng nhau thực hiện hồng nguyện lịch sử là trợ Sư Chính Pháp cứu độ chúng sinh.
Một chút thiển ngộ cá nhân, chia sẻ ra một là để cảm ân sự từ bi cứu độ của Sư phụ, hai là để truyền cảm hứng cho người khác. Nếu có chỗ không phù hợp, xin các đồng tu từ bi chỉ chính.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/282752
Ngày đăng: 29-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.