Luân hồi ký sự: Gian khổ tìm Pháp (phần 1) – Bố lữ hồng trần 



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[ChanhKien.org]

Lời giới thiệu

Làm một sinh mệnh có thể gặp được Pháp trong đời này mà nói, thì tại kiếp trước hoặc có thể là hằng bao nhiêu kiếp trước đều đã từng phải kinh qua một quá trình tìm Pháp theo nhiều cách khác nhau. Và cũng chỉ có một kiếp này mới có thể gặp được Pháp, mới có thể đắc Pháp.

Chúng ta quay đầu nhìn lại con đường kiếm tìm Pháp đằng đẵng qua bao nhiêu kiếp, chính là để đời này có thể càng trân quý hơn cơ duyên tu luyện không dễ gặp, là để kiếp này có thể thật sự tu luyện thật tốt, thực hiện thật tốt.

Bài viết này thuộc loạt bài về luân hồi, dùng phương thức ký sự kể lại những trải nghiệm gian khổ trong quá trình tìm Pháp của các nhân vật chính trong tiền kiếp. Tại đời này họ đến từ những chủng tộc, dân tộc, địa khu khác nhau. Tại đây tôi muốn dùng phương thức “dĩ điểm đới diện” [dùng điểm mà tả diện] để hoàn thành loạt bài viết. Trải nghiệm của họ trong hành trình tìm Pháp tại một hay nhiều kiếp trước, có những sự việc mang màu sắc huyền thoại, thậm chí siêu việt đến mức khó tin.

Độc giả trong quá trình đọc cần chú ý một vấn đề: Bài viết này dù là dùng phương thức ký sự mà kể lại, nhưng suy cho cùng những điều được ghi chép cũng đều là chuyện quá khứ, chúng ta biết rằng các sự việc trong quá khứ đều do các sinh mệnh thuộc cựu vũ trụ kia an bài, căn bản không đạt tới tiêu chuẩn thuần tịnh của vũ trụ mới. Bởi vậy tại đây khẩn thiết mong các độc giả là người tu luyện nhất định đừng đặt nặng những chuyện này, nếu không sẽ bị an bài của cựu sinh mệnh chi phối. Chúng ta chỉ cần xem như là chuyện kể mà đọc là được rồi. Nắm được tinh thần chính của bài viết: Trong quá khứ đã phải nếm trải nhiều khổ cực đến thế, phải nhẫn chịu khuất nhục lớn đến vậy, cũng chỉ vì để đời này có thể đắc Pháp, cho nên đời này chúng ta đều đã đắc được Đại Pháp vạn cổ khó gặp, chính là không có lý do gì để không thực hiện cho tốt.

Cá nhân tác giả thiết nghĩ, là một bài viết về luân hồi thì điểm cốt yếu chính là nêu bật được chủ đề sinh mệnh “vì Pháp mà đến”. Từ đó mới có những sinh mệnh kiếm tìm Pháp, các sinh mệnh kết duyên cùng Sư phụ, sinh mệnh này kết duyên cùng sinh mệnh khác để tại thời điểm này có thể cùng nhau nỗ lực, cùng nhau thực hiện thật tốt.

Còn có một điểm cần làm rõ trước là người viết chưa từng gặp hay quen biết các nhân vật chính trong câu chuyện.

Cuối cùng phải nói rằng: Suy cho cùng do tầng thứ bản thân có hạn, năng lực có hạn, trí huệ cũng có hạn, vậy nên trong quá trình viết bài, khẳng định có chỗ sai sót và mang tính cuộc hạn, hy vọng độc giả có thể chỉ giáo. Xin cảm ơn trước.

Bố lữ hồng trần (mang theo tấm vải mà chu du trong cõi hồng trần)

Có đồng tu kể với tôi rằng, tại kiếp này, nhân vật chính trong bài viết gặp phải ma nạn rất lớn từ gia đình, vì cô tu luyện nên chồng con gây ra nhiều trở ngại, có nhiều lúc cô cảm thấy rất khó khăn không biết phải làm sao. Việc cô nên đối đãi với can nhiễu từ chồng con như thế nào trong quá trình tu luyện là thuộc về phạm trù thể ngộ tu luyện, tại đây chúng ta không bàn đến phương diện ấy. Bài viết này chỉ đơn giản nói một chút về quá trình từ trước của cô, vì để tìm Pháp đã phải kinh qua những gì.

Cuối triều nhà Thanh, cô xuất thân trong một gia đình dòng dõi Trung Y, cũng là con gái duy nhất, cha mẹ cô hành nghề y tại kinh đô nên gia cảnh hiển nhiên giàu có. Trên cô còn có một người anh trai hơn cô ba tuổi. Năm cô lên tám, cha mẹ đột nhiên phát hiện cô bắt đầu rụng tóc, không chỉ rụng tóc mà trên đầu còn phát nhọt, thường hay bưng mủ. Cha mẹ cô tuy có y thuật cao minh, nhưng dùng hết đủ loại phương pháp cũng vô tác dụng. Không còn cách nào, họ đành đưa cô tới khám những danh y khác trong vùng. Các thầy thuốc khám xong đều nói rằng bệnh của đứa trẻ này rất kỳ lạ, họ cũng không biết chữa trị ra sao.

Sau này trong một lần trên đường đi khám, đang lúc họ nghỉ chân tại một ngôi chùa thì vị sư trụ trì của chùa tới, ông mới nhìn qua một chút đã lo lắng nói: Bệnh của đứa trẻ này nếu không kịp thời chữa trị tốt thì e là chẳng những kiếp này khó giữ mạng, mà còn liên lụy đến mấy kiếp nữa!

Mẹ cô nghe như có ẩn ý trong lời của trụ trì, liền gặng hỏi: “Lẽ nào cao tăng có thể nhìn ra được nguyên nhân vết nhọt trên đầu con gái chúng tôi?” Vị sư già đáp: “Ta nhìn được cũng không thật thấu triệt, không thể nói rõ, nếu như con gái ông bà có thể gặp được một người thì tương lai có thể dựa vào “bán” vải mà chữa khỏi cái nhọt trên đầu. Nếu như không gặp được người ấy, vậy chẳng những tính mệnh khó giữ, mà còn liên lụy đến việc chuyển sinh sau này.” Cha mẹ cô nghe xong cảm thấy mơ hồ trong tâm, vội vàng xin cao tăng tiếp tục minh thị. Nhưng vị tăng không để ý đến họ, đã chậm rãi đi vào hậu đường.

Mẹ cô thấy ánh mắt thất vọng của chồng, đành an ủi: “Chẳng phải trụ trì đã nói con gái chúng ta tương lai có cơ hội trị khỏi nhọt hay sao!” Cha cô lẩm bẩm: “Bán vải có thể trị được nhọt đầu, đây là loại đạo lý gì chứ? Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ xem xem lời trụ trì nói có thành sự thật hay không…”

Từ lúc rời ngôi chùa nọ quay về, vết nhọt của cô có phần bớt đau, nhưng thi thoảng cơn đau lại tái phát, tóc trên đỉnh đầu cứ rụng dần, người nhà rất lo nhưng cũng chẳng có cách nào.

Năm cô 12 tuổi, cha cô vì khám bệnh cho một vị tiểu thiếp nhà quan lại mà sau đó bị vu oan, giam vào đại lao rồi bị tra tấn đến chết (người vợ cả vì ghen tuông đã trộn độc vào thang thuốc hại chết người tiểu thiếp, vị quan khăng khăng đẩy trách nhiệm lên đầu cha cô). Mẹ cô sau đó cũng bị bệnh mà mất. Anh trai cô được một người họ hàng xa đem về nuôi, còn cô vì mang nhọt trên đầu nên không ai nhận về, cũng chẳng ai buồn giúp đỡ. Không những thế, mấy người trưởng bối trong gia tộc thấy cha mẹ cô mất cả, bèn lấy hết toàn bộ gia sản nhà cô chia nhau. Cô gái nhỏ mới mười mấy tuổi đã bắt đầu phải lưu lạc khắp chốn xin ăn, nếm trải những ngày tháng cơm không đủ ăn áo không đủ mặc.

Một ngày nọ, cô đi bộ cả ngày trong gió rét mà không xin được cơm. Trời chập tối, đến ngôi làng nọ, cô mệt nhoài thiếp đi bên đống cỏ khô. Đang lúc mơ màng, cô ngửi thấy mùi cơm, bất giác mở mắt, cô trông thấy một vị đại thúc vóc dáng cao lớn mập mạp đang cầm bát cơm nhìn cô cười.

Cô ngồi dậy vươn tay ra lấy bát cơm, nhưng vị đại thúc vẫn mỉm cười, cầm bát cơm từ từ đi về hướng đông, cô cũng theo chân đại thúc mà đi suốt cả đoạn đường. Không lâu sau, cô thấy một tòa nhà gạch màu xanh, vị đại thúc bước vào trong và ngồi xuống sảnh. Cô cũng theo vào. Đến bên trong, cô phát hiện có ba đứa trẻ trạc tuổi mình, cả ba ăn vận quần áo không diêm dúa nhưng đều rất gọn gàng.

Thấy cô bước vào, đại thúc sai một đứa trẻ lấy ít nước ấm để cô rửa mặt. Sau đó, lại lấy ra mấy món đơn giản để cô ăn cơm.

Dùng bữa xong, đại thúc gọi người tìm một chiếc váy sạch sẽ cho cô thay, rồi bảo ba bé gái đưa cô về phòng nghỉ ngơi mấy ngày.

Trong mấy ngày sống cùng ba bé gái, cô được biết đại thúc vốn là người có công phu cao, lại rất tốt bụng, ba bé gái này trước đó cũng đều là trẻ mồ côi được đại thúc nhận về nuôi.

Khi ba cô bé biết được vị đại thúc có công phu thì đều muốn bái ông làm sư, đại thúc đã đồng ý rồi nhưng lại nói còn phải đợi một đứa trẻ đặc biệt đến mới có thể dạy công phu cho chúng.

Lúc ba bé gái nhìn thấy vết nhọt dài trên đầu cô, chúng nhận ra rằng “cô gái đặc biệt” rốt cuộc đã đến và cuối cùng chúng có thể học công phu rồi. Vì vậy, ba bé gái đều đối xử với cô đặc biệt tốt.

Vài ngày sau, khi cô cơ bản đã thích nghi với cuộc sống ở đây, vị đại thúc bắt đầu dạy công phu cho bốn cô gái, thi thoảng còn có các tỉ muội của đại thúc tới giúp.

Bởi vì các cô đều còn rất bé, vậy nên trước tiên dạy một chút công phu về phương diện tu dưỡng đạo đức. Cơ bản đều thuộc loại nội gia công.

Đợi đến khi cô 16 tuổi, một ngày nọ, sư phụ và sư cô gọi mấy người họ tới trước mặt. Sư phụ cô nói: Nữ hài tử có vết nhọt trên đầu trong đời trước vì lỡ lấy Pháp khí đánh lên đầu một vị Thần mà kết ác duyên, nên đời này chuyển sinh đến nhân gian, dùng vết nhọt trên đầu làm phương thức trả nợ. Tuy nhiên, nữ hài tử này cũng có duyên với một vị Giác giả, người tương lai sẽ đến nhân gian truyền Đại Pháp vạn cổ khó gặp, cho phép con người có thể tu thành mà không cần xuất gia. Ta nhìn ra nhân duyên này, vì vậy mới mang nữ hài tử này về đây, giúp hài tử ấy đặt nền tảng cơ bản cho việc tu hành. Cách tốt nhất để tương lai gặp được Giác giả truyền Đại Pháp vạn cổ khó gặp, là có thể tìm được vị ấy trong đời này, còn cần kết duyên phận, như thế tương lai sợi chỉ định mệnh này mới có thể dẫn dắt một cách chắc chắn nhất.

Nói tới đây, vị sư phụ lấy một cuộn vải từ trong chiếc hòm và mở ra một phần cho các cô gái xem: Chỉ thấy trên mặt tấm vải cách một vài thước lại vẽ những cảnh chim muông thú rừng, cảnh vật đường phố, cảnh đền đài miếu mạo v.v. Có tất cả 10 bức tranh kích thước to nhỏ khác nhau.

Nhìn vẻ mặt nghi hoặc khó hiểu của các cô gái, sư phụ của họ mỉm cười, lấy cuộn vải (cũng chính là cuộn tranh) giao cho cô gái có nhọt trên đầu và nói một cách nghiêm túc: “Từ giờ con hãy nhận lấy cuộn vải này và đi tìm người có thể hiểu được ẩn ý chân chính của 10 bức họa bên trong, sau đó hãy hỏi người ấy cho ra vị Giác giả tương lai truyền Đại Pháp đời này đang ở đâu, con còn cần kết duyên cùng Ngài. Thuận theo quá trình này, vết nhọt trên đầu con sẽ dần dần chuyển biến tốt hơn, cuối cùng sẽ lành lại”.

Nói xong, vị sư phụ quay lại nhìn ba cô gái còn lại: “Bởi vì các con tại đời này vẫn còn một số duyên phàm chưa dứt, nên ta vẫn phải đưa các con lần lượt quay lại hồng trần để các con kết thúc những nhân duyên này”.

Ba cô gái đồng thanh nói: “Chúng con cũng muốn đắc được Đại Pháp vạn cổ khó gặp, chúng con cũng muốn tại đời này có thể kết duyên với vị Giác giả sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai”. Sư cô của họ đang đứng bên cạnh nói:  “Các con yên tâm. Số mệnh của các con chắc chắn sẽ cho phép các con kết duyên, chỉ là hình thức sẽ khác với hài tử có vết nhọt trên đầu”. “Vậy chúng con yên tâm rồi” – các cô gái nói.

Đã đến lúc từ biệt sư phụ, sư phụ giúp bốn cô gái chuẩn bị mấy thứ đồ dùng cần thiết, sau đó đưa từng người từng người về lại chốn hồng trần.

Chúng ta tạm thời gác lại không nhắc đến ba cô gái kia, chỉ nói về cô gái có vết nhọt trên đầu.

Khi đã là thiếu nữ, một lần nữa phải quay lại chốn hồng trần, ban đầu cô cảm thấy rất khó chịu. Thời cuộc đang lúc hỗn loạn, thiên tai xảy ra khắp nơi. Biết đến đâu để tìm người hiểu được hàm nghĩa của những bức tranh đây?! Chưa kể đến người ta nhìn thấy cô có nhọt trên đầu, còn thấy cô bị hói, ai nấy đều sợ hãi tránh xa không dám lại gần, nói chi đến người đàm luận với cô về các bức tranh.

Lúc ấy vừa đúng vào mùa thu, vậy nên cô xoay sở làm được một chiếc mũ rơm, một là để đội cho mát, một nữa là che được vết loét và chỗ đầu bị hói.

Một lần đương lúc đi bộ mệt rồi, cô tìm đến quán trọ dưới chân một ngọn núi lớn nghỉ lại và hỏi thăm chủ quán liệu trong vùng có cao nhân hiểu được hàm nghĩa của tranh vẽ hay không? Chủ quán vừa nghe xong đã cao hứng đáp: “Không giấu gì cô, tiểu nhị của quán này có người cậu xuất gia là Đạo trưởng đã mấy chục năm rồi, ông ấy sự tình gì cũng thông, phàm là chúng tôi hay những người xung quanh hỏi chuyện, ông ấy đều trả lời được hết, hơn nữa sau này kiểm chứng lại, thấy lời ông ấy nói đều đúng”. Cô nghe xong vô cùng vui mừng nói: “Vậy lúc nào bác dẫn tôi tới gặp vị Đạo trưởng đó một chút đi, tôi có sự tình muốn xin chỉ giáo”.

Nghe cô nói, khuôn mặt chủ quán lộ vẻ bối rối: “Chỉ là gần đây nghe nói Đạo trưởng đi gặp bằng hữu, không biết khi nào mới về”. Cô mỉm cười: “Không vấn đề gì, tôi sẽ ở đây thêm vài ngày nữa”. Chủ quán rất vui, cô ấy cũng trọ lại ở đó.

Trong thời gian hai, ba tháng cô lưu lại quán trọ, nơi này xảy ra bão và lũ lớn. Khoảnh khắc khi bão lũ ập đến, cô thầm cầu trời trong tâm: “Con vì để đi tìm vị Giác giả tương lai truyền Đại Pháp vạn cổ khó gặp mà không quản khó nạn đến kiếm tìm trong chốn hồng trần, hiện giờ tâm nguyện của con chưa thành, vẫn chưa phải lúc chết, xin ông trời rủ lòng thương!”.

Khi cô phát ra ý niệm này từ tận đáy lòng, cả cuồng phong và đại hồng thủy đều qua đi một cách hữu kinh vô hiểm.

Qua hai, ba tháng sau, một này nọ chủ quán trọ vui vẻ đến báo cho cô biết Đạo trưởng đã trở về và hiện đang ở trên núi. “Chỉ là…. Chỉ là…”

“Bác nói gì cơ? Tôi sẽ đi ngay bây giờ, xin bác bảo cho tôi làm thế nào để đến đó”. Cô không đợi chủ quán nói hết, đã nóng lòng muốn ông chỉ đường đi gặp Đạo trưởng.

Chủ quán thấy cô sốt ruột như vậy, lời nói ra miệng rồi lại nuốt xuống, chỉ nói cho cô làm thế nào tìm được Đạo trưởng. Cô nghe xong nhanh chóng lên đường.

Cô vượt mọi chông gai lên được đến đỉnh núi, trông thấy không xa có một túp lều, có lẽ đúng là nơi ở của Đạo trưởng rồi. Thế nhưng khi lại gần cô mới phát hiện ra, giữa chỗ cô đứng và túp lều có một con mương rất sâu ngăn cách. Bên cạnh chỉ thấy có mọc một cây tre to bằng ngón tay cái.

Dù sao chăng nữa, cô cũng đã từng theo sư phụ học nội gia công được bốn năm, tuy đều chỉ là công phu cơ bản, nhưng cô cũng biết sơ sơ một chút về chuyện những người tu hành thường cố ý lập ra một số quan nạn để khảo nghiệm người khác.

Cô quỳ xuống đất một cách cung kính và nói to: “Tại hạ được biết lão gia có thể thông suốt rất nhiều sự việc, vì vậy đến đây bái kiến là có sự tình muốn thỉnh cầu. Xin lão gia gặp mặt tại hạ một chút”.

Chỉ nghe thấy một giọng nói vang lên từ trong túp lều “Vậy hãy theo cây tre tới đây”.

Nghe xong, cô vui mừng đu lên cây tre và nhảy qua con mương sâu. Cô thậm chí không nghĩ đến việc liệu cây tre có chịu nổi trọng lượng của mình không, và liệu cô có rơi xuống mương không. Sang đến bờ bên kia, Đạo sĩ vừa cười vừa bước ra từ căn lều. Cô nhanh chóng bước tới hành lễ và mở cuộn vải. Bức tranh đầu tiên lộ ra, trên mặt vải là hình vẽ bốn con ngựa chạy dưới ánh trăng.

Đạo sĩ chăm chú nhìn bức tranh, qua nửa ngày, ông nói: “Ta hiểu rồi, đây là một hành trình ngày đêm, là ý chí bền bỉ”. Lúc này, bốn con ngựa dường như sống dậy, không chỉ có thể di chuyển mà còn hí lên. Cô biết Đạo sĩ đã nói đúng. Vậy nên cô tách bức vẽ này ta và đưa nó cho Đạo sĩ. Cuối cùng, cô hỏi: “Ngài có biết vị Giác giả sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai đời này đang ở đâu không?”. “Ta rất khó nói rõ được vị trí cụ thể, cô có thể hỏi lão sư tỷ của ta. Bà ấy ở Đôn Hoàng, cách đây 1.800 dặm”. Đợi đến lúc cô quay người chuẩn bị đi, Đạo sĩ nói thêm: “Cô sẽ gặp một vài người trên đường đi, người có thể hiểu những bức tranh cô mang theo. Đây cũng là cách mà cô kết duyên với những người đó. Nếu như tại đời này hay trong tương lai, cô thực sự gặp được vị Giác giả sẽ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian, cô không được quên duyên phận từ những bức tranh vải này, cũng nhất định phải báo cho những người này một tiếng, hãy nhớ kỹ, hãy nhớ kỹ!”.

Nghe những lời này, cô vừa nhận sự phó thác, vừa mau chóng từ biệt Đạo sĩ, xuống núi thẳng tiến tới Đôn Hoàng. Những khổ nạn trên suốt đường đi, không cần nói ra cũng có thể tưởng tượng được, nên tại đây chúng ta không kể chi tiết nữa. Ngày đến được Đôn Hoàng, cô đi dò hỏi khắp nơi, cuối cùng cũng nghe nói có nữ Đạo sĩ cư ngụ tại một nơi rất xa tận ngoại ô Đôn Hoàng, cô nghĩ có thể chính là vị ấy rồi. Cô tìm tới nơi, đệ tử của nữ Đạo sĩ nói thật là không may, lão Đạo sĩ đã tịch hóa ba ngày trước rồi. Cô cảm thấy tuyệt vọng, đúng lúc ấy thì người nhà Đạo sĩ nói, vị nữ Đạo sĩ trước khi tịch hóa đã dặn rằng sau khi bà ra đi sẽ có người mang một bức tranh tới đưa cho bà, ý nghĩa của bức tranh là “Bách điểu tề minh” (Trăm con chim cùng hót), nói cho nhân loại biết tương lai sẽ xuất hiện một đại sự kinh thiên động địa. Cô lấy bức tranh vải ra và mở cuộn thứ hai, bên trong là hình vẽ bốn con chim đang hướng lên bầu trời cất tiếng hót. Lúc này, lông của những con chim dường như đang chuyển động, và cô cũng cắt bức tranh ra trao lại cho các đệ tử của nữ Đạo sĩ.

Cô hỏi những người đệ tử này về nơi mà vị Giác giả tương lai sẽ truyền Đại Pháp tại nhân gian đang ở, đệ tử của nữ Đạo sĩ lắc đầu nói chưa từng nghe sư phụ nói qua. Họ trông thấy vẻ mặt tâm tình không tốt của cô, bèn đưa cho cô một ít bạc vụn làm lộ phí, để cô nghỉ lại một đêm rồi lại tiễn cô lên đường. Cô ra đi trong lòng đầy hối tiếc.

Trong lúc lững thững đi giữa một bãi cát vàng, cô chợt nhớ ra có nghe qua người ta nói rằng nơi cao sơn, đáy biển dường như cũng có cao nhân, vậy nên cô quyết định lên núi cao tìm một chút xem sao.

Tại đó cô gặp được một vị cao nhân hiểu được ý nghĩa của bức tranh thứ ba (trong tranh chỉ vẽ mấy sợi lông vũ): Mọi thứ trong cuộc đời đều nhẹ tựa hồng mao, so sánh với lực lượng của Thần thì thật nhỏ nhặt không đáng kể. Vị cao nhân này cũng đang tìm kiếm Giác giả sẽ truyền Pháp tại nhân gian trong tương lai. Vị ấy còn nói cho cô biết tại nơi này thực ra có người sở hữu rất nhiều loại năng lực, còn nói thêm rằng không phải những người có trí huệ, có năng lực đều sống trong núi sâu cốc hẹp.

Thời điểm này, viết nhọt trên đầu cô đã lành lại một nửa. Không lâu sau, ở quán rượu cô gặp được một thương nhân, người thương nhân này đọc được ý nghĩa của bức tranh thứ tư (trên tranh vẽ năm con thú thần: kỳ lân, sư tử, voi, rồng và phượng): Trên thiên thượng sẽ có những sự vật có năng lực hơn nhân gian.

Vào một đêm giông bão, cô lưu lại nhà một người thợ rèn, con gái người thợ rèn đọc hiểu bức tranh thứ năm (Một người mặc bộ đồ nông dân đang cày ruộng): Để có được thu hoạch, cần phải làm việc chăm chỉ, và còn cần biết phương pháp.

Cứ như vậy, bất tri bất giác cô quay về Trung Nguyên lúc nào không hay, khi này, cô đã ở độ tuổi 30, việc tìm kiếm vị Giác giả sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai không có chút manh mối. Cô vẫn chưa nản lòng, nhìn lại việc đã tìm được năm người hiểu được các bức tranh, cô nghĩ cứ kiên trì đến cùng, nhất định có thể kết duyên phận cùng vị Giác giả sẽ truyền Pháp trong tương lai.

Trong một ngôi làng dệt lụa ở Trung Nguyên, một vị trưởng làng vừa nhìn thấy bức tranh lụa cô đang cầm trong tay đã biết ngay đó không phải một bức tranh bình thường, liền khẩn nài cô mở ra cho xem một chút. Cô mở một cuộn tranh (năm bức tranh đầu tiên đều đã cắt ra và đưa cho những người có thể hiểu được chúng, có người đưa cho cô một ít lộ phí, nói rằng coi như bán cũng được, tặng cũng được), trên tranh vẽ cảnh đường phố với nào là cửa hàng, quán rượu và một vài người qua lại. Có một người đang nằm trên mặt đất, nhưng những người khác đi qua bên cạnh như thể không nhìn thấy anh ta. Vị trưởng làng trầm ngâm một hồi lâu, cuối cùng hiểu ra rằng: Sự náo nhiệt phồn hoa của thế gian chỉ như mây khói thoảng qua, khi một người chết đi, tất cả những thứ bình thường dù có tốt đến đâu (như bạn bè và những thú vui) đều phải bỏ đi hết. Trong lúc trưởng làng nói, mắt của người đang nằm trong tranh khẽ mở rồi nhắm lại, chớp chớp qua lại như vậy vài lần. Cô cũng cắt bức tranh này ra đưa cho trưởng làng.

Bởi vì trưởng làng lụa rất giàu có, lại vừa đắc được khải thị từ bức tranh, vậy nên bèn tặng cô một số ngân phiếu mệnh giá rất lớn. Giờ thì cô không lo bị chết đói trên đường tìm Pháp nữa.

Lần nọ cô đi vào rừng và gặp một người đang tuyệt vọng tìm đến cái chết chỉ vì chút chuyện nhỏ, cô khuyên giải một hồi người ấy mới chịu từ bỏ ý định tự sát, ngược lại hỏi cô vì sao đi đến nơi này, cô đem đầu đuôi nguyên do kể hết một lượt cho anh ta nghe. Người này tò mò muốn xem qua bức tranh một chút, cô không tiện từ chối, bèn lấy bức tranh thứ bảy mở ra: Một ngôi nhà đơn sơ đang tỏa khói bếp, một đứa trẻ đang chơi thả diều. Người đàn ông nhìn bức tranh hết cả buổi vẫn không hiểu được ẩn ý bên trong. Nhưng vừa khi cô định cuộn bức họa lại, anh ta đột nhiên nói: Ngôi nhà chính là “gia”, đứa trẻ chơi diều chính là “thuận gió”. Ý nghĩa của bức tranh này chẳng phải chính là tất cả mọi sự đều đã có an bài, chỉ có thuận theo thiên ý mới có thể chơi đùa một cách vô tư, mới có cuộc sống chân chính và dễ chịu hay sao? Nói xong, bức tranh này tự nó như muốn được tách ra khỏi cuộn tranh lớn. Cô lại cắt bức tranh này ra đưa cho người đàn ông.

Một lần, cô gặp một văn nhân, vị văn nhân này đang lúc có thể nói là xuân phong đắc ý, con đường hoạn lộ rộng thênh thang, vừa cưới được một người vợ là con nhà có gia thế. Văn nhân này cũng muốn xem bức tranh của cô, cô bèn cho anh ta xem, chỉ có một đôi giày và một con sông lớn, đôi giày đã gần như ướt sũng. Văn nhân mới vừa xem qua đã vui mừng ra mặt, nhưng ngay lập tức trở nên mười phần khiêm cung. Anh ta nói một cách rất cẩn trọng: Xem ra con người ta sống, mọi phương diện đều nên cẩn thận một chút, nếu không, có thể chết bất nguyên do, chết không thấy xác. Anh ta nói xong, dường như nhìn thấy trong tranh có ánh sáng phản chiếu lên mặt sông. Anh ta chủ động muốn xin bức tranh, cô cũng cắt bức tranh đưa cho anh ta.

Còn có một lần cô bị thổ phỉ bắt, sau đó bị áp giải đến nơi chia đồ tụ nghĩa của bọn họ, vào đến sảnh, tên trùm thổ phỉ khăng khăng đòi xem bức tranh trên tay cô. Đó là một bức tranh hết sức đơn giản: Một chiếc máy cắt xương với lưỡi dao dựng ngược lên. Vừa nhìn thấy bức tranh, tên trùm thổ phỉ lập tức hạ lệnh cởi trói cho cô rồi quỳ xuống: “Xin cô hãy tha tội, tôi cũng chỉ là vì tình hình năm nay đói kém quá. Bức tranh này rất rõ ràng, kẻ cầm dao cuối cùng lại tự hại chính mình. Từ nay trở đi ai nói thế nào tôi cũng không dám làm những việc bất hảo này nữa.”

Lúc này, vết nhọt ở đầu của cô gần như đã lành lại, chỉ có tóc là vẫn chưa mọc kín.

Thời điểm ấy, cô đã gần 60 tuổi, bức tranh cuối cùng vẫn chưa có người hiểu được.

Một ngày nọ, cô đi bộ đến lúc cảm thấy thực sự rất mệt, bèn nghỉ lại một quán trọ nhỏ, chẳng mấy chốc đã ngủ thiếp đi, trong mộng, cô nhìn thấy có rất nhiều hòa thượng và ni cô đi ra từ trong núi sâu hoặc chùa chiền, họ đi đến một nơi rộng lớn, nguy nga, tráng lệ và tu hành cùng với những người phàm. Tỉnh giấc, cô lấy bức tranh cuối cùng mở ra xem, trong đó vẽ cảnh hai nhà sư đang đi ra khỏi chùa, bên cạnh có một vài người phàm đang ngồi trong nhà đả tọa.

Nghĩ lại cảnh tượng trong giấc mơ, cô đột nhiên minh bạch ra, bức tranh cuối cùng này chẳng phải chính là thời điểm Đại Pháp truyền tại nhân gian trong tương lai hay sao! Trong thế tục mà hồng truyền Đại Pháp, đồng thời những hòa thượng và ni cô vốn tu hành trong đền chùa đều phải bước ra khỏi cái khung của tôn giáo quá khứ. Có thể vẫn là cách ăn mặc và giới luật của một nhà sư nhưng cần phải ma luyện rất nhiều trong thế tục.

Khi trong tâm cô minh bạch những điều này, bức tranh vải nhẹ nhàng bay lên, đồng thời vang đến một giọng nói rất to lớn, rất rõ ràng: “Con muốn tìm Sư phụ, kỳ thực vị Sư phụ trong tương lai trước giờ vẫn luôn ở bên cạnh con. Đời này tấm lòng chân thành của con có thể cảm động trời đất, đời này vết nhọt trên đầu con có thể hoàn toàn lành lại, nhưng trong tương lai, khi con có thể thật sự đắc Pháp, vẫn còn một ma nạn khác, hy vọng tới khi ấy, con cũng có thể thực sự vượt qua!”.

Nghe được những lời này, cô đã nước mắt đầm đìa, muôn phần cảm khái, cô chắp tay trước ngực quỳ xuống, cất giọng nói rõ ràng phát nguyện: “Tương lai nếu có thể thật sự đắc được Đại Pháp, vô luận là ma nạn lớn đến đâu, con cũng sẽ nhất định thực hiện thật tốt!”.

Bố lữ hồng trần vi tầm Sư
Lịch tận ma nạn mịch chân tri[1]
Thiên nan vạn hiểm chí bất cải
Chung kết thánh duyên đắc Pháp thị![2]

Dịch nghĩa:

Đem vải đi khắp nơi để tìm Thầy
Trải qua ma nạn kiếm tìm chân lý
Muôn vàn khó khăn nguy hiểm ý chí không thay đổi
Cuối cùng được khải thị thánh duyên đắc Pháp

 

Chú thích:

[1] Ý chỉ Chân lý

[2] Câu cuối cùng có nghĩa là: Cuối cùng đã kết được Thánh duyên với Đại Pháp, đã đắc được khải thị của Đại Pháp, nghĩa bóng là bởi vì tu luyện trong Đại Pháp mà trở thành một vị đệ tử Đại Pháp chân tu.

 

Xem tiếp phần 2.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/239005



Ngày đăng: 12-01-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.