Luân hồi ký sự: Thánh duyên vạn cổ



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Đa phần trong hình dung của mọi người thì những chư Thần trong thần thoại thượng cổ (Trung Hoa) hầu như chỉ tập trung ở dải phía Tây Nam hoặc Tây Bắc của Trung Quốc đại lục. Kỳ thực không phải vậy. Bởi vì thời gian này (thời kỳ thượng cổ) tương đối lớn, trải dài trong hàng triệu năm thậm chí còn lâu hơn nữa, các bản khối đại lục của Trái Đất trong thời gian này cũng nhiều lần phát sinh biến động. Những sự tích, câu chuyện được truyền lại đều là chắp nhặt thậm chí đã qua sự cải biến của hậu nhân, so với thực tế có sự sai khác rất lớn.

Trong khoảng thời gian sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, mặc dù trên mặt đất đã có một ít sông hồ núi non và động thực vật nhưng chưa thực sự phong phú. Vì nơi đây cần truyền Đại Pháp vũ trụ, trí huệ của một vị Thần là không đủ, hơn nữa rất nhiều chúng Thần đều muốn tham dự, mục đích là để ngày hôm nay được cứu độ. Vậy nên, một cách tự nhiên chúng Thần đều đem những đặc điểm và trí huệ của mình lưu lại trong thế giới được cấu thành từ phân tử này.

Trong số đó, có một vị Thần cảm thấy những điều trên dường như vẫn chưa đủ, nên đã tự mình đi xuống xem xét hoàn cảnh nơi đây. Bởi vì khi đó chưa đến thời điểm tạo ra con người, nhân gian vẫn chưa thực sự thích hợp để nhân loại tồn tại. Mặc dù vị Thần này cũng cần khoác lên một “bộ áo ngoài” cấu thành từ phân tử, nhưng dù sao thì tự bản thân ông vẫn có cách để tồn tại ở nơi đây.

Do trong vũ trụ, trí huệ của Thần cũng là có giới hạn, không phải tất cả sự việc Thần đều biết. Khi đến nhân gian, vị Thần này phát hiện thấy rằng rất nhiều nhân tố ở nơi đây đều do các vị Thần khác nhau tạo nên. Vị Thần này có thể thông qua một sự vật mà nhìn được nguyên lai của nó hoặc thấy được an bài của một vị Thần nào đó, điều này khiến ông được mở rộng tầm mắt. Thực sự không ngờ được rằng tại nhân gian lại có thể có nhiều Thần như vậy tham dự vào việc “quy hoạch”, “thiết kế” và “an bài”, điều này khiến cho vị Thần nhìn thấy rằng tất cả những an bài này đều vô cùng đặc biệt. Ông nghĩ: “Trong tương lai tại nơi này sẽ truyền Pháp của vũ trụ, bản thân ta trong tầng thứ sở tại phải kinh qua bao nhiêu lần kiếp nạn, dùng thời gian của Thần mà tính đếm thì cũng dài vô tận, cũng không biết được Đại Pháp vũ trụ là như thế nào. Vậy ta nên ở đây và quan sát, biết đâu từ đây sẽ thấy được cảnh tượng tráng quan khi Đại Pháp vũ trụ được truyền ra, cảnh tượng mà từ sáng thế đến nay chưa từng xuất hiện”.

Về sau, khi vị Thần này đi qua một ngọn núi thì thấy rằng ngọn núi này có duyên phận với mình nên bèn lưu lại ở đó. Thời gian qua đi, bởi vì bề mặt bị những nhân tố cấu thành từ phân tử xâm lấn quá nhiều nên vị Thần ấy đã hóa thành một khối đá lớn. Đồng thời nguyên thần của ông cũng hy vọng sẽ ở đây chờ đợi thời khắc Đại Pháp hồng truyền tại nhân gian. Tâm ý ấy của vị Thần khiến cả đất trời phải cảm thán không nguôi!

Lại kinh qua một thời gian rất lâu dài, khi một người tu hành trong núi này khai ngộ, năng lượng phát ra chấn động và làm vỡ khối đá. Khi nguyên thần của vị Thần thoát ra ngoài, ông còn lưu luyến nói rằng: “Tôi chỉ muốn ở nơi này kiến chứng khoảnh khắc Đại Pháp vũ trụ hồng truyền”. Lúc này, Phật chủ đem theo vạn đạo kim quang triển hiện trước ông và nói rằng: “Vì vị Thần này có sự thành tâm như vậy nên trong tương lai khi Đại Pháp vũ trụ hồng truyền sẽ được làm đệ tử trong nhân gian của Phật Chủ, trực tiếp cùng Phật Chủ tu luyện, hồi thăng. Đương nhiên nếu như không muốn đợi thời gian lâu dài đến vậy thì tạm thời có thể làm hộ Pháp ở không gian tầng thấp, bảo hộ cho những vị Thần đến nhân gian đắc Pháp, dùng năng lực của mình đem Pháp duyên “gắn chặt” cho họ thêm một chút.

Đương nhiên, vị Thần ấy liền lựa chọn phương thức thứ hai, nhưng trong quá trình phát triển của lịch sử, Phật Chủ vì ghi nhớ tấm lòng chân thành đối với Pháp của vị Thần ấy nên đã để cho ông trở thành một đệ tử Đại Pháp, tu luyện trong Đại Pháp để hồi thăng.

Cho đến tận hôm nay, sự thành kính với Pháp của vị Thần ấy vẫn được truyền tụng trong giới Thần Tiên.

Người tu Đạo được nhắc đến ở bên trên thực ra cũng đến nhân gian sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, lúc đó tầng sinh mệnh con người này chưa được tạo ra, mục đích là muốn dùng bản thân mình để chứng minh cho các Thần Tiên khác thấy rằng nơi đây cũng có thể tu hành khai ngộ, khiến nhiều chư Thần hơn nữa tin tưởng mà đến nơi này hoặc tham dự sự việc ở nơi đây, trải đường cho sự hồng truyền của Đại Pháp vũ trụ.

Chúng ta hãy nói về những sự việc sau khi Nữ Oa tạo ra con người. Bởi vì ở nhân gian có hai giai đoạn lớn là: thời kỳ có con người và chưa có con người. Khi mà trên mặt đất thực sự có con người do các chư Thần chiểu theo hình dạng của mình tạo ra thì điều này có nghĩa rằng việc trải đường cho Đại Pháp vũ trụ tại nhân gian đã chính thức bước lên quỹ đạo của nó, những gì nêu trên đều là sự chuẩn bị hoàn cảnh cho việc đó. Từ đây bắt đầu tiến nhập vào quá trình trải đường cho văn hóa, nhân văn, đây chính là quá trình trung tâm.

Có một lần bên ngoài một sơn động nọ trời đổ mưa lớn, mưa trong thời thượng cổ này so với mưa lớn ngày nay thì còn lớn hơn rất nhiều. Có hai người từ bên ngoài trở về hang muộn một chút nên đã bị nước mưa cuốn trôi. Lúc đó, một trong hai người họ mới ngửa đầu lên trời mà cảm thán rằng: “Thượng thiên đối đãi với thế nhân thật tàn khốc quá!” Thuận theo từng đợt sấm sét và gió lốc không ngừng dội xuống, cả một sơn động kiên cố trong phút chốc đổ sụp xuống như một chồng trứng vỡ. Người này khụy gối quỳ rạp xuống đất khẩn cầu thượng thiên khai ân, vào thời kỳ tương lai xin lưu lại nhiều chủng người hơn nữa.

Một lúc sau, mưa gió dần dần ngừng bớt, trên bầu trời xuất hiện một chiếc cầu vồng, mọi người đều tranh nhau đứng xem. Lúc này, có âm thanh tiếng trẻ em khóc ở gần đó, họ tản ra đi tìm thì thấy mười mấy đứa trẻ không biết từ đâu đến đang ngồi trên mặt đất khóc lóc. Thấy vậy, họ lại tranh giành nhau nuôi dưỡng đám trẻ. Khi ấy, họ mới minh bạch ra rằng: Thượng thiên vốn dĩ có đức hiếu sinh, Pháp lực của Thần là vô biên.

Sau này, hậu duệ của họ bị mắc bệnh truyền nhiễm, đại đa số thành viên trong bộ tộc đều chết trong một đêm, chỉ còn lại hai ba người, bọn họ nghĩ hết cách này đến cách khác cũng không sao tìm ra phương kế. Vậy nên, họ chỉ còn biết hướng lên trời xanh mà khẩn cầu, hy vọng mọi người có thể sớm bình phục. Kết quả là không những người chết không sống lại, mà những người chưa chết đều chết cả.

Trong lòng vị Thần rất đau buồn, nhưng lúc này trong tâm ông không hề oán hận trời xanh không khai ân, mà chỉ trách bản thân đã không tận lực hết sức. Ông quyết định rời khỏi vùng đất ban đầu, đi đến một vùng rất xa xôi hơn và lưu lại ở đó một thời gian. Có một lần, ông nhìn thấy một đàn chim, cảm thấy đây là điều tốt nên đã tìm thức ăn về và rắc tại đó, kết quả là đàn chim thường xuyên bay lượn ở nơi này mà không rời đi. Trong số đó có một con chim đầu đàn, trên đầu có một chòm lông màu đỏ. Một ngày nọ, khi ông từ bên ngoài trở về không thấy đàn chim đâu nữa, đang trong lúc hồ nghi ông liền phát hiện ra một nhóm thiếu niên đang chơi gần đó. Trong số họ, có một cậu bé trên mà trên trán có một ấn ký màu đỏ.

Thấy vậy, ông liền quỳ xuống mặt đất, hướng mặt ra bên ngoài mà cảm tạ ân đức của trời xanh một lần nữa tái tạo nhân loại. Lúc này, Phật Chủ từ trên trời hạ xuống với vạn đạo kim quang, trang nghiêm vô tỷ, cảnh tượng huy hoàng ấy thì cho dù làm một vị Thần trong tầng thứ của ông cũng chưa từng thấy bao giờ.

Phật Chủ nói với ông một số lời khẳng định và khích lệ, cuối cùng nói rằng nếu ông nguyện ý tương lai làm đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp vào thời khắc Đại Pháp vũ trụ hồng truyền thì Phật Chủ sẽ cấp cho ông một cơ hội. Nghe vậy, ông rất vui mừng, ông quay đầu nhìn lại những người xung quanh rồi hỏi Phật Chủ: “Thưa Phật Chủ, những người này có thể có cơ hội không ạ?” Phật Chủ mỉm cười đáp: “Tương lai người đắc Đại Pháp vũ trụ nhất định cần phải có thân người”. Nói xong, dưới sự hộ giá của chúng Thần, Phật Chủ bay lên không trung mà rời đi.

Ông đưa mắt tiễn Phật Chủ và chúng Thần rời đi, rất lâu sau vẫn chưa định thần lại, lúc này ký ức đã được đả khai rất nhiều. Nhưng do tính chất đặc thù của nhân gian con người, nên năng lực của ông không phát huy được quá nhiều, hơn nữa ông cũng không có cách nào có thể câu thông nhiều với con người trong thời điểm ấy. Ông chỉ có thể chôn giấu tất cả những điều này trong lòng. Ông minh bạch rằng, một khi Phật Chủ đã nói thì nhất định sẽ thành sự thực, đây là thánh duyên trân quý thần thánh nhất, là thánh duyên mà chư Thần trong các tầng thứ đều khao khát có được.

Về sau, trong quá trình đặt định văn hóa lần này, ông đã kinh qua rất nhiều khổ nạn, nhưng bất luận thế nào, thì những ký ức đã khắc ghi tận nơi sâu thẳm trong tâm thức ấy khiến ông luôn bảo trì được sự mong mỏi và chờ đợi đối với việc có thể trở thành đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp khi Đại Pháp vũ trụ hồng truyền.

Trong đời này sau khi vừa sinh ra, ông liền mắc bệnh, căn bệnh rất kỳ quái, mỗi lần bệnh xuất hiện thì nghiêm trọng đến mức khiến ông không bò dậy được, tưởng chừng không qua khỏi nhưng sau đó vài ngày mọi thứ lại trở lại bình thường, người nhà vì thế rất lo lắng. Mãi cho đến một ngày, ông đột nhiên nhìn thấy bức ảnh của Sư phụ trên bìa sách, trong phút chốc ông nhớ lại tất cả những sự việc trước đây và việc vì sao trong đời này bản thân lại mắc căn bệnh kỳ lạ đến vậy, tất cả đều là những an bài hữu ý để được đắc Pháp. Sau khi đắc Pháp, ông rất nỗ lực tinh tấn.

Ngày hôm nay, có người dễ nhầm lẫn giữa Thần Nông Thị và Viêm Đế cho rằng đây là chỉ cùng một người. Kỳ thực, Thần Nông nếm thảo dược và Viêm Đế căn bản không phải là cùng một người. Viêm Đế là thủ lĩnh liên minh bộ lạc cuối cùng trong tộc hệ của Thần Nông Thị, Thần Nông Thị là thủy tổ của tộc Thần Nông. Việc nhầm lẫn này là do sự đứt đoạn văn hóa tạo thành.

Bởi vì sự khai hỏa của nền văn minh lần này bắt đầu từ Viêm Đế và Hoàng Đế, cùng với việc những thế hệ đời sau của họ đều phân bố khắp bốn phương, thế nên hậu nhân tự nhiên đều tự xưng rằng bản thân mình là con cháu Viêm Hoàng. Đây cũng chính là một trong những yếu tố truyền thừa văn hóa mà Thần hữu ý an bài cho con người hôm nay.

Mỗi khi người Trung Quốc nhắc đến việc mình là con cháu Viêm Hoàng, thì vô hình trung chúng ta sẽ nhớ về câu chuyện của thủy tổ gia tộc Viêm Đế – Thần Nông Thị, vì để con người có thể nhận biết bách thảo nên Ông (Thần Nông Thị) đã tự mình nếm đủ trăm loại thảo mộc, cuối cùng đã hy sinh vì nhân loại, đồng thời triển hiện được sự từ bi và vô ngã của Thần; đồng thời chúng ta sẽ còn nhớ đến câu chuyện sau khi tạo phúc cho nhân gian con người, Hoàng Đế đã cưỡi rồng bay lên trời tại núi Hoàng Sơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng đây chính là ý nghĩa căn bản của việc trong hàng nghìn năm qua Thần khiến cho những con người sinh sống trên mảnh đất Trung Hoa luôn luôn khắc ghi rằng bản thân mình là “con cháu Viêm Hoàng”. Bởi vì chỉ khi khắc cốt ghi tâm được những điều này thì hôm nay khi Đại Pháp vũ trụ hồng truyền tại nhân gian, lúc mà Pháp duyên một lần nữa được nối lại, thì mới có thể điểm sáng lên sự mong mỏi và chờ đợi (Đại Pháp) trong tâm thức của chúng ta.

“Khởi thừa chuyển hợp” (1), năm xưa Phật Chủ dùng thân phận Hoàng đế đến Trung Thổ khai sáng nền văn minh Trung Hoa, ngày nay Phật Chủ lại dùng thân phận của một người thường để hồng truyền Đại Pháp vũ trụ, sự từ bi này to lớn đến nhường nào! Những gian khổ và vất vả trong đó ai mới thực sự thấu hiểu cho được?

Có rất nhiều lúc khi tôi nhìn thấy từng màn từng màn những nỗi khổ mà Sư phụ đã phải chịu đựng trong lịch sử, tôi đã không cầm nổi nước mắt mà bật khóc, có những lúc không chịu nổi tôi đã vừa khóc vừa hỏi Sư phụ, vì sao Ngài lại gánh chịu điều đó cho chúng sinh? Sư phụ thường mỉm cười mà nói với tôi rằng: “Tất cả chỉ là để khiến cho các con đắc Pháp được dễ dàng hơn một chút…”

Trong giai đoạn văn minh này, vì muốn bảo vệ thành quả văn minh cũ của mình nên vị Thần an bài nền văn minh của các dân tộc vùng Tây Nam đã hạ thế chuyển sinh. Lúc đó, vị Thần này chuyển sinh vào quân đoàn của Si Vưu, sau này ông phát hiện ra rằng thành quả nền văn minh của mình trong thời kỳ này xuất hiện rất nhiều cực đoan thậm chí là những thứ ma tính. Đồng thời, khi ông nhìn thấy quân đoàn của Viêm Hoàng, đặc biệt là trông thấy vẻ thuần tịnh của Hoàng Đế và những người xung quanh, điều mà vốn dĩ ông không có, vậy nên ông đã quyết định đem theo người của mình gia nhập vào quân đoàn Viêm Hoàng.

Sau khi Hoàng Đế phi thiên tại núi Hoàng Sơn, ông tham gia vào công việc mang tính chất lịch sử đó là đem những di vật của Hoàng Đế chôn cất tại núi Kiều Sơn, để con cháu của Viêm Hoàng có một nơi để tìm về nguồn cội. Bởi vì, nếu chỉ có văn tự hoặc là những di lưu văn hóa thì vẫn chưa đủ, cần phải có những hiện vật đối ứng mới khiến nền văn hóa ấy ảnh hưởng lâu dài đến con cháu hậu thế.

Sau này, ông đã ẩn cư và tu hành trong một ngọn núi cao, trong quá trình này Hoàng Đế đã nhiều lần đến thăm và điểm hóa cho ông, đồng thời nói với ông về ý nghĩa căn bản của việc tạo ra nền văn minh lần này. Ông như được quán đỉnh vậy, trong chốc lát đã minh bạch ra rất nhiều sự việc.

Về sau, ông còn tiếp xúc được với vài người tu Đạo có thành tựu rất cao trong tu luyện, ông cũng đem sự trải nghiệm của mình nói ra với họ, mọi người đều rất chờ đợi trong đời này có thể thực sự đắc Pháp, cùng Phật Chủ trở về.

Trong những lần luân hồi sau này, Phật Chủ đã nhiều lần dùng những thân phận khác nhau tìm đến và điểm ngộ cho họ, nên đời này họ mới thực sự được đắc Pháp tu luyện. Có những lúc tôi cùng họ nói về việc đắc Pháp thật không dễ dàng, mọi người đều rất cảm khái xúc động. Mặc dù ngày hôm nay có người trong số họ cuộc sống còn có rất nhiều điều chưa được như ý nhưng mọi người đều minh bạch rằng có thể đắc Pháp tại nơi đây (chỉ nhân gian con người) thì đối với một sinh mệnh mà nói đây là điều may mắn nhất.

Đây chính là:

Thiên tải Pháp duyên tụ kim triều;

Đắc Pháp tu tâm hồng trần tiếu;

Vạn ban khổ nạn chí bất di;

Khẩn tùy Sư tôn thượng cửu tiêu.

Diễn nghĩa:

Pháp duyên ngàn năm ngày nay tụ lại;

Đắc Pháp tu tâm cười trong hồng trần;

Ngàn vạn khổ nạn chí không đổi;

Theo sát Sư tôn thượng cửu tiêu [chín tầng mây].

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/281267

[1] Còn gọi là Khai thừa chuyển hợp, là một kiểu kết cấu thơ Đường, câu đầu khởi nhập, câu hai chuyển tiếp câu đầu, câu ba chuyển từ đề mục để khởi phát ý mới và câu bốn là hội tụ của ba câu. Ngoài ra cũng dùng để ngụ ý chỉ một quá trình, kết cấu được an bài.



Ngày đăng: 03-03-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.