Luân hồi ký sự: Gian khổ tìm Pháp (phần 8) – Vầng trăng tròn trên đảo Lưu Cầu



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

 

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 7

Bài viết này kể lại câu chuyện tìm Pháp trong tiền kiếp của một vị đồng tu người Đài Loan.

Thời kỳ triều Minh, cô chuyển sinh tại quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu), giống như những người bản xứ nơi này, cô cũng ngày ngày lặng lẽ làm công việc của mình.

Sau đó cô trưởng thành, lập gia đình, sinh con, cuộc sống trôi qua rất êm đềm.

Bởi vì đảo Lưu Cầu có vị trí địa lý rất đẹp nên thời điểm ấy buôn bán mậu dịch nơi này vô cùng nhộn nhịp, người ta cũng thường hay qua lại giữa triều Minh và Nhật Bản.

Con trai cô lớn lên cũng đi đến triều Minh học tập, thời gian này cô đổ bệnh do trường kỳ làm việc vất vả. Ốm một trận kéo dài ba năm, chồng cô mời rất nhiều thầy thuốc đến khám cũng không khỏi.

Sau đó, nghe nói trong số những người đến đây từ triều Minh có một vị mang theo bên thân một tuyệt kỹ gia truyền, chồng cô bèn mời người này đến, người ấy khám một hồi lâu mới nói: “Gia truyền nhà tôi có một phương thuốc dân gian, uống vào ắt có thể khỏi”. Cô liền uống hết thang thuốc ấy, qua bảy ngày, quả nhiên bệnh của cô đã khỏi hoàn toàn.

Việc lần này khiến cô giật mình không ít.

Vài ngày sau, con trai cô trở về nhà, đem những chuyện mắt thấy tai nghe ở triều Minh kể lại cho cô.

Đặc biệt là cậu đã hiểu được rất nhiều điều về phương diện y thuật Trung Hoa, trong quá trình mấy nghìn năm truyền thừa y thuật, có không ít câu chuyện thần kỳ, cũng đã xuất hiện các đại y học gia như Biển Thước, Hoa Đà, Trương Trung Cảnh,…

Khi cô nghe được những chuyện này, lại kết hợp với trải nghiệm tự thân của mình, liền nhớ đến nền văn hóa Trung Hoa ngập tràn những điều thần bí và lịch sử uyên nguyên. Nếu bản thân mình có thể được trải nghiệm những điều ấy nhiều hơn một chút thì tốt biết bao!

Sau này con trai cô cưới về một nàng dâu đến từ thành phố Tuyền Châu của Đại Minh, nàng dâu này đặc biệt thích đọc sách, khi còn ở nhà mẹ đẻ đã thuộc lòng thơ của những nhà thơ như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Tô Đông Pha v.v., sau thời gian lâu cô cũng nảy sinh hứng thú, càng cảm thấy văn hóa Trung Quốc thật là bác đại tinh thâm.

Một lần nọ, con trai cô muốn đưa con dâu về Tuyền Châu, lúc này lại vừa đúng đêm trăng rằm, cô buột miệng ngâm lên mấy câu thơ của Tô Đông Pha: “Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên” (Ước nguyện cho người sống trường cửu, ngàn dặm cùng người ngắm trăng). Con dâu cô cười, nói: “Con không ngờ là mẹ thích thơ của Tô Đông Pha đến thế!”. Con trai cô nói thêm vào: “Mẹ không chỉ thích thơ, mà còn thích văn hóa Trung Quốc cổ đại hơn”.

Câu nói này đã chạm vào mối thương cảm trong tâm cô, ngắm nhìn hình bóng con trai, con dâu dần khuất xa cùng vầng trăng tròn sáng vằng vặc, cô cảm thấy người “ly gia” (rời xa nhà) không chỉ là con trai và con câu cô, mà đúng hơn chính là bản thân cô, phần văn hóa thần bí kia của Trung Quốc dường như chính là chốn quay về mà cô vẫn hằng tìm kiếm trong tâm. Còn bản thân giờ đây giống như một đứa trẻ lưu lạc, khao khát biết bao được về lại trong bầu không khí chứa đựng văn hóa thần bí và lịch sử truyền thừa lâu đời ấy.

Ánh trăng thời điểm này chiếu rọi lên mặt biển, hắt lên ánh vàng kim trong vắt, cô lại nhớ đến một câu thơ: “Nơi xa xăm cùng chung một thời khắc này”. Cảm thấy bản thân và văn hóa Trung Quốc hợp ý như thế, vậy thì Thiên thượng nhất định sẽ thấy được, cũng nhất định sẽ cho cô được mãn nguyện.

Sau đó cô đến một vùng có đông người dân và thương nhân qua lại từ triều Minh, tìm một căn phòng, mở một quán ăn nhỏ. Tại đây cô dùng tài nghệ nấu ăn mà cô thành thạo nhất để nghênh đãi người dân triều Minh vãng lai.

Quán ăn cô mở có một đặc điểm, nếu như người đến từ triều Minh có thể nói cho cô nghe đôi điều về văn hóa truyền thống Trung Quốc hoặc mang đến tranh thêu thư pháp có liên quan đến truyền thống, thì cô có thể miễn phí tiền rượu. Cô muốn dùng cách này để tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Thời ấy, các hoạt động giao lưu giữa triều Minh và Lưu Cầu diễn ra rất thường xuyên, trong những người khách vãng lai đến đây từ triều Minh, không ít người có rất nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống Trung Hoa, thậm chí có lĩnh ngộ rất sâu sắc về văn hóa. Cũng không ít người bản thân thuộc về giới tu hành.

Một ngày nọ, có một người tu Đạo khoác bảo kiếm đến đây ăn uống, không lâu sau lại có một tiểu cô nương xinh đẹp đến ngồi bên cạnh, họ gọi hai đĩa rau rồi lặng lẽ ngồi ăn.

Người tu Đạo vừa nhìn thấy tiểu cô nương liền tiến đến, hạ giọng nói, cô đi cùng ta một chút. Đương nhiên là tiểu cô nương không đồng ý, Đạo nhân bèn rút kiếm đâm thẳng vào ngực cô gái, những người bên cạnh còn chưa kịp phản ứng xem là chuyện gì. Chỉ nhìn thấy tiểu cô nương kia lập tức biến thành một làn khói đen bay đi mất, người tu Đạo mang kiếm vừa đuổi theo vừa hét to: “Yêu nghiệt, bần đạo không tiêu diệt ngươi thì không được, tuyệt đối không cho phép ngươi tiếp tục hại người!”. Sau đó mấy ngày, người tu Đạo lại đến ăn cơm, cô bèn hỏi thăm sự tình mấy ngày trước, Đạo nhân nói: “Tiểu nữ xinh đẹp đó là một con yêu quái biển hóa thành hình người, khi có thanh niên trẻ động tâm với nó, nó sẽ tìm cơ hội ăn thịt đối phương. Nó đã làm việc xấu ở rất nhiều nơi, ta đuổi theo nó suốt dọc đường, cuối cùng gặp được nó ở đây, cũng triệt để trừ sạch nó rồi”.

Cô vừa nghe đã cảm thấy hứng thú: “Thỉnh Đạo nhân dạy cho tôi một chút công phu thần kỳ, cũng là mãn nguyện giấc mộng muốn được thể nghiệm văn hóa Trung Hoa thần bí của tôi”.

Đạo nhân nói: “Dạy cho cô một chút cũng không phải là không được, nhưng sứ mệnh của cô không phải là trảm yêu trừ ma, cô có trách nhiệm và cơ duyên lớn hơn!”

Cô tiếp tục nói: “Trách nhiệm và cơ duyên lớn hơn ư? Xin ngài hãy nói cụ thể một chút”.

Đạo nhân nhấp một ngụm rượu, dường như đã ngà ngà say, vừa vươn vai vừa nói: “Cô ở tại đây và đợi…” nói xong liêu xiêu đi mất.

Khi cô tiễn Đạo nhân ra cửa, lại nhìn thấy vầng trăng tròn kia nhô lên từ mặt biển, tâm cô chợt thấy dễ chịu, cảm thấy vẫn còn hy vọng thực sự đắc được phương pháp tu hành thần kỳ được thiết lập trong lịch sử lâu dài kia.

Vật đổi sao dời, thu qua đông tới, chớp mắt đã 12 năm trôi qua, trong khoảng thời gian này, có một số người thần bí đến đây dùng cơm, cô cũng không ngừng hỏi thăm, nhưng họ đều chẳng biết gì.

Một ngày nọ, trời đổ mưa bão rất lớn, có một người quần áo rách rưới bước vào quán, vừa vào tới cửa liền nói: “Tôi không một xu dính túi, đã ba ngày chưa ăn gì rồi, xin cô cho tôi chút gì đó để ăn”. Cô không chút keo kiệt liền lấy mấy món rau cùng một bình rượu bày ra trước mặt ông. Trước tiên ông ăn hết chỗ rau, sau đó liếc nhìn bình rượu cười, nói: “Rượu trong chiếc bình này là của người tu Đạo tên gì vậy?”

Cô nghe xong khẽ động tâm: “Không lẽ nào…” cô nhất thời không dám khẳng định, làm ra vẻ điềm tĩnh nói: “Ở đây không có người tu Đạo nào cả, trong chiếc bình này là rượu của tôi mời ngài”.

“Không đúng, sao ta lại nhìn thấy trong chiếc bình này là chỗ rượu mà 12 năm trước người tu Đạo ấy đã để lại trước khi rời đi? Lúc đó cô muốn ông ta dạy cô công phu, ông ta không dạy, còn để lại mấy lời…”

Cô rất xúc động nói: “Là ngài tới nói cho tôi biết ý nghĩa liên quan đến mấy lời mà người tu Đạo ấy đã để lại phải không ạ?”

Ông không trả lời trực tiếp câu hỏi của cô, chỉ nói: “Trong bão tố cuồng phong, rất nhiều người sẽ mê mất phương hướng, cũng sẽ có rất nhiều người chôn thân nơi đáy biển, Thiên thượng thương xót thế nhân, vậy nên sẽ an bài cho Giác giả hạ thế, vì con người mà chỉ rõ ra con đường viễn hành, rất nhiều người nguyện ý đi theo Giác giả sẽ được phó thác sứ mệnh cảnh báo khuyên răn thế nhân. Giữa phong ba bão táp chốn hồng trần, nếu một người không nghe lời khuyên nhủ, vậy người ấy sẽ bị nhấn chìm bởi các loại dục vọng cuồn cuộn như đại dương, nếu như vẫn còn thiện niệm và lương tri thì sẽ đợi được đến ngày trời trong nắng ấm, họ sẽ có phúc phận rất lớn đang chờ phía trước”.

Cô đứng bên cạnh vừa nghe vừa nghĩ: “Đây thực sự là ‘kỳ duyên’ mà người tu Đạo nói ư? Sao mà chẳng có lấy một điểm ‘kỳ lạ’ nào!”

Lúc này mưa bão bên ngoài cũng đã tạnh, ông không đợi cô trả lời, đã đứng dậy rời đi. Cô đến cửa từ biệt ông lão, thời khắc này vầng trăng tròn lại xuất hiện trên mặt biển.

Lúc chia tay ông lão nói: “Nơi xa xăm cùng chung một thời khắc này”.

Cô nén nước mắt lặp lại: “Nơi xa xăm cùng chung một thời khắc này…”

Đây chính là:

Lưu Cầu vọng nguyệt vi tầm Pháp

Tâm hướng Trung Thổ chư thần thoại[1]

Thân xử tiểu điếm ngộ điểm ngộ

Tâm kết thích nhiên nguyệt canh hoa[2]

 

Dịch nghĩa:

Trăng tròn trên đảo Lưu Cầu vì tìm Pháp

Tâm hướng đến những thần thoại nơi Trung Thổ

Tự mình trong quán nhỏ gặp được điểm ngộ

Giải được nút thắt trong tâm nhẹ nhõm, ánh trăng càng rực rỡ hơn

 

Chú giải:

[1] Ý nghĩa của câu này là: Trong tâm hướng về văn hóa, cũng như những ví dụ thực tế và chuyện kể về Thần linh và Thần tích.

[2] Ý nghĩa của câu này là: Giải quyết được những sự việc mà trước nay không minh bạch trong tâm, thấy được ánh trăng bên ngoài muôn phần rực rỡ hơn. Nghĩa rộng chính là: Tương lai khi đắc được Pháp tu hành ấy, sinh mệnh cùng thiên địa nhật nguyệt sẽ đắc được tương lai mỹ hảo và quang minh hơn.

 

Xem tiếp phần 9
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/239188



Ngày đăng: 15-04-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.