Luân hồi ký sự: Tiếng sáo ấy đến từ đâu?



Tác giả: Tiểu Liên

[Chanhkien.org] Dẫn nhập: Nếu người nào đó đề cập tới thiên lý “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” với người Trung Quốc hiện đại, thì người đó sẽ bị cười nhạo. Họ sẽ nói: “Bạn thấy các quan tham của Đảng Cộng sản Trung Quốc đấy. Họ đã tham ô rất nhiều tiền của dân chúng – họ đáng bị đi tù hay thậm chí bị xử tử, nhưng họ vẫn sống tốt đấy thôi! Bạn nhìn những người trung hậu thật thà kia đi, khó mà tìm được người nào có vận mệnh may mắn! Ngày nay bạn phải thực tế hơn đi, nếu không bạn sẽ tự làm khổ mình thôi.” Nhiều người đã nói theo cách này, nhưng theo tôi, họ mới thực sự là đáng cười.

Người thường luôn luôn nhìn vào lợi ích trước mắt, họ không quan tâm tới điều gì sẽ xảy ra sau khi chết hay sự bất diệt của sinh mệnh. Thực ra, quan hệ nhân duyên giữa con người trên thế gian này là hết sức phức tạp. Lấy ví dụ thế này: trên bề mặt, A có thể đã làm điều gì đó bất công với C, nhưng vì A đã làm điều tốt với C trong quá khứ (hoặc kiếp này, hoặc kiếp trước), nên C sẽ muốn trả nợ cho A vì hành động tốt đó. Nếu B nợ C rất nhiều trong quá khứ, C tất nhiên sẽ muốn đòi lại những gì B nợ trước kia (bao gồm cả vật chất và tinh thần). Nếu B xem xét điều đó từ lòng ích kỷ, B sẽ cảm thấy rằng mình là người bị thua thiệt và thường tự hỏi tại sao mình luôn là người bị đối xử bất công. B sẽ có một thái độ bi quan và tạo thành một cảm giác bất bình trong tâm. Nhưng nếu B có thể xem xét sự việc vượt lên trên những điều ở bề mặt đó, lấy chúng làm động lực để tiến bước thì kết quả sẽ hoàn toàn thay đổi.

Câu chuyện được đề cập tới trong bài viết này là để giải thích sự phức tạp trong quan hệ nhân duyên giữa con người với nhau. Nó cũng minh chứng rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” không phải là điều con người có thể hiểu được dựa trên quan niệm đã hình thành trong xã hội và từ góc độ của sự ích kỷ. Ngoài ra, nó cũng cho thấy sự tồn tại của nhân loại từ cổ đại tới hiện đại thực ra là vì điều gì. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu câu chuyện này.

Câu chuyện về Tô Vân Tĩnh (Xin xem câu chuyện của cô ở bài: “Câu chuyện có thật về luân hồi: Quý phi túy tửu”) bắt đầu từ một sự kiện xảy ra dưới thời Tùy Dương Đế. Có hai chị em nhà họ Lâm đã lấy chung một người chồng, và người em gái đã đầu độc chị mình rồi quăng xác cô xuống một cái giếng bên ngoài ngôi nhà. Sau đó, khi người chồng trở về nhà và hỏi về điều đó, người em gái đã nói với anh rằng chị mình đã uống thuốc độc và nhảy xuống giếng. Cô nói lý do là vì chị mình cảm thấy không được chồng sủng ái và không thể chịu đựng thêm được nữa. Người chồng biết rằng hai chị em vốn bất hòa và rất có thể một người trong số họ đã có ý định tự vẫn. Vì vậy anh đã không truy cứu thêm nữa. Anh nhờ người mang xác vợ ra khỏi giếng và mai táng một cách đơn giản. Người em gái cuối cùng đã độc chiếm được người chồng. Chồng của cô rất tốt với cô. Hai năm sau, cô có với anh hai người con, một nam một nữ, từ đó cả gia đình sống trong cảnh hạnh phúc và hòa thuận.

Tuy nhiên, không ai có thể nghĩ rằng điều đó sẽ không thể kéo dài lâu. Một trận ôn dịch đã bắt đầu ở vùng Tô Châu, và bệnh dịch nhanh chóng lây lan thành đại dịch. Cả gia đình họ đã chết trong trận ôn dịch đó. Sau khi chết, nguyên thần của họ phải xuống Địa Phủ để xét hỏi. Diêm Vương đã lệnh cho vị Phán quan dở sổ ghi chép lại tất cả những việc thị phi mà người em gái họ Lâm đã làm trong kiếp sống ấy. Vị Phán quan nói: Việc thiện nhất mà cô đã làm là toàn tâm toàn ý chăm lo cho tướng công của mình, không chút kêu ca hay tơ tưởng người khác. Việc ác nhất mà cô đã làm là dùng rượu độc để sát hại chính chị gái mình do tâm đố kỵ quá mạnh mẽ. Hai người con của cô có quan hệ nhân duyên rất lớn với cô. Cô đã cứu mạng họ trong một tiền kiếp và họ đã trở thành con của cô trong kiếp này để báo ân. Diêm Vương phán: “Cô không được phép chết theo cách này, bởi vì nếu con người không biết được hậu quả mà một người đố kỵ hành ác phải nhận ra sao, họ sẽ dám làm mọi thứ.” Do đó, đám tiểu quỷ đã trói cô gái bằng dây sắt dày và áp giải cô trở lại dương gian.

Lúc ấy, bách tính đang phải sống trong cảnh sợ hãi tột cùng giữa trận ôn dịch. Khi cô được áp giải trở lại dương gian, người dân vùng đó đã vô cùng khiếp đảm. Một số người gan dạ run rẩy hỏi cô: “Chẳng phải cô đã chết rồi sao? Cô trở lại bằng cách nào vậy?” Đám tiểu quỷ đã kể ra chi tiết công tội của cô lúc còn sống và nói: “Lý do Diêm Vương bảo chúng tôi mang cô ấy lên đây là để nói với tất cả các người rằng làm điều xấu sẽ phải đọa Địa Ngục, và thậm chí nếu người ấy được chuyển sinh thành người, nghiệp người đó nợ sẽ vẫn phải hoàn trả. Bây giờ chúng tôi phải trở về để bẩm báo với Diêm Vương”. Đám tiểu quỷ cùng cô gái biến mất ngay tức khắc. Điều này xảy ra giữa ban ngày ban mặt. Những người chứng kiến đều cảm thấy như thể họ đang nằm mơ vậy.

Sau khi bị mang trở lại Địa Ngục, cô gái đã bị đưa tới một hầm nước, nơi cô bị cắn bởi thủy trùng, độc xà cùng nhiều hình thức trừng phạt khác. Sự đau đớn và thống khổ là không thể mô tả được bằng lời. Cô gái đã phải chịu đựng như vậy trong gần một trăm năm. Một ngày nọ, Hằng Nga Tiên nữ cùng Nhị Lang Thần phụng mệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống thị sát Âm Phủ. Khi tới hầm nước, họ nghe thấy tiếng khóc của một người con gái, nghe thập phần thương tâm. Hằng Nga Tiên nữ nghe thấy tiếng khóc của cô gái bèn tới gần xem xét, cuối cùng nói: “Nghiệt chướng! Hóa ra nhà ngươi ở đây!” Nguyên lai cô gái là cây Ngọc thạch Tỳ Bà [1] mà Hằng Nga Tiên nữ thường sử dụng nơi tiên giới. Trông thấy Hằng Nga Tiên nữ, cô gái khóc lóc nghe càng thương tâm hơn. Hằng Nga Tiên nữ sinh lòng thương cảm bèn nói: “Nhà ngươi đã phạm đại tội gì để đến nỗi rơi vào cảnh này?” Cô gái bèn kể lại sự việc sát sinh năm xưa cho Hằng Nga Tiên nữ nghe. Hằng Nga Tiên nữ thở dài: “Cõi phàm trần đúng là nơi tạo ác nghiệp. Chúng sinh chỉ vì khởi tâm ma mà tạo nên ác nghiệp, cuối cùng đều bị xuống Địa Phủ chịu tội! Bị đọa xuống đây thì dễ nhưng được siêu sinh thì thật khó! Ngươi đợi ở đây, ta đi bẩm báo với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ làm chủ sự việc của ngươi!”

Đúng lúc ấy, Hằng Nga Tiên nữ nghe thấy một giọng nữ từ bên trên, nghe còn đau khổ và thống thiết hơn. Cô gái đó vừa khóc vừa nói: “Tôi là tiên nữ mà phải chết thống khổ và oan khuất thế này đây. Từ lúc bị cô ấy đầu độc, tôi đã rơi vào một nơi không ăn không uống. Cuộc đời được định trước của tôi vẫn chưa kết thúc. Nếu cô ấy được tha dễ như vậy thì tôi sẽ không chịu đâu. Tôi sẽ đi kiện!” Hằng Nga Tiên nữ cùng Nhị Lang Thần nhìn gần hơn và thấy rằng cô gái ấy đang sống tại một nơi không ăn không uống (đó không phải là Địa Phủ, mà tồn tại cùng nơi cùng lúc với Địa Phủ, và các vị Thần chỉ cần liếc mắt là trông thấy). Nhị Lang Thần nói với cô gái: “Hiện tại cô đang không ăn không uống, nhưng sau này cô sẽ lại có những vui vẻ nơi thế gian. Đừng khóc và giữ tâm oán hận như vậy nữa.” Hằng Nga Tiên nữ nói: “Cô ấy đã nợ cô một mạng sống và mọi thứ rồi sẽ được hoàn lại. Đừng khóc nữa.” Nhị Lang Thần cười nói: “Hiện giờ cô đang cô độc [một mình], sau này ở nhân gian Hoàng đế sẽ phong cho cô làm ‘Cô Độc Hoàng hậu.’” Sau khi hai cô gái thấy hai vị thần tiên đã có chủ ý để họ chuyển sinh lên nhân gian hưởng phúc, cô gái nói: “Tôi sẽ thôi không oán hận cô ấy, nhưng tôi muốn trở thành ‘Độc Cô Hoàng hậu’ thay vì ‘Cô Độc Hoàng hậu.’” Nhị Lang Thần cười nói: “Cô có khác gì một đứa trẻ tinh nghịch nơi nhân gian đâu? Cô vẫn còn thấy bất bình khi chúng tôi đã cứu độ cô hay sao? Độc Cô thì Độc Cô, Cô Độc thì Cô Độc, không có vấn đề gì cả!” “Chúng tôi phải trở về Thiên Đình ngay bây giờ đây.” Hằng Nga Tiên nữ và Nhị Lang Thần cùng nhau cáo biệt Diêm Vương rồi cùng bay về Linh Tiêu Bảo điện. Cùng lúc ấy, Ngọc Hoàng Thượng đế đang nghị sự với Thái Ất Chân nhân. Hằng Nga Tiên nữ hành lễ bái kiến Ngọc Hoàng rồi nói về mục đích mà họ tới đây. Thái Ất Chân nhân cười lúc lâu rồi nói với Ngọc Hoàng: “Người này (cô gái) có lai lịch đấy, sẽ rất tốt khi giải quyết theo cách này.” Sau đó Thái Ất Chân nhân thì thầm vào tai Ngọc Hoàng một lúc. Ngọc Hoàng nói một cách nghiêm trang: “Tiên tử hãy hồi cung đi. Ta sẽ an bài cho Ngọc thạch Tỳ Bà.”

Sau khi Hằng Nga Tiên nữ đã hồi cung, Ngọc Hoàng gọi Diêm Vương đến và hỏi: “Khi nào thì cô gái hoàn trả xong nghiệp nợ do sát nhân?” “Ba năm nữa ạ.” “Sẽ tốt hơn nếu an bài theo cách này: Khi cô gái đã trả hết nghiệp, hãy đưa cô ấy lên tiên giới, nơi một vị Thượng Tiên cần một miếng bích ngọc trầm tĩnh phi thường để tu luyện. Nguyên cô gái là một cây Ngọc thạch Tỳ Bà mà ta đã ban cho Hằng Nga. Khi tự mình hạ xuống phàm trần, cô gái đã phạm phải ác sự. Nếu cô ấy có thể trợ giúp vị Thượng Tiên tu luyện thành công, nghiệp chướng sẽ được bãi miễn và cô ấy sẽ được liệt vào hàng Tiên.” Diêm Vương gật đầu khen phải.

Bằng cách ấy, cô gái cuối cùng đã trở lại nguyên hình – một cây Ngọc thạch Tỳ Bà. Vị Thượng Tiên tâm thần ngưng tụ tại cây Ngọc thạch Tỳ Bà và không lâu sau đã tu luyện đắc Đạo. Sau khi rời khỏi Tam Giới, ông đột nhiên nhận thấy rằng sinh mệnh nguyên lai của cây đàn Tỳ Bà này còn thâm viễn (sâu xa) hơn nhiều. Trên trán cô gái có mang một dấu ấn của Phật hết sức rõ ràng minh hiển. Dấu ấn này không phải là của một vị Phật bình thường, mà là được ban bởi đức Chuyển Luân Thánh Vương mà sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai, khi vũ trụ bước vào thời Mạt Kiếp. Điều này thật vô cùng ý nghĩa! Đây là vinh dự lớn nhất của một sinh mệnh trong vũ trụ! Ông đã mời nhiều vị Thần tới để cùng bàn bạc cách an bài cho tương lai của cô gái. Một vị Thần nói: “Hiện tại đức Chuyển Luân Thánh Vương đã chuyển sinh tới nhân gian được một giai đoạn thời gian rồi. Đây chính là đệ tử được đánh dấu của Thánh Vương, vậy chúng ta hãy an bài cho cô ấy được chuyển sinh vào một gia đình tu luyện, để hoàn thiện lịch sử nhân loại, đồng thời giúp một đệ tử tích lũy uy đức khi đức Chuyển Luân Thánh Vương truyền Pháp vào thời Mạt Kiếp trong tương lai, và chúng ta cũng đã làm được một việc tốt?” Một vị Thần khác nói: “Chúng ta không thể để đệ tử này xuống nhân gian dễ dàng như vậy được, hãy cấp cho cô ấy một vài trở ngại…”

Vì vậy, cây Ngọc thạch Tỳ Bà lại một lần nữa chuyển sinh xuống nhân gian, và được sinh ra trong một gia đình họ Tô tại Dương Châu [2]. Lúc ấy đang là triều đại của Đường Huyền Tông [3]. Cha của cô, Tô lão viên ngoại là người hết sức vui vẻ và tốt bụng. Ông cùng vợ của mình, phu nhân họ Quách tích đức hành thiện và thường được xóm giềng khen ngợi. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ lại phải chịu đựng nhiều tai ương. Trâu bò mà họ nuôi đã bị đạo tặc lấy mất, còn ngôi nhà họ ở thì bị hỏa thiêu. Khi cả hai đến tuổi 30 thì Tô phu nhân sinh hạ được hai người con trai, nhưng đều bị bệnh từ khi mới sinh ra. Do vậy đôi vợ chồng đã phải mang con đi khắp nơi tìm thầy thuốc chữa trị. Năm năm sau, hai đứa con vẫn bị chết mà không thuốc nào chữa trị được. Hàng xóm có người cười Tô viên ngoại: “Ông đã tu Phật hành thiện nhiều năm như vậy mà vẫn không thấy ông đắc được điều gì tốt, trái lại còn vật lộn với miếng cơm manh áo? Việc gì phải khổ như vậy?” Tô viên ngoại cười nói: “Cả nhà tại hạ là người học Phật, chẳng mong gì cuộc sống an nhàn thoải mái nơi thế gian. Vạn sự đều có nhân quả cả.” Mặc dù nói như vậy nhưng trong thâm tâm ông vẫn cảm thấy có điều bất bình khó lý giải…

Một thời gian sau, có một đạo sĩ điên tìm đến nhà Tô viên ngoại với cây sáo ngắn giắt nơi thắt lưng. Vị đạo sĩ điên khăng khăng đòi ở lại nhà của họ. Tô viên ngoại nói: “Cả nhà tại hạ đều là người tu Phật, nếu ông ở lại e rằng sẽ can nhiễu đến sự tu luyện của nhau.” “Chẳng phải nhà ông có ba gian phòng hay sao? Ta chỉ ở một phòng thôi. Chẳng lẽ những người học Phật lại để một người tu Đạo chết đói ở ngoài đường phố hay sao? Các người là người học Phật loại gì vậy? Hôm nay bất kể các người có nói gì, ta sẽ vẫn phải ở lại đây.” Thế rồi vị đạo sĩ điên bước thẳng vào trong nhà. Tô viên ngoại chẳng còn cách nào khác ngoài việc để cho ông ta ở lại trong nhà mình. Vị đạo sĩ đã ở nhà Tô viên ngoại tới nửa năm. Điều tốt là vị đạo sĩ điên này không đòi hỏi gì từ gia đình ngoài đồ ăn, và ông ta cũng không can nhiễu đến việc tu luyện của họ. Đạo sĩ điên ngồi đả tọa tu luyện mỗi ngày trong phòng của ông và đôi lúc mang sáo ra thổi. Âm thanh của tiếng sáo là chưa từng được nghe nơi thế gian con người:

Thanh âm phiêu miểu xuất ngô tâm,
Phàm trần ác thế hiển chân kim.
Thống khổ ân oán cửu tiêu phao,
Tự tại tiêu dao khán cổ kim!

Diễn nghĩa:

Âm thanh trong trẻo phát xuất từ tâm ta,
Cõi phàm trần ác độc hiện ra vàng thực sự.
Bao ân oán thống khổ biến mất sau chín tầng trời,
Ta ung dung tự tại ngắm nhìn chuyện xưa và nay!

Nửa năm sau, vào một buổi tối nọ, vị đạo sĩ cười nói với vợ chồng Tô viên ngoại: “Hai vị đã thể hiện là những người tu Phật thực sự. Không những hai vị có thể Nhẫn những việc nhỏ, mà còn khoan dung được cả sự can nhiễu trong tu luyện. Tại hạ thực sự bội phục. Hôm nay tại hạ phải ra đi, nhưng muốn lưu lại cây sáo này cho hai vị như vật kỷ niệm. Hãy để lại nó cho hài tử của hai vị trong tương lai.” Vợ chồng Tô viên ngoại chưa kịp nói gì thì đạo sĩ điên đã bay lên không trung rồi biến mất tăm. Điều kỳ lạ là sau khi ra đi, vào những lúc mà đạo sĩ thường thổi sáo, tiếng sáo vẫn được nghe thấy, vừa gần lại vừa xa, lúc thì hùng hồn tráng mĩ, khi thì thâm trầm tế nhị, lúc như trăm chim đua hót, khi thì như trăm sông cùng đổ ra biển, lúc như vạn mã phi nước đại, khi thì như tiếng nước chảy xuống đồi…

Trước đó, Tô phu nhân đã có mang và sinh hạ được một nữ hài tử. Ngay trước khi hài tử được sinh ra, tiếng sáo lại xuất hiện, cho nên Tô viên ngoại đã đặt tên cho con gái mình là “Vân Tĩnh”, có nghĩa là thanh tịnh tựa như đám mây mà vẫn tràn đầy sức sống. Tô viên ngoại cũng nhớ đặt cây sáo ngắn của đạo sĩ điên bên cạnh con gái mình. Khi cô bé được hơn một tuổi thì có một hòa thượng tới nhà Tô viên ngoại. Vừa đến hòa thượng đã nói: “Một đạo huynh đã nói với tôi rằng ông ấy hy vọng tôi sẽ tới dạy tiểu thư cách thổi sáo.” Sau khi nghe điều này, Tô viên ngoại thầm nghĩ: “Thổi sáo thì có tác dụng gì nhỉ?” Rồi một ý nghĩ khác hiện lên trong đầu ông: “Âm thanh tiếng sáo của đạo sĩ điên quả thật phi thường; mỗi khi ta có vấn đề về tâm tính và bị cản trở việc đề cao, tiếng sáo có thể đả khai tâm trí ta và làm ta không thoái chí.” Vì vậy ông cười lớn và nói: “Vì ông là bằng hữu của vị phong đạo sĩ, xin hãy chỉ dạy tiểu nữ của ta cách thổi sáo sao cho thật hay.” Từ đó hòa thượng bắt đầu dạy Tô tiểu thư cách thổi sáo.

Thực ra, việc dạy Tô tiểu thư cách thổi sáo chỉ là cách để cô gái kết duyên với Hoàng đế Đại Tông [4] (triều Đường) trong tương lai, đồng thời lưu lại một giai đoạn văn hóa cho nhân loại. Nó cũng là để hai người (Hoàng đế Đại Tông và Tô Vân Tĩnh) đoàn tụ cùng nhau khi đức Chuyển Luân Thánh Vương truyền Đại Pháp vào thời Mạt Pháp sau này, đồng thời hoàn thành thệ ước ban sơ của họ khi giáng hạ từ thượng giới (Trợ Sư Chính Pháp, cứu độ thế nhân!).

Kỳ thực, thổi sáo không phải là một việc đơn giản, cảnh giới của nó là vô hạn vô biên. Giai điệu tiếng sáo phụ thuộc vào cảnh giới của người thổi, và nó không tách rời sự đề cao trong cảnh giới tu luyện. Tô Vân Tĩnh đã tiến bộ vượt bực cả về tu luyện và thổi sáo. Nhưng khi cô trưởng thành hơn, Tô viên ngoại phát hiện rằng cô có một khiếm khuyết: Cô hay quên mọi thứ và có trí nhớ rất kém. Cô quên ngay nơi để mọi thứ đồ đạc chỉ trong một thời gian ngắn. Tô viên ngoại có đôi chút thất vọng, nhưng cô trở nên ngày càng xinh đẹp hơn. Cuối cùng ông cũng không để ý đến khiếm khuyết về phương diện ấy của cô nữa.

Khi Tô Vân Tĩnh lên 16 tuổi, một hôm vị hòa thượng nói rằng ông phải rời đi. Trước khi ra đi, ông hỏi Tô viên ngoại xem tiểu thư đã thành thục với cây sáo chưa. Tô viên ngoại nói với hòa thượng: “Chúng tôi không muốn giữ nếu ông cứ khăng khăng đòi ra đi. Nhưng hôm nay tôi có một thắc mắc mong ông giải đáp giúp.” Hòa thượng nói: “Xin viên ngoại cứ nói.” Tô viên ngoại bèn hỏi: “Gia đình tôi cớ sao lại có một cuộc sống khó khăn đến vậy, theo lý thì một gia đình tu Phật không nên có nhiều bất hạnh.” Hòa thượng đáp: “Ha ha, cuối cùng thì viên ngoại cũng nêu ra vấn đề này rồi. Nó cho thấy rằng dù viên ngoại đã đạt tiêu chuẩn tâm tính của một người tu Phật, nhưng vẫn chưa minh bạch được đạo lý.” Tô viên ngoại thừa nhận: “Đúng là như vậy.” Hòa thượng hỏi: “Viên ngoại thử nhớ lại xem tổ tiên đã từng phạm phải đại ác sự nào chưa?” “Tổ tiên tôi rất gần gũi với phe thân tín của Võ Tắc Thiên [5].” Hòa thượng nói: “Để tôi nói cho viên ngoại biết sự thật. Viên ngoại chính là tổ tiên của Võ Tắc Thiên trong một tiền kiếp. Phật gia giảng về luân hồi nhân quả, nhất quyết là không có trường hợp ngoại lệ. Hãy tưởng tượng xem viên ngoại đã làm rất nhiều điều ác như vậy, làm sao không thể không bồi thường? Điều tốt là kiếp này viên ngoại tu Phật hành thiện, mọi thứ trong quá khứ đều có thể thiện giải. Tô tiểu thư sẽ nhập Hoàng cung và kết liễu mối ân oán. Trong kiếp này, dù viên ngoại không thể tu xuất Tam Giới nhưng nghiệp nợ đã được hoàn trả và viên ngoại sẽ có nơi tốt lành để tới. Thiện tai! Thiện tai!” Vừa nói xong, hòa thượng đã biến mất trong chớp mắt.

Trở lại, đất nước khi ấy đang trong thời kỳ An Sử chi loạn [6], thành Dương Châu không được hưởng cảnh thái bình. Đạo tặc thường khởi lên tứ xứ và bách tính không được sinh sống trong cảnh yên ổn. Thêm vào đó, năm ấy bị mất mùa và bách tính phải sống trong cảnh vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, gia đình họ Tô vẫn chưa bao giờ bị thiếu đói.

Khi Tô Vân Tĩnh lên 18 tuổi, Triều Đình cử người tới Dương Châu tuyển tú nữ. Tô Vân Tĩnh được tuyển chọn, nên cô phải từ biệt phụ mẫu cùng xóm giềng vùng Dương Châu rồi lên đường đến Kinh Thành chuẩn bị nhập cung (Muốn biết diễn biến tiếp theo xin đọc bài: “Câu chuyện có thật về luân hồi: Quý phi túy tửu”).

Hậu ký: Vô luận một sinh mệnh đã làm gì trên thế gian này, sinh mệnh ấy sẽ phải đối mặt với báo ứng, hoặc là thiện báo, hoặc là ác báo. Nguyên lý này là không thể cải biến cho dù người ta có tin nó hay không. Ở đây tôi muốn cảnh báo những ai vẫn còn mê vào tà giáo cộng sản, vì sự tồn tại vĩnh viễn của sinh mệnh mình, hãy mau thoát khỏi sự khống chế của tà linh cộng sản và lựa chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Đừng bao giờ quên rằng Thần là từ bi nhưng cũng uy nghiêm vô hạn.

Chú thích:

[1] ‘Tỳ Bà’: (Pipa) Tên một loại đàn dây gảy truyền thống Trung Quốc có bốn dây. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi.

[2] ‘Dương Châu’: Một thành phố nay thuộc tỉnh Giang Tô, nằm bên bờ Bắc sông Dương Tử.

[3] ‘Đường Huyền Tông’: (685-762) (chữ Hán: 唐玄宗) Thụy hiệu Đường Minh Hoàng, tên húy là Lý Long Cơ (李隆基), là vị Hoàng đế thứ 6 của nhà Đường ở Trung Quốc, trị vì Trung Quốc từ năm 712 đến 756.

[4] ‘Đường Đại Tông’: (726-779) (chữ Hán: 唐代宗 , bính âm: Dài zōng), tên lúc sinh là Lý Thục hay Lý Thích (李俶) nhưng ông đã tự đổi tên là Lý Dự (chữ Hán: 李豫, bính âm: Lǐ Yù) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Ông là con trai của Đường Túc Tông.

[5] ‘Võ Tắc Thiên’: (625-705) (chữ Hán: 武則天) Tên thật là Võ Chiếu (武曌), là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu (周), và cai trị dưới danh hiệu Thánh Thần Hoàng Đế ((聖神皇帝) từ 690 đến 705. Bà bị nhiều người cho là tàn ác vì đã giết hại nhiều người và lật đổ ngai vàng của Hoàng đế nhà Đường.

[6] ‘An Sử chi loạn’: Cuộc phản loạn quy mô lớn đời nhà Đường, được cầm đầu bởi An Lộc Sơn (nguyên là một tiết độ sứ của Triều đình) và thuộc hạ là Sử Tư Minh. Cái tên ‘An Sử’ là lấy từ tên họ của hai người này ghép lại mà ra.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/7/12/38515.html
http://www.pureinsight.org/node/4128



Ngày đăng: 24-11-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.