Luân hồi ký sự: Quý phi túy tửu



Tác giả: Tiểu Liên

[Chanhkien.org]

Dẫn nhập:

Dù chúng ta là người tu luyện hay không tu luyện, nhìn chung, chúng ta đều rất hứng thú với những câu chuyện luân hồi và muốn biết xem những tiền kiếp của chúng ta liên hệ thế nào đến kiếp sống hiện tại này. Do vậy, những bài viết về đề tài này khá là phổ biến. Tuy nhiên, với chúng ta, những người đang sống trong thời kỳ lịch sử hy hữu này khi toàn thể vũ trụ đang trải qua quá trình Chính Pháp, vô luận chúng ta đã từng ở đâu và đã từng sống như thế nào trong quá khứ, không gì được tính ngoại trừ việc ai đang tu luyện và đồng hóa với Pháp và ai đang không biết được chân tướng về Đại Pháp ngày hôm nay. Nếu một sinh mệnh không thể đạt đến tiêu chuẩn nhất định tại mỗi cảnh giới do Pháp đặt ra, thì mọi thứ sẽ bị xóa bỏ.

Câu chuyện “Quý phi túy tửu (say rượu)” này không phải là nói về Dương Quý Phi (719-756 SCN) nổi tiếng trong lịch sử, người sống trong thời kỳ cực thịnh của triều đại nhà Đường. “Quý phi túy tửu” trong câu chuyện này sống dưới thời trị vì của Hoàng đế Đường Đại Tông [1], người nắm giữ ngai vàng từ năm 762 đến năm 779 SCN.

Câu chuyện:

Vào thời Hoàng đế Đường Đại Tông, đất nước khá thanh bình. Khi phụ vương của Hoàng đế Đường Đại Tông là Đường Túc Tông [2] còn sống, hai kinh thành Trường An và Lạc Dương vốn bị chiếm đóng bởi quân nổi loạn An Lộc Sơn đã được thu hồi lại. Hai đại tướng Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đã bình định cuộc nổi loạn An Sử [3] và đưa đất nước trở lại cảnh thái bình. Khi Hoàng đế Đường Đại Tông lên ngôi, đất nước đã tương đối ổn định. Vấn đề duy nhất mà ông phải đối mặt là việc lão thần Lý Lâm Phủ, người là đương kim Tể Tướng thời bấy giờ, đã cùng với Trương Thái Hậu âm mưu hãm hại các  trung thần của Hoàng đế. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hoàng đế Đường Đại Tông đã cử người chặt đầu Lý Lâm Phủ vào ban đêm để trừ hậu họa.

Hoàng đế Đường Đại Tông rất kính Thần và lễ Phật. Ba trong số những thủ hạ quan trọng bậc nhất của ông đều rất tin Phật. Đường Đại Tông đã đại hưng Phật sự ở Trường An và đóng góp rất lớn vào việc hoằng dương Phật Pháp vào thời ấy. Một hôm, Đại Tông nghe nói rằng phần mộ phụ thân của Tướng quân Quách Tử Nghi đã bị làm hư hại, và nhiều người cho rằng điều đó do những viên quan trong Triều có hiềm khích Quách Tướng quân gây ra. Đại Tông vô cùng quan tâm đến sự việc này. Khi Quách Tướng quân nhập Triều, Hoàng đế Đại Tông hỏi ông về sự việc ấy xem ông phản ứng ra sao. Quách Tướng quân không hề đổ lỗi cho ai mà chỉ nói: “Tâu Bệ hạ, đó là do thần đã không thống lĩnh tốt ba quân và không giữ cho quân pháp được nghiêm cẩn. Khi chiến loạn, quân của thần thường lấy cắp của cải từ mộ của người khác. Hiện tại, phần mộ phụ thân của thần cũng bị phá, chẳng phải đây chính là nhân quả báo ứng hay sao?” Sau này, người ta bình luận rằng An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã sát hại rất nhiều bách tính trong cuộc nổi loạn. Cuối cùng, họ đều bị giết chết bởi chính con trai họ, đây cũng là báo ứng. Những câu chuyện này đã được ghi vào sách lịch sử. Sau đây là một vài câu chuyện mà chưa từng được ghi chép lại trong sách lịch sử.

Hoàng đế Đường Đại Tông là người rất mực anh minh, nhưng ông vẫn thiếu tính quyết đoán và mưu lược của Đường Thái Tông [4]. Thật ra, mặc dù ông đã có một Thượng thư Bộ Lễ khá tài ba, ông vẫn gặp khó khăn khi cai trị đất nước trong thời bình.

Hoàng đế Đại Tông rất giỏi chơi đàn, đặc biệt là ngũ huyền cầm [5]. Một lần, khi những cung nữ xinh đẹp nhập cung để được tuyển lựa, ông đã không tới xem mặt họ. Vào lúc ấy, ông đã là một đệ tử Phật giáo. Ông chỉ muốn hỏi những tú nữ xem liệu đất nước có thanh bình hay không và cuộc sống của dân chúng ra sao. Ông cũng muốn nghe các tú nữ chơi nhạc để đoán xem cảnh giới tư tưởng của họ thế nào. Kỳ thực, dẫu một bản nhạc có hoa lệ đến đâu, những người mang cảnh giới tư tưởng khác nhau sẽ tấu ra [những âm hưởng] khác nhau.

Do vậy, Đường Đại Tông truyền chỉ triệu những tú nữ vào trong cung. Ban đầu, họ khiêu vũ và hợp tấu cùng nhau. Sau đó, Đại Tông có ý tưởng rằng: “Tại sao ta không làm một phép thử để xem có ai trong số họ hiểu được lòng ta?” Và ông bắt đầu chơi một bản nhạc bằng cây ngũ huyền cầm. Một lúc sau, ông tiến nhập vào cảnh giới nội tâm và hoàn toàn hòa mình vào dòng âm nhạc:

Thanh âm phiêu miểu tự thiên lai,
Thiên nhân thải đới phong trung bãi,
Hồng chung Pháp giới hiển thần thánh,
Đãng tận phàm trần liên tự khai.
Quốc gia hữu nạn cô ưu tâm,
Sấn thử thời cơ liễu dân tình,
Bách tính an lạc liễu tâm nguyện,
Thục tri ngã tâm đồng cầm tại!

Diễn nghĩa:

Điệu nhạc thanh thoát như đến từ trên Thiên thượng,
Dải lụa thiên nhân phất phơ trong không trung,
Tiếng chuông âm vang hiển vẻ thần thánh trong Pháp giới,
Hoa sen khai nở sau khi rũ sạch bụi trần.
Ta lo lắng ưu sầu vì vận mệnh của đất nước,
Nhân cơ hội này để liễu giải chuyện dân tình,
Khi bách tính được an vui là ta mãn nguyện,
Ai biết được lòng ta trong điệu nhạc này!

Dần dần, Đại Tông nghe thấy một tiếng sáo du dương thanh thoát như thể đến từ trên không trung, giống như bao nhiêu con sông đang chảy ra biển cả và đôi bàn tay làm ấm áp trái tim. Ông lại dụng tâm truyền thêm cảm hứng vào điệu nhạc:

Luân hồi nhân quả thuật vu âm,
Thiện ác quả báo biểu vu cầm,
Phàm phu kính Phật Đế vương xuất,
Bách tính kính Phật lễ tại tâm!

Diễn nghĩa:

Luân hồi nhân quả tựa trôi theo điệu nhạc,
Thiện ác quả báo hiển hiện trong tiếng đàn,
Đế vương kính Phật thay cho kẻ phàm phu [6],
Bách tính kính Phật và giữ lễ trong tâm!

Lúc ấy, tiếng sáo chuyển thành:

Thanh tĩnh vô vi tự tại tu,
Bích hải tình thiên nhâm ngã du,
Thân tại thảo đường thô trà phạn,
Lãnh quan thế thượng đa phiền ưu!

Diễn nghĩa:

Tu luyện vô vi tự tại trong thanh tĩnh,
Biển trời trong xanh là nơi ta đắm mình,
Sống ở nơi tồi tàn và ăn cơm nhạt,
Lặng lẽ quan sát người đời bao ưu phiền!

Và rồi tiếng sáo chuyển thành thống thiết bi ai, giống như cơn mưa phùn trong một ngày trời trong sáng. Đại Tông hiểu rằng điệu nhạc này bày tỏ sự lầm than của bách tính trong thời chiến loạn. Ông cũng cảm thấy phảng phất trong ấy mối lưu tâm tới thiên triều và lòng kính trọng Hoàng đế. Sau khi thưởng thức xong điệu nhạc, Đại Tông nhìn đám tú nữ và hỏi: “Ai trong các ngươi vừa tấu sáo vậy?” Một thiếu nữ bèn bước ra. Cô không phải là người đẹp nhất trong số những tú nữ ấy, nhưng trông cô nhu mì và không bị biến sắc khi đứng trước mặt Hoàng đế. Cô nói: “Hoàng thượng vạn tuế, tiểu nữ  làm kinh động đến Bệ hạ, tội bất xá!” Đại Tông thập phần ưng ý; ông quay sang hỏi tả hữu xem tên tuổi cô gái là gì. Tả hữu nói: “Thử nữ  (cô ấy) là người Dương Châu, họ Tô, tên Vân Tĩnh, năm nay 18 tuổi.” Hoàng đế truyền chỉ thu nạp cô gái làm thiếp và chịu trách nhiệm cho sinh hoạt hàng ngày của ông.

Sau này, Đại Tông mới biết rằng cô không chỉ giỏi chơi sáo mà còn vô cùng xuất chúng về thư pháp và hội họa. Quan trọng hơn, cô thường kể cho Hoàng đế nghe về nỗi lầm than của dân chúng dưới thời “An Sử chi loạn”. Do vậy, Đại Tông đã miễn giảm thuế, đồng thời cho thu thập tiền và lương thực để trợ giúp bách tính.

Không lâu sau, Đại Tông phong cho cô làm Quý Phi. Ông muốn phế Độc Cô Hoàng hậu và để cô lên thế chỗ nhưng cô không đồng ý. Cô khuyên giải Hoàng đế: “Hoàng hậu chưa phạm phải lỗi lầm gì lớn, nếu Bệ hạ phế truất bà, thiên hạ nhất định sẽ đàm tiếu. Huống hồ Bệ hạ là người đang tu Phật, sao có thể làm chuyện bất thiện như vậy được?” Đại Tông nghe xong vô cùng cảm kích, ông nói: “Trong cõi phàm tục này, ta rất vui khi thấy vẫn còn người có thiện tâm. Người thiện tâm tất sẽ được hưởng phúc sau này.”

Không lâu sau, quân Thổ phồn (người Tây Tạng) và Hồi hột (người Uyghur Tân Cương) xâm nhập Trung Nguyên. Đại Tông phải rời Kinh Thành và lẩn trốn. Độc Cô Hoàng hậu vốn rất ganh ghét với Tô Quý Phi. Bà giả truyền chiếu chỉ của Hoàng đế để mời Tô Quý Phi vào uống rượu cùng. Đến khi Tô Quý Phi đã say rượu, bà mới nói thật: “Trước kia cô là người được Hoàng đế sủng ái nhất và ông ấy không hề để mắt gì tới chúng tôi. Bây giờ ông ấy đang lâm nguy, tất cả là lỗi của cô.” Rồi Độc Cô Hoàng hậu đưa cho cô một chén rượu độc và bảo cô uống nó: “Cái chết của cô sẽ là bảo chứng cho sự tồn vong của giang sơn xã tắc Đại Đường.” Mặc dù đang say nhưng đầu óc của Tô Quý Phi vẫn rất tỉnh táo. Cô nói: “Vì Hoàng hậu muốn thiếp chết, thiếp cũng chẳng còn cách nào. Xin hãy đưa thiếp một chiếc bút.” Rồi cô viết những dòng sau đây:

Học Phật yếu chân hành,
Trị quốc yếu đức chính,
Giang sơn vị hoàn bích,
Họa khởi hậu cung trung,
Khuyến quân tế tư lượng.
Vạn sự nhân quả trung,
Vật quái Độc Cô hậu,
Phù trực kình thiên trụ,
Tảo nhật diệt tặc khấu.
Tứ hải thừa bình nhật,
Liễu khước trần duyên hậu,
Bỉ thử trọng kiến thời!

Diễn nghĩa:

Học Phật phải tu hành chân chính,
Trị quốc chính yếu phải trọng đức,
Giang sơn vẫn chưa được khôi phục,
Tai họa khởi đầu tự hậu cung,
Xin quân vương suy xét kỹ càng.
Vạn sự đều nằm trong nhân quả,
Đừng nên đổ lỗi cho Độc Cô Hoàng hậu,
Hãy vun đắp cột trụ thông thẳng lên trời,
Sớm tiêu diệt quân giặc.
Đến khi bốn biển lại thanh bình,
Sau khi đã dứt hết duyên trần,
Là chúng ta lại được gặp nhau!

Sau khi viết xong bài thơ này, cô uống hết chén rượu độc. Trước khi lâm chung, cô thỉnh cầu Độc Cô Hoàng hậu hai điều: (1) Xin hãy đưa bức thư này cho Hoàng thượng (2) Hãy vứt xác thiếp xuống một cái giếng cạn. Thiếp đã nợ Hoàng hậu trong một tiền kiếp, bây giờ hai chúng ta không ai nợ ai.

Tức thì Độc Cô Hoàng hậu trông thấy phảng phất mối nhân duyên trong đời trước:

Đó là vào thời nhà Tùy. Đương thời, Tùy Dương Đế vô đạo và quần hùng nổi lên khắp nơi. Ở thành Tô Châu, có một gia đình giàu có họ Lâm sinh được hai chị em sinh đôi. Khi đến tuổi gả chồng cho hai cô, nhiều mai mối đến bàn chuyện hôn sự với gia đình. Nhưng phụ thân hai cô, Lâm viên ngoại không hề ưng ý với chàng rể nào. Sau đó có một bà mối đến giới thiệu với gia đình hai anh em sinh đôi nhà nọ: “mười phần tài hoa, võ nghệ siêu quần, đúng là văn võ song toàn”. Lâm viên ngoại nghe chuyện thì thập phần cao hứng, muốn gả hai tiểu thư cho gia đình ấy. Ông muốn hai chị em được gả vào cùng một gia đình để họ có thể coi sóc cho nhau. Nhưng đến khi thành hôn xong xuôi cả rồi thì nhà họ Lâm mới phát hiện ra rằng “hai chàng rể” không phải là anh em sinh đôi nào cả. Chỉ có một nam tử, nhưng quả thật văn võ toàn tài. Lâm viên ngoại hối hận vô cùng nhưng vì sự tình đã rồi nên cũng không thể làm gì được nữa. Ông chỉ biết mong rằng hai người con gái sẽ không ganh ghét lẫn nhau vì họ có chung một vị tướng công. Một tháng sau lễ cưới, hai cô gái bắt đầu đánh nhau để tranh giành chồng. Hai năm sau, người em gái giả vờ muốn hàn gắn quan hệ với người chị. Rồi nhân lúc người chị không đề phòng, cô đã cho chị gái mình uống một chén rượu độc. Sau đó cô vứt xác chị gái mình xuống một cái giếng cạn.

Sau khi thấy được cảnh tượng, Độc Cô Hoàng hậu than: “Than ôi, ai có thể thoát khỏi vòng luân hồi nhân quả!”

Sau khi Hoàng đế Đại Tông trở về Kinh Thành, ông mới biết được điều gì đã xảy ra và đọc bài thơ do Tô Quý Phi để lại. Ông vô cùng buồn bã. Tuy nhiên, ông là người học Phật nên đã minh bạch được đạo lý luân hồi nhân quả. Ông gắng sức an bang trị quốc và hàn gắn đất nước sau hàng thập kỷ chiến tranh và thảm họa. Dù vẫn còn chiến loạn và tai họa dưới thời của ông, Đại Tông vẫn được coi là một trong những Hoàng đế toàn tài nhất đời nhà Đường.

Hậu ký:

Bài viết này nói về mối quan hệ nhân quả giữa hai người là tri kỷ và có cảnh giới tương thông với nhau. Hoàng đế Đại Tông chính là tôi trong một tiền kiếp. Tô Quý Phi trong kiếp ấy chính là bạn gái hiện tại của tôi. Độc Cô Hoàng hậu hiện là một đồng tu [Pháp Luân Công] trong vùng chúng tôi. Cô ấy là một người tu luyện Đại Pháp rất tinh tấn. Tôi sẽ không nói quá nhiều về cô ấy. Xin hãy chờ đọc bài viết tiếp theo của tôi “Câu chuyện có thật về luân hồi: Tiếng sáo ấy đến từ đâu?”. Nó giải thích nguyên nhân tại sao tiếng sáo của Tô Vân Tĩnh lại có thanh âm trong trẻo và huyền diệu đến vậy. Mối nhân duyên nào đã dẫn cô đạt tới cảnh giới âm nhạc siêu việt như vậy?

Chú thích:

[1] “Đường Đại Tông” (726-779) (chữ Hán: 唐代宗 , bính âm: Dài zōng), tên lúc sinh là Lý Thục hay Lý Thích (李俶) nhưng ông đã tự đổi tên là Lý Dự (chữ Hán: 李豫, bính âm: Lǐ Yù) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Ông là con trai của Đường Túc Tông.

[2] “Đường Túc Tông” (唐肅宗), tên lúc sinh là Lý Hanh (李亨) là Hoàng đế thứ 7 của nhà Đường, là con trai Đường Huyền Tông. Đường Túc Tông lên ngôi khi vua cha thoái vị lúc chạy trốn đến Tứ Xuyên trong loạn An Sử năm 756; Lý Hanh chạy theo hướng ngược tại, đến Linh Châu (ngày nay gọi là Linh Vũ ở Ninh Hạ). Ông trị vì trong giai đoạn năm 756-762.

[3] “An Sử Chi Loạn”: cuộc phản loạn quy mô lớn đời nhà Đường, được cầm đầu bởi An Lộc Sơn (nguyên là một tiết độ sứ của Triều đình) và thuộc hạ là Sử Tư Minh. Cái tên ‘An Sử’ là lấy từ tên họ của hai người này ghép lại mà ra.

[4] “Đường Thái Tông” (599 –649) (唐太宗), tên thật là Lý Thế Dân (李世民), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626 đến 649. Ông là một vị vua tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường.

[5] “Ngũ huyền cầm” (cổ cầm): Một loại đàn tranh cổ của Trung Quốc. Tiếng đàn khi khoang khi vồn, nghe rất du dương. Xưa kia, đức Khổng Tử chỉ nghe tiếng đàn cổ cầm mà đã mất ăn mất ngủ ba tháng. Theo truyền thuyết, cây đàn cổ cầm được sáng chế vào thời Nghiêu Thuấn, và chỉ có 5 dây, nên được gọi là “ngũ huyền cầm”.

[6] “Kẻ phàm phu”: Ở đây là chỉ dân chúng nói chung, bách tính trong thiên hạ.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/7/9/38475.html
http://www.pureinsight.org/node/4113



Ngày đăng: 01-11-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.