Luân hồi chuyển thế của Tô Đông Pha



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Sau khi đọc bài viết “Thiên Tải Ngọc Nhi (Phần 4) – Hoàng Châu Xích Bích” của Tiểu Liên, tôi nhớ đến một vị đồng tu có liên quan đến Tô Đông Pha. Tôi đem câu chuyện của anh ấy viết ra, đồng thời cũng là để tưởng nhớ đồng tu đó.

Đó là vào năm 2001, tôi gặp anh ấy trong nhà tù của tà đảng. Lần đầu tiên nhìn thấy anh, tôi cảm giác anh rất nhỏ, trông chỉ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, khuôn mặt tuấn tú, thông minh lanh lợi. Hỏi ra mới biết anh đã 19 tuổi, đã tu Đại Pháp được 5 năm, là một tiểu phụ đạo viên ở địa phương. Vì đã 4 lần lên Bắc Kinh thỉnh nguyện nên bị kết án phi pháp 4 năm tù. Do anh là người nhỏ tuổi nhất và vóc dáng cũng nhỏ nhắn nhất nên các đồng tu trong tù gọi anh là “Tiểu Bất Điểm” (đứa trẻ nhỏ). Sau này chúng tôi thường xuyên giao lưu cùng nhau, trở thành những người bằng hữu không chuyện gì là không chia sẻ. Anh từng kể cho tôi nghe một vài trải nghiệm của bản thân trong luân hồi nơi trần thế, dưới đây tôi xin đem những điều đó chỉnh lý viết ra.

Hơn 4000 năm trước, “Tiểu Bất Điểm” chuyển sinh thành một vị thánh nhân trong lịch sử Trung Hoa là Thuấn, còn gọi là Ngu Thuấn. Thuấn là người đại đức. Dù cha, mẹ kế và em trai của ông đối xử với ông rất tệ bạc, thậm chí vài lần muốn hại chết ông, nhưng Thuấn vẫn luôn đối xử tử tế với họ. Thuấn đi đến đâu, đức hạnh của ông cũng đều có thể cảm hóa người dân ở nơi đó. Ông đi đến đâu, người ở nơi đó đều dấy lên làn gió lễ nghĩa nhường nhịn lẫn nhau. Mọi người đều muốn đến nơi ông sống để an cư lập nghiệp, dần dần dân cư đông đúc lên, sau một năm hình thành làng mạc, hai năm thành thị trấn, ba năm đã trở thành một thành phố. “Tiểu Bất Điểm” kể rằng khi Thuấn cày ruộng, voi đến giúp ông cày đất, chim nhỏ đến giúp ông gieo hạt. Do đức hạnh như vậy, thiên tử đương thời là Nghiêu đã gả hai người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh cho ông, sau này cũng đem đế vị truyền lại cho ông. Sau khi Thuấn lên ngôi, thiên hạ thái bình, bốn phương quy phục.

Trong gia đình, Thuấn và hai vị phi tử là Nga Hoàng, Nữ Anh vô cùng yêu thương nhau. Về sau, Thuấn băng hà tại Cửu Nghi Sơn. Khi nghe tin dữ, Nga Hoàng và Nữ Anh đau đớn tột cùng, khóc suốt mấy ngày mấy đêm, nước mắt cạn khô, rồi chảy ra huyết lệ, cuối cùng gieo mình xuống sông Tương tự vẫn theo chồng. Nước mắt của Nga Hoàng và Nữ Anh rơi trên các thân trúc ở Cửu Nghi Sơn, khiến những cây trúc ấy in đầy vết tích như dấu lệ, người đời sau gọi là “Tương Phi trúc”.

Đến giữa thời Đường, “Tiểu Bất Điểm” chuyển sinh thành Đường Minh Hoàng (tức Đường Huyền Tông Lý Long Cơ), khai sáng thời kỳ huy hoàng “Khai Nguyên thịnh thế”. Giai đoạn đầu dưới triều Đường Minh Hoàng, chính trị trong sạch, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật phồn vinh chưa từng có, vạn quốc đến triều cống, các nước đều cử sứ giả sang học tập. Tuy nhiên, về sau Đường Minh Hoàng đã dùng thủ đoạn bất chính để cưới con dâu của mình là Dương Quý Phi, vì thế mà tổn đức, từ đó nhà Đường bắt đầu suy yếu, không thể khôi phục như xưa. Sau này, “Tiểu Bất Điểm” lại chuyển sinh thành Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục. Lý Dục trước sau có hai vị hoàng hậu, là hai chị em, sử sách gọi là Đại Chu Hậu và Tiểu Chu Hậu. Người đời sau lấy làm kỳ lạ, vì sao tên của Đại Chu Hậu và Tiểu Chu Hậu lại trùng với tên của hai phi tử của Đế Thuấn, cũng là Nga Hoàng và Nữ Anh? Kỳ thực họ vốn chính là Nga Hoàng và Nữ Anh trước kia luân hồi chuyển thế. Vì sao lại mang họ Chu? “Tiểu Bất Điểm” giải thích rằng: “Chu có ý nghĩa là quay lại từ đầu”.

Khi đó, trong nhà tù có một vị đồng tu, mỗi lần “Tiểu Bất Điểm” nhìn thấy anh ta liền cảm thấy chán ghét. Sau này, anh mới hiểu được nguyên nhân của sự chán ghét đó. Thì ra, vị đồng tu ấy chính là Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa trong lịch sử. Năm xưa, sau khi Lý Dục đầu hàng triều Tống, Triệu Khuông Nghĩa đã nhiều lần cưỡng bức Tiểu Chu Hậu. Lý Dục tuy phẫn nộ trong lòng nhưng không dám nói ra, về sau viết nên thiên cổ tuyệt tác “Ngu mỹ nhân”, sau bị Triệu Khuông Nghĩa dùng rượu độc hại chết. Tuy Lý Dục là một vị vua không có năng lực trị quốc, nhưng trong lĩnh vực văn học, ông lại là một đại tông sư mang tính kế thừa và khai sáng, là người mở đầu cho phái hào phóng trong thơ Tống từ, đặt nền móng cho sự huy hoàng của Tống từ sau này.

“Tiểu Bất Điểm” chuyển sinh thành Tô Đông Pha trong kiếp đó, tài năng nghệ thuật thiên phú của anh dựa trên nền tảng của Lý Long Cơ và Lý Dục đã tiến triển một bước lớn, được phát huy đến mức tối đa. Thơ từ, tản văn, thư pháp, hội họa của ông đều đại biểu cho thành tựu đỉnh cao của thời Tống, là một trong những nhân tài toàn diện hiếm có trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Trong triều đình, Tô Đông Pha bất hòa với Tể tướng Vương An Thạch, có lúc còn trêu chọc Vương An Thạch. Vương An Thạch trong cuốn “Tự Vấn” (hỏi về chữ) của mình đã giải thích chữ “Đốc” (笃) là: “Dùng roi tre đánh ngựa”, lý do là khi dùng roi tre đánh ngựa, ngựa sẽ ngoan ngoãn, dễ bảo và trung thành, do đó chữ “đốc” (笃) có bộ trúc (竹) và bộ mã (马). Tô Đông Pha liền hỏi đùa trước mặt ông rằng: “Nếu dùng roi tre đánh ngựa là ‘đốc’, vậy không biết dùng roi tre đánh chó thì là ‘tiếu’ (笑) chăng?” (chữ “tiếu” thời cổ là chữ gồm bộ trúc (竹) phía trên và chữ khuyển (犬) phía dưới). Vương An Thạch bị hỏi đến nghẹn lời, vô cùng bối rối.

Trong tù, “Tiểu Bất Điểm” đã gặp lại “Vương An Thạch” năm xưa, và còn bị “Vương An Thạch” trả đũa lại một cách nhẹ nhàng.

Có một ngày nọ, “Tiểu Bất Điểm” cùng một đồng tu bàn luận về câu chuyện Nữ Oa tạo ra con người. “Tiểu Bất Điểm” nói: “Chữ ‘Oa’ (娲) trong Nữ Oa có nghĩa là một nữ Thần dùng miệng thổi một hơi khí vào trong tam giới, từ đó sinh ra con người”. Người đồng tu kia bật cười nhạo báng anh, rồi tiếp tục kể lại chính câu chuyện xưa kia Tô Đông Pha từng trêu chọc Vương An Thạch. “Tiểu Bất Điểm” lập tức hiểu ra anh ta chính là Vương An Thạch năm xưa.

Về chuyện ở Hoàng Châu viết bài từ “Niệm Nô Kiều – Xích Bích hoài cổ”, chưa từng thấy “Tiểu Bất Điểm” nhắc đến bao giờ. Có thể bộ phận ký ức này của anh vẫn chưa được khai mở chăng.

Những nhân vật lịch sử mà “Tiểu Bất Điểm” từng diễn đã viết nên những chương hào hùng, rực rỡ trong dòng chảy văn minh Trung Hoa. Kiếp này, “Tiểu Bất Điểm” sinh ra trong một gia đình bình dân phổ thông. Cha anh là công nhân của một nhà máy quốc doanh lớn, sau vì bệnh mà nghỉ hưu. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, “Tiểu Bất Điểm” đã khai tăng tuổi của mình để được vào làm việc trong nhà máy nơi cha anh từng công tác. Nga Hoàng và Nữ Anh (sau đây vẫn dùng các tên Nga Hoàng, Nữ Anh để xưng hô) cũng chuyển sinh trong cùng thành phố với anh, và cả hai đều đã đắc được Đại Pháp. “Nga Hoàng” là một nữ giáo viên trung học hơn 50 tuổi, từng cùng với “Tiểu Bất Điểm” lên Bắc Kinh thỉnh nguyện. “Nữ Anh” khoảng hơn 30 tuổi, là trạm trưởng của trạm phụ đạo tại thành phố đó.

Năm 2000, “Tiểu Bất Điểm” và “Nữ Anh” bị bắt giữ phi pháp. “Tiểu Bất Điểm” bị kết án phi pháp 4 năm tù, còn “Nữ Anh” bị kết án phi pháp 3 năm. “Tiểu Bất Điểm” kể rằng trong trại tạm giam, anh thường nhìn thấy “Nữ Anh” qua khe cửa khi cô ra sân “thả gió” (ra ngoài hít thở không khí), trên chân còn mang theo cùm sắt. Sau đó, có một tử tù đã hiểu rõ chân tướng của Đại Pháp, trước lúc thi hành án, khi cai ngục hỏi anh ta có yêu cầu gì cuối cùng không, tử tù suy nghĩ một lúc rồi nói: “Các anh xem mấy người tu luyện Pháp Luân Công này, họ đều là người tốt, anh hãy tháo cùm chân cho họ đi!” Sau khi vị tử tù này bị xử tử hình, trại giam mới tháo cùm chân cho toàn bộ các học viên Đại Pháp.

Năm 2001, “Tiểu Bất Điểm” bị nhốt vào nhà tù. Năm 2003, sau một đợt tuyệt thực tập thể của các đồng tu trong tù, tôi và nhiều đồng tu khác bị chuyển đến các trại giam khác (còn “Tiểu Bất Điểm” thì không bị chuyển đi). Sau khi ra tù, tôi nghe tin rằng trong sự kiện lần đó, “Tiểu Bất Điểm” bị tăng án thêm 3 năm, vì nhà tù cho rằng anh là người khởi xướng cuộc tuyệt thực. Anh còn bị giam trong “tiểu gian” (một căn phòng nhỏ chỉ khoảng một mét vuông) suốt nửa năm.

Vài năm sau, tôi lập gia đình, và kể lại những chuyện này cho vợ mình nghe. Vợ tôi nói, cô từng nghe nhắc đến “Nữ Anh” trong trại giam nữ, một người vô cùng kiên định, hiện đã được ra khỏi trại giam. Những “bao giáp” (tù nhân được chỉ định theo dõi, ép buộc học viên) thường nói với vợ tôi: “Nhìn cô lại nhớ đến XXX (chỉ Nữ Anh), cũng trầm lặng như cô, cũng kiên định như cô!”

Đến nay đã sáu năm trôi qua, “Tiểu Bất Điểm” chắc hẳn cũng đã ra khỏi trại giam. Tuy tôi không rõ tình hình hiện tại của anh ra sao, nhưng tôi tin rằng, anh vẫn đang trên con đường chứng thực Pháp, đoái hiện lời thệ ước tiền sử của mình!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/60822



Ngày đăng: 27-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.