Những câu chuyện luân hồi xảy ra bên cạnh tôi
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Hà Bắc, Trung Quốc
[ChanhKien.org]
Tôi xin kể một vài câu chuyện luân hồi xảy ra xung quanh bản thân nhằm chứng minh rằng luân hồi chuyển sinh hoàn toàn là có thật!
1. Câu chuyện thứ nhất
Vụ việc này xảy ra vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Có một tài xế taxi tên Tôn Tường (hóa danh) thường đi đi về về trong thị trấn khoảng 40 đến 50 dặm để chở khách.
Vào lúc chạng vạng mùa thu một năm nọ, khoảng bảy giờ tối, đột nhiên có ba người đến, hai nam một nữ. Hai người đàn ông mặc áo khoác màu đen, còn người phụ nữ mặc chiếc áo khoác trắng, trông rất rõ ràng. Trong đó, một người đàn ông tiến lại gần và nói với Tôn Tường rằng, họ cần đến ngôi làng nào đó thuộc thị trấn nào đó. Tôn Tường vui vẻ nói: “Được, được, được. Mọi người hãy lên xe, một lúc nữa xe sẽ chạy”. Bởi vì sắp tan ca, nếu không có khách thì chiếc xe cũng trống không, vừa khéo nơi mà ba người này muốn đến lại rất thuận đường về nhà anh, vậy nên Tôn Tường vui vẻ nhận lời.
Sau khi lên xe, ba người họ không nói năng gì, tựa như mỗi người đều có tâm sự riêng. Năm phút sau, thấy không còn vị khách nào khác đến nữa, Tôn Tường chào ba vị khách rồi nói: “Mọi người hãy ngồi yên, xe sẽ khởi hành!”. Ba người họ lặng im không nói gì, chỉ hơi động đậy. Xe chạy chầm chậm, càng lúc càng nhanh, màn đêm cũng dần dần buông xuống.
Hơn nửa giờ sau, xe chạy đến nơi ở của ba vị hành khách. Tôn Tường nói: “Đến nơi rồi, mọi người hãy xuống xe, mỗi người 5 tệ”. Ba người do dự một hồi, sau đó mỗi người đưa cho Tôn Tường một tờ 5 nhân dân tệ. Tôn Tường nhìn qua rồi bỏ vào túi áo. Ba người vội vàng xuống xe, đi thẳng đến một cánh cổng cách đó khoảng mười mét. Tôn Tường nhìn thấy ba người đi vào cổng, liền lái xe về nhà.
Sau bữa cơm, vợ hỏi Tôn Tường hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền. Tôn Tường lấy từ trong túi áo ra một xấp tiền và nói: “Đây là 150 tệ, à đây vẫn còn 15 đồng nữa”. Khi lấy ra 15 tệ này, anh cảm thấy choáng váng, hóa ra đó là 3 tờ tiền vàng mã. Anh nhìn cả một phút đồng hồ, người vợ mặt cũng biến sắc và nói: “Chuyện gì thế?”. Tôn Tường liền kể lại câu chuyện vừa xảy ra. Người vợ nghe xong cũng không nói gì, hai người đưa mắt nhìn nhau. Cuối cùng, Tôn Tường phá vỡ sự im lặng, chậm rãi nói: “Lẽ nào anh đã gặp ma? Không được, ngày mai anh phải đi tìm họ”.
Ngày hôm sau, Tôn Tường dậy rất sớm, ăn sáng xong liền lái xe đi để tìm hiểu sự việc ngày hôm qua. Sau nửa giờ, xe chạy đến địa điểm hôm trước khách xuống xe, anh bước đến gõ cửa. Mấy phút sau, từ trong nhà vọng ra giọng nói của một ông lão: “Ai vậy? Vừa mới sáng sớm đã gõ cửa rồi”. Bởi vì trong lòng lấn cấn, nên hôm ấy Tôn Tường dậy khá sớm, trong khi người khác vẫn chưa kịp thức dậy. “Cháu là tài xế tối hôm qua đưa ba vị khách đến nhà ông, cháu muốn gặp lại ba vị khách đó”. Ông lão liếc nhìn Tôn Tường, tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Khách ư? Khách nào chứ? Không có ai đến cả?”. Tôn Tường nói: “Tối qua khoảng bảy giờ rưỡi, cháu ở thị trấn có đưa ba vị khách đến nhà ông, hai nam một nữ, hai người nam mặc đồ màu đen và một nữ mặc đồ trắng. Sau khi xuống xe, họ đã đi thẳng vào nhà ông, cháu đã tận mắt chứng kiến”.
Ông già nghe xong, không khỏi ngỡ ngàng, nhìn Tôn Tường và lớn tiếng nói: “Không có, thật sự không có ai đến đây cả!”. Tôn Tường nói: “Cháu có thể vào nhà xem được không?”. “Được, cậu vào xem đi”. Ông lão đi phía trước, Tôn Tường theo sau. Vào trong nhà, anh ngó qua ngó lại, nhìn khắp chung quanh, nhưng không thấy bóng dáng của ba người đó. Tôn Tường tự nhủ: “Đúng là mình gặp ma thật rồi!”.
Ông lão đứng bên cạnh nhìn, thấy hình như anh đang tìm thứ gì đó, không giống như tìm người, linh tính vừa động, ông lão hài hước nói: “Hai đen một trắng, người thì không có, nhưng có ba con lợn con, đúng là hai đen một trắng”. Vừa nói ông vừa chỉ tay vào chuồng lợn trong sân: “Không tin thì cậu đến đó xem đi”. Tôn Tường và ông lão cùng nhau đi đến chuồng lợn, ngó vào bên trong thì thấy một con lợn nái già đang cho ba con lợn con bú, đúng thật là hai con đen và một con trắng. Lợn nái già thấy người lạ tới liền khịt mũi hai cái, dường như muốn nói đừng tìm nữa, bọn họ đều ở chỗ tôi đây.
Tôn Tường thấy vậy, nghĩ tới tình huống ngày hôm qua: hai đen một trắng, không thích nói chuyện, đồng nhân dân tệ biến thành tiền vàng mã, rồi nhìn sang ba con heo con hai đen một trắng ở trước mặt mình, dường như đang trầm ngâm suy tư, con người thật sự có lục đạo luân hồi chăng? Sau khi nhìn một hồi lâu, Tôn Tường nói lời xin lỗi với ông lão vì đã làm phiền. Anh lắc đầu bất lực rồi lái xe đi tiếp.
2. Câu chuyện thứ hai
Câu chuyện thứ hai này diễn ra vào những năm 50 của thế kỷ 20. Có hai gia đình ở một ngôi làng thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc xảy ra vụ tranh chấp nhà đất, vụ việc kéo dài rất lâu nhưng vẫn chưa thể tuyên án. Bởi vì mỗi bên đều có lý của mình, không ai chịu thua ai, nhưng cũng không bên nào có thể đưa ra bằng chứng xác thực. Vậy nên quan tòa chỉ có thể hòa giải chứ không thể phán quyết vụ việc. Suốt một thời gian dài, cả hai gia đình A và B đều rất mệt mỏi vì kiện tụng, khiến sinh lực hao tổn, họ rơi vào nỗi oán hận tột độ và không thể tự thoát ra được.
Khi vụ án đang trong bế tắc, một người hàng xóm tốt bụng đã đến gặp gia đình A và nói: “Tôi thấy vụ kiện của các anh không có manh mối, không thể kết thúc được, trong lòng tôi cũng thấy bức bối, khó chịu. Như vầy nhé, tôi cho anh biết một chuyện, xem như là một bằng chứng, anh xem có thể giúp ích được gì không, cho dù vụ kiện thắng hay thua, kết thúc sớm thì cuộc sống cũng nhẹ nhõm hơn”.
Anh A nghe xong gật đầu đồng ý. Người hàng xóm nói tiếp: “Theo tôi biết, đất nền của nhà cậu là có khế ước mua bán nhà”. A vừa nghe có bằng chứng, hai mắt sáng lên, tinh thần phấn chấn, vội vàng nói: “Ở đâu? Anh mau nói đi”. Người hàng xóm nói: “Trước đây tôi không nói với anh, bởi vì sợ anh truy hỏi làm sao tôi biết được, vậy nên tôi mãi vẫn không nói với anh. Anh phải hứa với tôi rằng anh sẽ không truy hỏi lý do được không?”.
A trầm ngâm một lúc rồi gật đầu đồng ý. Người hàng xóm nói: “Nó nằm ở đầu phía Nam của cây đòn dông trong gian phòng phía Đông của ngôi nhà này”. A nhanh chóng tìm lấy cái thang rồi trèo lên xem thử, thấy trong một khe gỗ của đòn dông, có một mảnh giấy đã bị ố vàng được gấp lại, lấy ra xem thì đúng là khế ước mua bán nhà ngày trước. A vui mừng khôn xiết, phấn khởi nói rằng: “Lần này ổn thỏa rồi, anh thực sự đã giúp tôi một việc lớn”. Nói xong, anh liền muốn quỳ xuống vái lạy người hàng xóm của mình. Người hàng xóm nhanh chóng đỡ A dậy và nói: “Anh không phải cảm ơn và anh cũng đừng hỏi làm sao tôi biết được chuyện này là được rồi”. Sau đó, người hàng xóm liền rời đi.
Vụ kiện nhanh chóng thắng lợi. Anh A nghĩ dù có thế nào cũng phải cảm ơn sự giúp đỡ của hàng xóm, nên đã chọn dịp lễ để mua ít quà cảm ơn người hàng xóm. Người hàng xóm nói: “Không phải tôi đã nói rồi sao? Đừng cảm ơn tôi, sao anh cứ phải làm như vậy chứ?”. A nói: “Tôi vốn cũng nghĩ như thế, nhưng ẩn đố này không được giải khai, tôi sao có thể buông tâm đây? Điều đó chẳng phải khiến tôi bí bách đến chết hay sao! Anh cho tôi biết thiên cơ là vì muốn giúp đỡ tôi, bây giờ anh nói ra sự thật chẳng phải cũng bằng như đang cứu tôi? Anh nói có phải vậy không? Có điều gì không thể nói được đây? Có điều gì mà tôi không thể chấp nhận đây? Nếu không thì tôi phải sống thế nào đây? Chuyện của tôi thì tôi không biết, trong khi người khác lại biết rất rõ, anh thử nghĩ xem cảm giác của tôi như thế nào. Nếu anh nghĩ cho tôi, thì cũng nên cho tôi biết chuyện này rốt cuộc là chuyện gì! Nếu đã giúp thì xin anh hãy giúp đến cùng! Là hàng xóm với nhau, tôi sẽ mãi mãi biết ơn anh”. Vừa nói anh vừa rơi những giọt nước mắt cảm kích và tỏ ý van xin.
Người hàng xóm nghe anh nói như vậy, cảm thấy cũng có lý, lòng cũng xuôi theo, nhưng có chút khó xử, nói rằng: “Tôi cho anh biết cũng không khó gì, nhưng… liệu anh có thể chấp nhận được không?” A lau nước mắt rồi nói: “Không có gì là tôi không thể chấp nhận được. Anh cứ nói cho tôi biết đi. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi”. Người hàng xóm nói: “Thế thì tốt”. Sau đó, ông gọi đứa con trai 10 tuổi của mình lại và nói: “Con trai, hãy nói cho chú ấy biết đi”. Người con trai bước tới, nhưng chỉ đứng đó lặng thinh. A nói: “Cháu à, hãy nói đi”. Người con trai đưa mắt nhìn A muốn nói nhưng lại thôi, vẫn lặng im không nói.
A lại nói: “Hãy nói cho chú biết rốt cuộc là chuyện gì đi nào?”. Cậu bé trừng mắt nhìn A nói: “Chú nào ở đây chứ? Tôi đã bảo là không thể nói rồi, tôi cũng đã nói với bố tôi rồi, thật sự là không thể nói, các anh lại cứ ép buộc tôi phải nói ra, rồi các anh sẽ phải hối hận”. A lại nói: “Không sao đâu, cháu cứ nói đi, ta tuyệt đối sẽ không bao giờ hối hận”. “Vậy được rồi, tôi sẽ nói cho anh biết vậy!”. Chỉ thấy cậu bé nhìn A và nói: “Tại sao tôi lại biết chuyện này? Bởi vì chính tôi đã tự tay đặt nó ở đó. Từ nhiều năm trước, chính vì có tranh chấp đất đai với gia đình B nên tôi và gia đình đó đã thương lượng và tạm gác lại việc này. Tôi đã vẽ bản đồ và kích thước, rồi đặt nó ở đó vì sợ bị lạc mất. Tôi là bố của anh đây, vậy nên tôi biết rõ việc này”.
A nghe xong giật mình sửng sốt, hồi lâu không nói được lời nào. Bởi vì cha anh đã qua đời vào 10 năm trước, đứa trẻ nói như vậy, xem ra có lẽ là sự thật. A rơi vào trầm tư… Sau này, A quan hệ rất tốt với hàng xóm và cũng rất quan tâm, để mắt đến đứa trẻ.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291612
Ngày đăng: 28-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.