Cậu bé ba tuổi ở Chiết Giang nói lời chấn động: Kiếp trước là lính cứu hỏa đã hy sinh



[ChanhKien.org]

Trong khi đang ăn cơm, một cậu bé ba tuổi ở Chiết Giang vô tình nói với cha mẹ rằng kiếp trước cậu là lính cứu hỏa và đã hy sinh trong một lần chữa cháy. (Ảnh chụp từ màn hình video)

Gần đây, một cậu bé ba tuổi ở Chiết Giang trong lúc ăn cơm đã hồn nhiên nói với cha mẹ rằng kiếp trước cậu là lính cứu hỏa và đã hy sinh trong một lần chữa cháy. Mẹ cậu bé đã rất ngạc nhiên sau khi nghe điều này, và đoạn video ghi lại cuộc nói chuyện đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet.

Ngày 20/9, một cư dân mạng đã đăng tải đoạn video có nội dung: “Chiều hôm qua, khi đang ăn, cậu con trai ba tuổi rưỡi của tôi đột nhiên nói rằng kiếp trước cháu là một người lính cứu hỏa và đã hy sinh trong một lần chữa cháy… Tôi không biết đó là lời của trẻ con, hay là thật sự có kiếp trước kiếp này. Dù thế nào thì cũng cảm ơn con đã chọn mẹ làm mẹ của con! Cảm ơn con đã đến với gia đình ta!”

Trong video, một cậu bé đang ăn cơm, cậu vừa ăn vừa trò chuyện với cha: “Con kể cho cha nghe nha, con trước đây từng là lính cứu hỏa, một lần trong khi dập lửa con đã đột ngột hy sinh”.

Cha của đứa trẻ không tin, cho rằng con trai đang nói linh tinh: “Con đang nói cái gì vậy? Con là lính cứu hỏa à?”

Nhưng đứa trẻ trả lời không chút do dự: “Vâng, con đã từng hy sinh”.

Đoạn video này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên cộng đồng mạng. Có cư dân mạng nói: “Tôi đã rơi lệ, đứa trẻ có thể thật sự là chuyển sinh của một người lính cứu hỏa đã hy sinh. Một đứa trẻ nhỏ như thế không thể biết những từ như ‘hy sinh’ và ‘đột ngột’ là gì”.

“Nhỏ như vậy còn biết hai từ ‘hy sinh’, nói năng đâu ra đấy, khó mà không tin cậu bé tái sinh”.

“Đứa trẻ này chắc chắn kiếp trước chưa uống canh Mạnh Bà, đã miêu tả kiếp trước của mình một cách trơn tru”.

“Những người tái sinh, tôi đã từng nghe nói rồi”.

Con trai người dẫn chương trình CCTV là “người tái sinh”

Đối với người Trung Quốc cổ đại, “luân hồi chuyển thế” là lẽ thường tình, nhưng dưới sự tuyên truyền thuyết vô thần của Trung Cộng, hầu hết người dân Trung Quốc hiện đại đều giữ thái độ hoài nghi về luân hồi. Tuy nhiên, những năm gần đây có rất nhiều báo cáo nghiên cứu thu thập ký ức của trẻ em trên thế giới về tiền kiếp của chúng đã làm chấn động giới khoa học, cũng khơi dậy suy nghĩ và nghiên cứu thảo luận của mọi người.

Chuyện được mọi người biết đến nhiều nhất là Tống Anh Kiệt (Song Yingjie), người dẫn chương trình thời tiết của CCTV, từng công khai đăng tải trên mạng xã hội weibo về ký ức kiếp trước của con trai mình.

Vào ngày 10 tháng 5 năm 2018, ông Tống Anh Kiệt đã đăng trên weibo: “Đậu Bao của tôi sắp bốn tuổi rồi, buổi tối trước khi đi ngủ thằng bé trò chuyện với tôi, cháu nói: Quê con ở Tứ Xuyên, chỉ cách Thành Đô một chút về phía tây. Hai cô con gái của con vẫn còn ở đó, một đứa 15 tuổi, một đứa 10 tuổi, đã lâu con không gặp chúng, có lẽ đã sắp không nhận ra chúng nữa rồi. Con muốn đến Tứ Xuyên thăm tụi nó, sau đó lại quay về. Con và Tứ Xuyên đều là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”.

Ông Tống Anh Kiệt kể, sau khi con trai ông nói những lời này thì liền ngủ thiếp đi, nhưng cháu lại rơi vào trạng thái mơ màng rất sâu…

Quê hương Tứ Xuyên mà Đậu Bao nói là ở phía tây Thành Đô. Sau đó, Tống Anh Kiệt hỏi đó có phải là Nhã An không, Đậu Bao nói không phải, “Đô Giang Yển? Không phải; Tôi liền dò tìm thêm, cuối cùng hỏi có phải Bắc Xuyên không? Thằng bé nói đúng. Điều này khiến tôi sợ hãi. Mặc dù trước đây cháu cùng tôi xem sách báo, nhưng chưa bao giờ nói về các địa danh cấp huyện”.

Ông Tống Anh Kiệt kể, Đậu Bao nói đã xa quê hương mười năm rồi, nhưng cháu chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ động đất Vấn Xuyên và cũng không xem tivi.

Mười năm trước, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, một trận động đất mạnh 8 độ richter đã xảy ra ở huyện Vấn Xuyên. Một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ Hội liên minh Ba Thục của Tứ Xuyên thống kê cho biết, số người tử vong trong trận động đất Vấn Xuyên là khoảng 300.000 người, và số học sinh thiệt mạng là hơn 30.000 em, trong đó có nhiều trẻ nhỏ. Thông tin trên Weibo này của Tống Anh Kiệt khiến nhiều người cảm thấy chấn động.

Phát hiện hơn 100 người luân hồi chuyển thế ở Hồ Nam

Truyền thông Hoa lục trước đây đã đưa tin về các trường hợp luân hồi chuyển thế. Năm 2014, chuyên mục “Fax đặc biệt” của Đài Truyền hình Giáo dục Thượng Hải đưa tin “Phát hiện hơn 100 trường hợp luân hồi chuyển thế ở Hồ Nam”.

Theo bản tin, tại thôn Bình Dương, huyện Thông Đạo, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, có rất nhiều người tái sinh, tức là những người sau khi chuyển sinh có ký ức về kiếp trước. Sau khi họ qua đời và đầu thai chuyển kiếp đến thế giới này một lần nữa, họ vẫn có thể nhớ rõ ràng những gì đã xảy ra trong kiếp trước của mình.

Sau khi các chuyên gia và giáo sư có uy tín của chính quyền đến địa phương khảo sát, họ đã loại trừ khả năng người dân bịa đặt và nói dối. Họ nhận thấy rất có giá trị nghiên cứu và đề xuất thành lập “Trạm quan sát người tái sinh ở Thông Đạo”. Trong báo cáo cũng đưa ra rất nhiều ví dụ chân thực:

Trường hợp 1: Cha ít hơn con gái 8 tháng tuổi

Tháng 11 năm 2008, Ngô Xuân Lợi ở tổ 5, thôn Mã Điền, thị trấn Bình Hương, huyện Thông Đạo xuất giá. Ngô Vũ Hoành, một chàng trai trẻ trong thôn kém Xuân Lợi 8 tháng, đã đến sớm để dự đám cưới với tư cách là “người cha”, anh đã tặng rất nhiều của hồi môn và lễ vật.

Hóa ra, Ngô Vũ Hoành kiếp trước chính là cha của Ngô Xuân Lợi. 27 năm trước, Ngô Kim Tuy đột ngột qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo, để lại Xuân Lợi 8 tháng tuổi sống với bà nội. Ngô Kim Tuy không lâu sau chuyển sinh đầu thai vào gia đình họ Ngô ở cùng làng và được đặt tên là Ngô Vũ Hoành.

Khi Ngô Vũ Hoành được bốn tuổi đã cùng cha đến nhà Xuân Lợi. Nhìn thấy chiếc bàn tính bằng gỗ trên tay Xuân Lợi, cậu bé nói rằng chiếc bàn tính đó là chiếc bàn tính mà mình đã từng sử dụng. Khi đó ở đội sản xuất, cậu là nhân viên ghi công điểm, chiếc bàn tính là do người trong đội đưa cho cậu dùng. Khi nhìn thấy cái đòn gánh sau cánh cửa, cậu cũng nói rằng cậu đã mượn nó từ một người bạn họ Ngô nào đó ở tổ 8. Ngoài ra, cậu còn nói rằng cậu đã vay anh ấy 20 nhân dân tệ khi kết hôn và mãi chưa trả được.

Sau đó, tiểu Vũ Hoành thường nói với giọng điệu người lớn: “Tôi thực sự xin lỗi, mượn tiền người ta mà chưa trả”. Người cha sau đó đã đến chỗ họ Ngô nào đó ở tổ 8 để hỏi về chuyện này, không ngờ đó là sự thật. Ông còn hỏi người vợ còn sống của Ngô Kim Tuy, người này cũng nói rằng quả thực đã mượn tiền.

Trường hợp 2: Heo trắng đầu thai làm người

Có một cậu bé họ Ngô ở trại Phổ Đầu, thôn Bình Dương. Khi cậu bé được hơn một tuổi, gia đình đưa cậu về làng chơi. Mỗi lần chỉ cần gặp đồ tể họ Dung, cậu bé đều ra sức kêu khóc và giãy giụa, lần nào cũng như vậy, người nhà cũng không biết nguyên nhân.

Khi cậu bé lớn lên hai, ba tuổi, mỗi khi thấy có người hái rau ngoài đồng, cậu đều nhắc nhở họ những câu như rau nào đắng quá, rau nào cay quá, hái nhiều quá thì ăn không được, v.v. Việc này khiến những người lớn bật cười, nói rằng cậu trẻ con thì biết được gì.

Cậu bé lớn lên lại càng sợ gặp người đồ tể họ Dung trong thôn. Mỗi khi nhìn thấy họ Dung từ xa, cậu đều cố sức chạy về nhà, người trong thôn cảm thấy kỳ quặc và hỏi cậu bé lý do tại sao. Cậu nói kiếp trước cậu chính là một con heo trắng to được nuôi ở nhà ông nội. Có một hôm, con heo ấy bị đồ tể Dung khiêng về nhà và làm thịt.

Sau đó, câu chuyện cậu bé là con heo trắng đầu thai được lan truyền ở địa phương. Từ đó trở đi, khi nhìn thấy cậu bé, người ta đều gọi cậu là “Tiểu Bạch Trư” thay vì gọi tên cậu. Đồ tể Dung cũng thề rằng đời này kiếp này sẽ không sát sinh nữa.

Chuyển sinh mang theo con dấu của cha

Hầu như tất cả mọi người ở thôn Sam Mộc Kiều và thôn Tuy Ninh Đông Sơn thuộc huyện Thông Đạo, tỉnh Hồ Nam, ai ai cũng đều biết “Long Chương Quý”. Lý do là có người sinh ra đã có con dấu của ông.

Long Liên Sinh, người con thứ năm của Long Chương Quý đã mất sau khi trải qua một cơn sốt cao. Trước khi chôn cất, ông lấy con dấu của mình ấn vào gốc tai trái của đứa trẻ. Không ngờ đứa trẻ đã mang theo con dấu của mình chuyển sinh.

Cô giáo tiểu học Quách Thế Anh được phân công đến dạy tại trường tiểu học Cao Thôn ở làng Tiểu Thủy, cách nhà cô ở thị trấn Sam Mộc Kiều 30 dặm. Ở đó là trại Đồng và người dân không nói tiếng Hán.

Một học sinh tên là Ngô Thư Quế hỏi cô bằng tiếng Hán: “Thưa cô, cô ở Sam Mộc Kiều phải không? Cô nói tiếng Sam Mộc Kiều”. Quách Thế Anh tò mò hỏi cậu bé làm sao mà cậu biết nói tiếng Hán.

Ngô Thư Quế trả lời: “Con trước đây ở Định Khê, Sam Mộc Kiều. Sau khi chết con đã đến đây. Con qua đời vì đau bụng”.

Quách Thế Anh hết sức ngạc nhiên và đưa ra rất nhiều câu hỏi, nhưng cậu bé trả lời trôi chảy mà không cần suy nghĩ. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là gốc tai trái của đứa trẻ có một con dấu “Long Chương Quý” rất rõ ràng, mà Long Chương Quý chính là cha của bạn học tiểu học của Quách Thế Anh.

Khi đó, Ngô Thư Quế nhiều lần đòi hỏi Quách Thế Anh: “Cô ơi, cô hãy bảo cha con đến gặp con, hoặc một ngày nào đó cô đưa con đến đó”.

Sau khi Quách Thế Anh trở lại thị trấn Sam Mộc Kiều, cô đã tìm đến nhà người bạn cùng lớp và chứng thực được sự việc này.

Long Chương Quý từng nói với các phóng viên truyền thông: “Không lâu sau khi bạn cùng lớp của con gái tôi là giáo viên (Quách Thế Anh) nói với tôi về điều này, chúng tôi đã gặp đứa trẻ. Tôi nhìn vào vị trí của con dấu, không sai chút nào, chính là ấn dấu của tôi”. Kể từ đó, gia đình Ngô Thư Quế và gia đình Long Chương Quý thường xuyên liên lạc với nhau như người thân.

Trong một báo cáo dài 240 trang được xuất bản năm 2008 bởi tạp chí Explore của Mỹ, Tiến sĩ Jim Tucker [∗], một học giả về bệnh tâm thần tại Đại học Virginia, đã tóm tắt 45 năm nghiên cứu về ký ức tiền kiếp của trẻ em.

Ông cho biết: “Trẻ em thường hồi tưởng lại cuộc sống thường ngày của mình ở kiếp trước và nhiều em đưa ra đầy đủ chi tiết để có thể đối chiếu với người đã khuất nào đó”.

Chú thích: (∗) Jim B. Tucker là nhà tâm thần học trẻ em và là Giáo sư về Tâm thần học và Khoa học Hành vi Thần kinh Bonner-Lowry tại Trường Y Đại học Virginia. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông nhằm ghi lại các câu chuyện về những trẻ em mà ông khẳng định có thể nhớ lại được tiền kiếp, những ký ức khi sinh và trước khi sinh.

Theo Tân Đường Nhân

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292806



Ngày đăng: 29-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.