Nghiên cứu luân hồi: Câu chuyện hôn nhân
Tác giả: Thanh Địch
[ChanhKien.org]
Chấp tử chi thủ
Dữ tử hữu duyên
Tử sinh khiết khoát
Dữ tử thành thuyết
Chấp tử chi thủ
Dữ tử giai lão
Chấp tử chi thủ
Phu phục hà cầu
(Dịch nghĩa: Ta nắm tay nàng, có duyên với nàng. Chết sống hay xa cách, đã cùng nàng thành lời thề ước. Ta nắm tay nàng, Hẹn ước sẽ sống chung với nhau đến tuổi già. Ta nắm tay nàng, còn gì phải truy cầu) (Kinh thi – Quốc phong – Kích cổ)
Bài thơ lấy bối cảnh người đi quân dịch nhớ gia đình, kể lại lúc mới lập gia đình, đã ước hẹn với vợ, chết sống hay xa cách cũng không bỏ nhau; lại nắm tay vợ mà hẹn sống với nhau đến già.
Con người có luân hồi, cuộc hôn nhân đời này của chúng ta thực ra đã được định sẵn từ duyên đời trước. Nhìn từ góc độ này, chúng ta có thể có một tầng chú giải sâu sắc hơn đối với câu thơ “Tử sinh khiết khoát – Dữ tử thành thuyết” (Chết sống hay xa cách, đã cùng nàng thành lời thề ước). Không phải ư? Chúng ta đã cùng với người phối ngẫu của mình vượt qua sinh tử, khoảng cách xa gần, mới có thể ở bên nhau đời này, làm sao chúng ta có thể không trân trọng duyên phận này được?
Đương nhiên, không phải cuộc hôn nhân nào cũng hòa thuận, nhưng thực tế đó vừa hay chính là cơ hội để đôi bên hoàn trả những gì đã nợ nhau, là cơ hội để tâm chúng ta trở nên vị tha và quan tâm tới nhau hơn, đây chẳng phải là mục đích để hai người có thể tác thành vợ chồng sao?
Cuốn sách Những bí ẩn cuộc đời (Many Mansions) xuất bản năm 1950 đã chỉnh lý và phân tích rất nhiều nghiên cứu về tiền kiếp được nhà ngoại cảm nổi tiếng người Mỹ Edgar Cayce (1877-1945) thực hiện. Trong đó có ghi chép một câu chuyện như sau:
Một nữ chủ nhân kết hôn với chồng khi cô là một cô gái 23 tuổi xinh đẹp, khi yêu cầu Cayce diễn giải tiền kiếp của mình thì cô đã 41 tuổi, dù đã ở độ tuổi ấy nhưng cô vẫn có dung nhan quyến rũ. Chồng cô là một doanh nhân rất thành đạt. Nhưng trong 18 năm chung sống, chồng cô hoàn toàn không có khả năng quan hệ vợ chồng. Đối với một số người, tình huống này chỉ là một điều thiếu sót trong hạnh phúc mà thôi. Tuy nhiên, đối với một số người, đây là một bi kịch trong cuộc đời. Trong xã hội hiện đại, đây có thể là một lý do để ly hôn. Nhưng người phụ nữ này không nhẫn tâm làm như vậy, cô ấy yêu chồng, cô ấy không nhẫn tâm làm tổn thương chồng mình.
Trong những năm đầu khi vừa mới kết hôn, cô ấy không chịu được sự dày vò của dục vọng nên đã ngoại tình. Nhưng dần dần, thông qua nghiên cứu tôn giáo và thiền định, trong quá trình dùi mài kinh sách, cô đã vượt qua được dục vọng này. Năm tháng như dòng nước chảy lặng lẽ trôi qua, cho đến một ngày một người đã từng theo đuổi cô một lần nữa lại bước vào cuộc sống của cô. Người đàn ông này yêu cô từ khi còn là một cậu bé, nhưng khi anh có đủ tài chính để bắt đầu một gia đình thì cô đã hứa hôn với người khác. Hai người gặp lại nhau và dường như không thể tự kiềm chế được. Nhưng người phụ nữ này vẫn cắt đứt quan hệ với anh ta. Cô ấy không nỡ rời bỏ chồng mình, chồng cô là một người đàn ông tốt. Cô cũng không thể chịu đựng được việc làm tổn thương vợ của người đàn ông kia. Cô không muốn làm tổn thương bất cứ ai.
Trong phần diễn giải kiếp trước của Cayce, người phụ nữ này và chồng cô hai kiếp trước ở Pháp cũng là vợ chồng. Do cuồng tín với tôn giáo thời bấy giờ, người chồng đã tham gia đội quân thập tự chinh về phía Đông. Nhưng trước khi lên đường, anh ta bắt cô phải đeo đai trinh tiết để đảm bảo rằng vợ mình sẽ không ngoại tình với người khác. Điều này đã khiến vợ anh ta sống phần đời còn lại trong cơn giận dữ và cô ấy quyết tâm tương lai sẽ trả thù anh ta.
Vậy là trong đời này họ đã gặp lại nhau trở thành bạn đời của nhau. Việc người chồng bị mất khả năng quan hệ vợ chồng âu cũng là nhân quả. Nhưng tại sao đời này người vợ lại cũng phải chịu những rắc rối tương tự như vậy? Bởi vì vào một đời cách đây sáu thế kỷ trước, người phụ nữ này mang trong mình đầy hận thù và mong muốn trả thù người chồng của mình. Kiếp này cô có dung nhan quyến rũ, cô có đủ khả năng khiến chồng phải ghen tị và xấu hổ cho đến khi ly hôn. Nhưng sinh mệnh đời này của cô đã tự đề cao về mặt tinh thần nên cô không nhẫn tâm làm tổn thương bất cứ ai. Vì để giữ gìn sự chung thủy và thành thật trong hôn nhân, cô hy sinh dục vọng, dung nhan và tuổi thanh xuân của chính mình.
Con người thế gian cảm thấy mình chỉ sống được một đời này, cho nên nhìn không rõ rất nhiều sự việc, về tình cảm lại càng là không muốn dứt bỏ. Thực ra, tình yêu chỉ là nhân tố dẫn dắt trong thế tục, khi linh hồn của con người rời bỏ trần thế thì không còn bị tình yêu nam nữ chi phối nữa. Khi đó, điều quan trọng nhất đối với một sinh mệnh là liệu anh ấy hay cô ấy khi ở trong mê mờ và đau khổ của thế tục có thể học cách yêu thương, bảo vệ và quan tâm đến người khác hay không. Điều này đã được kiểm chứng trong rất nhiều cuốn sách nghiên cứu về luân hồi của phương Tây.
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân” (Nghĩa là: Những gì mình không muốn, đừng làm điều đó với người khác). Khi một người bị tình và dục thao túng suy nghĩ, lời nói và hành vi, thì thử nghĩ xem mình làm như vậy sẽ gây hại gì cho bản thân và người khác? Bạn hãy thử tưởng tượng một chút: Giả sử người phối ngẫu của bạn cũng suy nghĩ giống như bạn, cũng nói như bạn, cũng làm như bạn, thì khi đó bạn sẽ cảm giác như thế nào?
Hãy trân quý duyên phận khó được này, hãy giữ lời hứa lúc ban đầu: “Ta nắm tay nàng, hẹn ước sẽ sống chung với nhau đến tuổi già”.
Tài liệu tham khảo: Gina Cerminara, Many Mansions: The Edgar Cayce Story on Reincarnation, Signet, July 1999 Gina Cerminara, Many Mansions: Câu chuyện của Edgar Cayce về sự tái sinh, Signet, tháng 7 năm 1999 (Bản tiếng Anh: http://www.pureinsight.org/node/1601)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/227659
Ngày đăng: 19-09-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.