Trang chủ Right arrow Khám phá sinh mệnh

Truyền thuyết về Bát Tiên: “Mây vắt ngang Tần Lĩnh, nhà nơi đâu? Tuyết phủ Lam Quan, ngựa chẳng tiến bước” - Hàn Tương Tử

26-05-2025

Tác giả: Chu Nguyệt Minh biên soạn

[ChanhKien.org]

Hàn Tương Tử, tự là Thanh Phu, là cháu trai của Hàn Dũ. Cuộc đời Hàn Tương Tử không có ghi chép rõ ràng, trong dân gian lưu truyền rằng ông là một trong “Bát Đại Tiên”. Bảo vật trong tay ông gọi là “Tử Kim Tiêu” (cây sáo tím vàng), tương truyền được làm từ một cây trúc thần trong rừng trúc tím ở Nam Hải.

Ông sinh ra đã có tiên cốt, sống thuận theo bản tính, cảm thấy chán ghét sự phồn hoa diễm lệ, ưa thích sống thanh đạm và yên tĩnh. Giai nhân mỹ nữ cũng không thể khiến ông động lòng; rượu ngon sơn hào hải vị cũng không thể khiến ông mất chí hướng. Ông chuyên tâm miệt mài tu luyện, dốc lòng nghiên cứu Đạo học. Hàn Dũ nhiều lần khuyên ông nên chăm chỉ việc học, nhưng Hàn Tương Tử lại đáp: “Những điều cháu học khác với những điều chú học”. Hàn Dũ vì vậy mà nổi giận mắng ông.

Một hôm, Hàn Tương Tử ra ngoài tầm sư học Đạo, tình cờ gặp được Lã Động Tân và Chung Ly Quyền. Thế là Hàn Tương Tử bỏ nhà ra đi, theo hai người học Đạo và đắc được chân truyền. Sau này, Hàn Tương Tử du lãm đến một nơi, nhìn thấy một rừng đào đầy những quả đào tiên chín đỏ, ông trèo lên cây hái đào, không ngờ cành cây đột nhiên gãy, Hàn Tương Tử ngã xuống đất và qua đời, bỏ xác thành Tiên.

Hàn Tương Tử muốn độ hóa Hàn Dũ, nhưng Hàn Dũ không tin vào Đạo học, vì vậy trước tiên ông bèn dùng pháp thuật để khiến Hàn Dũ lay động. Đúng năm đó, trời đang hạn hán nghiêm trọng, hoàng đế sai Hàn Dũ đến Nam Đàn để cầu trời ban mưa tuyết. Hàn Dũ cầu khấn nhiều lần nhưng vẫn không thấy mưa tuyết từ trên trời rơi xuống, do vậy ông phải đối diện với nguy cơ bị cách chức. Lúc này, Hàn Tương Tử cải trang thành một Đạo sỹ, dựng một tấm biển trên phố, trên đó viết: “Bán mưa tuyết”. Có người nhìn thấy liền lập tức báo cho Hàn Dũ, Hàn Dũ sai người mời ông cùng đến cầu nguyện. Chỉ thấy Đạo sỹ lên đàn làm phép, trong chốc lát, trời liền đổ tuyết lớn như lông ngỗng. Nhưng Hàn Dũ vẫn không tin đây là do dùng đạo thuật, bèn nói với Đạo sỹ: “Tuyết này là do ta cầu được hay ông cầu được?” Đạo sỹ đáp: “Là ta cầu được”. Hàn Dũ lại hỏi: “Có bằng chứng gì không?” Đạo sỹ nói: “Tuyết này dày ba thước ba tấc”. Hàn Dũ sai người đo thử, quả nhiên đúng như lời ông nói. Lúc này Hàn Dũ mới tin rằng đạo thuật quả thật phi phàm.

Một ngày nọ vào sinh nhật của Hàn Dũ, người thân bạn bè tới nhà chúc mừng, Hàn Dũ mở tiệc lớn để chiêu đãi họ. Hàn Tương Tử bất ngờ xuất hiện, đến chúc thọ Hàn Dũ. Hàn Dũ thấy cháu thì vừa mừng vừa giận. Hàn Tương Tử ngồi vào tiệc, Hàn Dũ liền hỏi: “Cháu đi ngao du nơi xa đã lâu, không biết học vấn có tiến bộ gì không. Hãy làm một bài thơ để thể hiện chí hướng của mình”. Hàn Tương Tử liền mở miệng ngâm thơ:

“Núi xanh mây nước ngăn,
Nơi đó là nhà ta;
Tay chạm mây ngũ sắc,
Khách ngâm sớm tới chiều.
Đàn gảy trong động ngọc,
Lò luyện bạch chu sa;
Bảo đỉnh tồn kim hổ,
Ruộng linh chi nuôi quạ.
Một gáo tàng tạo hóa,
Ba thước trảm yêu tà;
Giải tạo rượu do dự,
Khiến hoa nở tức thì.
Có người học được ta,
Cùng xem hoa tiên nở”.

Hàn Dũ nghe xong bài thơ Hàn Tương Tử ngâm, liền hỏi ông: “Chẳng lẽ cháu thật sự có bản sự của tạo hóa tự nhiên sao?” Thế là Hàn Dũ ra lệnh cho ông nấu rượu và làm hoa nở. Hàn Tương Tử liền mang một chum rượu vào đại sảnh, dùng một chiếc chậu vàng đậy lại. Một lúc sau, khi mở ra xem, thì rượu ngon đã thành. Hàn Tương Tử lại gom đất thành một đống, chẳng bao lâu sau, liền thấy một đóa hoa xanh biếc nở rộ. Hoa to bằng hoa mẫu đơn, nhưng màu sắc còn rực rỡ, lộng lẫy hơn mẫu đơn. Trên hoa hiện ra hai hàng chữ vàng: “Mây vắt ngang Tần Lĩnh, nhà nơi đâu? Tuyết phủ Lam Quan, ngựa chẳng tiến bước”. Hàn Dũ không hiểu ý nghĩa câu này là gì. Hàn Tương Tử nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, sau này sẽ tự ứng nghiệm”. Tất cả các vị khách dự tiệc đều cảm thấy kỳ lạ và tán thán không ngớt. Đến khi yến tiệc tan, Hàn Tương Tử lại cáo từ Hàn Dũ mà rời đi.

Vào thời Đường Hiến Tông, Hàn Dũ vì dâng sớ can gián việc rước cốt Phật vào cung mà khiến Hiến Tông nổi giận, nên bị giáng chức làm thứ sử Triều Châu, nội trong ngày phải lập tức lên đường. Hàn Dũ từ biệt vợ con, lên đường đến Triều Châu. Đi chưa được mấy ngày thì gió lạnh nổi lên, tuyết rơi dày đặc. Hàn Dũ đi đến một nơi, tuyết dày đến mấy thước, ngựa khó lòng tiến bước. Xung quanh không thấy một ngôi nhà, chẳng biết đường đi hướng nào. Muốn quay lại theo đường cũ nhưng cũng không còn lối trở về. Gió thổi dữ dội, tuyết bay mù mịt, Hàn Dũ toàn thân ướt sũng, rét mướt, đói khát, khốn khổ vô cùng mà chẳng biết than thở cùng ai. Ngay trong lúc Hàn Dũ tuyệt vọng, chỉ thấy có một người bất chấp gió tuyết, quét tuyết mà đến, nhìn xem thì hóa ra là Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử hỏi Hàn Dũ: “Chú còn nhớ câu đối trên đóa hoa hôm trước chứ?” Hàn Dũ hỏi lại: “Đây là nơi nào vậy?” Hàn Tương Tử đáp: “Nơi này là Lam Quan”. Hàn Dũ thở dài một hồi lâu, rồi nói: “Sự vật đã là có định số như thế. Vậy để ta thay cháu hoàn thiện nốt câu đối trên hoa đó”.

Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương

Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên,
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Dục vị thánh minh trừ tệ sự,
Khẳng tương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên.

Tạm dịch:

Dời đến Lam Quan, gửi cho cháu Tương

Sáng dâng tấu sớ tới cửu trùng thiên,
Chiều bị đày tới Triều Dương tám ngàn dặm đường.
Muốn vì thánh minh trừ điều dối trá,
Thân tàn há tiếc tháng ngày dở dang.
Mây vắt ngang Tần Lĩnh, nhà nơi đâu?
Tuyết phủ Lam Quan, ngựa chẳng tiến bước.
Biết cháu từ xa đến, hẳn có ý,
Xin hãy thu xương ta bên bờ sông Chướng.

Thế là Hàn Dũ cùng Hàn Tương Tử đến nghỉ tạm trong một quán trọ ở Lam Quan. Lúc này Hàn Dũ mới thật sự tin rằng những điều Hàn Tương Tử nói đều là sự thật. Đêm ấy, hai người đàm đạo về chuyện xưa, chuyện nay, về Đại Đạo tu chân. Hàn Dũ hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Sáng hôm sau, trước lúc chia tay, Hàn Tương Tử lấy ra một gáo tiên dược, nói với Hàn Dũ: “Chỉ cần uống một viên là có thể chế ngự nóng lạnh”. Hàn Dũ bỗng nhiên tỉnh ngộ ra. Hàn Tương Tử lại nói: “Không lâu nữa chú sẽ quay lại, chẳng những không bệnh tật gì, mà còn được triều đình trọng dụng một lần nữa”. Hàn Dũ hỏi: “Chúng ta còn có ngày tái ngộ không?” Hàn Tương Tử đáp: “Không biết được”. Rồi thân hình ông nhẹ nhàng bay đi, biến mất. Về sau, Hàn Tương Tử lại tiếp tục độ hóa Hàn Dũ, cuối cùng Hàn Dũ cũng đắc đạo thành Tiên.

Nguồn tư liệu: “Đông Du Ký”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/7144

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài