Phúc Chính chỉnh lý
[ChanhKien.org]
Vào thời xa xưa, vùng đất Vũ Hán ngày nay vốn là một vùng đất nổi trên hồ Vân Mộng Trạch. Có một ngọn núi lớn chạy từ Đông sang Tây chặn dòng nước lớn chảy từ phương Nam. Dòng lũ cuồn cuộn chảy khắp nơi, nhấn chìm đồng ruộng và phá hủy làng mạc. Đại Vũ nhận được ý chỉ của vua Thuấn, thay cha là Cổn đến đây trị thủy. Khi Đại Vũ trị thủy, có hai vị tướng là Quy và Xà giúp đỡ. Tướng Quy chở đất thần "tức nhưỡng" để đắp đê, tạo đất liền và lấp các lỗ hổng, ngăn chặn lũ lụt. Tướng Xà dùng đuôi thần của mình rẽ đường, khai thông sông ngòi, dẫn nước thoát lũ. Đại Vũ chặt đôi ngọn núi lớn từ Đông sang Tây, nước sông cuồn cuộn chảy đi, cuối cùng thì dòng lũ cũng bị khắc chế.
Để ngăn chặn lũ lụt tái diễn, Đại Vũ đã ra lệnh cho hai vị Thần Rùa và Rắn một người ở phía Đông, một người ở phía Tây trấn giữ con sông lớn từ trên trời đổ xuống. Ban đầu, Quy và Xà trung thành với nhiệm vụ được giao. Nhưng thời gian trôi qua, hai vị Thần một ở phía Đông, một ở phía Tây, cách nhau bởi dòng sông lớn cuồn cuộn, nên không thể gặp gỡ, họ cảm thấy cô đơn buồn bã liền muốn vượt sông để gặp nhau ôn lại chuyện xưa. Người dân lo sợ dòng sông lại bị chặn gây ra lũ lụt, bèn xây dựng lầu Hoàng Hạc trên ghềnh đá Hoàng Hộc và lầu Tình Xuyên trên ghềnh đá Vũ Công. Hai lầu tháp này lần lượt đè lên hai đầu của núi Quy và núi Xà, không cho chúng đổ xuống sông. Khi hai lầu tháp được xây dựng, Quy và Xà chỉ biết âm thầm rơi lệ. Sau này, khi lầu tháp bị phá hủy, Quy và Xà đã hẹn nhau lúc nửa đêm khi có tiếng mõ sẽ gặp nhau trò chuyện. Người canh gác biết chuyện, nên hàng đêm đến giờ Tý thì không gõ mõ nữa. Thời gian trôi qua, Quy và Xà không còn nghe thấy tiếng mõ vào giờ Tý nên vô cùng đau khổ.
Vào cuối triều Thanh, có một thư sinh tài hoa xuất chúng, lương thiện và có trí huệ đến thư viện Hoàng Công ở ghềnh đá Vũ Công học tập. Thư sinh này không đọc thơ viết văn, cũng không làm thơ bát cổ, mà nhìn lên trời chín ngày chín đêm, rồi lại ở bên bia đá suy ngẫm chín ngày chín đêm, anh quyết tâm vẽ một dải cầu vồng bắc qua hai bờ sông để giúp Quy và Xà thoát khỏi nỗi khổ tương tư. Vào một đêm trăng sáng, thư sinh trải giấy cầm bút bắt đầu vẽ cầu vồng. Anh vẽ hết bức này đến bức khác, vẽ từ đêm này đến đêm khác. Đến đêm thứ chín, anh đã vẽ xong bức tranh "Cầu vồng Ngọa Ba", đủ bảy màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, màu sắc hài hòa, không gian tĩnh lặng, thư sinh này vô cùng hài lòng.
Lúc này, từ trong rừng cây có một cô gái không ngớt lời khen ngợi tác phẩm của thư sinh. Thư sinh giật mình hoảng sợ, trong lúc luống cuống đã xé bức tranh "Cầu vồng Ngọa Ba" đi. Cô gái thấy vậy bước đến trước cửa sổ và hỏi: "Công tử, chàng vẽ tranh đẹp như vậy, sao lại xé đi?" Thư sinh thấy có một cô gái dưới cửa sổ, bất giác giật mình hỏi: "Cô nương, đêm hôm khuya khoắt đứng dưới cửa sổ nói chuyện, có gì chỉ giáo?" Rồi bèn mời vào phòng trò chuyện. Cô gái ung dung bước vào, nhẹ nhàng nói: "Công tử, thiếp đến từ ghềnh đá Vũ Công, thấy chàng vẽ suốt chín ngày chín đêm, miệt mài không ngừng, thiện tâm khởi phát nên vô cùng cảm động, nhưng không biết tại sao chàng lại vẽ cầu vồng bắc qua sông?" Thư sinh bèn kể cho cô gái nghe nguyện ước của mình. Cô gái nói: "Để tôi thử vẽ xem!" Nói xong, cô cầm bút vẽ và trong nháy mắt một cây cầu vồng bay xuống đỉnh hai ngọn núi Quy và Xà, nước sông dưới cầu vồng cuồn cuộn chảy về phía Bắc, hai vị tướng Quy và Xà cũng bắt tay nhau vui mừng.
Sau khi cầu vồng Ngoạ Ba xuất hiện, cô gái bỗng nhiên biến mất. Sau này, người dân truyền rằng đó là: "Tiên nữ giáng trần dựng cầu!"
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33142