Truyền thuyết dân gian: Hồ Sào



Tác giả: Cung Vệ Quốc

[ChanhKien.org]

Hồ Sào là nơi tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, tộc Nghiêu, từng sinh sống. Vị trí hồ nằm ở vùng trung bộ Khâu Lăng, Giang Hoài, tỉnh An Huy, ở phía Bắc sông Dương Tử. Mặt hồ rộng lớn, dài khoảng 78km từ Đông sang Tây, và rộng khoảng 44km từ Nam qua Bắc, với tổng diện tích là 820km². Thể tích nước trong hồ là 3,6 tỷ m³, đây là hồ nước ngọt lớn thứ năm ở Trung Quốc. Khoảng 2/3 diện tích mặt hồ thuộc quyền quản lý của huyện Chao, phần còn lại thuộc các huyện Phù Đông, Phù Tây và Lục Giang. Hồ trông giống như một hình thoi có hai góc; cũng giống như một tổ chim, do đó được gọi là hồ Sào.

1. Câu chuyện truyền thuyết tươi đẹp

Tương truyền cách đây rất lâu, hồ Sào bấy giờ là vùng Cổ Sào Châu. Châu Cổ Sào ở gần sông, nơi đây cảng, chợ cá sầm uất và nhiều ngư dân sinh sống. Đây là vùng đất của cá và đồng lúa, còn vùng đất Hợp Phì ngày nay, vào thời cổ đại lại là một vùng ao hồ rộng lớn.

Bỗng nhiên một ngày, nước sông dâng cao đột ngột, cá từ biển theo thủy triều bơi vào sông. Có một ngư dân ra sông đánh cá, tình cờ bắt được một con cá khổng lồ. Anh ta hết sức vui mừng, liền vội vã mang ra chợ bán khi cá còn tươi. Một người thích ăn cá đi ngang qua mua cá về. Khi đến bữa ăn, duy chỉ có bà lão không ăn. Đúng lúc đó có một cụ già đi qua thấy vậy lại gần thì thầm vào tai bà lão: “Đây là con trai ta, nếu bà không ăn nó, nhất định sẽ gặp phúc báo. Mấy ngày tới bà hãy đi xem rùa đá ở cổng thành phía Đông, nếu mắt nó đỏ là thành này sắp bị vùi lấp, bà nên nhanh chóng lánh đi”. Nói xong, ông lão biến mất.

Bà lão nghe xong rất tin tưởng nên hàng ngày đến cổng thành phía Đông xem mắt rùa đá có chuyển sang màu đỏ không. Bà cứ đi đi lại lại như vậy, hành tung bí ẩn, một đứa trẻ nhìn thấy, cảm thấy rất kỳ lạ liền tò mò hỏi bà tại sao. Bà lão thấy đó là một đứa trẻ nên không để tâm nhiều, liền thành thật kể lại sự việc. Đứa trẻ nghe xong, cảm thấy rất buồn cười, bèn nảy sinh ý định trêu chọc bà lão. Ngày hôm sau, đứa trẻ đã bôi máu lợn lên đôi mắt của con rùa đá trước khi bà lão đến xem. Khi bà lão đến thấy đôi mắt con rùa đá sắp nhỏ máu xuống, bà vội vã quay trở về nhà gọi mọi người trong nhà cùng chạy ra ngoài thành. Lúc đó, bà gặp một người mặc áo xanh, đội mũ vàng, người này nói: “Ta là con của rồng, hãy đi theo ta” và người này dẫn bà lão lên núi. Tuy nhiên, thời gian đã đến, Sào Châu bị nhấn chìm thành hồ. Bà lão chạy không kịp, đứng lại giữa hồ hóa thành một ngọn núi gọi là “Lão Sơn”. Người con trai của rồng đứng lại giữa hồ, hóa thành một ngọn núi gọi là “Cô Sơn”. Trong lúc hoảng hốt, bà lão đã đánh rơi một chiếc giày, và chiếc giày đó trở thành núi “Hài Sơn”. Từ đó, Sào Châu có ba ngọn núi là Lão Sơn, Cô Sơn và Hài Sơn. Sau khi Sào Châu bị chìm, vùng đất ngập nước Hợp Phì không còn tồn tại mà trở thành đất liền. Do đó, trong dân gian xưa có câu “chìm Sào Châu, nổi Lư Châu” (Lư Châu là tên gọi cũ của vùng Hợp Phì) để chỉ sự thay đổi này.

2. Phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc

Cuối năm 2001, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số lượng lớn mảnh gốm dưới đáy hồ, chủ yếu là gốm đất sét xám và gốm cát xám, ngoài ra còn có gốm đất sét đỏ, gốm nâu, gốm cát đen và một số gốm cứng nung nhiệt độ cao. Đồ gốm chủ yếu có chân tròn, nhìn chung đều khá to, miệng vành và đế có độ cong rất lớn, đồ vật gồm bình, chậu, lọ, vạc và các vật dụng hàng ngày khác. Một số ít đồ gốm có in hoa văn trên đó, chủ yếu là hoa văn hình ca rô vuông, chữ nhật, hình vặn thừng và hình sóng nước. Một số đồ gốm bằng đất sét xám khá tỉ mỉ, lớp vỏ gốm rất mỏng và trên bề mặt có đắp tượng.

Theo ngư dân địa phương giới thiệu, các mảnh gốm phân bố kéo dài suốt 4-5km quanh lòng hồ, nơi tập trung nhiều mảnh gốm có lớp đất dày. Người ta thậm chí có thể chỉ ra vị trí bốn cổng thành của tòa thành này. Hàng năm thường vào mùa đông có thể nhìn thấy hơn chục cái giếng dưới lòng sông. Một trong những cái giếng đó bên cạnh còn có một gốc cây cổ thụ hai người ôm không xuể. Nhiều người đã tìm thấy đồ đồng, tiền cổ, con dấu và đồ gốm nguyên vẹn ở đây. Tại các hộ gia đình trong làng, các nhà khảo cổ cũng đã nhìn thấy những chiếc nồi đất, bình đất còn nguyên vẹn mà người dân nhặt được từ bãi sông. Sau nhiều tháng dày công nghiên cứu, các nhà khảo cổ xác nhận những món đồ này là sản phẩm từ thời hoàng kim của nghề sản xuất và sử dụng đồ gốm. Về cơ bản họ kết luận rằng đây là di chỉ của một thành phố từ thời nhà Tần, nhà Hán đã chìm xuống đáy hồ, trùng hợp một cách tự nhiên với truyền thuyết lịch sử “Chìm Sài Châu, nổi Lư Châu”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33151



Ngày đăng: 25-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.