Truyền thuyết dân gian: Nguồn gốc ngày mùng hai tháng hai – ngày rồng ngẩng đầu



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Từ xưa đến nay, người dân Trung Quốc đều lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, họ vô cùng coi trọng ảnh hưởng của sự biến đổi tiết khí đối với sản xuất nông nghiệp. Từ ngày 2 tháng 2 âm lịch trở đi là đã bước sang mùa xuân, lúc này dương khí tăng lên, đất đai hồi sinh, cây cỏ nảy mầm, người nông dân bắt đầu chuẩn bị cho việc cày cấy và gieo trồng. Lượng mưa dồi dào trong thời điểm này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Tháng hai cũng là thời điểm xuất hiện các tiết khí “Vũ thủy”, “Kinh trập” và “Xuân phân”. Người xưa tin vào sự tồn tại của Thần linh, cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều có Thần linh cai quản, bao gồm cả việc làm mưa. Họ tin rằng Long Thần là vị Thần cai quản việc tạo mưa ở nhân gian. “Rồng ngẩng đầu” có nghĩa là Long Thần chuẩn bị hành động, thực hiện nhiệm vụ làm mưa xuống nhân gian.

Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã tôn thờ Long Thần. Sách “Tả Truyện” ghi chép: “Long hiện nhi vũ”, nghĩa là sau tiết Kinh trập, Long Thần sẽ xuất hiện, lúc này nên tổ chức tế lễ cầu mưa. Sách “Sơn Hải Kinh”, một cuốn sách địa lý nổi tiếng thời cổ, ghi chép rằng: Rồng sống ở phương Nam, “cố phương Nam đa vũ” (nên phương Nam mưa nhiều). Sách còn miêu tả Chúc Long “bất thực bất tẩm bất tức, phong vũ thị yết” (không ăn không ngủ không nghỉ, phụ trách việc làm mưa gió), nghĩa là có thể thường xuyên hô mưa gọi gió. Sách “Xuân Thu Phồn Lộ” của Đổng Trọng Thư thời Tây Hán đề cập đến hoạt động múa rồng cầu mưa. Trên tranh đá thời Hán cũng có khắc cảnh múa rồng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ngày “mùng hai tháng hai” chưa được xác định là ngày rồng ngẩng đầu.

Từ thời nhà Nguyên, ngày mùng hai tháng hai âm lịch chính thức được xác định là ngày “rồng ngẩng đầu”. Sách “Tích Tân Chí” mô tả phong tục tập quán ở Đại Đô thời nhà Nguyên có ghi: “Ngày mồng hai tháng hai gọi là ngày rồng ngẩng đầu”. Vào ngày này, người dân thường ăn mì sợi gọi là “mì râu rồng”; nướng bánh gọi là bánh “vảy rồng”; nặn há cảo gọi là “răng rồng”. Nhìn chung, các món ăn đều được đặt tên theo các bộ phận cơ thể của rồng. Sang đến thời nhà Minh và nhà Thanh, phong tục này vẫn được tiếp nối. Vào cuối thời nhà Thanh, Phú Sát Đôn Sùng trong tác phẩm “Yến Kinh Tuế Thì Ký” có viết: “Tháng hai, ngày mùng hai… ngày nay người ta gọi là ngày rồng ngẩng đầu. Vào ngày này, ăn bánh vảy rồng, ăn mì râu rồng. Trong nhà cấm kỵ việc may vá vì sợ làm tổn thương mắt rồng”. Ngoài việc ăn các món ăn làm từ mì, còn có phong tục dẫn nước vào nhà. Sách “Uyển Thư Tạp Dân” thời nhà Thanh ghi chép: “Người kinh đô gọi ngày mùng hai tháng hai là ngày rồng ngẩng đầu, người dân quê dùng tro từ ngoài cửa uốn lượn rải vào trong bếp, vòng quanh bể nước, gọi là dẫn rồng về”. Điều này phản ánh rõ mong muốn của người dân về một năm mưa thuận gió hòa. Một số nơi còn tổ chức hoạt động múa lân, cũng nhằm mục đích cầu mưa. Sách “Liêu Trung Huyện Chí” ghi chép về phong tục vào ngày mùng hai tháng hai thời Trung Hoa Dân Quốc: “Ngày mùng hai tháng hai gọi là ngày rồng ngẩng đầu. Sáng sớm dùng gậy gõ vào xà nhà, gọi là gõ đầu rồng, ý muốn rồng từ dưới đất thức dậy, vì lúc này đã gần đến tiết Kinh trập. Các gia đình nông dân đều dùng bột gạo làm bánh và bánh bao cho bữa sáng. Vào ngày này, phụ nữ thường cắt tóc cho trẻ em, mang ý nghĩa rồng ngẩng đầu”. Phong tục cắt tóc vào ngày này cũng diễn ra ở nhiều nơi.

Từ thời Minh Thanh, vào ngày mùng hai tháng hai âm lịch, người ta còn tổ chức thêm các hoạt động “hun trùng” và “rang đậu”… Cuốn “Đế Kinh Cảnh Vật Lược” do Lưu Đồng và Vu Dịch Chính của nhà Minh viết: “Ngày hai tháng hai, rồng ngẩng đầu lên… hun giường, hun lò, gọi là hun trùng, nhằm ngăn trùng rồng không bò ra ngoài”. Đại Hưng Huyện Chí thời Khang Hy nhà Thanh ghi chép: “Ngày mùng hai tháng hai, nhà nhà đều làm bánh chay và bánh mặn, chiên lên ăn, gọi là hun trùng”. Bởi vì thời gian này có nhiều côn trùng sinh sôi nảy nở, hun trùng là để tiêu diệt côn trùng, tránh gây hại cho sức khỏe con người. Còn “rang đậu” trừ côn trùng lại càng có ý nghĩa hơn, cụ thể là ngâm đậu nành trong nước muối một thời gian, sau đó vớt ra cho vào chảo rang đến khi đậu nành nổ lách tách trong chảo, như vậy côn trùng bị kinh động sẽ bò đi.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/53253



Ngày đăng: 11-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.