Truyền thuyết dân gian: Thần cơ diệu toán Lưu Bá Ôn



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Vào thời nhà Minh có một bài dự ngôn nổi tiếng được lưu truyền tên là Thiếu Bính Ca, tác giả là Lưu Cơ, quốc sư thời Minh Thái Tổ, còn gọi là Lưu Bá Ôn. Tương truyền Lưu Cơ rất thông thạo toán học, dân gian nói rằng ông là một vị Thần hạ trần trợ giúp Thái Tổ lập nên sự nghiệp. Trong các câu chuyện dân gian và tác phẩm văn học, ông thường được miêu tả là nhân vật có trí tuệ siêu việt, dự đoán trước tương lai, nhìn thấu quá khứ và hiện tai. Ông còn có khả năng hô mưa gọi gió, thần thông quảng đại “biết những sự việc xảy ra trước và sau 500 năm”, giống như Thần tiên vậy.

Cha của Lưu Cơ tên là Lưu Dược, tương truyền rằng cha mẹ ông rất tốt bụng. Một ngày, có vị tiên Bạch Hạc hóa thành một người ăn xin đầu ghẻ lở đến nhà họ xin ăn, họ không những không xua đuổi mà còn cho đồ ăn và lên núi hái thuốc chữa bệnh cho người ăn xin. Bạch Hạc tiên nhân cảm kích lòng tốt của họ nên đã bảo họ chôn cất di hài của tổ tiên dưới chân núi Ngũ Phong phía sau nhà, sau này con cháu nhất định sẽ có người thành tài. Nhờ sự trợ giúp của tiên nhân, Lưu Dược đã chôn cất di hài của tổ tiên dưới chân núi. Ba năm sau, vợ của Lưu Dược sinh hạ Lưu Cơ.

Lưu Cơ khi mới sinh không cất tiếng khóc, giống như đứa trẻ câm. Khi vợ chồng Lưu Dược đang phiền muộn thì Bạch Hạc tiên nhân lại xuất hiện. Ông nói với Lưu Dược: “Đứa trẻ này có dung mạo thanh tú, trán cao miệng rộng, sau này nhất định sẽ trở thành vương hầu hoặc tướng quân”. Nói xong, ông đưa tay chạm vào cổ họng và vỗ nhẹ vào ngực đứa trẻ. Lưu Cơ liền mở miệng phát ra tiếng khóc. Sau đó Bạch Hạc tiên nhân cưỡi mây bay đi.

Khi còn nhỏ, Lưu Cơ rất thông minh, có khả năng ghi nhớ mọi thứ chỉ sau một lần xem, đọc sách vài lần là có thể thuộc, nên được thầy giáo hết lời khen ngợi.

Lưu Cơ đỗ tiến sĩ lúc 22 tuổi, nhưng ông là người ngay thẳng, trung thực và tận tụy với công việc, ông bị mất chức và phải rút về ở ẩn sau khi vạch trần sự tắc trách của quan giám sát. Trong thời gian ở ẩn, ông tìm gặp các ẩn sĩ, đạo tiên. Tương truyền, ông còn gặp được tiên nhân Hoàng Thạch Công. Cuối cùng ông có được khả năng dự đoán tương lai, nhìn thấu hiện tại và quá khứ.

Về việc Lưu Cơ gặp tiên nhân Hoàng Thạch Công, dân gian lưu truyền một truyền thuyết như sau: một buổi sáng sau khi Lưu Cơ có được cuốn Thiên Thư Vô Tự trong động Bạch Viên, Lưu Cơ cầm một quyển sách đứng dưới vách đá cao hàng chục trượng bên trái thác nước đọc to. Đột nhiên, có một tiếng động lớn và vách đá từ từ tách ra. Lưu Cơ đi vào, tới một gian phòng bằng đá, ông nhìn thấy bức tường sau của gian phòng đá trắng như ngọc, trên tường có chạm khắc hai vị Thần đứng đối diện nhau, bốn tay cùng cầm một chiếc kim bài. Kim bài ghi: “Mão kim đao, trì thạch xao”. Lưu Cơ, một người có tài năng phi thường, tự nhiên hiểu ra. Ông lập tức nhặt một hòn đá lớn và gõ vào bức tường đá. Rất lâu sau, bức tường tự mở, lộ ra một cái tráp bằng đá. Trong tráp đá có chứa bốn tập binh thư.

Lưu Cơ vô cùng mừng rỡ, cầm lấy bốn tập binh thư quay đầu rời đi. Khi ông bước ra khỏi hang, vách đá trở lại như cũ.

Lưu Cơ trở về nơi ở, lấy ra bốn quyển binh thư lật đi lật lại, nhưng không thấy điều bí mật gì trong đó. Đợi khi trăng lên cao, Lưu Cơ mở cuốn Thiên Thư Vô Tự, chỉ thấy trong cuốn thiên thư hiện ra bốn chữ “Nhân ngoại hữu nhân”. Lưu Cơ hiểu rằng ý bảo ông đi tìm cao nhân. Thế là Lưu Cơ bèn đi thăm quan những ngôi chùa cổ ở những vùng núi danh tiếng, cuối cùng vào một ngày ông gặp một đạo trưởng tiên phong đạo cốt trên một đỉnh núi cao ngút ngàn mây. Đạo sỹ đưa cho Lưu Cơ một cuốn sách dày hai tấc (khoảng 20cm) và nói với ông: “Nếu ngày mai ngươi có thể học thuộc cuốn sách này, ta sẽ chỉ bảo cho ngươi”.

Lưu Cơ rất thông minh nên đến nửa đêm đã có thể ghi nhớ cuốn sách dày này. Đạo sỹ vô cùng thán phục nói: “Thật là thiên tài!” Ông tiện tay mở cửa một căn phòng đá, dẫn Lưu Cơ vào trong. Lưu Cơ thấy trong phòng có đủ loại sách, ông vô cùng xúc động. Thế là Đạo sỹ đàm luận với ông về những cuốn sách trong phòng đá cùng với bốn tập thiên thư do Lưu Cơ mang đến. Sau khi được Đạo sỹ tận tâm chỉ dạy, Lưu Cơ cuối cùng cũng hiểu được yếu chỉ của bốn tập binh thư và những cuốn sách trong phòng đá. Trước khi xuống núi, Đạo sỹ nói với Lưu Cơ, ông chính là Hoàng Thạch Công ở Cửu Giang, người đã truyền binh thư cho Trương Lương nhà Hán.

Vào cuối thời nhà Nguyên, anh hùng khắp nơi nổi dậy. Sau khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Cơ hành theo Thiên ý, xuống núi gia nhập đội quân và giúp Chu Nguyên Chương trở thành hoàng đế.

Lưu Cơ có khả năng dự đoán chính xác. Tương truyền khi Chu Nguyên Chương còn là vua nước Ngô, phía Nam sông Dương Tử đã xảy ra một đợt hạn hán. Khi đó Lưu Cơ phụ trách thiên văn, Chu Nguyên Chương hỏi ông tại sao lại có đại hạn hán và làm thế nào để cầu mưa. Lưu Cơ nói: “Trời mãi không mưa bởi vì có người trong ngục bị oan ức”. Chu Nguyên Chương nghe vậy liền phái ông đi điều tra các phạm nhân trong lao ngục. Lưu Cơ kiểm tra quả nhiên có không ít vụ án oan. Sau khi bẩm báo với Chu Nguyên Chương, ông đã giải quyết các vụ án oan và thả người bị bắt nhầm. Quả nhiên, chỉ vài ngày sau mây đen đầy trời, ngay sau đó có một trận mưa lớn.

Còn có một lần, Minh Thái Tổ đang ăn bánh vừng ở trong nội điện. Vừa cắn một miếng, thái giám bỗng dưng báo tin quốc sư Lưu Cơ đến gặp. Thái Tổ lấy bát đậy lên bánh, rồi triệu Lưu Cơ vào nội điện. Sau khi hành lễ, Thái Tổ hỏi: “Khanh rất thông thạo toán lý, có thể đoán trong bát có gì không?” Lưu Cơ đếm ngón tay rồi trả lời: “Nửa giống mặt trời, nửa giống mặt trăng. Đã bị kim long cắn, đây là loại đồ ăn”. Mở bát ra, quả đúng như những gì ông nói.

Năm Hồng Vũ thứ tư (năm 1371), Lưu Cơ cáo lão về quê (Thái Tổ ban ân). Vì Lưu Cơ căm ghét cái xấu nên đã đắc tội với một số kẻ gian trá. Hồ Duy Dung là kẻ phản bội đứng đầu thời nhà Minh, Lưu Cơ và tướng Từ Đạt đều cảnh báo Thái Tổ không nên dùng người này. Do vậy, Hồ Duy Dung đã cử người tung tin đồn rằng Lưu Cơ đã chọn mộ phần có vương khí cho bản thân để con cháu sau này được vinh hoa. Chu Nguyên Chương tuy là một vị vua chăm lo việc nước nhưng tầm nhìn và lòng bao dung lại không rộng lượng như Đường Thái Tông. Minh Thái Tổ đã tước bỏ bổng lộc của Lưu Cơ. Sau khi bị vu oan, Lưu Cơ phải về kinh để nhận tội. Thái Tổ không trách tội quá nặng, sau đó đã cử người hộ tống Lưu Cơ trở về quê. Tương truyền lúc đó Lưu Cơ bị bệnh, Hồ Duy Dung liền cử người bỏ độc vào thuốc của Lưu Cơ. Sau khi trở về quê nhà, Lưu Cơ nói với con trai: “Thời nay triều đình nên tu sửa đạo đức và giảm bớt hình phạt. Đáng tiếc, giờ lại có Hồ Duy Dung nắm quyền, cho nên nói chuyện này cũng vô ích. Sau này, khi Hồ Duy Dung bại vong, Thái Tổ sẽ nghĩ đến ta, con nhất định phải truyền đạt ý nguyện của ta với Hoàng thượng”. Lưu Cơ còn nói: “Nếu dự ngôn của ta không chuẩn, thì là phúc phận cho người trong thiên hạ”. Một tháng sau, Lưu Cơ qua đời ở tuổi 65. Sau đó Hồ Duy Dung lên làm tể tướng và đã làm rất nhiều chuyện xấu. Phải nhiều năm sau, âm mưu làm phản của hắn mới bị vạch trần và hắn bị xử tử. Sự thật một lần nữa khẳng định tính chính xác trong dự ngôn của Lưu Cơ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53253



Ngày đăng: 15-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.