Truyền thuyết dân gian: Số ăn mày được làm trạng nguyên, số trạng nguyên sa vào tù đày



Tác giả: Vũ Quang

[ChanhKien.org]

Thời xưa tại phủ Thiệu Hưng có hai anh em cùng kinh doanh vải vóc và lương thực, mỗi nhà đều sinh được một người con trai. Tuy nhiên, do bị lừa gạt trong kinh doanh, nhà người em bị tổn thất nghiêm trọng, quá phẫn uất, người em đã treo cổ tự tử. Người em dâu vì quá đau buồn mà sinh bệnh, chưa đầy một năm sau cũng qua đời, bỏ lại đứa con thơ.

Anh trưởng nhìn thấy gia đình em trai trong thời gian ngắn ngủi đã gặp phải tai ương như vậy, chỉ còn lại đứa cháu mồ côi chưa đầy sáu tuổi, trong lòng cũng cảm thấy thương xót, nên đã đón cháu về cùng sinh sống, nhưng đáng tiếc không lâu sau đứa cháu này lại rơi vào trạng thái bi thảm, u uất.

Thì ra vợ của anh trưởng là người lòng dạ hẹp hòi, khinh thường những người họ hàng, bạn bè nghèo khó, cô ta cảm thấy rất khó chịu khi chồng đưa đứa cháu nghèo về nhà. Mặc dù không có lý do để đuổi đi, nhưng trước mặt mọi người, cô ta luôn nói đứa trẻ này là người mang đến bất hạnh, có số kiếp ăn mày, còn con trai mình là số trạng nguyên, không thể chơi cùng với đứa em họ ăn mày. Ban ngày cô ta bắt đứa trẻ cắt cỏ chẻ củi, ban đêm cho ngủ trong kho củi, chỉ được ăn cháo với dưa muối, chưa bao giờ ăn một bữa ăn no.

Cậu bé chỉ có thể vào ban đêm khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, từ ô cửa sổ nhỏ của căn chòi nhìn lên bầu trời, đếm từng vì sao, mỗi khi nhớ đến tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình thì nước mắt lại tuôn rơi.

Cậu bé từ nhỏ đã rất hiểu chuyện, không bao giờ để bác trưởng phải chịu ấm ức vì mình. Bởi vì bác trưởng vốn dĩ là người nhu nhược, không có tiếng nói, bác dâu lại là người trọng tiền bạc, hay ức hiếp kẻ yếu. Cậu bé đáng thương từ khi bước vào nhà bác luôn phải đối mặt với những lời quát mắng, chì chiết, chưa bao giờ dám lên tiếng, lúc nào cũng cẩn trọng, dè chừng trong mọi việc. Người anh họ hơn cậu một tuổi, còn tệ hơn cả bác dâu, anh ta là một kẻ kiêu ngạo không coi ai ra gì, luôn bắt nạt em bằng những câu cửa miệng “đồ ăn xin”, “tránh xa tao ra”, “đừng mang xui xẻo vào nhà tao”… Mẹ của anh ta rất nuông chiều và nghe lời con, cho con ăn ngon, mặc lụa là gấm vóc, mặc dù sống trong nhung lụa nhưng anh ta thường xuyên đau ốm, ho hen liên tục. Còn đứa trẻ tội nghiệp dù chỉ được ăn uống đơn giản, hàng ngày cắt cỏ, kiếm củi nhưng lại rất khỏe mạnh.

Trong làng có một từ đường, nơi đây có một ông giáo dạy học cho mười mấy đứa trẻ trong làng, những đứa trẻ này đều phải dùng thóc đổi chữ. Cậu anh họ đương nhiên được đến đó học, còn cậu em đáng thương chỉ có thể ngồi ngoài lớp học nghe lén. Hơn nữa, hàng ngày cậu phải dậy từ sáng sớm để cắt cỏ, đốn củi, sau khi làm xong mới có thể lén lút chạy đến từ đường để nghe. Đôi khi cậu bé còn mượn sách của ông giáo để đọc, ông giáo cũng biết hoàn cảnh đáng thương của cậu nên cho phép cậu bé ngồi ở bậc cửa để nghe. Sau này, ông giáo phát hiện ra đứa trẻ này có khả năng hiểu và ghi nhớ rất tốt, hơn hẳn những đứa trẻ khác, vừa ngoan ngoãn vừa chịu khó học tập. Ông giáo động lòng trắc ẩn, bèn khuyên người bác của cậu cho ông nhận cậu làm con nuôi. Người bác thuận lòng đồng ý.

Vài năm sau, ông giáo nghỉ hưu và trở về quê hương, dẫn theo con nuôi về phủ Lâm An. Mười mấy năm trôi qua như thoi đưa, đứa trẻ đáng thương năm xưa giờ đã trưởng thành là một chàng thư sinh hiểu chuyện. Sau khi trải qua các kỳ thi hương, thi huyện, thi phủ, cuối cùng cậu đã đến kinh đô dự thi hội, chỉ một lần thi đã đỗ trạng nguyên. Cả đời nuôi dưỡng và tâm huyết của ông giáo đã không uổng phí, cuối cùng cũng đơm hoa kết trái, “số ăn mày” đã trở thành trạng nguyên. Thật trùng hợp, nơi đầu tiên cậu nhận chức quan huyện là ở phủ Thiệu Hưng quê hương cậu.

Cậu bé “mệnh trạng nguyên” năm xưa vốn là một kẻ ăn chơi trác táng, do được nuông chiều buông thả, không chịu học hành nên lớn lên chẳng biết làm gì, chỉ giỏi ăn chơi, cờ bạc rượu chè, không coi cha mẹ ra gì. Anh ta đã bán sạch cửa hàng vải của gia đình, cuối cùng cũng bán nốt ruộng đất và nhà cửa, đuổi cha mẹ già ra sống ở ngôi chùa đổ. Vì đã tiêu tan hết gia sản, lại không biết làm bất cứ việc gì nên anh ta bắt đầu tham gia một số vụ cướp, cuối cùng đã bị bắt và đưa đến nha môn. Vào ngày xét xử, thẩm phán chính là người em họ mà anh ta thường chế giễu là kẻ ăn xin, còn bản thân anh ta một kẻ “số trạng nguyên” lại trở thành phạm nhân của nha môn. “Số trạng nguyên” bị “số ăn xin” xét xử, nhân quả báo ứng này đến thật là nhanh.

Khi biết vị quan xử án là người em họ năm xưa, lòng anh ta tràn ngập sự hổ thẹn và ghen tỵ, nhiều cảm xúc khó có thể diễn tả thành lời. May mắn thay, người em không hề ghi nhớ hiềm khích cũ, vẫn xử lý mọi việc theo đúng luật định, đồng thời cố gắng dạy anh một bài học về đạo lý làm người, mong anh ta sửa chữa lỗi lầm, sớm trở thành người lương thiện. Sau đó, người em còn đón bác trai và bác gái từ chùa về quê, sắp xếp chỗ ở và chăm sóc họ chu đáo cho đến cuối đời.

Thật là thiện tâm và ác tâm, một đằng thành danh, một đằng suy bại. Người mang thiện tâm, suy nghĩ chính trực ắt sẽ gặp điều may, đường đời càng đi càng rộng mở; còn người lòng dạ đen tối, suy nghĩ tà vạy ắt sẽ gặp báo ứng, đường đời càng đi càng hẹp lại.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/32810



Ngày đăng: 20-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.