Tác giả: Thoại Bản tiên sinh
[ChanhKien.org]
“Được rồi… được rồi… đa tạ, đa tạ!”
“Đảo chủ cứ yên tâm, việc này huynh đệ chúng tôi sẽ tự biết giải quyết sao cho ổn thỏa!”
“Cảm phiền quá, cảm phiền huynh đài”.
“Đảo chủ khách sáo quá…”
Lý Quang Diệu tiễn Trương Hữu Nhân rời Quang Diệu tửu quán, Trương Hữu Nhân liên tục cúi đầu chắp tay cảm ơn…
“Phu nhân, công tử đi Quang Diệu tửu quán đến giờ vẫn chưa thấy về. Chúng ta đợi ngài ấy về cùng ăn cơm tối nhé?”
Dương Hồi lúc này đang ngồi đả tọa, nghe thấy A Đào nói với cô, liền từ từ mở mắt ra.
A Đào nói tiếp:
“A Mặc đến Quang Diệu tửu quán tìm ngài ấy, người ta bảo ngài ấy đến đó từ sáng và chưa đầy một giờ sau đã rời đi rồi. Quang Diệu tửu quán chỉ cách nhà chúng ta hai ba dặm đường. Sao công tử đi mấy tiếng rồi mà giờ vẫn chưa thấy về?”
Dương Hồi cười trả lời:
“Các ngươi còn không hiểu tính tình của thiếu gia nhà mình hay sao? Nay là ngày đầu tiên huynh ấy ra ngoài sau khi trở thành Đảo chủ của ốc đảo này, dọc đường hẳn là sẽ có nhiều người dân níu lại hành lễ chào hỏi, huynh ấy nhất định sẽ đáp lễ từng người một, cứ từng lượt đáp lễ qua lại như thế thì sẽ đến tối thôi mà. Đợi đến khi mọi người đi ngủ thì huynh ấy sẽ trở về thôi. Bữa tối không cần đợi đâu, các ngươi cứ ăn trước đi”.
A Đào gãi đầu gãi tai, gật gù đồng ý, rồi đi xuống lầu.
Vào lúc Dương Hồi vừa khép mi mắt xuống thì lại thấy Tịnh Nhi cuống chân chạy vào, bộ dạng trông rất hào hứng, liến thoắng reo lên:
“Tiểu thư, tiểu thư! Không đúng! Không đúng! Là Đảo chủ phu nhân chứ! Làm chủ một phủ trạch to lớn nguy nga và sáng sủa như thế cơ mà! Em đã đóng gói hết mọi thứ xong xuôi rồi, ngày mai chúng ta sẽ chuyển đồ đến đấy!”
Tịnh Nhi thấy Dương Hồi vẫn nhắm mắt im lặng, liền hào hứng nói tiếp:
“Tiểu thư! Cô nói xem, chúng ta có nên thuê thêm mấy nô bộc và mấy đầu bếp nữa không…”
Dương Hồi vẫn nhắm mắt trầm tĩnh như thế, phẩy phẩy tay, ý tứ là cứ ra ngoài trước đi. Tịnh Nhi liền nhìn cô lẩm bẩm:
“Thật là, gả cho người nào thì giống hệt người đó …”
Nói xong liền thở dài thườn thượt, mất hứng đi ra.
Một lát sau, lại đến lượt A Mặc lên lầu thưa với Dương Hồi:
“Phu nhân, tôi đến Quang Diệu tửu quán hỏi thăm, người ta nói công tử đã về từ sớm rồi…”
Dương Hồi không đợi A Mặc nói xong liền cắt lời:
“Ta biết rồi, một lúc nữa huynh ấy sẽ trở về”.
A Mặc cũng gãi đầu gãi tai, lại nói:
“Ồ, vậy phu nhân, tôi xuống lầu trước nha, mà… có cần tôi mang cơm tối lên cho cô không?”
Dương Hồi vẫn ngồi xếp bằng nhắm mắt, xua xua tay. A Mặc có vẻ không hiểu nên hỏi lại:
“Vậy phu nhân à, chúng tôi sẽ ở dưới lầu đợi cô cùng ăn tối nhé?”
Dương Hồi miễn cưỡng lên tiếng:
“Không cần đâu, các vị cứ ăn trước đi”.
Quả nhiên, không lâu sau khi mọi người ăn tối xong, những ngọn đèn dầu ở ốc đảo Trương Gia đã dần tắt hết thì Trương Hữu Nhân cũng về đến nhà.
Vì ngày mai sẽ chuyển đến tòa phủ trạch mới, A Đào A Mặc và Tịnh Nhi đang thu dọn đồ đạc. Lúc này, Trương Hữu Nhân vừa về, thấy Dương Hồi không ở dưới, Trương Hữu Nhân bèn đi lên lầu, vui vẻ gọi:
“Phu nhân à, sao nay nàng lại đi nghỉ sớm thế…”
Vừa lên lầu, Trương Hữu Nhân định tìm gối đem xuống dưới, không để ý thấy Dương Hồi đang ngồi đả tọa nên gây tiếng động hơi lớn. Vào lúc đang lục tìm gối trong tủ, anh ta lẩm bẩm hỏi:
“Phu nhân, gối đâu rồi nhỉ…”
Tịnh Nhi và A Đào, A Mặc lúc này đang thu dọn đồ đạc thì đột nhiên nghe thấy trên lầu có tiếng đồ đạc kêu loảng xoảng.
Tịnh Nhi nghe vậy không nhịn được bèn đưa tay che mặt cười khúc khích. A Đào hỏi:
“Cô cười cái gì?”
Tịnh Nhi chỉ chỉ tay hướng lên lầu, vừa cười vừa nói:
“Nhân vật nhổ cọc lên rồi kìa, vừa bị tóm rồi đó”.
A Đào cảm thấy nghi hoặc khó hiểu, rồi nghe thấy phu nhân ở trên lầu đang nóng nảy cao giọng giáo huấn:
“Vẫn còn chưa xong có phải không? Đâu phải dễ dàng mà ngồi được một lúc chứ, không để cho người ta yên được nữa! Anh đi đâu đến tận giờ mà để ba người họ phải đi tìm cả ngày nay?!”
Trương Hữu Nhân thấy phu nhân rất tức giận, không biết duyên cớ gì, chỉ ấp úng phân bua:
“Ta… không… không có làm gì mà?”
Lúc này, Dương Hồi đã gỡ hai chân buông lỏng ra, không ngồi ngay ngắn nữa, trừng mắt nhìn Trương Hữu Nhân, tức giận phừng phừng quát:
“Tức chết mất thôi…”
Trương Hữu Nhân chỉ phản ứng dè dặt, cười xuề xòa, nói:
“Ha ha, phu nhân à, nàng tức giận như này thì ngày hôm nay coi như luyện uổng công rồi”.
Dương Hồi nghe vậy thì càng tức tối hơn, vơ ngay chiếc gối bên cạnh mình ném vào mặt Trương Hữu Nhân, sau đó đá Trương Hữu Nhân ra khỏi cửa, lại ném bồi thêm một chiếc gối nữa đuổi theo sau lưng…
Hai chiếc gối cùng Trương Hữu Nhân từ trên cầu thang bon bon “lăn” xuống dưới lầu.
Ba người ở dưới lầu bỏ dở công việc không làm nữa, cứ đứng đó chăm chú theo dõi trò vui.
A Đào thì thầm với A Mặc:
“Đây gọi là người nhổ cọc buộc lừa này”.
A Mặc lại hỏi:
“Ý tứ là gì?”
A Đào đáp:
“Chúng ta đều đi trộm lừa, sau đó công tử là người đi nhổ cọc, rồi bị tóm đó…” (1)
Lúc này Trương Hữu Nhân quay đầu lại, thấy ba người đang đứng đó nhìn mình cười hi hi, bỗng cảm thất hơi xấu hổ, bèn mắng:
“Chắc tại các ngươi đã chọc giận phu nhân chứ gì?”
Ba người vội vàng giả vờ như không biết chuyện gì đang xảy ra, cũng không nghe thấy gì, lại luôn tay bận rộn với công việc của mình.
Một lát sau, Dương Hồi đã nguôi giận trở lại, đi ra ngoài, thấy Trương Hữu Nhân đang lúi húi tìm cơm nguội trong nhà bếp.
Dương Hồi nói:
“Để ta nấu ít đồ nóng cho nhé!”
Nói xong, cô lập tức ôm bó củi vào, châm lửa lên.
Trương Hữu Nhân nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của cô, thận trọng hỏi thăm dò:
“Không còn tức giận nữa sao?”
Dương Hồi vừa luôn tay làm việc vừa cười nói:
“Ai giận gì chứ? Ta không tức giận gì mà”.
Trương Hữu Nhân cũng cười nói:
“Không tức giận thì tốt rồi, ta còn tưởng nàng đang giận lắm cơ ấy”.
Một lát sau, khi cơm vẫn đang được đun trong nồi, Dương Hồi pha một bầu trà, đặt ở bàn trà trong sân, mời Trương Hữu Nhân cùng uống trà thưởng nguyệt.
Dương Hồi rót một chén trà cho Trương Hữu Nhân, nói:
“Ta muốn thỉnh giáo huynh một việc”.
Trương Hữu Nhân nói:
“Xin mời cứ nói”.
Dương Hồi hỏi:
“Huynh lúc ban đầu vì sao lại muốn tu luyện?”
Trương Hữu Nhân ngẫm nghĩ giây lát, không trả lời ngay mà hỏi lại:
“Vậy còn nàng? Vì sao nàng lại tu luyện?”
Dương Hồi đáp:
“Ta muốn tìm một Pháp môn giải thoát tự thân. Đời là bể khổ, ta thật sự muốn thoát khỏi bể khổ này. Sau đó, ta nghe Độ Ách Tinh Quân nói rằng việc tu luyện hiện nay của chúng ta chẳng qua cũng chỉ là diễn kịch mà thôi. Lúc đó ta thấy khó mà tin được, nhưng giờ lại nghĩ rằng, quả thực là như vậy”.
Trương Hữu Nhân lại hỏi:
“Ý nàng là sao?”
Dương Hồi đáp:
“Bởi vì, bất kể là kế hoạch định ra từ đầu hay là đạo pháp cứu độ của chúng ta, thực ra cũng đều dựng lập trên cơ sở ‘vị kỷ’. Chỉ là không phải vì những chuyện nhân gian thế sự mà thôi”.
Trương Hữu Nhân trầm tư giây lát, nói:
“Người tu luyện coi việc tu luyện bản thân là quan trọng hơn cũng không có gì sai. Chỉ cần giữ vững tâm tính là được, đừng nghĩ ngợi nhiều quá”.
“Ai chà! Cơm trong nồi đừng có cháy nha!” Dương Hồi bỗng nhớ ra lửa vẫn đang đốt dưới đáy nồi, vội vàng chạy đến nhấc nắp nồi lên xem, may quá, cơm vẫn chưa bị cháy.
Cô nhanh chóng lấy bát đũa ra, xới cơm cho Trương Hữu Nhân.
Trương Hữu Nhân nhìn dáng vẻ tất bật của Dương Hồi, nói:
“Nàng cũng chưa ăn mà, chúng ta cùng ăn đi”.
Dương Hồi cười nói:
“Ta không ăn, nhưng sẽ ngồi ở đây cùng huynh, để huynh không cảm thấy bị lẻ loi”.
Trương Hữu Nhân cười nói:
“Cũng được”.
…
Hôm sau, trời vừa rạng sáng, Tịnh Nhi và A Đào A Mặc đã thu dọn hành lý.
Dương Hồi lúc đó còn đang ngái ngủ ngồi dậy, rời khỏi giường đi xuống dưới lầu. Thấy A Đào A Mặc đã ra sân, Tịnh Nhi cũng mang theo nhiều đồ đạc, cô mau chóng ôm lấy mấy túi đồ, định theo họ đi ra ngoài.
Nhưng rồi thế nào, Trương Hữu Nhân lại đi tới, anh ấy giằng lấy những túi đồ từ tay Dương Hồi, vừa lấy vừa nói:
“Phu nhân, bên kia vẫn chưa dọn dẹp xong, bụi bặm nhiều lắm, đưa những thứ này cho ta, nàng ở nhà nghỉ ngơi đi!”
Dương Hồi thấy tất cả các túi đồ trong tay mình đã bị Trương Hữu Nhân lấy mất, cô lại xách mấy túi khác lên, nhưng lại bị Trương Hữu Nhân lấy tiếp, cô lại xách mấy túi khác nữa, lại tiếp tục bị anh ta lấy đi. Dương Hồi thấy trên người Trương Hữu Nhân, khắp nơi từ lưng, tay, quanh eo đeo lỉnh kỉnh các túi đồ con mình thì hai tay trống không, bèn cười hỏi:
“Huynh cầm hết được không? Đưa đây cho ta một ít xem nào!”
Trương Hữu Nhân vừa đi ra ngoài vừa ngoái đầu lại cười, nói:
“Phu nhân, nàng ở nhà nghỉ ngơi chút đi! Đừng vội đi ha, bên đó bụi lắm…”
Dương Hồi đang định rửa mặt thì đột nhiên nghe thấy tiếng chiêng trống ầm ầm đang tiến về phía Trương phủ biệt viện.
Dương Hồi quay lại nhìn, thấy một đoàn người hùng hậu đang giương cờ gióng trống, khiêng theo những chiếc rương, mỗi chiếc rương đều được phủ lên một tấm vải đỏ, khí thế phấn chấn reo hò tiến đến.
Dương Hồi nhìn lại lần nữa, đây chẳng phải là họ đang đi đến nhà mình sao? Họ đang làm gì vậy?
Dòng người tiến đến càng ngày càng gần, Dương Hồi nhìn kỹ, thấy người dẫn đầu là bà chủ xưởng thêu, bên cạnh bà là Lý Quang Diệu.
Bà chủ này hồ hởi sải bước về phía Trương phủ biệt viện, phấn khởi nói với Dương Hồi lúc đó vẫn chưa kịp đi tắm rửa:
“Cô nương à! Thật là đại hỷ mà! Chúng ta mang sính lễ của Đảo chủ đến! Đảo chủ muốn được bái đường thành thân với cô nương!”
Dương Hồi kinh ngạc thốt lên:
“Cái gì?!”
Lý Quang Diệu bước đến nói với Dương Hồi:
“Dương tiểu thư, hôm qua Đảo chủ đây đến tìm tôi, nói là vẫn chưa làm lễ bái đường với cô nên chưa được tính là đã thành thân. Việc hôn nhân đại sự, không thể xem nhẹ hay thực hiện hấp tấp vội vàng được.
Cho nên, huynh ấy muốn trả cho cô một lễ thành thân đàng hoàng đúng nghĩa. Đây chỉ là một chút sính lễ đính hôn. Hôm qua, sư phụ của Đảo chủ đã gửi thư và lễ vật cầu hôn đến sư phụ của cô rồi”.
Dương Hồi nghe vậy thì cảm thấy hoang mang, Lý Quang Diệu lại nói:
“Vốn dĩ, những thứ này phải là phụ mẫu trong gia đình chuẩn bị, nhưng vì cả cô và Đảo chủ đều không còn cha mẹ, cho nên việc này sẽ do sư phụ của hai người thay họ mà làm bậc cao đường. Ở đây, nơi Trương phủ biệt viện này, sẽ là nhà thân sinh của cô. Ba ngày sau, đại lễ thành thân sẽ được tổ chức ở Tân viện Trương phủ”.
“Cái gì?! Còn thành thân á?”
Có lẽ, do bị ám ảnh bởi dư âm không mấy vui vẻ trong quá khứ cho nên hai mắt Dương Hồi trợn tròn, hai hàng lông mày cong lên chụm lại như hình vòng cung.
Khi Dương Hồi còn chưa kịp phản ứng thì từ ngoài cửa chen nhau tiến vào mấy chục vị nữ gia quyến, một số người kéo Dương Hồi đi tắm gội, một số chỉnh trang váy cưới, số khác giúp cô đánh phấn tô son, nhóm còn lại dọn dẹp và trang trí phòng ốc.
Trong thời gian này, Trương phủ biệt viện và Trương phủ tân viện đều vô cùng náo nhiệt, bầu không khí ngập tràn vui vẻ, rộn rã tưng bừng.
…
Cũng vào ngày này, núi Ngọc Kinh rất khác so với ngày thường. Hang động biến thành lâu đài, ngay cả đạo đồng cũng đổi trang phục thành giống các vị quản gia ở nhân gian. Trên trời tề tựu đông đảo chư Thần, mọi người náo nức đến “xem hội vui”.
Một số Tiên sứ còn cầm bút và cuốn sổ nhỏ, chờ đợi để ghi chép lại điều gì đó.
Chỉ thấy một đội ngũ hùng hậu, hừng hực khí thế, phấn khởi bay đến từ phía trời xa, dẫn đầu đoàn là Nguyệt Lão, phía sau Nguyệt Lão là hai vị Thần Tiên, một nam một nữ.
Lát sau, Nguyệt Lão cùng hai vị Thần Tiên và nhóm người này từ trên mây hạ xuống, dừng lại ở cổng Ngọc Kinh Sơn, vẻ mặt ai nấy muôn phần rạng rỡ, chắp tay khom thân hành lễ, chào:
“Tinh Lão Sài Hỷ Môi, đến để vấn an Ngọc Thanh Thiên Vương, chúc mừng Thiên Vương lão nhân gia nay có hỷ sự lâm môn”.
Lúc này, tất cả chúng Thần trên trời đều đang nghiêm túc theo dõi, giống như khán giả bên ngoài sân khấu vậy.
Lại thấy Thư Hạc đang đứng ở cửa nghênh tiếp, vẻ mặt tươi tắn, cúi chào đáp lễ:
“Hóa ra là Hỷ Môi Tinh Quân, thật vui, thật vui. Hai vị đây là…?”
Một vị nam Thần trong đó cười, chắp tay nói: “Chúng tôi là Thần quan của Vô Cực Đại La Thiên, thay mặt Huyền Huyền thượng nhân, trao tặng sính thư và sính lễ”.
Thư Hạc cũng vui vẻ tiếp lễ, cười nói:
“Tôi sẽ lập tức đi loan báo, xin mời các vị Tinh Quân hãy đợi ở đây một lát”.
Thư Hạc đi vào trong phủ, một lúc sau, lại một mình đi ra.
Thư Hạc nói:
“Lão gia nhà ta đang bận, muốn hỏi một chút, hỷ sự này là từ đâu tới đây?”
Nguyệt Lão vẫn đang khom thân, đáp:
“Ồ, từ lâu đã nghe tiểu nữ Dương Hồi của Thiên Vương nhà ta, tính tình ngây thơ thuần khiết, đạo đức hiền hậu, dung mạo đoan trang, đức hạnh của lệnh thiên kim đây quả là tương xứng với tiểu nhi Trương Hữu Nhân của Huyền Huyền thượng nhân, ngũ hành tương hợp, bổn Tinh ta muốn làm cầu nối ghép đôi cho họ. Thượng nhân và Trương Hữu Nhân xem ra cũng rất mãn ý hài lòng. Ngọc Kinh và Đại La Thiên vốn có duyên phận thâm sâu. Vậy nên, chúng ta thay mặt Thượng nhân đến đây để dâng thư và dâng sính lễ cầu hôn”.
Thư Hạc gật gật đầu, nói:
“Ta sẽ đi bẩm báo việc này, mời các vị vui lòng đợi một lát”.
Trên Thiên thượng, các vị Thần nói với các vị Tiên sứ:
“Ghi chép lại đi, nước chảy lâu dần sẽ thành kênh, thời cơ chín muồi việc gì đến sẽ đến, duyên phận chân chính ắt rồi sẽ tương phùng”.
Một lúc sau, “Đại công tử” của nhà này đích thân bước ra nghênh tiếp, vị này nét mặt vui vẻ, mừng rỡ chào nói:
“Hóa ra là Đại La Thiên Thần Quân và Hỷ Môi Tinh Quân. Đường xa vất vả, mà không đích thân từ xa nghênh đón, thật thất lễ quá. Xin mời, gia phụ tôi trân trọng mời các vị vào trong sảnh phủ ngồi nghỉ ngơi một chút. Lão gia xử lý xong công việc sẽ ra tiếp chuyện sau”.
Nguyệt Lão và hai vị Thần Tiên chắp tay đáp lễ:
“Được rồi, đa tạ. Xin hỏi danh xưng của công tử đây là gì nhỉ?”
“Ồ, cứ gọi ta là Không Đồng là được. Xin mời, xin mời vào”.
Đoàn người tiến vào trong phủ viện, lần lượt ngồi xuống bên cạnh đình đài Thủy Tạ, thong thả uống trà.
“Thần quân, Tinh quân, phụ thân ta mời hai vị vào bên trong”. Một vị công tử khác lại từ trong nhà đi ra, nói với Nguyệt Lão và hai vị Thần quân.
“Ha ha ha ha… Thật xin lỗi các vị, lão phu bận xử lý một số công việc lặt vặt nên đã sơ suất không để ý thấy mọi người, giờ đã xong việc rồi đây!” Một giọng nói ấm áp từ trong phòng vang lên.
Nguyệt Lão và hai vị Thần quan mau chóng đứng dậy, mỉm cười đi vào trong nhà. Lúc này, Ngọc Thanh Thiên Vương cũng đang đi ra cửa nghênh tiếp, nhưng chân vẫn còn chưa bước ra khỏi bậu cửa trước hiên nhà. Khi đang định bước ra, Nguyệt Lão vội vàng tiến đến chào hỏi, bước vào nhà, chắp tay khom thân, thưa:
“Trông Thiên vương tinh thần phấn chấn quá! Ta mang theo tin mừng đến đây, ha ha ha…”
“Ha ha… mau ngồi xuống! Mọi người mau ngồi xuống! Hậu Đôn, Ngọc Đỉnh, dâng trà!”
Các vị Thần trên Thiên thượng lại gật gù:
“Viết đi, tam cung tam thỉnh, tam căng tam trì…” (2)
Các vị Tiên sứ lại mau chóng ghi chép vào cuốn sổ…
Hôm nay, Ngọc Thanh Thiên Vương không chỉ đem đạo trường biến thành phủ trạch, mà còn đem phất trần và đạo bào cất đi, khoác lên người bộ y phục của một lão viên ngoại chốn nhân gian.
“Thượng nhân gần đây ổn chứ?” Thiên Vương hỏi.
“Cảm ơn Thiên Vương quan tâm, ta ổn. Nghe nói Thiên Vương và quý công tử gần đây vì chúng sinh nhân gian mà vất vả mệt nhọc. Thật là vất vả rồi…”
Các vị Thần trên Thiên thượng nói:
“Viết tiếp nào, gả con xem cha mẹ, lấy vợ xét gia phong”.
Mọi người chuyện trò thân tình vui vẻ, thỉnh thoảng mấy vị “công tử” lại tiến đến tiếp trà.
Lại nghe các vị Thần trên Thiên thượng đàm luận với nhau:
“Không chỉ diễn sao cho giống, mà mỗi bước đi còn phải rất tỉ mỉ chuẩn xác…”
“Một sự kiện nghiêm túc nhường này, đương nhiên là cần tỉ mỉ chuẩn xác. Nếu sai lệch dù chỉ một chút thì không biết bên dưới sẽ sai lệch bao nhiêu…”….
(còn tiếp)
Chú thích:
(1) Nhổ cọc buộc lừa: Kể rằng “Có người dắt trộm lừa và người kia đi nhổ cọc”. Một đêm nọ, anh ta thấy có tên trộm đang dắt trộm con lừa của một nhà kia. Khi người này nhìn thấy, anh ta không nghĩ đến việc báo quan phủ đến bắt tên trộm mà thấy rằng có một món hời ở đây. Nhìn thấy tên trộm dắt lừa đi rất dễ dàng, vậy ta cũng phải kiếm cái gì đó. Anh ta đi đến chỗ buộc lừa, con lừa đã không còn, nhưng nhìn cái cọc buộc lừa, chắc hẳn nó là khúc gỗ tốt, có lẽ sẽ bán được tiền. Nghĩ vậy, anh ta bèn nhổ cọc. Đúng lúc đó gia đình nhà chủ phát hiện ra vụ trộm liền tóm anh ta báo lên quan phủ xử tội. Đây chính là thành ngữ “nhổ cọc buộc lừa” hoặc “con dê thế tội” nổi tiếng của Trung Quốc. Ý tứ rằng sự việc xấu nhúng tay vào không đáng kể nhưng lại phải chịu hình phạt nặng nề thay cho người khác, thật là ngốc nghếch.
(2) “Tam cung tam thỉnh, tam căng tam trì” (三恭三請,三矜三持), một tục lệ trong cưới hỏi thời xưa: Ý rằng, nhà trai ba lần cung kính thưa chuyện, xin phép được kết duyên thì nhà gái cũng sẽ ba lần tỏ ra làm căng, kiêu kỳ, trì hoãn… trước khi đồng ý gả con.