[ChanhKien.org]
Sau khi phá Vạn Ma trận, người dân Tây Kỳ ai nấy đều khen ngợi tài năng điều binh khiển tướng của Dương Hồi, muốn giữ cô ở lại, nhưng Dương Hồi lại nói:
"Các sư huynh đều đã tu luyện xuất ra đại đạo thần thông, chỉ có ta vẫn là phàm thai nhục thể, đến cưỡi mây còn không biết. Trước tiên ta phải đón Tịnh Nhi ra khỏi ốc đảo Trương gia đã, sau đó tìm một nơi sâu trong sông lớn hay vào trong núi tu đạo mới được".
Từ Hàng mỉm cười hỏi:
"Vây còn phu quân con ở ốc đảo Trương gia, con không cần nữa sao?"
Dương Hồi bĩu môi, đáp:
"Không cần nữa!"
Vừa nói dứt lời, có hai con chim bồ câu trắng bay vào trong trướng, một con trên mỏ ngậm phong thư, con còn lại ngậm một túi vải.
Hai con chim bồ câu trắng bay lượn vòng quanh Dương Hồi, cô bèn giơ tay bắt lấy một con bồ câu, cầm lá thư mở ra đọc, trong thư viết rằng:
"Thật nguy hiểm! Bên ngoài ốc đảo đang có khói lửa chiến tranh loạn lạc khắp nơi, đao kiếm va nhau loang loáng, nguy hiểm quá! Mong rằng phu nhân mau chóng trở về!
Trương Hữu Nhân"
Khi Dương Hồi nhìn thấy bức thư này thì tròn mắt kinh ngạc. Cô xem đi xem lại, cảm thấy ngạc nhiên lại cũng cảm thấy rất bất ngờ.
Cô mở tiếp chiếc túi vải từ con chim bồ câu còn lại, thấy bên trong túi là một sợi dây chuyền.
Sợi dây chuyền này trông rất đẹp, thân dây là hình một con rồng nhỏ được chế tác cực kỳ tinh xảo, phát ra ánh sáng vàng kim lấp lánh. Mặt dây chuyền là một vật hình quạt trông giống như vảy rồng, có màu xanh nhạt và trong suốt, tỏa ánh sáng chói lọi như kim cương và cũng cứng chắc như kim cương vậy.
Mọi người nhìn thấy sợi dây chuyền này, ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi vẻ đẹp xuất sắc của nó! Hậu Đôn cười cười trêu cô:
"Phu quân của Dương Hồi thật là biết cách dỗ dành vợ mình nha!"
Khi Dương Hồi nhìn thấy chiếc vòng cổ này, liền cảm thấy rất quen thuộc (đương nhiên là quen thuộc rồi, bởi vì kiếp trước anh ấy đã từng một lần tặng nó cho cô). Cô liền nghĩ:
“Trương Hữu Nhân này quả thực rất kỳ lạ. Làm sao tính tình lại đột nhiên thay đổi nhanh đến vậy? Lại còn gọi mình là phu nhân, rồi tặng dây chuyền cho mình nữa... Mình phải mau trở về thôi. Kỳ lạ thật”.
Vì thế, Từ Hàng dùng chiếc khinh thuyền Phổ Độ đưa Dương Hồi và Thương Mộc quay trở về ốc đảo Trương gia.
Dương Hồi nhìn xuống đáy chiếc khinh thuyền này, nghĩ thầm:
“Làm sao chiếc thuyền này lại có đáy nhỉ? Chiếc thuyền của Trương Hữu Nhân vì sao lại không có đáy?”
Dương Hồi lại quay sang hỏi Từ Hàng:
"Dì ơi, dì có thể để chiếc thuyền Độ này ở lại bến đò không? Để nếu con muốn ra ngoài thì con có thể đi ra được không?"
Từ Hàng đáp:
"Vậy con phải chú ý đó, chiếc thuyền Độ này không thể ở lại quá lâu, nhiều nhất chỉ là 12 thời thần, sau 12 thời thần nó sẽ tự mình bay đi. Nếu không, con người bên ngoài ốc đảo cũng sẽ đi vào, như vậy thì kết giới (vách chắn được dựng lên bằng bùa trấn yểm hoặc bằng pháp lực của các đạo sĩ) sẽ bị phá vỡ".
Dương Hồi gật gật đầu.
Lúc này, Dương Hồi đã xuống khỏi thuyền Độ, Từ Hàng đằng vân bay đi. Dương Hồi dắt ngựa, tay cầm sợi dây chuyền tuyệt đẹp, hai má ửng hồng, khóe miệng nhoẻn lên cười. Cô nhìn thấy phía trước mặt có mấy khóm hoa cỏ ven đường đang nở trắng muốt, là hoa bách hợp, liền ngắt một bó, rồi dùng dây chuyền buộc lại, còn cẩn thận thắt nút thành hình trái tim.
Dương Hồi vui vẻ cầm bó hoa cỏ đi về nhà.
Khi đang đi, tình cờ đi ngang qua Hiệp hội cờ Minh Thử, cô ngẩng đầu nhìn, thì thấy Trương Hữu Nhân đúng lúc đó đang bước vào nơi này!
Cô cảm thấy rất lạ, Trương Hữu Nhân chưa từng đi ra khỏi nhà, vậy anh ta đến Hiệp hội cờ Minh Thử làm gì?
Thực ra thì đây là lần thứ hai Trương Hữu Nhân tới đây rồi.
Lại nói lần trước, Trương Hữu Nhân dùng thiên mục nhìn thấy thanh kiếm Lưu Ly Tịnh Khôn đã xuất hiện, sợ Dương Hồi đời này phải chịu báo ứng nhân quả, sẽ bị kiếm đâm thấu tim, nên mới sai bồ câu đưa thư mang Kỳ lân hộ tâm của mình tặng cô ấy, chính là chiếc vòng cổ kia.
Miếng Kỳ lân hộ tâm này vốn là chiếc vảy sắc màu ở trên ngực của Thanh Long đời trước. Khi tháo ra, nó sẽ trở thành Lộ dẫn, còn khi đeo vào, nó liền có thể bảo vệ trái tim.
Miếng Kỳ lân hộ tâm này là sau khi Trương Hữu Nhân trải qua cả đời này tu luyện, đã luyện thành bảo bối tối thượng mà khi đeo vào người sẽ không bị đao thương làm hại nữa. Cũng không sợ những binh khí tiên gia lợi hại như đao thương kiếm kích trong tam giới nữa, bởi những thứ đó không cách nào xuyên thủng được Kỳ lân hộ tâm này, ngoài ra, màu sắc của nó sao lại giống kim cương? Là vì Trương Hữu Nhân đã mang chiếc vảy Kỳ lân này tu qua ba mươi ba quan, ngực của Trương Hữu Nhân đã tu thành kiên cố cứng rắn như kim cương, cho nên miếng Kỳ Lân hộ tâm này cũng cứng như kim cương vậy.
Anh ta nghĩ:
“Ngộ nhỡ lúc Dương Hồi quay về liền ứng ngay kiếp nạn thì miếng Kỳ lân hộ tâm này cũng kịp bảo vệ cô ấy được an toàn”.
Sau khi tặng Dương Hồi miếng Kỳ lân hộ tâm, Trương Hữu Nhân liền tìm đến Hiệp hội cờ Minh Thử.
Trương Hữu Nhân hỏi ông lão ở Hiệp hội cờ:
"Dương Hồi có ở đây không?"
Ông lão đáp:
"Ta sẽ kiểm tra giúp anh".
Ba mặt bức tường của Hiệp hội cờ Minh Thử lại bắt đầu cuộn lên các phòng cờ. Bất ngờ, ông lão khóa chặt một phòng lại, nhìn quanh một lượt, rồi nói:
"Cô ấy vẫn còn một nạn sinh tử nữa, nếu vượt qua được thì cô ấy sẽ không còn thuộc về chỗ ta phụ trách nữa".
Trương Hữu Nhân vội vàng hỏi lại:
"Nạn sinh tử này, có phải là lưỡi kiếm đâm xuyên tim không?"
Ông lão gật gật đầu.
Trương Hữu Nhân lại hỏi:
"Hiện giờ cô ấy đã đang tu luyện, sư phụ của cô ấy có thể giúp giảm nhẹ nghiệp chướng cho cô ấy hay không?"
Ông lão trả lời:
"Ừm, vốn ban đầu là sẽ bị thanh Thần kiếm đâm thấu ngực, hiện giờ đã đổi thành một thanh kiếm thường đâm vào ngực rồi".
Trương Hữu Nhân lại hỏi:
"Nhát kiếm này là cô ấy nợ tôi, giờ tôi không muốn cô ấy phải hoàn trả, vậy nhát kiếm này coi như miễn cho cô ấy được không?"
Ông lão ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:
"Thực ra là có thể, nhưng mà, đời trước cô ấy đã phát nguyện, nhất định sẽ phải hoàn trả cho anh. Phát nguyện giống như phát thệ vậy, là không thể thay đổi được".
Trương Hữu Nhân sững sờ hỏi lại:
"Cái gì? Làm sao có thể như thế? Sao lại có kẻ ngốc thế này?"
Ông lão nói tiếp:
"Công tử không còn việc gì thì hãy trở về đi, quan nạn của cô ấy ngài không thể thay đổi được".
"Ông lão, hãy để tôi vào phòng cờ của cô ấy xem một chút, xem xem tôi có thể trừ được Hắc linh biển nghiệp cho cô ấy hay không".
"Không được, không được, mau về đi, cửa đóng rồi!"
Ông lão nói xong liền khóa trái cửa, bỏ lại Trương Hữu Nhân đứng ở bên ngoài.
Trương Hữu Nhân trở về nhà, không ngừng suy nghĩ xem làm cách nào để giúp Dương Hồi vượt qua kiếp nạn. Anh ta nghĩ:
“Nếu nàng ấy luôn đeo Kỳ lân hộ tâm, như vậy sẽ không gặp nguy hiểm. Nhưng nhân quả nghiệp lực lại cứ thích tìm những sự trùng hợp ngẫu nhiên, một khi nàng ấy tháo Kỳ lân hộ tâm ra, thì vào lúc đó sinh mạng sẽ gặp nguy hiểm, vậy phải làm sao đây...
Sao nhỉ? Nàng ấy nợ mạng của mình, vậy chẳng phải mình đòi mạng nàng ấy lúc nào cũng được hay sao?
Hay như này đi: Để nàng ấy đeo Kỳ lân hộ tâm, rồi tìm thời điểm thích hợp, cho sớm kết thúc việc này, mình mau chóng đâm nàng ấy một kiếm, vậy cũng coi như hoàn trả được rồi!
Nhưng e là, khi thanh kiếm này bị Kỳ lân hộ tâm ngăn trở, thì kể cả đâm trúng rồi, thì nàng ấy không chết cũng không bị thương, vậy có được tính là đã hoàn trả hay không? Nếu không được tính thì liệu Hắc linh biển nghiệp có lại đến tìm giết nàng ấy lần nữa không đây? Không được, việc này mình vẫn phải hỏi thêm ông lão mới xong...”
Cho nên, đúng lúc Dương Hồi đang trên đường về nhà đã nhìn thấy Trương Hữu Nhân bước vào Hiệp hội cờ Minh Thử lần hai.
Dương Hồi cảm thấy kỳ lạ nên cũng bước đến cửa vào của Hiệp hội cờ Minh Thử, Dương Hồi không phải là người thích chui góc tường nghe lén, cô làm việc gì cũng đều quang minh chính đại, định bụng vào tìm Trương Hữu Nhân, thì đã nghe thấy tiếng Trương Hữu Nhân ở trong phòng đang hỏi ông lão:
"Kiếp trước Dương Hồi nợ ta một mạng đúng không? Hay là một nhát kiếm?"
Ông lão đáp:
"Là một nhát kiếm".
Trương Hữu Nhân mừng rỡ, lại hỏi tiếp:
"Như vậy, nếu ta đâm Dương Hồi một nhát vào ngực, mà cô ấy không bị thương cũng không chết, thì cô ấy có cần chịu thêm nhát thứ hai không?"
Ông lão trả lời:
"Không cần, cô ấy chỉ nợ anh một nhát kiếm thôi".
Trương Hữu Nhân càng vui mừng hơn nữa, lại hỏi tiếp:
"Lão bá, ông có kiếm nhọn không, cho tôi mượn chút đi!"
Thật trớ trêu là đúng lúc này Dương Hồi cũng vừa đi ngang qua, khi cô nghe được cuộc đối thoại này, giống như năm tia sét giáng thẳng đỉnh đầu, đôi gò má ngọc ngà hồng phấn đột ngột nhạt dần rồi tái nhợt, hai mắt đỏ hoe, hai giọt nước mắt long lanh đậu trên mí mắt chỉ chực chờ rơi xuống.
Rồi khi nghe đến câu cuối: "Ông có kiếm nhọn không, cho tôi mượn chút đi!" thì đã đến mức phù dung khấp lộ (1), cô òa khóc nức nở, những giọt nước mắt lăn dài rơi xuống, làm ướt những cánh hoa cỏ trên tay...
Cô xoay người nặng nề bước đi, ánh mắt vô hồn, Thương Mộc cẩn thận đi theo sau chủ nhân. Cô mấp máy môi, trên miệng lộ ra điệu cười giễu cợt bản thân, lẩm bẩm:
"Ha ha, ra là vậy, là muốn mình quay về để trả nợ mạng cho anh ta".
Trong vô thức, cô quay trở lại bờ sông, nhìn xuống bó hoa cỏ ướt nhòe nước mắt đang cầm trong tay, rồi lại nhìn sợi dây chuyền trên bó hoa cỏ do chính tay cô buộc rồi cẩn thận kết hình trái tim.
Một cảm giác nhục nhã ê chề cực đại xâm chiếm tâm can, tấm chân tình này đã bị chà đạp vô số lần và vô cùng thậm tệ, khiến trong lòng Dương Hồi tràn ngập sự đau buồn phẫn uất. Nỗi đau buồn này là dành cho Trương Hữu Nhân còn sự phẫn uất kia, cô dành cho chính bản thân mình.
Cô giơ bó hoa cỏ trong tay lên, giận dữ ném phăng nó xuống lòng sông.
Bó hoa cỏ được bó ngang thân rồi tỉ mỉ kết hình trái tim trong nháy mắt đã bị dòng nước vô tình kia nuốt chửng. Cô cảm thấy đau nhói trong bụng, rồi nôn ra một ngụm máu tươi.
Cô nhìn chiếc khinh thuyền Phổ Độ đang neo bên bờ sông, lau vết máu ở khóe miệng, lên ngựa, quay người chạy về phía Trương phủ biệt viện...
"Ôi! Tiểu thư đã trở về rồi!" Tịnh Nhi vui vẻ chào.
Dương Hồi về đến nhà, trông thấy Tịnh Nhi, liền vội vàng ghé sát vào tai cô, nói nhỏ:
"Thuyền Độ đang ở bên sông, em nhanh đi đi! Thuyền chỉ dừng ở đó vài giờ nữa! Suỵt! Đừng gây tiếng động! Mau lên!"
Tịnh Nhi cảm thấy kỳ quặc, nhưng vì tiểu thư không cho cô gây tiếng động nên cô cũng không dám nói to, chỉ hỏi khẽ:
"Tiểu thư, còn cô thì sao?"
"Ta vẫn còn chút việc phải làm, em đi trước đi, ta sẽ đến sau. Đi nhanh đi, không cần phải đợi ta. Ta đã học được thuật cưỡi mây rồi, không cần ngồi thuyền nữa! Mau đi đi!"
Tịnh Nhi gật gật đầu, Dương Hồi hơi trừng mắt giục cô nhanh đi, giống như phía sau có nguy hiểm gì đó đang đuổi tới vậy.
Tịnh Nhi không còn cách nào khác đành phải rời đi, nhưng vì quyến luyến nên cứ vừa đi vừa ngoái lại nhìn...
Sau khi Tịnh Nhi rời đi, Dương Hồi ngồi trên chếc chiếu cói ở tiền sảnh, đợi Trương Hữu Nhân trở về.
Một lúc sau, Trương Hữu Nhân quay trở về, trên lưng khoác theo một thanh trường kiếm.
Vừa bước vào phòng, anh ta trông thấy Dương Hồi đang ngồi ở kia thì trong lòng rất vui, hồ hởi nói:
"Nàng đã trở về rồi! Nàng trở về thật là đúng lúc!"
Dương Hồi nhếch miệng cười lạnh lùng, không nói câu nào.
Trương Hữu Nhân thấy trên cổ cô không đeo dây chuyền Kỳ lân hộ tâm thì sốt ruột hỏi:
"Ta tặng nàng sợi dây chuyền, sao nàng không đeo nó đi?"
Dương Hồi ngỡ ngàng giây lát, rồi nhìn thanh trường kiếm sau lưng Trương Hữu Nhân, hỏi:
"Vì sao huynh tặng dây chuyền cho ta? Vì sao huynh bảo ta quay lại?"
Trương Hữu Nhân đáp:
"Bên ngoài đao thương kiếm kích, ta e nàng sẽ gặp nguy hiểm".
Dương Hồi cười lạnh lùng, nói:
"Ha ha, thì ra là vậy... là như vậy thật à, vậy sau lưng huynh đeo theo thanh kiếm để làm gì?"
Con người Trương Hữu Nhân này, xưa nay chưa bao giờ giỏi ăn nói, tức là khả năng biểu đạt ngôn ngữ rất kém, nếu như bảo anh ta nhắc lại sự việc nào đó thì anh ta có lẽ sẽ trình bày dài dòng văn tự rất lâu.
Khi Trương Hữu Nhân nghe thấy Dương Hồi hỏi như vậy, liền ngẩn người một lúc không biết phải nói với cô từ đâu, lúng túng rất lâu mà không nói được gì.
Dương Hồi thấy vậy thì đứng lên, đi đến trước mặt Trương Hữu Nhân, ánh mắt bình thản, chậm rãi nói:
"Trương Hữu Nhân, ta bị luấn quấn vướng mắc bởi nhân quả nghiệp báo, một năm trước thành thân với huynh, vừa nhìn đã thấy huynh giống như cố nhân vậy, mà lại không biết ta với huynh chính là oan gia trái chủ tương phùng. Giờ đây, huynh đeo trên người một thanh trường kiếm, muốn ta hoàn trả cho huynh, ta không oán trách, cũng không hối hận gì đâu".
Sau khi Dương Hồi nói xong, liền dang hai cánh tay ra, nói:
“Ra tay đi!”
Trương Hữu Nhân cảm thấy có gì đó lạ lùng, nhưng cũng không hỏi thêm nữa, chỉ nói:
"Vậy nàng hãy đeo chiếc dây chuyền ta tặng nàng vào đã".
Dương Hồi hỏi:
"Tại sao?"
Trương Hữu Nhân đáp:
"Nó có thể bảo vệ nàng không bị tổn thương".
Dương Hồi nghĩ thầm:
“Không bị thương sao? Không bị thương thì làm sao trả được hết sạch nợ đây? Trương Hữu Nhân, tôi không muốn có bất kỳ dây mơ rễ má gì liên quan đến anh nữa, lần này nhất định phải trả bằng hết mới được...”
Vậy là, Dương Hồi mỉm cười gật gật đầu, lặng lẽ dùng đến tiên khí cuối cùng của chiếc cẩm nang biến thành một chiếc dây chuyền giống hệt, rồi đeo vào cổ.
Trương Hữu Nhân thấy Dương Hồi đeo chiếc dây chuyền có miếng Kỳ lân hộ tâm lên thì mỉm cười gật nhẹ đầu, rồi rút trường kiếm ra, nói với Dương Hồi:
"Sẽ không đau đâu! Chỉ một nhát kiếm này, kiếp nạn sinh tử của nàng sẽ qua đi! Không đau chút nào đâu, nàng đã sẵn sàng chưa?"
Dương Hồi mỉm cười gật đầu, dang hai tay ra, rồi nhắm mắt lại...
Trương Hữu Nhân dùng kiếm đâm thấu ngực Dương Hồi! Máu tươi phun ra!
Trương Hữu Nhân thất kinh biến sắc, ôm chầm lây Dương Hồi đang sắp ngã vào vũng máu.
Miếng Kỳ lân hộ tâm trên cổ Dương Hồi hóa thành một luồng khí, bay đi...
"Tại sao lại thành ra thế này? Tại sao lại ra thế này được? Tại sao? Tại sao…"
"Cuối cùng... cuối cùng ta cũng đã hoàn trả xong xuôi, ta không còn nợ gì huynh nữa. Chỉ tiếc là... tiếc là đời này ngay cả việc đằng vân ta cũng chưa học được, nhất định là... là do căn cơ của ta quá kém".
Trương Hữu Nhân lắc đầu lia lịa, đau lòng hỏi:
"Không phải, không phải! Dây chuyền Kỳ lân hộ tâm ta tặng nàng đâu?"
Dương Hồi cười gượng, thều thào khó nhọc nói:
"Huynh... lần đầu tiên huynh đưa cho ta bát cháo rau dại, hại ta bầm dập thương tích khắp người. Lần thứ hai huynh tặng ta bộ quần áo cũ, hại ta bị thương nặng nề vì tên bắn, lần kia huynh đưa cho ta cuốn Trừng Nguyên Đạo Pháp, ta ân cần hầu hạ huynh suốt nửa năm trời, giờ huynh... huynh lại tặng ta dây chuyền, ta chắc chắn không dám nhận nữa, nên ta... ta đương nhiên phải ném nó đi rồi"
Lúc này Trương Hữu Nhân đã khóc nấc không thành tiếng, nghe thêm những lời này thì òa lên khóc than thảm thiết:
"Phu nhân, ta xin lỗi nàng".
Dương Hồi lại cười, nói tiếp:
"Ha ha ha, phu nhân à? Ha ha... Phu nhân... Ta sắp chết rồi, giờ chỉ có hai ước nguyện, thứ nhất là kiếp sau sẽ lại được tu luyện, còn nguyện thứ hai, sống chết gì cũng không bao giờ muốn gặp lại huynh".
Nói xong, Dương Hồi cười nhẹ rồi nhắm nghiền mắt lại.
"Phu nhân! Phu nhân! Phu nhân! Dương Hồi! Dương Hồi..."
Trương Hữu Nhân gào lên gọi tên thê tử của mình, nhưng đã không còn nghe thấy tiếng trả lời nào nữa...
(Những tiểu thuyết gia giỏi nhất chính là những vị sư phụ độ nhân. Sự an bài này quả là tinh vi xảo diệu! Con người ngày nay, thích thú xem những dòng tiểu thuyết ngôn tình nào đó, và hai người này, có lẽ họ chính là thủy tổ khởi xướng ra dòng tiểu thuyết ngôn tình đầy bi lụy. Nhưng tại sao họ lại muốn "giày vò" trái tim của nhau? Vì sự hấp dẫn? Vì thấy hay ho? Hay giày vò chỉ để giày vò mà thôi? Đương nhiên là không phải. Hai người này đã dùng hai đời để làm tan vỡ trái tim nhau, tất cả đều chỉ vì một sự việc...)
Là sự việc gì, mời xem các hồi sau sẽ rõ...
(Còn tiếp)
Dịch từ:
https://big5.zhengjian.org/node/295900
Chú thích:
(1) Phù dung khấp lộ (芙蓉泣露): Câu thành ngữ ám chỉ kiếp hoa phù dung mong manh sớm nở tối tàn nhưng vẫn khóc thương cho số phận hẩm hiu của những hạt sương mai chỉ hiển hiện trên đời trong thoáng chốc... Điển tích này được đưa vào một số bài thơ nói lên vẻ yếu đuối mong manh và dễ tổn thương của người phụ nữ.