Trang chủ Right arrow Nghệ thuật Right arrow Văn học

Huyền mộc ký (4-40)

15-07-2025

Tác giả: Thoại Bản tiên sinh

[ChanhKien.org]

Hôm nay, Trương Hữu Nhân và Dương Hồi tổ chức đại lễ thành hôn.

Sáng sớm, mặt trời từ từ nhô lên tỏa ra những tia nắng vàng chói lọi.

Trương Hữu Nhân đứng ở phía đông của ốc đảo Trương Gia, quay mặt về hướng đông, đợi Huyền Huyền thượng nhân.

Lý Không Đồng, Xuyên Du, Ngọc Đỉnh, Khương Tử Nha và những người khác trong phủ Ngọc Kinh đứng ở phía tây ốc đảo Trương Gia, mặt hướng về phía tây, đang chờ Ngọc Thanh Thiên Vương.

Lúc này Dương Hồi vừa thức dậy, Từ Hàng giúp cô thay đổi trang phục.

“Cô nương, đây là bộ y phục hôm nay của cô nương đó”.

Dương Hồi vừa nhìn đã thấy rất thích thú, đây là màu xanh lục mà cô thích nhất.

(Hỷ phục, hôn phục, rốt cuộc, nên là màu gì??

Một năm trước, khi Dương Hồi được gả về ốc đảo Trương Gia, cô mặc chỉ một màu đỏ rực, trên đầu cũng trùm chiếc khăn màu đỏ. Vì sao vậy? Bởi vì vào thời điểm đó, chế độ hôn nhân và rất nhiều văn hóa hôn nhân liên quan, bao gồm cả các quy tắc quy định của Thiên thượng về hôn nhân đều vẫn chưa hoàn thiện. Thiên đế đương chức sắp thoái vị, ở vào quy luật thành trụ hoại diệt, hết thảy đều không còn tuân theo quy củ nữa.

Đối ứng với nhân gian cũng là như vậy, chỉ là người ta không biết các quy tắc do Thiên thượng định ra cho con người. Cho nên y phục nam nữ mặc trong đại lễ kết hôn màu nào cũng có, muốn trang trọng một chút, họ mặc đồ đen, muốn thể hiện sự vui vẻ, liền mặc đồ đỏ. Cũng không có cái gọi là “lễ Khước Phiến”. Khi muốn che mặt, họ liền dùng tấm vải đỏ để che, thật ra điều này là không đúng.

Hôn nhân giữa nam và nữ là một sự kiện trọng đại trong đời.

Từ một số ghi chép ít ỏi trong lịch sử triều đại nhà Chu, mọi người ngày nay đã phát hiện ra rằng người dân thời đó mặc đồ đen và màu đỏ sẫm trong hôn lễ, chính là màu đỏ kết hợp của màu đen và màu đỏ tía của ráng chiều. Nói thế nào nhỉ? Mới đúng một nửa thôi.

Sau này, mọi người còn mặc đồ trắng. Đến thời Đường Tống, khi nền văn hóa đạt đến đỉnh cao, thuật ngữ “nam đỏ nữ xanh” xuất hiện, chính là lúc đó tân lang mặc màu đỏ, tân nương mặc màu xanh, thực ra, điều này còn tương đối phù hợp.

Sau đó, tân lang và tân nương đều mặc đồ đỏ, đến đây thì không đúng rồi.

Màu đỏ, không thể được sử dụng trên quy mô lớn. Điều này thật đáng sợ, bởi vì máu huyết của người và Thần đều là màu đỏ. Màu đỏ chỉ có thể dùng để tô điểm mà thôi.

Như vậy, người Trung Thổ chúng ta, rốt cuộc nên mặc màu gì trong hôn lễ?

Người nam chính là nên mặc y phục màu đỏ đen hoặc đỏ mận, còn người nữ nên mặc y phục màu xanh lục. Vì sao vậy?

Nữ giới là “Khôn”, Khôn chính là đại địa, mà đại địa chính là đất. Đất có màu gì? Đất có màu vàng, nhưng đất có màu gì khi khoác y phục lên? Đương nhiên là màu xanh lục. Vào mùa xuân và mùa hè, khắp núi non sơn dã đều phủ lên màu xanh ngọc bích của cây cỏ, đây chẳng phải chính là màu y phục thông thường của đại địa hay sao?

Cho nên, Khôn đương nhiên có màu xanh lục. Trên lễ phục màu lục có thể tô điểm thêm màu đỏ tía, giống như trên đại địa có sông Hoàng Hà uốn lượn. Là như có thể điểm xuyết màu đỏ tía cho viền cổ và tay áo vậy. Vì sao?

Chúng ta biết rằng nên đón dâu vào lúc hoàng hôn, ý nghĩa của nó là “Dương đi đến Âm”. Bây giờ âm dương đảo ngược, tổ chức hôn lễ thường vào buổi sáng. Vậy vào lúc hoàng hôn bầu trời có màu gì?

Thời đó không khí còn rất tốt, bầu trời đẹp hơn bây giờ. Vào lúc hoàng hôn, khắp trời đều là ráng đỏ, là những màu đỏ thẫm.

Nam giới là Khung, khung vũ rộng lớn tối đen, mịt mùng thần bí. Do đó, triều đại nhà Chu tôn quý màu đen, cũng chính là màu huyền. Vào buổi chiều muộn, khi trời sắp tối, màu đen và màu đỏ giao thoa, trở thành màu đỏ tía. Cho nên, trong hôn lễ trọng đại của nam giới, đúng ra là phải mặc màu đỏ đậm hoặc màu đỏ tía.

Ráng chiều bàng bạc phản chiếu tuyệt đẹp lên mặt hồ trên đại địa, khiến dòng Trường Giang uyển chuyển quanh co cũng ánh lên sắc đỏ, cho nên, cổ áo và tay áo của tân nương nên được thêu viền đỏ, giống như đại địa khoác lên mình chiếc khăn choàng màu đỏ vậy)

Chính Mão (6:00 giờ sáng).

Huyền Huyền thượng nhân từ phía đông bay tới, phía sau là một số vị Thần Tiên, Trương Hữu Nhân quỳ xuống chào:

“Sư phụ”.

Huyền Huyền thượng nhân mỉm cười, từ trên mây hạ xuống, nói:

“Đứng lên đi. Hữu Nhân à, vị này là Tư Lễ Tinh Quân, vị này là Hồng Vương, còn vị này là Nhạn Mẫu…”

Trương Hữu Nhân chắp tay cúi chào từng người, bái kiến các vị Thần Tiên.

Sau khi Huyền Huyền thượng nhân cùng các vị Thần Tiên đến ốc đảo Trương Gia, tất cả đều thu hết thần thông và ánh hào quang của mình, mặc lên y phục người thường, tự đi bộ hoặc đi lại bằng xe ngựa, giống như họ hàng thân thích từ phương xa đến tham dự tiệc cưới vậy.

Họ cười nói rôm rả, vui vẻ tiến về phía Trương phủ tân viện…

Ở phía tây, Ngọc Thanh Thiên Vương cũng dẫn theo các vị Thần Tiên đến ốc đảo Trương Gia.

Sau khi Lý Không Đồng cùng các huynh đệ tỷ muội bái kiến các vị Thần Tiên từng người một, các vị Thần Tiên này cũng thu hết lại thần thông và hào quang của bản thân, cũng giống như người thường, nói cười vui vẻ hướng về phía biệt viện mà đi…

“… Ta phải ở lại đây với Hữu Nhân đã, sau mới sang bên đó. Ngài mang theo thẻ tre và bút, sang biệt viện trước đi, ghi chép lại hết các thứ nhé, hiểu không?” Chu Thiên Tử Cơ Phát nói với một Văn Quân.

“Được, chúa công, ta đi ngay đây”.

“Huynh đài, xin hãy đợi chút, mấy vị hỗ trợ của ta cũng sắp sang đó, các vị cùng đi nhé”, Tư Lễ Tinh Quân nói với Văn Quân của Cơ Phát.

“Được được… Cùng đường mà, cùng đường mà”.

Bên này, Dương Hồi nghe thấy sư phụ sắp đến thì rất vui mừng, định xuống lầu đi tìm sư phụ.

Từ Hàng ngăn cô lại, nói:

“Cô nương, bây giờ con không thể rời khỏi khuê phòng này được”.

“Nhưng sư phụ sắp đến đây, con lại còn chưa từng gặp qua sư phụ mà?”

Từ Hàng cười, nói:

“Con sao lại chưa từng gặp qua sư phụ?”

“Con thật tình chưa từng gặp qua ngài, con không lừa dì đâu. Trong cuốn Trừng Nguyên Đạo Pháp có một bức chân dung sư phụ, nhưng con chưa từng gặp sư phụ thật ngoài đời”.

“Ha ha, con và sư phụ đã là duyên phận ngàn vạn năm rồi, chỉ là ký ức của con trong đời này bị phong bế lại, con nghe lời ta, một lúc nữa, sư phụ sẽ cho con một chữ thì con sẽ gặp. Bây giờ, một khi con rời khỏi khuê phòng, các cô gái đời sau sẽ học theo con, như vậy là không được! Thôi nào, cứ ngồi đó đợi sư phụ sẽ chọn chữ cho con”.

Dương Hồi không còn cách nào khác, chỉ có thể gật đầu.

(Một thành ngữ khác quen thuộc xuất hiện: cho chữ trong khuê phòng. Cho chữ trong khuê phòng là chỉ vào lúc cô gái chưa xuất giá. Trong chữ “khuê” (閨) này, chữ thổ ở bên trong chữ môn, có thể hiểu là đất được bọc bên trong cửa, mà Khôn, Địa, thổ đều ở bên ngoài, cũng chính là nói, thổ là từ trong cửa mà ra, vậy nên, bạn (nữ) trở thành Khôn hoặc Địa.

Tuy nhiên, Càn là ở trước Khôn, và Thiên đứng trước Địa. Khi Càn vẫn chưa đến thì Địa lại có thể ra khỏi cửa được sao? Vậy chẳng phải là âm dương phản bối rồi sao? Mà âm dương phản bối chẳng phải sẽ loạn bậy lung tung rồi?

Cho nên, tân nương phải đợi tân lang đến đón, thì mới có thể “ra khỏi khuê phòng”. Nói cách khác, lời nói hành động của nữ giới là thụ động, không được chủ động. Con gái mà chủ động là trái với đạo trời).

Dương Hồi ở trong phòng nghe thấy tiếng huyên náo vọng lên từ dưới lầu, dường như có rất nhiều người, rất náo nhiệt, nghe không ra sư phụ là ai.

Vì vậy, cô bèn kéo chiếc bàn thấp cạnh giường đến gần cửa sổ, trèo lên bàn, kiễng chân nghển cổ nhìn xuống lầu.

Lúc này, Ngọc Thanh Thiên Vương đang trò chuyện với mọi người, bỗng bật cười nói với Từ Hàng:

“Tiểu muội của ngươi lại đang nghịch ngợm trên lầu đấy”.

Các vị Thần Tiên nhìn sự việc thông qua thiên mục, tuy họ không nhìn vào hướng đó nhưng mọi người đều thấy Dương Hồi đang đứng trên chiếc bàn thấp, ngoái cổ nhìn xuống dưới lầu, cố tìm xem vị nào là sư phụ của cô, bộ dạng vừa tinh nghịch lại vừa đáng yêu.

Các vị Thần Tiên đến tham dự tiệc cưới của con người, vì để thuận tiện, họ tạm thời ép lên bản thân “sợi dây cảm xúc của con người”, cho nên, họ cũng cười đùa trêu chọc giống như con người vậy.

Một vị Thần cười trêu:

“Trách tại nhà Thương không có ghế đẩu đó mà”.

(Một số triều đại không có đồ vật nào đó, không phải vì họ không làm được, mà vì họ không quen dùng hoặc không thích dùng. Đã làm được bàn thì chiếc ghế đẩu kia tại sao lại không làm được? Vị Thần này nói như vậy vì ông ấy thấy người sau này khi muốn nhìn xa sẽ giẫm lên chiếc ghế đẩu cao, nên đã nói đùa như vậy)

Một vị Thần khác cũng đùa theo:

“Ngài biến ra cho cô bé chiếc kính viễn vọng là được”.

Nghe vậy, một vị Thần khác nữa tiếp tục cười trêu:

“Thiên tính của muội muội vốn năng động hoạt bát, nếu không vượt quá khuôn phép thì cứ để kệ muội ấy đi!”

Vị Thần vừa rồi lại nói:

“Muội muội và ta là bằng hữu cũ, trước nay muội ấy chưa bao giờ làm việc gì vượt quá khuôn phép. Hơn nữa, Từ Hàng vừa giải thích rõ đạo lý với muội ấy rồi, không việc gì đâu”.

Vị Thần này vừa nói dứt lời, chúng Thần đã nghe thấy tiếng nói phát ra trong tư tưởng của cô:

“Ta rất muốn ra ngoài…….”

“Ha ha ha ha…….” Chúng Thần ai nấy cười nghiêng ngả.

Một vị Thần nói:

“Con người mà, thật sự rất khó đoán trước”.

Một vị khác lại nói:

“Đúng vậy, cô ấy bây giờ là con người rồi! Đối với con người, nên lập cho họ các quy tắc thì hơn”.

Các vị Thần nghiêm nghị gật gật đầu…

Vào đầu giờ Tỵ.

Ở Trương phủ tân viện bên này, Tư Lễ Tinh Quân nghiêm trang ở cửa từ đường, xướng lên:

“Từ ~ Lễ ~”

Trương Hữu Nhân dẫn đầu, Cơ Phát đi liền sau, tiếp đến là một số người khác, cùng nhau tiến vào từ đường.

Trong từ đường này có hai tấm bài vị:

Một bài vị ở vị trí trung tâm phía trên cao, bên trên đề: Thiên Địa.

Một bài vị khác ở phía dưới bên phải, bên trên đề: Quân – Thân – Sư.

(Con người hiện nay biết rằng Nho giáo thờ cúng “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư”, rồi họ đặt “Trời, Đất, Vua, Cha mẹ và Thầy giáo” lên trên tấm bài vị. Điều này có ổn không? Đây là không đúng.

Thiên Địa đại biểu cho Lão Thiên gia (ông trời), là một vị Thần! Còn Quân vương cho đến Cha mẹ song thân và Thầy giáo, họ là con người! Làm sao con người và Thần lại có thể được thờ cúng chung trên một tấm bài vị được?)

Sau khi Trương Hữu Nhân vào từ đường, đầu tiên, anh ta ở trước bài vị của Thiên Địa quỳ xuống khấu đầu hành lễ.

Sau đó, anh ta đứng dậy, ở trước bài vị của Quân Thân Sư chắp tay thi lễ.

Sau khi Chu Thiên Tử Cơ Phát và mọi người tiến vào từ đường, họ đã quỳ xuống khấu đầu dưới bài vị của Thiên Địa và cũng quỳ lạy cả bài vị của Quân Thân Sư.

Hai nhóm người này khác nhau thế nào? Tại sao lại như vậy?

Bởi vì Trương Hữu Nhân là người tu luyện, trong khi Cơ Phát và những người khác là người thường.

Người tu luyện cao hơn người thường, người tu luyện thời cổ xưa thấy đế vương cũng không quỳ xuống hành đại lễ, chỉ chắp tay biểu thị sự chào hỏi theo lễ quy thông thường.

Sau khi các nhóm hành lễ xong, họ bắt đầu dọn dẹp từ đường, lau bàn, cọ sàn nhà, lau chùi cánh cửa, dọn dẹp sạch sẽ các thứ để chuẩn bị đón tân nương vào ngày hôm nay. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ đâu đấy, họ lại bày biện một số đồ cúng như quả dưa, quả mận và quả đào.

(Thực ra, Cơ Phát cũng giống như ngày nay chúng ta gọi là phù rể, rất nhiều việc cần nhờ các huynh đệ cùng làm vì một người không thể làm xuể được)

Sau đó họ thắp đèn dầu lên để lúc nữa sẽ đốt hương trong hôn lễ. Trầm hương cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Đến giờ Ngọ.

Mọi người có thể ăn một chút đồ ăn.

Nhưng tân lang và tân nương thì không được ăn. Bởi vì một lúc nữa họ sẽ bái Thiên Địa, sẽ cần phát lời thề, cho nên họ cần hết sức giữ gìn thân thể trong sạch kiền tịnh. Họ có thể uống nước trắng hoặc uống trà.

Tân lang tân nương không được ăn trưa, cho nên họ có một chút thời gian rảnh. Trương Hữu Nhân bèn tắm cho chim Đào Hòa.

Chim Đào Hòa là gì? Là một loài thần điểu do Từ Lễ Tinh Quân mang đến, chuyên môn giúp tân lang và tân nương tẩy tịnh trong hôn lễ. Loài chim này không ăn thức ăn, chỉ uống nước cam lồ trên Thiên thượng, vì vậy mà dạ dày rất sạch sẽ. Vào lúc tân lang tân nương làm lễ thanh tẩy, một dòng nước tự động chảy ra từ miệng chú chim để giúp họ rửa tay.

Đào Hòa, vừa có Đào, lại có Hoà, đào là để đào bỏ thứ không tốt, dung hòa thứ tốt. Ngoài ra, Đào Hòa chính là điều hòa, là để điều hòa chỉnh lý Âm Dương.

(Nhân loại chúng ta chẳng phải đã từng khai quật được “Đà Hòa” (dụng cụ pha trộn rượu và nước cuối thời Tây Chu) sao? Nắp của Đà Hòa chính là hình một con chim, ở đâu lại có trí tưởng tượng chân thực đến như vậy? Không phải là trí tưởng tượng, mà là sự thật, bởi vì, văn hóa Trung Quốc chính là “trường phái tả thực” đó thôi)

Sau bữa ăn, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt một chút…

Vào chính Mùi.

Cuối cùng Dương Hồi đã có thể ra khỏi phòng.

Nghe thấy giọng nói từ viên quan chủ trì xướng lên:

“Biệt ~ Khuê ~”

Lúc này, Dương Hồi đội chiếc mũ miện cài những bông hoa trà trên đỉnh mũ, hai bên mũ gắn hai dải tua rua rủ xuống, đóa sơn trà trên đầu cô không phải là bông hoa lớn, mà giống một vành hoa, tương tự như đài hoa sen vậy. Hai bên mũ, phía trước phía sau đều gắn những món trang sức bằng vàng. Phần phía trước mũ còn đính những sợi tua rua nhỏ bằng vàng rủ xuống trước mặt để che khuôn mặt của Dương Hồi đang e lệ thẹn thùng, nhưng vẫn cảm thấy trên vương miện này còn thiếu một thứ gì đó.

Bởi vì giày rất cao, bộ lễ phục lại dài, tuy đã có Tịnh Nhi đỡ váy cho nhưng Dương Hồi bước xuống lầu vẫn có chút khó khăn.

Lúc đó, một vị nữ Thần ở dưới lầu nhanh chóng hóa thành chim phượng hoàng vàng, bay đến chân Dương Hồi, cõng Dương Hồi mang xuống dưới lầu.

Phượng hoàng vàng biến trở lại thành hình người, mỉm cười nói với Dương Hồi:

“Tỉ tỉ, đã lâu không gặp”.

Dương Hồi cảm thấy cô ấy trông khá quen thuộc nhưng không nhớ ra là ai.

Từ Hàng nói với Dương Hồi:

“Mau cảm tạ Phượng Hoàng Vương và Manh Hoàng Thần Quân đi”.

Dương Hồi chắp tay đáp lễ.

Lúc này, vị chủ hôn lại xướng lên:

“Thủ ~ Tự ~”

Chỉ thấy Ngọc Thanh Thiên Vương ngồi trên chiếc chiếu cói trong chính đường, trên tay cầm cây bút lông lớn, huơ lên mấy nét, viết một chữ lớn lên tấm lụa trắng đặt trên bàn.

Dương Hồi quỳ xuống trước mặt bậc cao đường, chờ đợi cao đường ban chữ.

“Con gái, ngày hôm nay con xuất giá, cha sẽ ban cho con một chữ”.

Viên quan dâng tấm lụa đã viết chữ này lên cho Dương Hồi, Dương Hồi đưa hai tay đón lấy, nhìn thấy:

Là chữ “Uyển” (婉).

Dương Hồi ôm chữ này vào ngực mình, khấu đầu thưa:

“Cảm ơn Nghiêm Quân ban chữ”.

“Con gái à, Hữu Nhân khiêm nhường lễ độ, con cũng phải ngoan ngoãn từ tốn đó”.

“Cảm ơn Nghiêm Quân dạy bảo, con xin ghi nhớ lời dặn của cha”.

Nam kết hôn nữ xuất giá là một sự việc phi thường nghiêm túc, cho nên Dương Hồi đương nhiên phải đối đãi rất nghiêm túc với việc này.

Nhưng vì “chức vụ” trước kia của Dương Hồi, cũng chính là do chư Thần hữu ý tạo ra, để cô có thể tế âm bổ dương, cố tình để cô được rèn luyện uy nghiêm, cho nên khi cô nghiêm túc, gương mặt này tự nhiên nghiêm nghị. Dùng ngôn ngữ của con người hiện đại mà nói là có chút lạnh lùng đáng sợ.

Lúc này, một vị Thần khác trên Thiên thượng nói:

“Không sao, đã nhiều năm như thế, bổ dương không thành vấn đề”.

Một vị Thần khác cũng gật gù đồng ý:

“Vậy là đủ rồi”.

Lúc này, Ngọc Thanh Thiên Vương cười nói:

“Con gái à, sau khi thành thân rồi, con phải từ mi thiện mục, ánh mắt hiền hậu nhu hòa, chớ có dữ dằn hung hăng nữa!”

Lúc này, chợt rộ lên tiếng cười của chư Thần ở trong phòng.

Dương Hồi nghe vậy thì cảm thấy rất khó hiểu:

“Gì cơ? Dữ dằn hung hăng à?! Mình dữ dằn hung hăng lúc nào nhỉ? …”

Lúc này, vị chủ hôn lại xướng lên:

“Trì ~ Phiến ~” (Giữ ~ Quạt ~)

Tiếp đó, Từ Hàng nâng chiếc quạt lên đưa cho Dương Hồi.

Dương Hồi nhìn kỹ, phát hiện đó là một chiếc quạt lụa mềm (quạt tròn). Cán quạt và mặt quạt giống như băng, dải nơ trang trí đính ở cán quạt cũng giống như băng vậy, hoàn toàn trong suốt. Đây chính là Quạt Rèm nước trong suốt.

Dương Hồi tiếp lấy chiếc Quạt Rèm nước trong suốt, nâng lên ngang mặt. Bây giờ, nhìn khuôn mặt Dương Hồi qua chiếc quạt này, lập tức trở nên hiền lành phúc hậu, ánh mắt hiền dịu thiện lương, không còn vẻ sắc sảo lợi hại như xưa nữa.

(Từ đồng âm của “Phiến” là “Thiện”. Người xưa có lễ “Khước Phiến”, nghĩa là tân nương phải dùng quạt để che khuôn mặt, chỉ sau khi bái đường mới được bỏ quạt xuống.

Ở đây, nghi lễ này có hai ý nghĩa. Một là che đi sự xấu hổ, và hai là nói với người phụ nữ rằng, từ giờ trở đi, nàng nhất định phải luôn từ mi thiện mục, vẻ dịu dàng đôn hậu phải toát lên từ ánh mắt của mình.

Chữ “Tu” (羞: xấu hổ) có ý tứ gì? Trong văn tự giáp cốt, chứ “Tu” có bộ dương (con cừu) ở bên trái, bộ xú (xấu xí) ở bên phải. Bộ dương rất dài, che đi sự xấu xí. Sau này, trong chữ tiểu triện, bộ dương ở trên và bộ xú ở dưới, là che đi sự xấu xí. Sau này, bộ dương ở trên và bên trái, còn bộ xú ở góc dưới bên phải, đó vẫn là che đi sự xấu xí.

Con cừu tượng trưng cho sự thiện lương, chỉ những người thiện lương mới biết xấu hổ thẹn thùng. Biết xấu hổ chính là ranh giới đạo đức cuối cùng của con người.

Phụ nữ biết e thẹn xấu hổ là vô cùng quan trọng. Nếu một quốc gia hay dân tộc mà người phụ nữ thậm chí còn không biết xấu hổ là gì thì quốc gia đó đã kết thúc rồi.

Từ “Tu” này ở trong các từ: Tu dung, tu nhan, tu sáp (sắc thái)… có nghĩa là dáng vẻ đoan trang, vẻ mặt thẹn thùng, thần thái e lệ bẽn lẽn… Rất nhiều trong số đó là liên quan đến dáng vẻ thể hiện bề ngoài.

Bất kể người con gái này có nhan sắc xinh đẹp đến đâu, nếu cô ấy động chiếc quạt và để lộ ra vẻ đẹp của mình, thì đó cũng là xấu xí, được gọi là không biết xấu hổ.

Bởi vì thế giới này không chỉ có phái nữ, mà còn có nam nhi. Làm người, phải vì người khác mà suy xét.

Khi người phụ nữ để lộ ra vẻ đẹp của mình, bạn có thể không để ý hay suy nghĩ nhiều về điều đó, hoặc không chủ đích có tâm sắc dục, nhưng bạn sẽ khơi lên tâm sắc dục của người nam. Mà khi tâm sắc dục của người nam nổi lên, nó liền chiêu vời ác quỷ đến, làm trầm trọng thêm tâm sắc dục của họ, như vậy sẽ dễ dàng dẫn đến sự dâm loạn bừa bãi giữa nam và nữ.

Một số người sẽ nói, à, vậy thì có quá nhiều ước thúc đối với phụ nữ, nam giới bị động sắc tâm cũng đổ lỗi cho nữ giới sao? Mọi thứ đều là trách nữ giới? Vậy người phụ nữ sẽ không cần gọn gàng nữa, đều cần phải biến thành yêu quái xấu xí mất rồi! Không phải là như vậy.

Diện mạo xinh đẹp là phúc phận trời ban, nếu biết thể hiện một cách chừng mực thì không có gì sai. Năm xưa Thiên Bồng nguyên soái động lòng với Hằng Nga, Ngọc Hoàng cũng chỉ trừng phạt Thiên Bồng, đánh hạ xuống dưới Thiên giới chứ không trách tội Hằng Nga. Vạn sự giảng ở một chữ tâm, đều ở cái tâm này, không phải tại hình thức bề ngoài. Nói cho cùng thì là đạo lý này, là nữ nhi phải giữ gìn trinh khiết — vừa là vì người nam mà suy xét, lại vừa giữ vững đức hạnh của bản thân.

Vào ngày trọng đại khi người con gái xuất giá thành thân, cô ấy đẹp lộng lẫy đến mức khó có thể nói được người nam nào đó sẽ không bị cô ấy thu hút mà khiến họ động lòng, dễ gây ra những phiền toái không đáng có, cho nên cô ấy phải che mặt, cũng được gọi là che giấu sự thẹn thùng xấu hổ của mình. Đây được gọi là một loại thiện lương.

Chữ xấu hổ này, đối với xã hội là phi thường quan trọng, nó có nội hàm cực kỳ thâm sâu, mà hơn nữa “xấu hổ” (羞) và “tu luyện” (修) ở trong chữ Hán là từ đồng âm. Nếu người nữ không biết xấu hổ, trạng thái phong vận của thế giới này thực sự đã đạt đến bước cực kỳ đáng sợ. Bao gồm cả những việc như người nữ theo đuổi người nam bây giờ, nói hơi khó nghe, đó chẳng phải là không biết xấu hổ hay sao? Đương nhiên, về bản chất, vấn đề này cũng không hoàn toàn đổ lỗi cho nữ giới, chính là do văn hóa đã không còn mà dẫn đến hiện tượng này. Người nữ ngày nay rất mạnh mẽ, rất lợi hại, đến đây tôi thật tình không dám nói nhiều nữa, hi hi.

Nhưng bất kể là nam hay nữ, dù bạn trông có vẻ “lợi hại” đến đâu, bạn cũng là con người. Nếu bạn phạm vào Thiên đạo, bạn ắt sẽ bị tiêu đi phúc phần, tài lộc và thọ mệnh, điều này không cần bàn cãi nữa.

Trở lại nghi lễ Khước Phiến (tránh đằng sau chiếc quạt). Chiếc quạt này là đường thông đến thiện lương, người nữ sau khi xuất giá cần phải từ mi thiện mục, sự thiện lương tỏa ra từ ánh mắt, để cô ấy luôn giữ mình hiền thục dịu dàng).

Các vị sứ Thần trên Thiên thượng đều đang ghi chép:

“… Khi cô nương trong khuê phòng thành người phụ nữ, cần phải dịu dàng tử tế, hiền hậu nhu mì từ ánh mắt..”

Một số người không nghĩ rằng các vị Thần đang ghi chép lại những điều này cho chính bản thân mình đâu phải không? Tất nhiên là không phải, họ là Thần, họ đang ghi lại những quy tắc của Thiên thượng để ước thúc nhân loại và quyết định phúc họa trong vận mệnh của mỗi con người nơi thế gian! Là quy tắc điều luật từ Thiên thượng! Chính là Thiên đạo vậy!

(còn tiếp)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/296604

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài