Huyền mộc ký (4-18)
Tác giả: Thoại Bản tiên sinh
[ChanhKien.org]
Ba chữ được truyền mãi đến đời sau chính là “Nhàn Tình phú” (1).
Tiểu Dương Hồi thấy Vô Lưu tiên sinh dùng thư pháp tuyệt đẹp, viết:
Ôi dung nhan lộng lẫy lạ kỳ,
Vẻ đẹp vô song giữa nhân gian rộng lớn.
Khoe nhan sắc khuynh thành say đắm,
Khắp tiếng vang đức hạnh truyền đời.
Ngọc sáng leng keng sánh với vẻ trong veo thuần khiết,
Cùng nhánh lan rừng đua tỏa ngát hương thơm;
Chữ tình nhạt nhòa nơi thế gian dung tục,
Ý chí thanh cao gửi gắm vào những áng mây xa.
Buồn những tia nắng mai dễ dàng tắt lịm trong đêm tối,
Ngậm ngùi rượu lê đắng hay rơi lệ bởi đau thương;
Quay trở về đi với bản nguyên chân thật,
Con đường chỉ mình ta ôm nỗi niềm bất tận thê lương…
(Sau khi Phong Tiềm chuyển sinh thành nhà thơ vào thời Tấn, ông nhớ lại bài thơ đã từng viết ở tiền kiếp, nhờ đó áng thơ “Nhàn Tình phú” sáng tác thuở nào cũng theo đó mà lưu truyền thiên cổ)
Tiểu Dương Hồi hỏi lại:
“Quay trở về đi với bản nguyên chân thật, cô ấy chết rồi à?”
Vô Lưu tiên sinh ngừng bút, gật nhẹ đầu.
“Chữ tình nhạt nhòa nơi thế gian dung tục, Ý chí thanh cao gửi gắm vào những áng mây xa… Điều này có nghĩa là gì vậy, tiên sinh?”
Vô Lưu tiên sinh giải thích:
“Thì giống như là cái tình ủy mị yếu đuối của nữ nhi thông thường thì ở cô ấy lại rất nhạt nhòa đạm bạc, còn ý chí của cô ấy rất thoát tục và cũng rất cao siêu”.
“Ồ, vậy ý chí của cô ấy là gì?” Tiểu Dương Hồi lại hỏi.
“Là bảo hộ cho tất cả chúng sinh muôn dân trăm họ”, Vô Lưu tiên sinh trả lời.
“Ngậm ngùi rượu lê đắng hay rơi lệ bởi đau thương có nghĩa là gì?”
“Có một loại rượu gọi là Lê Hoa Lệ”.
Vô Lưu tiên sinh trả lời xong lại tiếp tục viết:
…Ước làm chiếc cổ áo,
Hưởng dư hương phấn hoa,
Ngủ, áo nàng lại cởi,
Trách đêm thu thật dài,
Ước làm đai xiêm áo,
Thướt tha dải lụa mềm,
Ôm sát mảnh eo thon.
Ôi nóng lạnh dị thường,
Xiêm y nàng thay mới,
Áo cũ nới bỏ đi.
Ước làm dầu dưỡng mượt,
Nhẹ chải mái tóc mềm,
Xõa vai thon mảnh khảnh,
Hờn giai nhân năng gội,
Nước cuốn đi chẳng còn.
Ước làm chỉ kẻ mày,
Vẽ mắt huyền liếc nhẹ,
Phấn sáp chuộng tân kỳ,
Sợ cũ nàng lại bỏ…
Tiểu Dương Hồi đọc bài phú này, kinh ngạc thốt lên:
“Tiên sinh, đây quả là một người con gái rất mỹ miều, rất đặc biệt và rất xuất sắc đó! Đã khiến trái tim ngài phải đau đáu ngưỡng mộ đến mức này!”
Vô Lưu tiên sinh nhếch môi cười nhạt, rồi lại tiếp tục viết:
Ước làm chiếu cói nhỏ,
An Thần thể ba thu…
Tiểu Dương Hồi tròn xoe mắt ngạc nhiên, hỏi:
“An Thần thể ba thu? Cô ấy là Nữ thần sao?”
Vô Lưu tiên sinh ngẩng đầu lên, nhìn chăm chăm vào Tiểu Dương Hồi, đáp:
“Cô ấy chính là cô gái trong bức tranh mà con vừa nhìn thấy, cô bé mặc bộ váy áo màu vàng lông ngỗng, hai bên bím tóc búi cao, vị tiểu cô nương đó đang nghiêng người mỉm cười”.
Tiểu Dương Hồi cảm thấy sững sờ, ngẫm nghĩ giây lát, nói:
“Xem ra bức họa này tuy vô hình tướng nhưng quả thực phi thường mỹ diệu”.
Nói xong, khóe miệng miễn cưỡng nhoẻn lên cười, rồi vẫn cố nài thêm:
“Chưa được, Tiên sinh, con vẫn là muốn thấy dung nhan chân thực của cô gái này! Vô Lưu tiên sinh tài hoa vẹn toàn, ngài đã thấy được vẻ đẹp hoàn mỹ của cô gái ấy, nhất định là cực kỳ xinh đẹp. Con thực sự cũng muốn trông thấy…”
Nhưng bất luận cô có nài nỉ thế nào đi nữa thì Vô Lưu vẫn cự tuyệt không vẽ chính diện khuôn mặt để cô xem.
Lúc này, dì Từ Quang của cô bước vào phòng, nhìn thấy bức tranh, chỉ cần liếc mắt một cái bà liền biết ngay đây là Ngọc Kinh sơn, và thời điểm cũng là lúc bọn họ đương cùng nhau học Đạo ở đây… Đột nhiên, cảm giác thời gian đằng đẵng đã khiến vạn vật vô thường đổi dời theo năm tháng dâng lên một nỗi niềm khó tả tràn ngập trong lòng, khiến bà bất giác rơi nước mắt. Rồi nhân lúc Dương Hồi không để ý, liền mau chóng lau đi, rồi nói:
“Cô nương, đến giờ dùng bữa trưa rồi, chúng ta đi thôi”.
…
Dương Hồi từ trong hồi ức bước ra, thầm ghen tỵ với cô gái trong tranh, lẩm bẩm:
“Nguyện làm chiếc cổ áo! Nguyện làm đai xiêm y. Nguyện làm dầu dưỡng mượt… Vị cô nương này, chắc là nhan sắc phải vô cùng nổi trội, xinh đẹp tuyệt trần khác hẳn số đông mới có thể khiến Tiên sinh khuynh tâm trăn trở đến mức này”.
Nói rồi, một tia đượm buồn cùng cảm giác cô đơn xâm chiếm, như treo trên cặp lông mày cong cong xanh mướt của cô, cô nghĩ:
“Mình đã được tính là thành thân với Trương Hữu Nhân rồi, nhưng anh ta lại luôn thờ ơ lãnh đạm với mình. Không biết có phải tại mình không đủ xinh đẹp hay không đủ đức hạnh hay không…”
“Tiểu thư, chúng ta đi giao đồ cho xưởng thêu thôi!”
“Ừ”.
Dương Hồi và Tịnh Nhi đi đến xưởng thêu, thấy mọi người đang ăn bánh ngọt, bà tổng quản xưởng thêu cầm hai chiếc bánh dúi vào tay cô, nói:
“Thưởng thức xem! Đây là bánh nhân hạt sen tôi mới làm. Thử xem có ngon hay không”.
Khi Dương Hồi nếm thử, thấy vị ngọt mịn tan trong miệng, rất ngon, liền hỏi cách làm. Sau đó, cô mới biết được rằng hôm qua chồng của bà tổng quản đã xuống đầm hái những bông sen tươi, rồi bà tổng quản bóc hạt sen làm thành món bánh nhân hạt sen này.
“Ai da, sáng mai chủ hiệu Từ sẽ đến lấy trang phục, nhưng còn rất nhiều việc chưa làm xong, ma ma, phải tính sao đây?” một thợ thêu thở dài.
Bà tổng quản tỏ vẻ lúng túng, Dương Hồi thấy vậy bèn nói: “Ma ma, tôi sẽ để Tịnh Nhi ở đây giúp các vị nhé!”
“Vậy tốt quá, cảm ơn cô nương đã vất vả rồi”.
Vậy là Tịnh Nhi liền ở lại xưởng thêu để hỗ trợ mọi người.
Dương Hồi một mình quay trở về. Dường như cô cứ muốn tìm kiếm thứ gì đó suốt dọc đường đi, bỗng phát hiện có một cái ao ở phía xa xa, cô bèn hào hứng đi tới.
Lúc này là đầu thu, hoa sen đã rụng cánh. Bát sen hong gió đã khô đi. Thời điểm này hạt sen bên trong rất thích hợp để làm nhân mứt sen nhuyễn.
Dương Hồi nhảy xuống ao, bơi đến chỗ sen tàn, ngắt mấy bát sen khô căng mẩy rồi bơi vào bờ.
Nhưng ngay khi vừa lên bờ, một cơn gió thổi tới khiến Dương Hồi rùng mình, cô ôm những bát sen rồi tất tả chạy về nhà.
Ngay khi vừa về đến nhà, cô bắt bắt đầu làm món nhân sen nhuyễn. Cô bóc vỏ hạt, bỏ tâm sen, giã nhuyễn rồi đem hấp cho chín nhừ…
Làm đến chiều tối thì món bánh nhân hạt sen cũng đã hoàn thành, lúc ấy, những giọt mồ hôi vẫn còn lấm tấm rịn trên vầng trán chưa kịp lau đi, cô đã vội bưng đĩa bánh nhân hạt sen đi lên lầu.
Cô nhìn thấy Trương Hữu Nhân lúc này đang ngủ say sưa, đành không làm phiền anh ta nữa, lẳng lặng đặt đĩa bánh nhân hạt sen bên giường rồi đi xuống.
Khi Trương Hữu Nhân tỉnh dậy, nhìn thấy đĩa bánh bên cạnh giường bèn cầm lên ăn. Anh ta nghĩ:
“Vì sao ba mươi ba quan lần thứ hai vẫn chưa xuất hiện nhỉ? Bây giờ không những quan chưa đến mà nghiệp lực cũng không thấy tới nữa. Kỳ lạ thật…”
Có điều gì kỳ lạ ở đây? Người ở dưới lầu chẳng phải đang ngày ngày tiêu nghiệp vượt quan sao? Dương Hồi ở đây thực sự đã phải đối mặt với những khó khăn dồn dập đang từng bước từng bước bức bách cô…
“Hụ… hụ…”
Không lâu sau khi chìm vào giấc ngủ, Dương Hồi đột nhiên cảm thấy toàn thân lạnh ngắt, cổ họng khô rát ho nhè nhẹ. Cô nghĩ:
“Có thể do hôm nay xuống nước hái bát sen, khi lên bờ bị trúng gió nên nhiễm cảm lạnh rồi. Tịnh Nhi không có ở đây. A Đào A Mặc thì cách đây mấy ngày bảo là dưa ở ruộng sắp chín mà chuột đồng lại liên tục đến ăn trộm nên ban đêm họ đi trông dưa cả rồi, không ai ở nhà cả. Giờ làm sao đây? Thôi được, đành chịu một chút cho qua vậy…”
Cô trùm chăn lên đầu, ngủ thiếp đi và lại bắt đầu mơ thấy giấc mơ quen thuộc nọ…
“Cô ấy muốn độ nhục thân của người tu luyện, thì nhất định phải lấy tiên thân của cô ấy mà trao đổi thôi!”
Một vị Thần nói.
“Vậy ngài hãy đi hỏi cô ấy, hỏi xem cô ấy có đồng ý hay không?” vị Thần khác hỏi lại.
“Không thể hỏi, bởi đây chính là thiên cơ…” vị Thần khi nãy đáp lời.
“Ha ha, thiên cơ? Là toan tính này! Là đố kỵ này! Là nhìn không lọt mắt khi thấy người khác đang từ bi cứu độ được chúng sinh này! Ha ha, không thể hỏi, nếu thực sự là quang minh chính đại thì vì sao không thể hỏi chứ?” Vị Thần kia chất vấn.
“Ta đố kỵ sao? Ta thế nào lại đi ghen tỵ với một tiểu bối vô danh nơi Tam giới chứ? Ta là đang nói về nguyên lý của Thiên thượng. Khi Thần độ con người, làm sao lại không phải phó xuất hay trả giá? Độ nhục thân thì cũng vậy thôi!” vị Thần khi nãy phân bua.
“Vậy ngài sẽ làm gì với cô ấy?”
“Tất nhiên, sẽ phải hiến tế tiên thể của cô ấy cho Bàn đào viên, dùng làm phân bón cho Vườn bàn đào, chỉ có loại Bàn đào này mới độ được nhục thân”.
“Điều này phải tùy thuộc vào ý nguyện của cô ấy có muốn vậy hay không. Nếu cô ấy không đồng ý thì sao có thể làm?”
“Ta cũng không biết nữa. Trước tiên cứ mượn tay Thông Thiên phá hủy Bàn đào viên đã, xem xem cô ấy sẽ làm gì, chẳng phải sẽ biết cô ấy có đồng ý hay không rồi sao?”
“Ông là đang có ý đồ hại mệnh, mưu hại đệ tử của Vô Thượng Vương đó”.
“Ta chỉ đang giúp cô ấy dựng lập uy đức mà thôi!”
Vị Thần kia nghe không thể lọt tai thêm nữa, bèn phẩy tay áo bỏ đi…
Dương Hồi vẫn đang trong cơn ác mộng, không biết rằng có người sắp tới tìm cô…
Ngày hôm đó, Khương Tử Nha quỳ ngoài cửa phòng sư phụ ở Ngọc Kinh sơn, khóc lóc thảm thiết, giống như người bị đuổi khỏi sư môn vậy.
Các sư huynh sư đệ của Tử Nha đều đến cầu xin sư phụ niệm tình, Từ Hàng khẩn khoản xin sư phụ, thưa:
“Sư phụ! Tử Nha khác với chúng ta, anh ta là phàm thai nhục thể, có đầy đủ thất tình lục dục, vọng niệm chấp trước của một con người, nên thường phạm phải sai lầm. Như giờ hắn đã biết sai, mong Người hãy rộng lòng bỏ qua cho hắn!”
Hậu Đôn cũng cầu xin Sư phụ:
“Sư phụ, xin Người hãy nghĩ cách giúp Tử Nha phá thế trận vạn ma này!”
Mọi người cùng nhau thay Khương Tử Nha khi đó đang quỳ ngoài cổng đá mà cầu xin.
Khương Tử Nha khóc lóc thảm thương, hối hận về những việc đã làm, trong lòng thầm nghĩ:
“Vì sao ngay từ đầu mình không chịu nghe lời sư phụ? Sư phụ đã vất vả dạy dỗ, dặn mình không quay lại, không cho mình quay lại, mình cứ ương ngạnh không nghe, cuối cùng vẫn cứ quay lại, rồi còn đem bảng phong Thần ra đánh cược với Thân Công Báo nữa. Thực sự là tội bất kính với sư phụ mà. Sư phụ, đệ tử biết sai rồi, hu hu hu…”
Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với Thư Hạc đang ở trong phòng:
“Con hãy đi ra hỏi hắn, đại nghiệp phong Thần nếu bị phá hủy trong tay hắn, thì tội trạng hình thần toàn diệt này hắn có gánh vác nổi không?”
Thư Hạc lĩnh chỉ, đi ra hỏi Tử Nha:
“Tử Nha, sư phụ hỏi ông, nếu đại nghiệp phong Thần bị phá hỏng trong tay ông, thì tội trạng hình thần toàn diệt này ông có gánh vác nổi không?”
Tử Nha vừa nghe thấy lời này, “hình thần toàn diệt”, vô cùng nghiêm trọng, thì càng gào khóc vật vã hơn, cứ phủ phục ở đó nhất định không chịu đứng lên.
Nguyên Thủy Thiên Tôn thấy Tử Nha cuối cùng đã hiểu được tầm quan trọng trong sứ mệnh của mình, mới bắt đầu lên tiếng, gọi:
“Tử Nha, vào đây đi”.
(Là một người ngoài cuộc, có lẽ bạn sẽ cảm thấy Khương Tử Nha là người kém cỏi vô năng, lại còn khờ khạo ngốc nghếch. Thêm nữa, những lời Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với đệ tử làm sao có thể sai được? Tại sao ông ấy lại không nghe theo? Kỳ thực thì mỗi người tu luyện chủ nguyên thần chúng ta, chẳng phải đều đang giống như Khương Tử Nha này sao? Lời của Sư phụ chẳng phải chúng ta đang không chịu nghe, đang làm bớt xén hoặc thiếu sót hay sao? Bao gồm cả Dương Hồi, người đang tu luyện Đại Pháp trong đời này, chẳng phải cũng đang như vậy… Nhưng Sư phụ luôn hết lần này lần khác từ bi với các đệ tử, tha thứ cho đệ tử, rồi lại hết lần này lần khác gánh chịu vô vàn tội nghiệp thay cho các đệ tử của mình… Sự từ bi hồng đại này, là duy nhất tự cổ chí kim! Thực sự là, dùng hết ngôn ngữ của thế gian cũng không thể nào diễn tả thành lời… Khi viết đến những dòng này, bất giác niềm cảm kích dâng lên trong lồng ngực, những giọt nước mắt lại không ngừng tuôn ra nhạt nhòa khắp mặt mãi không thôi)
(còn tiếp)
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/295816
Chú thích:
(1) Theo hiểu biết của người dịch, tác giả của bài thơ “Nhàn Tình phú” (tiếng Trung: 閒情賦) là Đào Tiềm (陶潛), hay còn gọi là Đào Uyên Minh, tự Nguyên Lượng, (365-427), người đất Tầm Dương đời Tấn, tự hiệu Ngũ liễu tiên sinh. Ông tính tình cao thượng, không màng danh lợi, ham học, giỏi thơ văn. Có giai đoạn ông ra làm huyện lệnh, được hơn 80 ngày, sau sự kiện “Ngũ đấu mễ chiết yêu”, ông trả ấn từ quan. Ông thường nằm ngủ dưới cửa sổ đằng Bắc, tự coi mình là người đời Hy Hoàng, sống cảnh an bần lạc đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui…
“Nhàn Tình phú” là áng tình thơ bất hủ nổi tiếng vượt thời gian do ông sáng tác. Nó vượt qua mọi quy phạm văn chương thông thường, cách viết khoáng đạt bay bổng khơi lên những cung bậc cảm xúc lúc như sóng trào lúc lại êm đềm du dương khiến bài thơ vượt qua hàng ngàn năm đằng đẵng vẫn không hề lạc nhịp cho đến tận ngày nay.
Ngày đăng: 28-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.