Huyền mộc ký (4-14)
Tác giả: Thoại Bản tiên sinh
[ChanhKien.org]
Dương Hồi ngồi xếp bằng trên giường, dán mắt vào cuốn “Trừng Nguyên Đạo Pháp”. Mặc dù thân hình cô im lìm bất động, nhưng ý thức thì đang hoạt động với tốc độ cao.
Cô đọc từ sáng sớm đến khi mặt trời đã treo cao ba con sào, rồi lại từ chính Ngọ đọc liền một mạch đến chiều tối, nhưng vẫn chưa đọc hết một trang thẻ tre, vì sao vậy? Bởi vì cô thấy phía sau mỗi câu trên thẻ tre là một thế giới, phía sau mỗi từ là một tầng trời, còn phía sau mỗi chữ lại là một chốn sầm uất phồn hoa…
“Tiểu thư, em đã mua chỉ thêu như tiểu thư muốn đây này. Hiệu thêu nói họ cần một bức tranh hoa sen, tiểu thư có thể thêu được không?” Tịnh Nhi đã mang kim chỉ đến từ sáng sớm.
Dương Hồi nói:
“Ài, tay ta nay vẫn còn hơi run, thôi chúng ta cứ thử xem sao”.
Đầu tiên Dương Hồi phác họa sơ bộ hình thêu. Lúc vẽ thì không sao, nhưng đến lúc thêu thì bắt đầu cảm thấy hoa mày chóng mặt, hai tay run lẩy bẩy.
Dương Hồi định nghỉ ngơi một lát rồi lại thêu tiếp, nhưng cô không nghỉ ngơi được. Hôm nay khi cô vừa bắt đầu tu luyện thì những tư tâm tạp niệm, chấp trước vọng tưởng, yêu hận tình thù cùng với những nghiệp lực trong tư tưởng… chúng nhất định không muốn để cô được nghỉ ngơi.
Dương Hồi vừa mới nằm xuống liền bắt đầu suy nghĩ đủ chuyện linh tinh. Lúc thì nghĩ về những tháng ngày tươi đẹp ở Dương phủ, lúc lại hồi tưởng về cha mẹ, lâu lâu lại nhớ đến sự đối xử độc ác tệ bạc của thúc phụ đối với mình, có lúc lại nghĩ ngợi về Trương Hữu Nhân, hay ngẫm nghĩ đến những khổ ải hiện nay đang gánh chịu…
Dương Hồi lúc khóc, lúc cười, lúc lại buồn bực rối loạn tâm can, lúc lại bật cười vì sự si tình ngốc nghếch.
Cô đột nhiên phát hiện ra có điều gì đó không ổn, cô nghĩ:
“Tính mình trước giờ vẫn thoải mái vô tư không để bụng chuyện này chuyện kia, sao giờ lại ôm tâm buồn bực đến rơi lệ không kiềm chế được, có lúc lại vì hận thúc phụ cư xử tệ với mình mà nghiến răng giận dữ? Không đúng rồi, là mình không đúng rồi”.
Cô đột nhiên nhớ tới một câu được viết trong sách rằng:
Vạn thiên tư chướng
Tự bản tự phi
Túc thanh túc tịnh
Chân ngô vô tâm
Dịch rằng:
Ngàn vạn chướng ngại tâm
Như thật như hư ảo
Trừ sạch trong, tĩnh lặng
Chân ngã vô “tư tâm”
Dương Hồi đột nhiên hiểu ra, nghĩ thầm:
“Vừa định nằm nghỉ một lát mà những thứ tạp niệm cứ can nhiễu không để mình yên ổn nghỉ ngơi, thôi chẳng thà ngồi dậy thêu tiếp cho xong”.
Cô tiều tụy ngồi dậy, tay cầm kim vẫn còn run nhưng cũng chẳng để tâm, bắt đầu thêu từng chút từng chút một.
Nhưng những chướng ngại trong tâm này vẫn cứ không buông tha, lại tiếp tục dồn lực tấn công cô.
Cho nên ngay khi Dương Hồi vừa thêu, liền bị tâm chướng ngại can nhiễu, khiến đầu kim đâm vào ngón tay, lúc lại thêu nhầm chỗ phải tháo chỉ ra thêu lại.
Dương Hồi cảm thấy bực bội, nhưng cố giữ bình tĩnh, nghĩ bụng:
“’Trừ sạch trong tĩnh lặng’, phải trừ sạch trước đã sau đó mới có thể thanh tịnh tĩnh lặng trở lại được. Trước tiên mình phải phân rõ những chướng ngại trong tâm và cách khai nó ra khỏi chân ngã của mình, thì sau đó mới có thể diệt nó đến kiền tịnh được”.
Dương Hồi vừa thêu trong tư tưởng vừa có những đấu tranh kịch liệt với những ma chướng can nhiễu kia. Mỗi một mũi kim thêu, cô lại nói một lần câu “Chân ngã vô tư tâm” liền giết chết một tạp niệm trong tư tưởng, nhưng tạp niệm kia như từng mũi từng mũi kim tiến tới công kích, nên cô cũng phải từng mũi từng mũi kim kiên trì tiêu diệt nó…
Dần dần, trong lúc bất tri bất giác, đôi tay cô đã không còn run rẩy tự lúc nào…
Tịnh Nhi từ phía sau lưng đi tới, giật mình kinh ngạc thốt lên: “Lưng của tiểu thư ướt đẫm mồ hôi rồi!”
Tịnh Nhi vội vàng bước đến trước mặt để xem sắc mặt của tiểu thư có phải lại tái nhợt, đang gắng gượng tinh thần hay không.
Nhưng kết quả cô nhìn thấy lại là một Dương Hồi với sắc mặt hồng nhuận mịn màng, tay thêu chắc chắn ổn định, đang nắn nót tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ trong tay…
Cô càng thêu càng lúc càng nhanh, càng thêu càng đều mũi, càng ổn định, những chướng ngại trong tâm tưởng từng bầy từng lũ kéo đến, dần dần ít đi, ít đi… cho đến khi không còn nữa.
Trong tâm Dương Hồi dần trở nên tĩnh lặng, trống không, vậy là, cô có thể tập trung toàn bộ tâm trí đặt lên từng mũi thêu, lại từ từ tiến nhập vào một trạng thái khác.
Cô mải miết thêu, đến nỗi quên mất bản thân là một thợ thêu. Trong tư tưởng chỉ còn lại một đầm sen với những đóa tịnh liên trong đó. Bản thân cô như đã hóa thân thành một đóa sen, sau bao nỗ lực đã xung phá lớp bùn nhơ mà vươn lên đón ánh mặt trời, được tắm mình trong vầng dương bao la rạng rỡ và ấm áp…
Có một sự việc còn thần kỳ hơn đã xảy ra. Lá sen và cánh sen thực sự có mạch lạc giống như mạch máu, giống hệt như sen thật vậy! Mà những điều này, bản thân Dương Hồi trong vô thức hoàn toàn không phát hiện ra…
“Xong rồi, cuối cùng cũng đã thêu xong! Tịnh Nhi, em đưa cho bà tổng quản xưởng thêu xem xem, như thế này đã được hay chưa”.
Tịnh Nhi cầm sản phẩm tiểu thư vừa thêu xong đi đến xưởng thêu. Bà chủ phụ trách xưởng thêu vừa hay đi ra ngoài không có ở xưởng, nên cô phải đợi một lúc.
Tịnh Nhi ngồi trong phòng thêu, trên tay cầm bức tranh hoa sen. Một thợ thêu đi qua, dừng lại tĩnh tĩnh ngắm nghía bức tranh hoa sen, hỏi:
“Cô nương, những mạch lạch trên hoa sen này cô thêu thế nào vậy?”
Tịnh Nhi liếc qua bức tranh, đáp:
“Tiểu thư nhà tôi thêu đó, tôi không biết đâu”.
Một lúc sau, có thêm mấy thợ thêu khác đến, cũng quây lại xem, một vị trong đó chạm nhẹ tay vào cánh hoa, hỏi:
“Những mạch lạc trên cánh hoa này được thêu như thế nào a?”
Tịnh Nhi vẫn một mực lắc đầu không biết, nhưng cũng thấy lạ khi có nhiều người hỏi, cô nhìn kỹ lại, phát hiện rằng trừ các đường nét và họa tiết trên hoa sen, còn có những đường chỉ mờ giống như mạch máu lúc mờ lúc tỏ ẩn hiện đan xen dưới các họa tiết này. Đó chính là mạch máu, giống như những mạch máu sống, vô cùng kỳ diệu.
Lúc này, bà chủ xưởng thêu đã trở về, Tịnh Nhi đưa bức thêu cho bà. Bà chủ xưởng vừa thoáng nhìn, ánh mắt đã sáng lên:
“Đóa sen này thật tròn đầy thuần khiết, khí chất ngời ngời bao quanh đóa ngọc liên, gió thổi hiu hiu, cánh hoa e ấp, cong lên cúp nhẹ, thân cây của nó chắc hẳn đã trải qua quá trình tôi luyện bởi phong sương, nên trên thân có những vết loang lổ, tuy nhiên trông vẫn rất khỏe khoắn, thật không thể nào tinh xảo hơn nữa. Mỗi đường kim mũi chỉ dường như đều có những mạch lạc ẩn bên trong đó, giống hệt như thật vậy. Mà góc trên bên phải của bức tranh hoa sen còn đề một câu:
Chân khiết phi hạo
Nãi niết nhi bất tri
Chí thuần phi bất nhiễm
Nê khoả nhi y trừng dã”
Dịch rằng:
Sự thuần khiết không cứ phải trắng trơn
Là đen huyền và không tì vết
Đạt đến độ kiền tịnh vô nhiễm
Nhuốm bùn nhơ mà thân vẫn trong veo
(Sự thuần khiết trong sạch không cứ phải là màu trắng, mà là dù nhuốm màu gì cũng không để mình thực sự chuyển thành đen. Thuần khiết nhất không phải là không bị nhiễm bụi trần ai, mà là dù có bị đẩy lẫn vào bùn nhơ tanh hôi dơ bẩn, vẫn y nhiên giữ được sự trong trẻo sáng ngời)
Cô nương, tôi thực sự rất ngưỡng mộ khả năng thêu thùa của tiểu thư nhà cô đó”, bà tổng quản phụ trách nói với vẻ rất hài lòng tán thưởng.
Rồi bà lại hỏi:
“Tiểu thư nhà cô còn giỏi thêu những món gì?”
Tịnh Nhi nói:
“Tiểu thư tôi giỏi thêu nhiều thứ, nào là hạc tiên này, mây bay này, ngư phủ, thuyền con, sông núi, ngựa phi nước đại, và cả những ngọn sóng lớn cuộn dâng nữa đó…”
“Đó không phải là những thứ hoa cỏ mà các cô gái thường thích thêu” bà tổng quản nói.
“Cô ấy còn giỏi thêu hoa sơn trà và trúc xanh nữa” Tịnh Nhi nói thêm.
Trong đó có một vị thợ thêu hỏi:
“Vậy thêu đôi uyên ương thì sao?”
“Ừm… chắc là cũng được”.
Nhưng bà tổng quản lại lắc đầu, mỉm cười nói:
“Cô ấy sẽ không thích thêu uyên ương yến nhạn gì đâu, cô ấy là người có tính khí khoáng đạt cởi mở, tôi đoán đúng không?”
Tịnh Nhi hơi có chút ngại ngùng, đáp:
“À, tiểu thư ít khi thêu, nhưng cũng biết thêu thùa, ừm… bà có muốn lấy bức tranh hoa sen này không?”
“Tôi muốn chứ, cô cầm lấy tiền đi”.
Tịnh Nhi mừng rỡ nói:
“Đa tạ bà tổng quản!”
“Đồ thêu của tiểu thư nhà cô rất độc đáo, không chỉ đẹp mắt mà còn có ý nghĩa rất hay nữa, sau này cô nương cứ mang đồ thêu của cô ấy đến chỗ ta”.
Bằng cách này, gia đình cuối cùng đã có thu nhập. Tuy Dương Hồi nằm trên giường bệnh nhưng vẫn không ngừng tu luyện tâm tính trong từng đường kim mũi chỉ, liên tục đề cao tầng thứ.
Vào một ngày nọ, Dương Hồi bỗng nghe thấy tiếng ồn ào trên lầu, lát sau, A Đào chạy xuống, nói với cô:
“Phu nhân, tôi thực sự không cố ý…”
Hóa ra, là do A Đào A Mặc không để ý nên đã lấy những món mà Tịnh Nhi chế biến để tẩm bổ cho Dương Hồi đem cho Trương Hữu Nhân dùng. Khi Tịnh Nhi lên đòi lại thì Trương Hữu Nhân đã ăn mất rồi. Tịnh Nhi nhất định không chịu bỏ qua, cứ khăng khăng yêu cầu Trương Hữu Nhân trả lại.
Dương Hồi vội vàng xuống giường, đi lên lầu, chứng kiến được cảnh tượng Tịnh Nhi đang sa sả quát mắng Trương Hữu Nhân:
“Anh đúng là cái đồ bỏ đi vô dụng! Tiểu thư nhà ta khi gả vào nhà anh cái ăn cái uống thiếu thốn đủ thứ đã đành, chúng tôi còn phải tự nuôi sống bản thân cũng chưa thèm kể công với anh đâu, đã thế lại còn phải nuôi ăn thêm cả anh nữa à!”
“Tịnh Nhi! Em từ lúc nào lại trở nên lợi hại đến thế? Vẫn dám mắng mỏ người khác ư? Cẩn thận không lại bị Hắc linh biển nghiệp đến bắt đi đó!” Dương Hồi lên giọng giáo huấn Tịnh Nhi một tràng.
Lúc Dương Hồi vừa lên đến trên lầu, nhìn thấy Trương Hữu Nhân, cảm giác đã khá lâu chưa gặp anh ta, nhiều ngày rồi không gặp, cảm giác có chút nhớ nhung, vậy nên hôm nay gặp lại, bất giác cặp lông mày lại cong lên, khóe miệng cũng vô thức nhoẻn lên cười.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Trương Hữu Nhân, trong lòng cô lại có ý quan tâm lo lắng đến anh ta, nhìn anh ta chằm chằm hồi lâu rồi mỉm cười hỏi:
“Nay tôi khỏe lại rồi, anh muốn ăn món gì để tôi đi làm cho”.
(Tình huống này đại khái gọi là “Vết thương đã lành liền quên mất nỗi đau”, nói đùa một chút, nếu Vương Bảo Xuyến mà gặp cô, thì e cũng sẽ bỏ mớ rau dại xuống mà bái cô là “tiền bối”)
Trương Hữu Nhân liền đồng ý, đáp: “Được a”.
Đây thực sự là trường hợp hiếm thấy lâu nay, một người thực sự hỏi còn người kia đã thực sự mạnh dạn gật đầu.
Tịnh Nhi lắc đầu rồi đi xuống cầu thang, càu nhàu:
“Đã là món nợ nghiệt từ kiếp trước thì muốn quản cũng chẳng được”.
Tịnh Nhi giận sôi ruột bước ra sân, vừa đi vừa lầm bầm cáu kỉnh:
“Lưng còng chân cong! Lôi thôi bẩn thỉu! Lại ngốc nghếch đần độn và vô tình máu lạnh! Khẩu vị của tiểu thư thực sự rất độc đáo mà! Biết thế năm xưa chẳng thà để cho thổ phỉ nó bắt đi còn hơn! Ài dà……”
“Tịnh Nhi cô nương!”
Tịnh Nhi quay đầu lại, đó chính là người đàn ông có nước da ngăm ngăm bánh mật, là đầu sỏ của đám thổ phỉ kia.
Anh ta cười hi hi hớn hở chạy về phía Tịnh Nhi…
(còn tiếp)
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/295680
Ngày đăng: 15-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.