Huyền mộc ký (4-05)



Tác giả: Thoại Bản tiên sinh

[ChanhKien.org]

Lại nói về nguyên thần của cô bé Dương Huệ Hy vừa rời thân thể, liền sực nhớ ra vị đạo sĩ đang đứng trước mặt hình như là sư phụ của mình bèn hỏi ngài, Nguyên Thủy Thiên Tôn cười đáp:

“Là sư phụ đây, sư phụ đến tìm con”

Cô bé mỉm cười mừng rỡ, vừa định dập đầu lạy tạ sư phụ thì Nguyên Thủy Thiên Tôn nói tiếp:

“Đồ nhi, trước tiên ta sẽ phong ấn để lưu lại những ký ức của con, sau đó sẽ phong bế một số huyệt vị của con. Bây giờ vẫn chưa phải thời điểm thích hợp để con tu luyện”

Nguyên thần trả lời: “Hết thảy đều xin nghe Sư phụ an bài”.

…………

Như vậy, “bệnh” của Dương Huệ Hy đã được lão đạo sĩ chữa khỏi. Lão đạo còn dặn dò:

“Cô gái này có tướng mạo hoàng hậu của bậc đế vương, các ngươi phải dốc lòng dạy bảo cho cẩn thận”

Như vậy, Nguyên Thủy Thiên Tôn đem theo Phong Tiềm và Từ Hàng đi xuống, làm hai vị thầy của Dương Huệ Hy. Đây chính là hai vị Vô Lưu tiên sinh và dì Từ Quang trong ký ức của Dương Huệ Hy.

Kể cũng lạ, Trương phủ của Thanh Long quan và Dương gia là chỗ thâm giao, còn đứa trẻ trong gia đình này lại bị si ngốc đần độn từ lúc lọt lòng.

Đại công tử của Trương phủ năm đó lên bảy thì tình cờ cũng có một lão đạo sĩ tìm đến, phán rằng: “Đứa trẻ này có tướng mạo của bậc đế vương, nên phải theo ta tu luyện”.

Lão đạo sĩ này không ai khác chính là Hồng Quân Lão Tổ. Vào lúc lão định mang công tử đi, Trương phu nhân đau buồn quá mức khóc lóc thảm thiết bi thương.

Hồng Quân Lão Tổ vỗ về: “Phu nhân hãy chớ bi thương, nơi tu luyện này nằm ngay bên ngoài núi Thanh Long, nếu cần liên lạc các vị có thể gửi thư cho nhau là được”.

Trương phu nhân vẫn chưa yên tâm, bèn sắp xếp rất nhiều gia quyến tùy tùng theo Trương Hữu Nhân cùng đi tu luyện.

Lại nói về ốc đảo Trương gia ở núi Thanh Long bên ngoài Thanh Long quan, nơi này là cảnh giới do Hồng Quân Lão Tổ huyễn hóa ra để cung cấp môi trường cho hai phó nguyên thần tu luyện. Mười năm trước một phó nguyên thần đã đến đây, mười năm sau lại đón thêm một phó nguyên thần khác.

Về phần Dương Huệ Hy, sau khi tỉnh lại sau cơn bạo bệnh vào năm bảy tuổi, tính tình của cô đã trở nên khác hẳn trước kia.

Trước đây cô bé thường thích chơi búp bê vải, thích chơi trò hái hoa đuổi bướm. Nhưng kể từ khi khỏi bệnh, sở thích của cô đã trở nên rất khác. Cô thích đua ngựa, thích cưỡi ngựa bắn cung, hoặc lẻn vào trong quân doanh của phụ thân để quan sát việc thao luyện quân binh. Vì vậy, biệt danh “Thái Hoa cô nương” đã sớm bị đổi thành “Tái Hoa cô nương”.

Nhưng may mắn là vẫn có Vô Lưu tiên sinh dạy cô thi, thư, lễ, nhạc, còn dì Từ Quang dạy cô công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, cho nên cô bé khi lớn lên đã trở thành một tiểu thư khuê các nổi danh là tài sắc vẹn toàn. Hai người họ ở bên cạnh dạy cô như vậy liên tục trong suốt bảy năm.

Vào sinh nhật lần thứ 14 của Dương Huệ Hy, sứ mệnh của Vô Lưu và Từ Quang đã hoàn thành nên hai người từ biệt rời đi.

Sau khi hai vị thầy giáo rời đi thì phụ mẫu của cô cũng theo nhau đổ bệnh và trong vòng ba năm lần lượt qua đời.

Vì Dương phủ suất đinh không vượng, không có đích tử (trưởng nam của vợ cả), cũng không có thứ tử (trưởng nam của vợ thứ), chỉ có một đích nữ (trưởng nữ của vợ cả). (Thật ra, khái niệm về vợ và thiếp vào thời điểm đó có chút mơ hồ, nên trưởng nữ của người vợ cả sẽ tạm thời được gọi là đích nữ). Bởi vì vị trí hầu tước cũng có thể thừa kế cho đích nữ, cho nên thúc phụ của Dương Huệ Hy vì muốn tranh giành tước hiệu này đã quản thúc cô tại gia, sau đó tìm cách ép cô xuất giá.

“Thúc phụ, ngài giam lỏng con ở đây, chẳng qua cũng chỉ vì vọng tưởng ham muốn vinh hoa phú quý ở chốn nhân gian này, con đã nói nhiều lần rồi, rằng con không có hứng thú với những thứ đó. Con chỉ muốn một con ngựa, ngài hãy để con được tự do, còn lại, tất cả đều là của thúc”.

“Huệ Hy, không phải là ta không muốn ngươi được tự do, mà là những thuộc hạ cũ của phụ thân ngươi sẽ không đứng yên nhìn ngươi ra đi chỉ với con ngựa và hai bàn tay trắng”.

“Ha ha, con người đã thực sự bị trói buộc, bị vây khốn trong danh lợi, thực là điểm yếu chí mạng ngu xuẩn nhất của con người”.

“Ha ha ha, nói cứ như thể ngươi thì không cùng một giuộc với những con người thế gian chúng ta vậy. Vài hôm nữa, ta sẽ gả ngươi đến Thanh Long quan. Trương tổng binh sẽ đối xử tối với ngươi, còn giờ thì hãy ngoan ngoãn nghe lời đi!”

“Hừm! Dục vọng xác thịt là vô cùng dơ bẩn! Con không muốn lấy chồng! Không muốn kết hôn!…”

“Đem con ranh này trói lại cho ta! Trông chừng nó cho kỹ vào đó!”

Huệ Hy thoát ra khỏi dòng hồi ức, đống lửa ở trước mặt đã tàn, còn Tịnh Nhi thì đang dựa vào cửa động ngủ ngon.

Cô ngẩng lên nhìn ngắm bầu trời, dải ngân hà trong thinh không bao la với vô vàn những vì sao đang tỏa ánh sáng lung linh nhấp nhánh. Dưới ánh sáng trong trẻo rực rỡ kia, mặt đất dường như càng trở nên mênh mang vô tận.

“Những thứ dù cao lương mỹ vị hay gấm vóc lụa là của con người thế gian nếu đem ra so với sự tự do tự tại này thì quả thực chẳng đáng giá gì”, Huệ Hy vui vẻ cười thầm.

Sau một hồi suy tư, Huệ Hy leo lên mình ngựa, thong dong ruổi ngựa đi dạo dưới vầng trăng sáng bàng bạc miên man.

Vó ngựa đạp trên vùng thảo nguyên hoang vu rộng lớn, lội qua những con suối nhỏ, băng qua bạt ngàn rừng cây…

“Cà rục cà rục, cà rục cà rục…”

Huệ Hy lắng tai nghe tiếng vó ngựa phi ngày càng nhanh, đã lâu rồi cô không có được cái cảm giác thoải mái và tự do tự tại đến nhường này. Cuối cùng cô đã có thể mỉm cười vui vẻ.

Bất chợt, Huệ Hy ngửi thấy phảng phất đâu đây mùi hương hoa thoang thoảng từ dưới đất bay lên, nàng cúi xuống nhìn, phát hiện nơi vó ngựa chạy qua là những vệt hoa đang thi nhau nở rộ.

Huệ Hy dần dần nhận ra ốc đảo Trương gia này quả thực là nơi có rất nhiều điều thần kỳ bí hiểm, nhưng nàng không để tâm lắm, thoải mái ngả người nằm rạp xuống lưng ngựa, ngâm nga:

“Ngân hà kia mênh mang, thương khung kia sâu thẳm
Ngỡ như trong giấc mộng lạ kỳ, lạc vào lưới trần ai đầy bụi bặm
Ảo diệu thay là xứ sở này, chẳng giống ngoài kia chốn nhân gian tục thế
Duyên cớ nào trong hành trình sinh mệnh, đẩy đưa ta phải phiêu bạt lang thang
Từng ngóc ngách trong tâm hồn vui vẻ, dưới vó ngựa này, những đóa hoa thoang thoảng tỏa hương thơm…”

Huệ Hy mỉm cười, ngồi thẳng dậy, nắm chặt dây cương, giục ngựa phi nước đại phóng đi.

“Chi…à! Chi…à! Chi…à! Chi…à…..”

Tiếng giục ngựa vang lên. Ngựa lao đi càng nhanh, những bông hoa dưới vó ngựa lại bừng nở càng nhanh. Huệ Hy cảm thấy rất thú vị, liền mượn những móng ngựa này vẽ lên những bức tranh trên mặt đất.

Nàng cúi xuống ghé vào tai ngựa, ra lệnh: “Nhật Nguyệt Sơn Hà”.

Chú ngựa liền ngoan ngoãn phối hợp với cô, nó dùng móng guốc bước đi để vẽ lên mặt trời, mặt trăng, núi cao, sông lớn. Bức họa vẽ từ guốc ngựa, dùng những bông hoa nhỏ làm mực vẽ, chỉ một lúc sau, bức tranh phong cảnh trời trăng sông nước đã hình thành, hiện lên sống động mồn một trên cả vùng đại địa rộng mênh mang.

Huệ Hy lại nói: “Ngư Chu Xướng Vãn (Tiếng ca của ngư phủ trên thuyền đánh cá lúc hoàng hôn)“.

Rất nhanh sau đó, cảnh hoàng hôn với ráng chiều vàng nhàn nhạt, một chiếc thuyền con và ông lão đánh cá lại hiện ra sinh động.

Huệ Hy rất phấn khích, tiếp tục ra lệnh: “Phượng vũ ngô đồng”.

Một bức tranh khác lại dần dần cuộn mở ra trước mắt.

Cứ như vậy, Huệ Hy và chú ngựa vẽ hết bức này sang bức khác cho đến khi ngựa đã thấm mệt còn Huệ Hy thì nằm trên lưng ngựa ngủ thiếp đi…

Khi trời tảng sáng, Huệ Hy từ từ tỉnh dậy trên lưng ngựa, đang lúc mơ màng chưa tỉnh hẳn thì cô nhìn thấy tấm biển: Trương phủ biệt viện.

Huệ Hy nghĩ: “Mình đã đi lòng vòng mãi rồi giờ lại trở về đây, vậy cũng nên vào thăm xem Trương Hữu Nhân thế nào”.

Huệ Hy vừa nước qua cổng thì nhìn thấy khói bốc ra từ căn bếp, vừa tiến đến liền nhìn thấy hai tùy tùng đang nấu ăn.

A Đào nhìn thấy Huệ Hy thì rất mừng rỡ, reo lên: “Tiểu thư đã trở lại rồi! Tôi biết tiểu thư thế nào cũng sẽ trở lại mà!”

Huệ Hy hỏi: “Làm sao ngươi biết ta sẽ trở lại?”

A Mặc nhanh nhảu nói chen vào: “Bởi vì đơn giản là không thể đi ra được thôi, cô không trở lại thì còn có thể đi đâu!”

“Ha ha ha ha!” Huệ Hy che miệng cười lớn.

A Đào, A Mặc nghĩ thầm: “Sao tiếng cười này nghe quen thuộc thế, như thể là đã từng nghe thấy ở đâu rồi thì phải”.

“Công tử nhà các ngươi thế nào rồi? Thân thể anh ta đã hồi phục hẳn chưa?”

“Công tử đã tỉnh táo rồi, chúng tôi đang làm bữa sáng cho ngài ấy đây”.

Huệ Hy nhìn vào nồi, chỉ thấy mấy miếng khoai và một chút canh rau dại, trông rất đạm bạc.

“Ta sẽ đi kiếm một chú gì ngon ngon về cho các vị!”

Nói xong, cô liền quẩy ngựa bỏ đi.

A Đào hỏi: “Ngươi có nghĩ rằng đã từng nhìn thấy cô ta ở đâu rồi không?”

A Mặc cũng hỏi lại: “Ngươi có cảm thấy đã từng nghe thấy tiếng cười này ở đâu rồi không?”

Một lúc sau, Huệ Hy trở lại, một tay xách con thỏ rừng, tay kia cầm mấy cành thù du đang cưỡi ngựa trở về.

“Hai người nhóm lửa đi, chúng ta nướng thỏ ăn thôi, ta đi kiếm chút ớt tiêu”.

A Đào A Mặc liền vui vẻ nhóm một đống lửa, Huệ Hy thì đem thỏ lột da rồi treo lên nướng trên lửa.

Thấy thỏ đã nướng gần chín, Huệ Hy dập bớt lửa, giã nát cây thù du rồi rải lên phần củi đã dập lửa, để tàn lửa này hun cho cây thù du bốc khói thơm lên xông vào phần thịt thỏ đang treo bên trên. Lại tiếp tục giã dập ớt tiêu, thêm chút muối bột rồi rắc lên thịt thỏ đã giòn tan lớp da bên ngoài mà chín rục phần thịt bên trong.

A Đào A Mặc ngửi thấy mùi thịt thơm lừng thì ứa nước miếng, A Đào tấm tắc khen: “Tiểu thư, tài nấu nướng của cô quả là xuất sắc đó! Thật là thơm quá đi!”

A Mặc chặn ngang: “Đây là tiểu thư nướng cho thiếu gia ăn đó, sao ngươi ham ăn thế?”

A Đào đáp lại: “Nói như thể ngươi thì không ham ăn vậy, đừng có lúc nữa lại lén ăn vụng đó!”

Huệ Hy nghe thấy hai tùy tùng rất hài lòng với đồ ăn cô nấu, liền bật cười ha ha. Ba người vừa ăn vừa nói cười tíu tít. Huệ Hy đột nhiên cảm thấy hình như có người đứng sau lưng. Vừa định quay lại thì đã nghe thấy một giọng nói trầm ấm nhưng cũng rất lạnh lùng:

“Ngươi làm gì vậy? Còn chưa ăn đủ no hay sao?”

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/295346



Ngày đăng: 13-03-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.