Thắp sáng ngọn đèn tâm (38): Từ bi đối đãi người khác, tránh được thị phi
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Khi một người sống trên đời chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà tranh mà đấu, thì sẽ đưa đến những tranh chấp và oán hận không hồi kết. Những oán hận này sẽ lại không ngừng tích tụ thành những ác duyên, và sản sinh vô số chuyện thị thị phi phi không thể lý giải trong xã hội hiện thực. Vậy nên cách để tránh xa thị phi tốt nhất chính là khoan dung nhường nhịn, đồng thời trong mọi thời khắc đều bảo trì một tâm thái từ bi tường hoà. Chỉ cần bạn đối đãi với người khác một cách khiêm cung lịch sự, làm việc gì cũng thể hiện ra sự tôn trọng người khác, “tìm chỗ khoan dung được mà tha thứ cho người” thì sẽ không khó để tránh xa vòng xoáy thị phi.
“Hoà khí sinh tài lộc” tuy là câu nói không có gì mới mẻ, nhưng nếu suy ngẫm kỹ thì lại là một đạo lý vô cùng thực tế. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, tôi từng làm việc tại một phòng nghiên cứu của thành phố Tây Ninh tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Vì nhà ăn của đơn vị không cung cấp bữa sáng, nên hàng ngày vào sáng sớm tôi đều đến một quán ăn nhỏ gần đơn vị để ăn bánh quẩy và uống sữa đậu nành. Một hôm khi đang ăn sáng, tôi bất cẩn làm rớt vỡ đĩa bánh quẩy, ông chủ tiệm mặt mày hung tợn lập tức nổi trận lôi đình. Tôi vội vàng bước tới thành tâm xin lỗi, nói mình không cố ý làm vỡ và lấy ra hai đồng tiền để bồi thường. Nếu tính theo vật giá thời ấy, hai đồng tiền mua một chiếc đĩa mới thì vẫn còn dư. Tuy nhiên ông chủ vốn xuất thân côn đồ lại không vừa lòng, cứ bắt tôi bồi thường 10 đồng tiền mới chịu cho đi. Rất đông người xem xung quanh đều tỏ vẻ bất bình, cho nên có người đứng ra hoà giải, khuyên can thiệt hơn để tôi trả 5 đồng cho ông ta. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, tôi nghe nói ông chủ quán ấy lại vì chút chuyện vặt vãnh mà có tranh chấp với một nhóm côn đồ lưu manh khác và bị đâm liên tiếp năm nhát dao đến nỗi tàn phế suốt đời.
Mấy năm sau, một sự việc tương tự đã xảy ra tại một cửa hàng đồ ăn nhanh ở Tokyo, Nhật Bản. Một phụ nữ trung niên bế con bước vào trong cửa hàng gọi một tô mì sợi, bà còn chưa kịp nhấc đũa lên, thì đứa con của bà đã đưa tay hất đổ tô mì đang nóng xuống đất, chiếc tô cũng vỡ toang. Người mẹ lập tức xin lỗi và rút ví ra chuẩn bị bồi thường. Người chủ cửa hàng cũng là một phụ nữ trung niên, bà điềm đạm nói với người mẹ rằng: “Không sao cả. Đứa trẻ không phải cố ý, chúng tôi không bận tâm đâu. Chị không cần bồi thường, tôi sẽ đổi cho chị một tô mì khác”. Người mẹ cảm thấy hết sức áy náy, cảm động vô cùng, liên tục nói lời cảm ơn. Sau này người mẹ đó đã giới thiệu cửa hàng ăn nhanh này với những người bạn của mình, từ đó cửa hàng đồ ăn nhanh vốn không có tiếng tăm này đã trở nên ngày càng đắt khách, việc làm ăn cũng càng ngày càng phát triển.
Vào thời Trung Quốc cổ đại có ông Vưu mở tiệm cầm đồ trong thành. Một ngày cuối năm nọ, ông bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng huyên náo, bèn đi ra coi xem có chuyện gì. Hỏi ra mới biết là một người hàng xóm nghèo của ông đang giằng co với người phụ việc của mình, chưa rõ sự tình ra sao. Người phụ việc đứng ở quầy phẫn uất nói với ông Vưu: “Người này dùng áo quần thế chấp lấy tiền, lại đi tay không đến nhận lại, con không đưa cho hắn, hắn liền lớn tiếng chửi bới. Ông nói xem, trên đời này có loại người vô lý vậy không?” Người hàng xóm nghe xong vẫn khí thế đùng đùng, không những không chịu rời đi, trái lại còn ngồi luôn trước cửa tiệm. Ông Vưu thấy cảnh này, trầm tĩnh nói với người hàng xóm nghèo rằng: “Ta biết ông làm như vậy chẳng qua là để qua ải năm mới. Chuyện nhỏ như vậy đáng để tranh cãi đến đỏ mặt tía tai vậy không?” Do đó ông bảo người phụ việc của mình tìm những đồ thế chấp của người hàng xóm kia ra, tổng cộng có bốn năm món đồ gồm áo quần và màn mùng. Ông Vưu cầm chiếc áo khoác bông trong đống đồ ra nói: “Cái áo này không thể thiếu để giữ ấm”. Lại lấy ra một cái áo khoác ngoài nói: “Cái này để ông mặc lúc đi chúc Tết, những thứ khác không cần gấp, cứ giữ lại ở chỗ tôi đây, đợi khi ông có tiền thì hẵng đến lấy”. Người hàng xóm nghèo lấy được hai chiếc áo, ngại ngùng không gây chuyện nữa, chỉ đành rời đi.
Không ngờ trong đêm hôm đó, người đàn ông nghèo túng này đã chết ngay trong nhà của người khác. Thì ra ông ta có vụ kiện tụng với người khác trong hơn một năm qua, nợ nần quá nhiều nên không thiết sống nữa. Thế nhưng ông lại nghĩ mình chết đi, vợ con sẽ không còn chỗ dựa, do đó ông uống thuốc độc trước, rồi cố ý tìm chuyện gây sự. Ông biết nhà ông Vưu rất giàu có, nên muốn bắt bớ chút tiền để thu xếp công việc gia đình, kết quả lại bị cách đối xử lấy thiện đãi người của ông Vưu hóa giải. Ông ta tìm không được người để trút giận nên đã chuyển đến gây sự với một gia đình khác. Cuối cùng gia đình đó đành phải tự chấp nhận sự xui xẻo này, ngoài việc lo tang sự cho ông ra, còn phải trả một khoản “tiền bồi thường tinh thần” nữa.
Sau sự việc, có người hỏi ông Vưu, lẽ nào ông đã tiên tri biết trước nên mới dung nhẫn gã nghèo khó kia đến vậy? Ông Vưu trả lời: “Hễ là người vô cớ kiếm chuyện, nhất định là có chỗ dựa. Nếu việc nhỏ mà không thể nhẫn chịu, thế thì tai họa sẽ ập xuống”. Từ đó thấy được rằng, một người dù không thể đoán biết trước sự việc, nhưng chỉ cần có tấm lòng khoan dung, từ bi đối đãi người khác, thì có thể tránh xa được thị phi và tai họa.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975
Ngày đăng: 20-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.