Thắp sáng ngọn đèn tâm (21): Bước ra khỏi tình si



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

“Tình” là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của con người trên thế gian này. Tình thân, tình bạn, tình yêu mà chân thành và tha thiết thì xác thực có thể trở thành động lực để con người phấn đấu tiến lên, là những tình cảm đáng được thế nhân trân trọng. Tuy nhiên, “tình” cũng là thanh kiếm hai lưỡi đối với con người, có câu nói: “Tự cổ đa tình không dư hận” (tạm dịch: Từ xưa tới nay, người đa tình thường chỉ lưu lại mối hận); kỳ thực phần lớn thế nhân đều minh bạch đạo lý này: đao kiếm có thể làm tổn thương người, cũng có thể làm tổn thương tình cảm giữa người với người. Chỉ là con người sống trên đời này không thể thoát khỏi sự trói buộc của sinh, lão, bệnh, tử, lại thêm việc phải chịu đựng nhiều khổ nạn trong cuộc sống, cho nên nếu không gây mê bản thân một chút bằng tình cảm thì sẽ khó tìm thấy niềm vui nào trong cuộc sống. Vì vậy, ngay cả những người đã trải qua nhiều thất bại về “tình” cũng vẫn không thể thoát khỏi tình si. Đối với những người không tu luyện, ý nghĩa của việc sống chính là chấp trước chạy theo lợi ích vật chất và đắm chìm trong cái “tình” để tận hưởng mọi cảm giác đắng cay ngọt bùi.

Cái “tình” của con người có thể chia thành nhiều loại: sự quan tâm yêu thương cha mẹ và con cái được gọi là tình thân; lòng ái mộ giữa vợ chồng và giữa người yêu nhau được gọi là tình yêu; sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau giữa bạn bè được gọi là tình bạn; sự lưu luyến quê hương có thể được gọi là tình quê hương, v.v. Tuy nhiên, dù là loại tình nào thì cũng có thể gọi đó là “tư tình”. Bởi vì người nặng tình thường dễ mất đi lý trí nên sẽ không thể chí công vô tư được. Nếu “tình” quá nặng, các thẩm phán tại tòa án sẽ không thể xét xử các vụ án một cách công bằng ngay chính; nếu “tình” quá nặng, các quan chức có quyền có thế sẽ lợi dụng quyền lực trong tay để đạt lợi ích cho cá nhân. Trong cái gọi là cuộc sống hiện thực, con người không thể nhìn thấu bản chất của “tình”; về mặt tình cảm, có được thì vui mừng, không có được thì khó chịu, mất đi rồi thì vô cùng đau khổ; có rất nhiều người cả đời bị cái “tình” làm cho mệt mỏi, khốn đốn, cứ mãi rối loạn trong cái đúng đúng sai sai của “tình”; thậm chí người si “tình” còn có thể tự tử vì “tình”. Tuy nhiên, rất ít người nghiêm túc xem xét bản chất của “tình” là gì, do đó dẫn đến việc nhiều người không đụng vào được mà cũng không bỏ xuống được cái “tình” ấy.

Thế nhân đều vô cùng trọng “tình”, nhưng “tình” lại là thứ không đáng tin cậy nhất. Thế nhân không thể nhìn thấu và cũng không muốn nhìn thấu bản chất của “tình”. Có thề non hẹn biển, kết quả cuối cùng vẫn là mỗi người một ngả; có say mê tha thiết, kết quả cuối cùng vẫn là bị bỏ rơi một cách vô tình.

Tôi từng chứng kiến câu chuyện về một người đàn ông bị tai nạn giao thông và không thể tự chăm sóc bản thân sau khi bị thương. Vợ anh không hề ghét bỏ anh mà dốc lòng chăm sóc cho cuộc sống hàng ngày của anh, khi đó anh đã bật khóc vì biết ơn và thề rằng sau này dù có làm trâu làm ngựa cũng phải báo đáp ân tình của vợ. Tuy nhiên, cũng chính người đàn ông này, chỉ một năm sau khi bình phục vết thương, đã ngay lập tức ép người vợ tào khang của mình phải ly hôn vì anh có mối quan hệ ngoài luồng. Tất nhiên, trong thế gian này cũng có nhiều người yêu nhau trọn đời và có cái kết tốt đẹp, chỉ là tình cảm của con người thường rất mong manh trước những thử thách khắc nghiệt như sống, chết, giàu, sang, v.v.

Ý nghĩa thực sự của đời người là phản bổn quy chân. Con người nếu không tu luyện thì sẽ bị cái “tình” làm mê, vĩnh viễn cũng không thể thoát khỏi sự vây khốn, quấy nhiễu của “tình”. Con đường duy nhất để bước ra khỏi tình si chính là tu luyện, sau khi tu bỏ được cái “tình” của con người thì thay vào đó chính là lòng từ bi của bậc Giác Giả. Nội hàm của lòng từ bi chính là thiện đãi với tất cả chúng sinh trong thiên hạ (kể cả những người thân của mình), chứ không phải chỉ thiện đãi với những người mà mình có tình cảm nữa. Biểu hiện cụ thể của lòng từ bi là “lấy đức báo oán” chứ không phải là “dùng ác trị ác”, dùng thiện tâm để cảm hóa thế nhân chứ không tính toán những việc sai, việc xấu mà thế nhân từng làm. Do đó, so với cái “tình” của thế nhân thì lòng từ bi là công chính vô tư, đó là một trạng thái tư tưởng cao thượng hơn và vượt xa mọi loại tình cảm của con người, chỉ các bậc Giác Giả đã bước ra khỏi tình si thì mới có lòng từ bi. Ví dụ, Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa Giê-su hạ thế độ nhân, họ đã đối xử với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và có địa vị xã hội khác nhau một cách công bằng và thiện lương. Các vị ấy đã không chỉ cứu độ người thân của mình ở thế gian, mà còn cứu độ rất nhiều người từng làm điều rất xấu nhưng biết ăn năn hối lỗi và cả những người có địa vị thấp trong xã hội. Từ bi chính là bác ái, là một tấm lòng trao đi và phó xuất quên mình.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 21-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.