Thắp sáng ngọn đèn tâm (34): Sự tôn trọng bắt nguồn từ đạo đức cao thượng
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Sự tôn trọng của một người dành cho người khác bắt nguồn từ đạo đức cao thượng của đối phương, hoàn toàn không liên quan đến tiền bạc, của cải hay quyền lực. Tiền không thể mua được sự tôn trọng. Trong xã hội hiện thực, có rất nhiều thương nhân gian trá và quan chức tham nhũng cho rằng khi đã có tiền và quyền thì có thể sở hữu mọi thứ, thậm chí còn huênh hoang tự đắc, khinh thường người nghèo. Thế nhưng họ lại không thể nào nhận được sự công nhận và tôn trọng thật lòng từ người khác, bởi lẽ sự tôn trọng chân thành giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự cảm phục trước phẩm chất đạo đức cao quý và cảnh giới tư tưởng cao thượng.
Thời cổ đại Trung Quốc, từng có một gian thương vô cùng giàu có nhưng lại không được ai kính trọng, điều này khiến ông ta vô cùng phiền muộn. Một ngày nọ, khi đang dạo bước trên phố, ông nhìn thấy một người ăn xin ăn mặc rách rưới. Để có được sự tôn trọng của người khác, ông liền ném một đồng tiền vàng lấp lánh vào cái bát vỡ của người ăn xin. Nào ngờ người ăn xin chẳng buồn nhìn ông ta lấy một cái. Người thương nhân tức giận quát:
“Ngươi mù à? Không thấy ta cho ngươi vàng sao?”
Người ăn xin vẫn không nhìn ông ta, thản nhiên đáp:
“Cho hay không là việc của ông. Không vui thì lấy lại đi”.
Người thương nhân tức tối, giận dữ ném thêm mười đồng vàng nữa vào bát, nhưng người ăn xin vẫn không quan tâm. Thương nhân tức đến mức gần như nhảy dựng lên:
“Ta đã cho ngươi mười đồng vàng nữa, chẳng lẽ ngươi không nên tôn trọng ta một chút sao?”
Người ăn xin uể oải đáp lại:
“Có tiền là chuyện của ông, tôn trọng hay không lại là chuyện của tôi, điều đó không thể cưỡng cầu”.
Thương nhân đành nói:
“Ta sẽ cho ngươi một nửa tài sản của ta, ngươi có thể tôn trọng ta được chưa?”
Người ăn xin đảo mắt nhìn ông ta nói:
“Nếu ông cho tôi nửa tài sản, thì tôi cũng giàu như ông rồi. Tôi việc gì phải tôn trọng ông nữa?”
Cuối cùng, thương nhân nghiến răng nói:
“Vậy ta sẽ tặng toàn bộ tài sản cho ngươi, lần này chắc chắn ngươi sẽ tôn trọng ta!”
Người ăn xin bật cười ha ha:
“Ông cho tôi hết tài sản, thì ông trở thành ăn xin, tôi thành phú ông. Thế thì tại sao tôi lại phải tôn trọng ông?”
Nhà triết học người Đức, Kant từng nói:
“Có hai điều khiến chúng ta luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và kính sợ: một là bầu trời đầy sao lấp lánh trong không trung, hai là quy luật đạo đức trong tâm hồn”.
Câu nói này thể hiện rõ địa vị của Thần Phật và đạo đức trong tâm thức con người, cũng như tầm quan trọng của hai điều này trong đời sống của con người. Tiền bạc không phải là vạn năng – nó chỉ là vật ngoài thân, sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi. Tiền có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không thể mua được một tổ ấm; có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách, nhưng không mua được tri thức; có thể mua thuốc, nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua đồng hồ, nhưng không mua được thời gian; có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự tôn trọng…
Một người dù có địa vị xã hội, danh tiếng, tài năng và giàu có, nhưng nếu không có đạo đức cao thượng thì cuối cùng vẫn không thể nhận được sự tôn trọng từ người khác – giống như nhân vật thương nhân trong câu chuyện kia.
Bất kể là người nghèo hay người giàu, sức hút thực sự của họ đều bắt nguồn từ cảnh giới tư tưởng và đạo đức cao thượng, chứ không nằm ở tiền tài hay quyền lực. Người có đạo đức cao thượng thường có tấm lòng rộng mở, luôn đối xử nhân hậu với người khác, sống vì xã hội, đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân, sống một cách chân thành vô tư, vô ngã. Vì vậy, mọi người đều sẵn lòng gần gũi, kết giao và kính trọng họ.
Do đó, nếu một người muốn nhận được sự tôn trọng từ người khác, thì nhất định phải sống rộng lượng, cởi mở, quang minh lỗi lạc, và có một tâm hồn cao thượng.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975
Ngày đăng: 03-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.