Thắp sáng ngọn đèn tâm (15): Khổ nạn là của cải trong đời người
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Tuy đời người ngắn và khổ, song chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi ấy, bất cứ ai đến thế gian này cũng đều phải chịu đựng các khổ nạn ở các mức độ khác nhau, đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Dù rằng ý nghĩa của đời người không hoàn toàn nằm ở việc chịu đựng khổ nạn, nhưng việc trải qua khổ nạn là con đường mà hầu hết mọi người buộc phải bước qua để đi tới thành công.
Vào tháng 1 năm 1982, những bông tuyết mùa đông bắt đầu rơi ở vùng Trung Nguyên phía Bắc Trung Quốc (vùng trung và hạ lưu sông Hoàng Hà). Trong cơn gió lạnh cắt da, tôi – khi vừa tròn 20 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học đã từ biệt bố mẹ ở quê nhà Sơn Đông và mang theo một kiện hành lý hết sức sơ sài, bước lên chuyến tàu đi tới phố núi trên cao nguyên Thanh Hải với tâm trạng cực kỳ u sầu. Trong bốn năm đại học, tôi đã vô tình đắc tội với một lãnh đạo trong trường, người này đã bố trí tôi tới làm việc ở Thanh Hải – nơi đất khách quê người. Người này cũng chẳng quan tâm đến kết quả học tập đã đạt chuẩn của tôi và còn tước bỏ học vị cử nhân của tôi một cách vô lý. Đối mặt với sự bất công của nền chính trị cường quyền, trong lòng tôi chỉ có một cảm giác là khóc không ra nước mắt.
Bởi vì Thanh Hải nằm ở cao nguyên phía Tây Bắc, nơi đó quanh năm không có mưa, khí hậu khắc nghiệt, nên uống nước cả ngày cũng không làm họng hết khát, còn bị chảy máu mũi nữa. Cộng thêm việc sống ở nơi đất khách quê người, không còn hy vọng có thể trở về quê nhà, tâm trạng chán nản và bi quan lên đến đỉnh điểm, không lâu sau đó tôi đã đổ bệnh. Từ lúc đó tôi bắt đầu suy ngẫm về sinh mệnh và cuộc đời. Trong mơ hồ, tai tôi như vang lên câu nói của cổ nhân: “Trời muốn giao phó trọng trách lớn cho con người, trước hết ắt phải để người đó nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí…”
Sau đó, tôi lại đọc thấy trong sách cổ viết rằng Thái Sử Công (Tư Mã Thiên) từng có một luận thuật sâu sắc về khổ nạn và thành công như sau: “Thời xưa, những người nổi danh vì phú quý thì rồi cũng phai mờ và không được nhớ đến; chỉ những ai xuất chúng phi thường thì mới được đời sau nhớ đến. Tây bá (Chu Văn Vương) bị giam cầm nên diễn giải ‘Chu Dịch’; Khổng Tử gặp nạn nên viết ‘Xuân Thu’; Khuất Nguyên bị đi đày nên viết ‘Ly Tao’; Tả Khâu bị mù mà viết ‘Quốc Ngữ’ … Đại để là các bậc thánh hiền đều trải qua đau thương mà cho ra đời những tác phẩm ấy”.
Điều này khiến tôi nhận ra rằng, với con người mà nói thì sự hưởng thụ của cải vật chất ấy đều là sinh không mang tới, tử không mang theo, giống như mây tan khói tản trong chớp mắt, bất cứ lúc nào cũng có thể tiêu biến. Còn người mà đã kinh qua khổ nạn, có ý chí kiên cường, bẻ trăm lần cũng không cong thì những thành tựu và uy đức mà họ lập nên lại có thể lưu tiếng thơm muôn đời, sẽ không tiêu biến theo thời gian. Vì vậy, tôi đã nỗ lực học thuộc trọn bộ giáo trình tiếng Nhật chuyên ngành tiếng Nhật của Học viện Ngoại ngữ Thượng Hải trong vòng ba tháng. Trong hơn ba tháng này, tôi thậm chí còn chẳng có thời gian cắt tóc, tóc dài đến tận vai, nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua kỳ thi với kết quả cao nhất và nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Tôi đã ra nước ngoài học nghiên cứu sinh và vào Đại học Kyoto nổi tiếng để học lấy bằng tiến sĩ.
Đôi khi nhìn lại những việc đã qua, tôi không khỏi cảm thán vô hạn. Bây giờ tôi đã là một người tu luyện, tôi không chỉ không còn ôm oán hận với những người đã hãm hại tôi vì lợi ích của cá nhân họ, mà tôi còn thường nghĩ rằng: Nếu hồi đó không có những người ấy tạo ra một môi trường khắc nghiệt và khốc liệt, bản thân tôi sẽ không có cơ hội để chịu đựng khổ nạn! Vậy cũng sẽ không có được thành tựu như ngày hôm nay, tôi nên thật lòng cảm ơn họ! Tất nhiên, tôi cũng không thể quên những đồng nghiệp và bạn bè đã chân thành giúp đỡ tôi trong lúc khó khăn. Niềm tin và tín ngưỡng vào Chân – Thiện – Nhẫn khiến tôi luôn biết ơn tất cả những người có duyên với mình trong cuộc đời.
“Lưỡi kiếm bén là nhờ kinh qua sự mài giũa, hoa mai thơm là nhờ chịu khổ trong giá lạnh”. Dù con người trong xã hội hiện đại đều không mong muốn gặp phải những khổ nạn và khó khăn trong cuộc sống, nhưng đời người mà không kinh qua khổ nạn thì khó mà đạt được thành quả khiến người ta phải tín phục. Của cải vật chất hữu hình chỉ có giá trị ngắn ngủi nhất thời, nhưng với con người thì những trải nghiệm trong khổ nạn lại là của cải vô hình, mọi thời khắc đều có thể khích lệ lòng người. Những thành tựu của con người trên thế gian và những uy đức của người tu luyện đều là có được thông qua khổ nạn, vậy nên những khổ nạn đã trải qua chẳng đúng là của cải trong đời người hay sao?
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975
Ngày đăng: 18-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.