Thắp sáng ngọn đèn tâm (6): Người có thể nếm chịu trăm điều nhẫn tự vô lo
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Trong cuộc sống hiện thực, có người tính tình thô bạo, động một chút là nổi trận lôi đình. Có người thì vẻ mặt hiền hậu, nhẫn chịu nhường nhịn, thái độ tốt khiêm nhường đối đãi người khác. Tu tâm trước tiên cần tu đức, dưỡng sinh trước tiên cần khắc chế tức giận. Có thể có người nói, hỷ nộ ái ố là lẽ thường tình của con người, trong thế giới tràn ngập mâu thuẫn, ai chưa từng gặp phải chuyện khiến bản thân tức giận, bực bội, phát cáu kia chứ? Nhưng mà, tức giận phát cáu vô luận là từ góc độ dưỡng sinh thân thể hay là tu tâm dưỡng tính mà nói, đều là có trăm điều hại mà không một điều lợi nào. Người xưa nói: “Nhẫn một chút gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Một người nếu có thể khoan dung độ lượng, nhẫn nhịn không tranh luận, tự nhiên tránh được thị phi, vô ưu vô lo, sống một cuộc đời ung dung tự tại.
Trong “Luận Ngữ – Vệ Linh Công” viết: “Chuyện nhỏ không nhẫn được, sẽ làm hỏng việc lớn”; Tư Mã Thiên viết trong “Sử Ký”: “Chuyện nhỏ không nhẫn sẽ làm hỏng đại sự”; dân gian có các câu ngạn ngữ như “Nhẫn năng sinh bách phú, hòa khả trí thiên tường” (tức là: Nhẫn có thể sinh trăm điều phúc, Hòa có thể dẫn đến nghìn điều tốt lành), “Nhất cần thiên hạ vô nan sự, Bách nhẫn đường trung dưỡng thái hòa” (tạm dịch: Với một đức chuyên cần thì trong thiên hạ không có việc gì khó, với một trăm điều nhẫn sẽ tạo nên bầu không khí hòa thuận). (1)
Trương Công Nghệ thời Đường viết trong bài “Bách Nhẫn Ca”: “Người nhân ái nhẫn được cái nhẫn mà người thường khó nhẫn, bậc trí giả nhẫn được cái nhẫn mà người thường không nhẫn được. Phương pháp của nhẫn là biết suy trước nghĩ sau. Tiêu chuẩn của nhẫn là giả câm vờ điếc. Ai biết nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ. Nhẫn có thể kết hàng xóm láng giềng. Nhẫn mà không màng danh lợi có thể dưỡng thần, nhẫn có thể đứng vững trước cơ hàn. Nhẫn mà cần cù thì của cải có thừa, nhẫn mà không hoang dâm thì vô bệnh tật”.
Khâm sai đại thần triều Thanh là Lâm Tắc Từ trên công đường cũng từng treo cao lời cảnh tỉnh “kiềm chế tức giận”, điều này cho thấy, người xưa Trung Quốc sớm đã nhận thức rõ tính nguy hại của tức giận. Lâm Tắc Từ làm quan đến chức Tổng đốc lưỡng Quảng (Lưỡng Quảng là chỉ Quảng Đông và Quảng Tây), một lần khi làm công vụ không cách nào khắc chế bản thân, trong cơn thịnh nộ ông đã hất chén trà rơi vỡ. Khi đó ông ngẩng đầu lên, nhìn lời răn của bản thân “kiềm chế tức giận”, biết rằng bệnh cũ tái phát, do đó ông tự tay quét dọn chén trà bị vỡ, không để người hầu làm giúp, để biểu thị sự ăn năn của mình.
Khi chung sống với người khác, cho dù gặp chuyện phải trái đúng sai, hễ không vừa ý là phát hỏa, thì đây là biểu hiện của người không có hàm dưỡng. Người tính tình nóng nảy, nên giống như Lâm Tắc Từ, phải hiểu rõ bản thân, tăng cường tu dưỡng, chú ý “kiềm chế tức giận”, tâm bình khí hòa, dùng lý lẽ thuyết phục người, không thể dung túng cho ngọn lửa vô danh trong lòng, nếu không sẽ làm tổn thương người khác và chính mình.
Trung y thời Trung Quốc cổ đại, lý giải rất sâu sắc về chữ “nộ” (怒 tức giận). Trung y cho rằng, tức giận đều do khí sinh ra, khí và nộ là hai anh em song sinh. Do phẫn nộ bất bình, mà nổi giận đùng đùng. Nộ khí (tức giận) sẽ khiến “khí huyết hao tổn, nóng nảy, nộ hại gan”. Những điều này sớm được con người hiểu rõ. Trong cuộc sống hiện thực, cũng không thiếu những người mất mạng vì tức giận, nổi cơn thịnh nộ. Tục ngữ có câu: “Một bát cơm không lấp đầy bao tử, nhưng một chút khẩu khí có thể khiến người ăn no đến bể cả bụng”. Trong lịch sử có câu chuyện nổi tiếng, Gia Cát Lượng Ba lần trêu tức Chu Du, trong cơn thịnh nộ, Chu Du vì tức giận khiến bản thân phun máu tươi mà chết. Con người giận dữ phần nhiều đều do tham lam và tư tâm, hàng xóm cãi nhau, những người trên đường cãi nhau chỉ vì chút lợi ích, hoặc chịu một chút tổn thất. Nếu có thể dùng một trái tim không màng danh lợi đối đãi với công danh lợi lộc trên thế gian, cơn tức giận tự nhiên biến thành nhỏ bé, cũng sẽ không vì chút được mất cá nhân mà nổi trận lôi đình.
Trong cuộc đời mỗi người, luôn gặp phải rất nhiều sự việc khiến người ta cảm thấy tức giận. Nhưng nếu chúng ta có thể chuyển đổi tâm thái tức giận thành thái độ cảm ơn, khiến cho tức giận hóa thành tường hòa, thì sẽ đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng. Hãy cảm ơn người đã làm tổn thương bạn, bởi vì họ giúp bạn tôi luyện ý chí của bản thân; cảm ơn người làm bạn trượt ngã, bởi vì họ giúp bạn tăng năng lực chịu đựng; cảm ơn người lừa gạt bạn, bởi vì họ giúp bạn có trí huệ hơn; cảm ơn người trách mắng bạn, bởi vì họ giúp bạn học được cách nhẫn nại; cảm ơn tất cả sinh mệnh đã kết duyên với bạn trong cuộc đời này, bởi vì sự tồn tại của họ khiến cuộc sống của bạn trở nên muôn màu muôn vẻ.
Ghi chú:
(1) Bách Nhẫn Đường: Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Đường, lúc đó ở Vận Châu có một người tên là Trương Công Nghệ, chín thế hệ cùng chung sống với nhau nhưng lại rất hòa thuận, Hoàng đế Đường Cao Tông cảm thấy rất hiếu kỳ bèn hỏi ông nguyên do. Trương Công Nghệ lấy ra một tờ giấy rồi viết 100 chữ “Nhẫn”. Đường Cao Tông nhà Đường rất khen ngợi và đích thân viết bốn chữ “Bách Nhẫn Nghĩa Môn”. Từ đó, con cháu họ Trương đều lấy chữ “Bách Nhẫn” làm đường hiệu.
Ngày đăng: 07-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.